|
Tác giả trên đường vào cổ tháp |
Bình Định,
nơi đất võ trời văn, một thời từng là thủ phủ của vương quốc Chămpa huy hoàng,
rực rỡ cứ ám ảnh trong tôi qua những vần thơ của Chế Lan Viên viết trong tập
“Điêu tàn” khi mới 17 tuổi: “Đây những tháp gầy mòn vì mong đợi/ Những
đền xưa đổ nát dưới thời gian/ Những sông vắng lê mình trong bóng tối/ Những
tượng Chàm lở lói rỉ rên than”; “Đây, điện các huy hoàng trong ánh nắng/ Những
đền đài tuyệt mỹ dưới trời xanh/ Đây, chiến thuyền nằm mơ trên sông lặng/ Bầy
voi thiêng trầm mặc dạo bên thành”; “Đây, trong ánh ngọc lưu
ly mờ ảo/ Vua quan Chiêm say đắm thịt da ngà/ Những Chiêm nữ mơ màng trong
tiếng sáo/ Cùng nhịp nhàng uyển chuyển uốn mình hoa”... Và sau này, đọc
tập “Lá” của Văn Cao tôi lại thấy hình ảnh của vương quốc này hiện lên qua
những vần thơ đầy ngẫu hứng: “Từ trời xanh/ Rơi/ Vài giọt tháp Chăm/ Quanh Quy Nhơn/ Tôi/ Như đứa trẻ yêu
huyền thoại”. Và rồi cũng lại được biết, chính cái hồn cốt Chăm ấy
cũng nơi cảm hứng để nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết lên những giai điệu đầy tha thiết,
lãng mạn: “Mưa vẫn
mưa bay trên tầng tháp cổ/ Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao/ Nghe lá thu mưa
reo mòn gót nhỏ/ Đường dài hun hút cho mắt thêm sầu”. Cứ như thế, cái “giọt tháp Chăm” có “tầng tháp cổ” ấy của đất Bình Định
đã dụ dẫn đôi chân của tôi phải một ngày tìm đến.
Khi ánh hoàng hôn đang chuẩn bị dần buông, theo
con đường nhỏ dẫn vào chân đồi Đại Lộc (xã Phước Hiệp huyện Tuy Phước) trong
cơn gió chiều lất phất vài hạt mưa bụi như đang thoảng ru trên những bờ lá.
Hình như, dặm cỏ bên đường cũng trở nên xôn xao theo những lá vàng rơi đang
loay hoay tìm chốn đậu trên lối mòn đất đỏ. Cái cảnh vật ấy ban sơ và bình yên đến
lạ. Nó cứ như thể đang dắt nẻo cho tâm tưởng ta trở về với vương quốc Chàm xưa
của người Chăm hàng ngàn năm trước và làm cho không gian đồi vắng như thể thêm
phần huyền bí, linh thiêng. Giữa bốn bề yên ắng, dẫn lên cổ tháp là hàng trăm
bậc gạch dải sỏi quét màu sơn đất đỏ loang lổ như vệt nắng cuối ngày, bất chợt
hiện ra trước mắt, dưới bầu trời lộng lộng là một cụm tháp sừng sững trên giữa
đỉnh đồi. Dưới tán trời xanh biếc, cụm cổ tháp Bánh Ít hiện ra trước mắt tôi
với dáng hình của bốn tòa cao, thấp, dài, rộng và khoảng cách khác nhau nhưng đều
đẹp và quến rũ. Trong cụm tháp ấy nổi bật lên là tháp chính (Kalan) to cao
nhất. Dáng hình ngọn tháp trông tựa như chiếc bánh ít lá gai (một đặc sản của
địa phương, có lẽ vì thế mà người ta gọi là tháp Bánh Ít, người Pháp thì gọi
tháp này là tháp Bạc; ngoài ra tháp còn có tên gọi khác như tháp Cầu Bà Gi,
tháp Thiện Mẫu, tháp Thổ Sơn). Ba tháp còn lại tháp Cổng (Gopura); tháp Hỏa còn
gọi là tháp Yên Ngựa (Kosagrha); tháp Bia (Porsa). Những tháp này có dáng thấp
và nhỏ hơn, trong đó có một chiếc giống hình chiếc yên ngựa ở ngay cạnh tháp
chính. Bốn tháp là bốn lối kiến trúc mang những sắc thái khác nhau nhưng có
điểm chung là tượng thần Siva bằng đá được đặt trên các đỉnh tháp. Tất cả các
tháp đều có cửa chính quay về phương Đông, nơi có mặt trời mọc. Ba phía còn lại
lại ba cửa giả nhưng dáng hình và trang trí đều được làm y như cửa chính. Tháp
chính có chiều cao khoảng gần 30 mét nằm uy nghi trên đỉnh đồi, nơi cao nhất. Vòm
cửa của tháp chính được làm theo hình dáng mũi lao hai lớp, thu nhỏ về phía
trên với những hoa văn hình xoắn kết nối với nhau và được trang trí bằng bức
phu điêu tạc hình Ganesa và hình Haruman.
Ngắm nhìn cụm tháp, ta cứ ngỡ như
đang quay ngược thời gian của hàng ngàn năm xưa để bước chân vào với thế giới
bí ẩn của vương quốc Chămpa (khu tháp được xây dựng vào giai đoạn cuối thế kỷ XI – đầu thế kỷ XII, dưới thời
gian trị vì của hai quốc vương Harivarman IV và V). Ta không khỏi ngỡ ngàng và
kinh ngạc khi được tận thấy trí tưởng tượng và đôi bàn tay tài hoa của những
nghệ nhân thời xưa. Hình dáng ngọn tháp thanh thoát, bay bổng vươn lên trời
cao. Các phù điêu được trang trí, chạm khắc đủ các loại hình từ thế giới thần
linh với tượng thần Siva, tượng thần Uma, thần điểu, thần Gajasimha (mình người
đầu voi), thần bò Nadin cho đến các hình sư tử, quả bầu hay những dải băng hoa
lá chạy dọc... Tất cả những đường nét chạm khắc, xây đắp ấy được làm một cách
tinh xảo và sống động. Từng nhát khắc cứ ngọt ngào, sắc lẹm trên gạch đỏ nhưng
đầy bí ẩn và đạt đến trình độ đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc khiến người xem
không khỏi sửng sốt, thích thú. Bên trong tháp chính có tượng của thần Siva
ngồi trên tòa sen bằng đá. Trải qua hàng ngàn năm, bức tượng gần như còn khá
nguyên vẹn, chỉ bị vỡ một chút ít. Đứng nhìn cụm tháp với phối cảnh trên đỉnh
đồi, đặc biệt là những trang trí điêu khắc trên đỉnh nóc tháp chính nhiều người
đã liên tưởng đến thần thoại Meru và tinh thần Siva giáo (Meru là một dãy núi thần thoại có nhiều đỉnh. Thần
Vishnu tối cao ngự trên đỉnh núi cao nhất. Các vị thần khác, tùy theo mức độ
đẳng cấp, ngự ở những đỉnh núi cao thấp khác nhau trong dãy Meru).
Thả hồn bên cổ tháp với bốn phía
mênh mang cây cỏ xanh biếc, nhìn về phía dòng sông Côn, ta thấy toà tháp Bánh
Ít hiện lên trầm mặc mà đầy kiêu hãnh tựa như nàng công chúa còn đang ngủ quên
giữa khu rừng cổ tích. Trong ánh nắng vàng của buổi chiều hôm, vẻ đẹp trầm mặc
và kiêu hãnh ấy cứ như thể đang phô diễn và hiện ra trước mắt chúng tôi những
bước đi của ngàn năm lịch sử với biết bao mưa nắng bão giông cùng tên bay đạn
lạc. Những ô cửa, những thân tường lở lói, rêu phong trước mắt chúng tôi như
đang nói lên tất cả. Giữa những lặng yên ấy, nghe ra, đằng sau cái yêu kiều đài
các, đằng sau cái thanh thoát bay bổng, tháp cổ vẫn ánh lên những nét trầm mặc
xen lẫn bao nỗi ưu buồn trĩu nặng. Sừng sững, lặng lẽ, cô độc, khu cổ tháp đứng
đó không chỉ quyến rũ người xem mà còn như thể những chứng nhân ngày đêm kể lại
cho đời bao cuộc tang thương dâu bể; gieo vào lòng người những nỗi sầu nhân thế
với bao nỗi niềm thương luyến.
Lặng yên bên tháp cổ, tôi như đang
thả hồn trở về cái thời huy hoàng một thuở mà tưởng ra rằng, bên bờ sông Côn
phía dưới chân đồi, trong ánh trăng vàng, những cô gái Chăm đang lộng lẫy xiêm
y đầu đội vò xuống sông lấy nước và rộn ràng hát ca. Và nữa, như thể trước mặt
tôi, ngay bãi cỏ kia, những thiếu nữ Chăm ngực nở căng tròn, đầu đội bình gốm
nhảy múa, uốn éo uyển chuyển, nhịp nhàng theo từng tiếng trống Paranưng, theo
từng tiếng khèn Sarani... Dưới ánh trăng khuya, những vũ nữ trong điệu múa apsara như
thể đang làm nghiêng ngả đêm trời huyền ảo của muôn thủa ngày xưa ấy cứ thế
hiện về khiến tôi ngây người mê mẩn. Cảnh mơ mà cứ ngỡ như thực làm cho không
gian tháp cổ hiện về sao thấy bàng bạc, liêu trai.
Vẫn biết,
thời gian như một dòng sông không bao giờ ngưng chảy. Và cái dòng trôi vô tình
đầy nghiệt ngã ấy cũng sẽ làm cho mọi vật sinh ra trên nó rồi cũng mất đi một
cách tự nhiên trong nó. Tất cả, đều đặn theo vòng quay của nhịp hải hà. Bởi thế
có những giá trị sáng tạo của ngày hôm nay rồi đến ngày mai cũng sẽ trở thành
xưa cũ. Cứ thế, dòng sông thời gian ấy lại đưa ta cập bến với những giá trị
sáng tạo mới với những vẻ đẹp mới. Tuy vậy cũng có những giá trị nghệ thuật xưa
cũ dù đã lùi hẳn vào trong dĩ vãng, phủ lên mình những lớp trần tích của thời
gian nhưng cũng đã được chính thời gian là thứ ánh sáng làm tường chân những vẻ
đẹp đích thực của quá khứ. Những tháp Chăm trên dặm dài dẻo đất của miền Trung
yêu dấu, trong đó tháp Bánh Ít là một trong
những cụm tháp cổ nhất trên đất Bình Ðịnh là một minh chứng cho những
điều vừa kể.
Có lẽ,
cũng bởi những giá trị ấy, cụm tháp Bánh Ít đã được một nhóm nhà khoa học người
Anh chọn đưa vào cuốn sách “1001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời”
và đây cũng là công trình cổ duy nhất của Việt Nam có mặt trong cuốn sách này.
Có đến nơi đây, có được trải nghiệm cảm xúc bên những tầng tháp cổ ta mới thấy
thích thú và mê say những phế tích của một thời kỳ huy hoàng đã một đi không
trở lại; ta mới thấy được cái ngẫu hứng và nỗi niềm tâm trạng của Văn Cao: “Từ trời xanh/
Rơi/ Vài giọt tháp Chăm/ Quanh Quy Nhơn/ Tôi/ Như đứa trẻ yêu huyền thoại”.
Phan Anh
Bài viết hay quá! Tôi xin phép quý Bản trang, quý tác giả được đọc trên kênh Youtube của mình?
Trả lờiXóa