|
Bìa "9 thập kỷ tân nhạc Việt Nam"
Lê Thiên Minh Khoa |
Kỳ 3: CA SĨ THỊ TRƯỜNG NGÀY NAY
Lĩnh vực sáng tác, quảng bá ca khúc đã
vậy, ở khía cạnh biểu diễn, việc trở thành ca sĩ dễ bề nổi tiếng, nhanh chóng
mang lại thu nhập cao đã tạo ra trào lưu đổ xô đi làm ca sĩ. Thậm chí, ngay cả
với những người không có giọng hát nổi trội cũng bằng mọi cách để đứng trên sân
khấu. Từ một người vô danh, nếu "đầu quân, đầu tư" vào một “lò” nào đấy,
với sự hỗ trợ tối đa của công nghệ âm thanh thời hiện đại, lập tức một hoặc một
dàn "ca sĩ" ra đời và cứ đà ấy sẽ là những "ngôi sao",
"siêu sao"; những pa này nọ... Đời sống âm nhạc hiện nay của nước ta
đã "đầy phè" những ca sĩ kiểu đó.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nhận xét: “Ca sĩ bây giờ đa số chỉ chú trọng ăn mặc, make-up cho đẹp và lên sân
khấu hát thì sau lưng có một đám múa. Nhưng ít chú trọng đến xúc cảm âm nhạc,
không để tâm hồn vào bài hát”.
Có người nhờ sự hỗ trợ của vũ đạo,
trang phục sexy mà che đi khuyết điểm trong giọng hát của mình như câu thành
ngữ mới: lấy mắt bù tai! Như một nữ ca sĩ trong Oh my chuối được đưa lên trang Youtube
với mấy bộ váy áo cũn cỡn, vũ điệu gợi dục mà được chú ý... Hoặc, gây
sự chú ý bằng những scandal đời tư hơn là những trau dồi về mặt chuyên môn. Thay vì tìm
lối đi riêng, dày công tập luyện thanh nhạc, rèn luyện vũ đạo, tham gia các
chương trình âm nhạc có tính chất cống hiến, không ít ca sĩ trẻ mải mê với các
gameshow để đánh bóng hình ảnh, hoặc sa vào thể hiện lại những ca khúc mà những
ca sĩ nổi tiếng một thời đã hát, như trong các chương trình: Gương mặt thân quen, Giọng ải giọng ai,
Gương mặt thân quen nhí, Phiên bản hoàn hảo...
Một số trong họ lại chạy theo thời
thượng, hát nhạc lãng mạn tiền chiến và tình khúc 1945 - 1975, làm “biến dạng”, “méo mó”
các dòng nhạc vốn sang trọng, thanh nhã này.
TS - NS Nguyễn Hồng
Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN trong bài viết
như là tổng kết đánh giá toàn diện về âm nhạc Việt hiện thời “Âm nhạc Việt Nam trên đường đổi mới và hội
nhập quốc tế” đã viết: “Các ca sĩ, các “Diva”, các Sao, các giọng
ca dòng nhạc nhẹ nổi lên một thời gian như cồn nhờ công nghệ lăng xê’’.
Nhiều giọng ca trẻ bắt chước giọng
hát, cách phát âm, nhả chữ... đến dáng điệu, y phục, trang điểm, cử chỉ và
phong cách biểu diễn của các ca sĩ đàn chị mà quên rằng: trong văn học nghệ
thuật nói chung và trong âm nhạc, nói riêng, cả trong sáng tác lẫn biểu diễn, rất
kiêng kỵ sự lặp lại người khác. Người nghệ sĩ muốn thành công, trước tiên phải
“không giống ai’ nghĩa là phải có phong cách riêng. Thậm chí, Như Quỳnh, ca sĩ
của dòng nhạc này, trở về Việt Nam từ Mỹ làm giám khảo cuộc thi Thần
tượng Bolero,
trong buổi gặp gỡ báo giới
TP. HCM vào đầu năm nay, 2018 cũng chia sẻ: "Họ đang chịu ảnh hưởng và bắt chước thế hệ trước. Nói ra điều này, nếu
các ca sĩ trẻ có chê trách, tôi cũng đành chịu. Các giọng ca gạo cội như Giao
Linh, Thanh Tuyền, Thanh Thúy, Hoàng Oanh... mỗi người đều có chất giọng đặc
biệt, không thể lẫn lộn. Tôi mong thế hệ sau sẽ có được giọng ca, âm điệu để
cất tiếng lên, khán giả không cần nhìn mặt vẫn nhận được đó là ai".
Trong nền âm nhạc thị trường, một số giọng ca
nổi tiếng thành danh với những dòng nhạc khác cũng không thể bỏ qua sức hút
cũng như lượng công chúng đông đảo của những ca khúc bolero như Cẩm Ly, Quốc
Đại, Phương Thanh… Ngoài ra, một số ca sĩ trẻ như Quốc Thiên, Phương Vy...
cũng đã chọn bolero để làm mới mình, trong đó album Quốc Thiên - Tình ca vượt
thời gian cũng được đánh giá tốt.
Điều gây bất ngờ
nhất là ba ca sĩ hàng đầu của
dòng nhạc học thuật là Khánh Hòa, một giọng ca thính phòng vốn
"đóng đinh" với nhiều ca khúc về chủ đề người lính, biển đảo, biên
cương; Hoàng Tùng, giải Nhất phong cách thính phòng Sao mai 2003 và Lan Anh, một giọng
ca opera sang trọng, đã không chỉ dừng lại ở việc "hát chơi" như
Trọng Tấn, Anh Thơ mà còn ra hẳn những album Bolero, đầu tư hòa âm, phối khí
mới cho các ca khúc… Có điều Khánh Hòa, một
giọng ca thính phòng nổi tiếng; Hoàng Tùng, vốn được đánh gía là giọng ca có kỹ
thuật điêu luyện và Lan Anh, một trong những giọng ca opera nữ số 1 Việt Nam
hiện nay khi từ lối hát học thuật của thính phòng chuyển thành chất bảng lảng
xưa cũ của những hoài niệm, khán giả cũng không khó để nhận ra họ đã thay đổi,
với một cách hát hoàn toàn khác. Cho nên có người đã đặt câu hỏi: Họ hát bolero
là vì đam mê thực sự hay là vì chạy theo trào lưu?
Đặc biệt là Phương Thanh với giọng hát dường như sinh ra cho
rock đã khiến khán giả bất ngờ khi ra mắt album Chanh Bolero. Một cách
hát nhạc xưa rất lạ, không quá sướt mướt, mùi mẫn, không sến sẩm, nhưng buồn mà vẫn đẹp, vẫn cao sang của
nữ ca sĩ đã trở thành một hiện tượng âm nhạc tích cực của dòng nhạc bolero VN.
Nhưng Phương Thanh là trường hợp hiếm hoi, đa số các ca sĩ
từng nổi tiếng “lúc trước hát tốt, tôi thích, nhưng giờ chạy theo hát
nhạc vàng bị mất chất” như ý kiến của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Trả lời phỏng vấn về ca sĩ
thị trường ngày nay, ông có những nhận xét rất chân thành, thẳng thắn, bình tĩnh, có trách
nhiệm và nhiều trăn trở đối với giới ca sĩ và thậm chí với từng ca sĩ đang ăn khách hiện nay. Có ca sĩ thì “cái gì cũng tốt nhưng đều bị vướng vướng kỹ thuật thanh nhạc nên nhiều lúc nhạc
cảm không có, tâm hồn bài hát không có”. Có ca sĩ thì “đóng kịch nhiều hơn là hát, khi diễn tả nội tâm, diễn kịch tính nhưng
đóng kịch chứ không thật.”. Có ca sĩ
hát “chỉ nghe vui mắt, vui tai,
nghe qua xong rồi thì thôi, không để lại
ấn tượng gì hết”. Có ca sĩ trước “hát cho thỏa đam mê còn sau này, bị gò bó
vào kỹ thuật để khoe giọng, và vô tình giết chết tình cảm. Người nào cũng phô
trương, tôi phải hát giọng cao tới nốt đó tôi mới là ca sĩ, còn hát chưa tới
thì chưa phải là ca sĩ. Cái đó là sai lầm tai hại vô cùng và không ai chấp
nhận”.
Người am hiểu và yêu âm nhạc rất lo lắng khi thấy nhiều ca sĩ
nhạc thính phòng được đào tạo về thanh nhạc nhiều năm trong nhạc viện, một số
được phong là Nghệ sĩ ưu tú bởi những cống hiến cho dòng nhạc sang trọng, trí
thức này, cũng vì đồng tiền đã bỏ sở trường là nhạc hàn lâm của mình chạy qua mảnh đất đang màu
mỡ là nhạc thị trường này. Đáng buồn hơn là khi thấy họ đứng nghiêm
trước những lời “úynh giá” của các ca sĩ nhạc sến đàn chị mà họ “khẩu phục”, vì đứng trước một nền ca nhạc bị thương mại
hóa, trong khi chắc chắn họ không “tâm phục”, vì họ chắc chắn đã chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi một dòng âm
nhạc cao cấp hơn thấm sâu vào tim óc,
máu thịt họ nhiều năm rồi!
Những năm gần đây, người ta còn mời nhiều ca sĩ sến ở hải
ngoại về Việt Nam và tổ chức những đêm nhạc “hoành tráng” trên khắp ba miền đất
nước để các ca sĩ này hát những bài ca rên rỉ,
nỉ non… một thời. Thậm chí, có nơi còn “sính” hàng ngoại và “đồ cổ quá
đà”, đến nổi phải mời họ làm giám khảo cho những cuộc thi ca nhạc, hội diễn do
địa phương mình tổ chức để truyền bá một nền văn hóa, văn nghệ mới!
(Kỳ tới: CÔNG CHÚNG CA NHẠC THỜI NAY)
Lê Thiên Minh Khoa
(Trích trong cuốn sách “9
THẬP KỶ CA KHÚC TÂN NHẠC VIỆT NAM” - nghiên cứu & nhận định của Lê Thiên
Minh Khoa - sắp xuất bản, 2018).
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét