Ngô Vĩnh Nguyên tên thật là Ngô Thanh Hòa sinh năm 1955 tại
An Trường, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Hiện tại là Tổng biên tập báo Trà
Vinh. Hội viên hội Văn học nghệ thuật tỉnh Trà Vinh.
Các sáng tác chính:
·
Hậu Si da (Truyện ngắn 1990),
·
Tro (Thơ 1991,2011),
·
GDP (thơ 2012)
Lời mọn
hoa quả vườn nhà
chưa thông chưa tinh
nương một chữ tình
mời chị mời anh
đọc lấy thảo.
Ngô Vĩnh
Nguyên hiện tại là Tổng biên tập báo Trà Vinh. Thơ Ngô Vĩnh Nguyên là giọng thơ lạ rất đặc thù
không thể lẫn lộn. Anh em văn nghệ vẫn đùa vui thơ Ngô Vĩnh Nguyên là "đặc
sản" của thơ ca Trà Vinh. Trên con đường sáng tạo thơ ca Ngô Vĩnh Nguyên
luôn có những cách tân mạnh mẽ trên phương diện ngôn từ. Anh chấp nhận sự khác
biệt, chấp nhận một lượng độc giả khiêm tốn để anh có một bản ngã. Thơ anh mang
cảm hứng triết luận, đào sâu vào cái tôi nội cảm, tìm kiếm những cách biểu đạt
mới mẻ qua hình thức câu thơ tự do, xóa bỏ những ràng buột khuôn khổ của vần điệu
để mở đường cho những trường liên tưởng của người đọc, tạo nên những hứng khởi
trong quá trình tiếp nhận.
Từ tập "Tro" cảm hứng triết luận
đã trở thành suối nguồn cho hứng khởi sáng tác của Ngô Vĩnh Nguyên. Anh triết
luận trước mọi vấn đề. Đọc thơ anh tôi luôn có cảm giác anh truy vấn vào bề sâu
tất cả những gì anh thấy, những gì anh cảm. Đây chính là một đặc điểm tạo nên vẻ
đẹp trí tuệ cho thơ Ngô Vĩnh Nguyên. Nhưng cũng chính vẻ đẹp trí tuệ ấy lại là
cái khó, cái rào cản cho người tiếp nhận. Vậy nên với thơ Ngô Vinh Nguyên, tôi chạm
vào đây là đang “húc” vào một vấn đề khó. Tôi nhớ đã đọc một bài viết của GS
Nguyễn Đăng Mạnh về thơ Hoàng Cầm trong đó ông phân biệt hai loại phạm trù thơ:
"Phạm trù thơ và phạm trù siêu thơ.
Thuộc phạm trù thơ là những thi phẩm hay hoặc dở nhưng đều có thể hiểu được, giảng
được một cách rành mạch. Còn bước vào phạm trù siêu thơ là bước vào một thế giới
khác, thế giới siêu nhiên, siêu thực. Một thứ thơ hướng nội ở độ sâu thẳm nhất.
Nó đi hẳn vào cõi tiềm thức, vô thức và diễn tả bằng chính ngôn ngữ mông lung
vô thức. Cố nhiên sáng tạo thứ thơ này phải là một nhân cách vô cùng trung thực,
trung thực với mình trung thực người. Vì
ở đây, ranh giới giữa sự chân thực và giả trá thật hết sức mong manh. Đây là thế
giới không tuân theo logich thông thường, không nói năng bằng cú pháp bình thường.
Lời lẽ, chữ nghĩa, hình ảnh như phi lí vô nghĩa. Nghĩa đen không có mà nghĩa
bóng cũng cảm thấy mơ hồ" (Mấy ý nghĩ về thơ Hoàng Cầm nhân đọc
"Mưa Thuận Thành" – In trong tập Nhà văn Việt Nam hiện đại chân
dung và phong cách). Thơ Ngô Vĩnh Nguyên phần nhiều rơi vào phạm trù thứ
hai, phạm trù siêu thơ.
Người mẹ là một đối tượng thẩm mĩ lớn trong sáng tạo
thơ ca của Ngô Vĩnh Nguyên. Từ tập "Tro" đến tập "GDP",
Ngô Vĩnh Nguyên đã dành nhiều trang thơ để triết luận về sự hy sinh cao cả của mẹ. Có khi mẹ được nhìn
trong những cảm xúc đối lập, những đau đớn trong cơn vượt cạn, những nụ cười
bên con thơ vừa mới chào đời. Đó là những khoảnh khắc rất giản dị đời thường
nhưng thiêng liêng xiết bao:
Lúc con sắp chào đời
Trong cơn đau xé ruột
Mẹ níu cha khóc ròng
Khi con vừa ra đời
Quơ môi tìm vú mẹ
Mẹ mỉm cười.Mẹ ơi!
(Mẹ)
Có khi mẹ được nhìn trong cái nhìn thần thánh hóa "Phật
là một người phụ nữ đã làm mẹ".
Nếu bạn không tin
Phật
là một người phụ nữ đã làm mẹ
hãy hỏi bọn trẻ con
xem
ai là người chúng tôn thờ
Nếu
bạn vẫn chưa tin
hãy
hỏi tên khát máu
giọt
nước mắt của ai làm cho hắn bình tâm
Và
nếu bạn nhất quyết không tin
hãy
hỏi chính mình
xem
ai là người mà bạn không thể nào từ bỏ
thần thánh nhưng không xa xôi hư ảo mà gần gũi bời vì
mẹ là " người mà bạn không thể nào từ
bỏ"
Có lúc từ câu hát ru xưa: "Đàn ông đi biển có đôi – Đàn bà đi biển mồ côi một mình",
anh đã "Biến khúc trên chủ đề hát ru" ấy để rồi thêm một lần
nữa khẳng định người mẹ, người vợ luôn là những con người đi đến tận cùng của sự
hy sinh:
Đàn bà đi
biển
mồ côi
cuộc vượt cạn
(chỉ rồi)
khi mắt nhắm tay xuôi
Đàn ông mở
mắt ham vui
hồi trống tiễn biệt
(chưa chắc)
cuộc chơi cuối cùng.
Trong thơ anh người đọc cảm nhận được nỗi đau khôn
nguôi trước sự ra đi về cõi vĩnh hằng của mẹ. Đó là những vần thơ đầm sâu nỗi niềm
tự vấn.
Bên cạnh mẹ, Ngô Vĩnh Nguyên dành một tình cảm đặc biệt
đối với vợ:
Người đời khóc vợ bằng thơ
nước mắt nhểu thành câu chữ
dẫu khóc thật vẫn phải lựa vần chọn tứ
chia bớt cho người nỗi bơ vơ
tôi cũng khóc vợ bằng thơ
như mọi người chỉ khác :
vợ tôi chưa chết
tuổi nàng còn đang xuân
nợ đời chưa trả hết
tôi vấn lòng tôi tìm tiếng khóc
lục trong lương tri niềm thương xót
nếu mất nàng tôi sẽ ra sao
nếu mất nàng tôi thật có đau?
Đây là một thi đề không mới, xưa Trần Tế Xương đã làm
văn tế cho vợ, mặc dầu bà Tú vẫn còn tại thế. Điểm đồng điệu giữa bài thơ này
và bài văn tế xưa của ông Tú Thành Nam đó là tình cảm rất đỗi chân thành dành
cho người vợ đã một đời gắn bó. Để rồi với tư duy đối thoại Ngô Vĩnh Nguyên mở
rộng cái nhìn vào cuộc sống, ông cật vấn những người chồng đã từng tiễn biệt
người vợ đã đầu ấp tay gối với mình:
vòng hoa vô tri dẫu sặc sỡ sắc màu
lời ai điếu dẫu lâm li đớn đau
cáo phó được đóng khung trang trọng
đừng hòng mua nổi chữ chung tình
dán lên mặt người còn sống.
Có lẽ là một nhà báo nên cảm hứng thế sự luôn là một cảm
hứng lớn trong thơ Ngô Vĩnh Nguyên. Những
cái xấu, cái chưa tốt trong xã hội xuất hiện trong thơ anh dưới cái nhìn phản
biện quyết liệt:
Nồi cơm mẹ nấu
Ơ cá cha kho
Em vô đồng ấu
Ô thời đội nón
Ơ thì thêm râu
Ê a em đọc
Đọc ô huyền dù
Đọc ơ huyền nồi
Mẹ cười buông roi
Tội lắm con ơi
Ơ mình kho quẹt
Muối mặn tái môi
Ô nghèo mất nón
Dù đâu mà đội.
(Đồng ấu)
Bài thơ này xoáy sâu vào một hiện thực đang tồn tại
trong xã hội, hiện tượng "ô dù". Tứ thơ hết sức độc đáo, từ chuyện
đánh vần của trẻ nhỏ mà anh có thể liên tưởng đến hiện tượng "ô dù"
hai chuyện hoàn toàn chẳng ăn nhập gì nhau. Nhưng bài thơ vẫn thuyết phục bời
trò chơi "chiết tự", chơi chữ đặc sắc của tác giả.
Nếu ở "Tro" cảm hứng thế sự chưa
thật đậm, thì ở "GDP" cảm hứng thế sự đã trở thành một thanh âm chủ đạo.
Anh phê phán lối "Từ thiện" mua danh đang diễn ra nhan nhản trong đời
sống. Anh bất bình trước sự giả dối của những "Cái bắt tay".
Anh "ngứa mắt" trước những bộ thời trang lai căng mất gốc ("Thời
trang và giọt sương"). Anh lên án chiến tranh phi nghĩa:
Khát vọng trẻ
Hitler cầm cọ vẽ
phác thảo tâm hồn Đức
từ cảm hứng
trữ tình Heine
giai điệu Beethoven
và minh triết Goethe
thuốc phiện
giống nòi thượng đẳng
Hitler vẽ bằng gậy
màu chết chóc
màu hơi ngạt
bóng đen bàn tay lật úp
đường nét tên lửa V2
vết xích xe tăng con cọp
bố cục thảm họa
bức tranh vĩ cuồng
tâm hồn Đức trọng thương.
(Bố cục
thảm họa (I))
Rồi anh triết luận thật gay gắt trước những mệnh đề "hòa
bình - chiến tranh", anh đối thoại với cả Nobel để nhận ra chân giá trị của
những giải thưởng Nobel:
Ai đó nói
bắt đầu một ngày sống
bằng một ngày chết chóc
Nobel cậy nhờ các nhà khoa học
khám phá bí ẩn cái nôi sự sống
tìm ra gạo ngon
kéo dài tuổi thọ
mở đường vào vũ trụ
hóa ra
còn có bom hình nấm
có người da cam
ông hy vọng vào thi ca
các nhà văn liều mình lắng nghe bom đạn
thư viện đầy ắp những trang viết
về chiến tranh
khiêm nhường bánh mì và hoa hồng
góc nhỏ nhện giăng
ông chờ đợi những nỗ lực vì hòa bình
nửa giải đã về tay kẻ chuyên đi gây chiến
ông gởi gắm cho các nền văn hiến
có dân tộc tự mình diệt chủng
man rợ hơn thời trung cổ
tin nóng
giá trị giải thưởng hằng năm
đủ cứu đói triệu người châu Phi
tương đương bữa tiệc
dành cho hai người buôn vũ khí
ai đó đã nói
một ngày sống không khói
không có thật.
Tôi viết bài này vào những lúc tình hình biển Đông đang
nóng bỏng. Đọc lại bài thơ "Bố cục thảm họa (II)" tôi
cảm thấy hả hê lòng dạ. Trí tuệ của người viết đã trở thành một thứ "roi
đau" quất lên dã tâm của "anh cả Trung Hoa" đang muốn lăm le độc
chiếm Biển Đông.
Gởi hồn vào tranh thủy mặc
Tề Bạch Thạch hóa tôm
tung tăng ao trong
hậu thế ông dựng tranh thủy tặc
tôm hóa lưỡi bò
hung hăng vũng đục.
Để rồi từ cảm hứng công dân ấy, ông đã tiếp tục viết
những vần thơ thật hào sảng:
Và một ngày
chúng ta nghe được tiếng reo của đá
núi Việt mở hội tòng quân
những Thần Tản
những Thánh Sóc
những Voi Phục
những Trường Sơn
những Thất Sơn
ngàn năm canh giữ Thơ Vua
những viên đá cổ xưa
ung dung phủi rêu xung lính
phiên vào những binh đoàn
giong buồm ra khơi
dựng thành đồng Tổ quốc
kính chào những viên đá công dân
trẻ lại trong cô bé, cậu bé ham nuôi heo đất
bạn sinh viên cắt giờ vào mạng
nhiều thêm tin nhắn
góp đá tôn cao nước nhà
hòa cùng lớp trẻ
cụ già nhín chút lương hưu
anh xích lô thêm mấy vòng quay chật vật
chị bán rau bớt phần xanh bữa ăn đạm bạc
người bán vé số cuộc đời nhàu nát
cũng muốn có tên mình
ngày đá reo vui
chiến binh đá
những người anh em không biết mặc cả
không suy tính thiệt hơn
nắm tay nhau lèn chặt niềm tin
bên cạnh người tư lệnh-người lính
ôm cờ Tổ quốc đi vào lòng biển.
Tôi yêu quý bài thơ này biết bao, bài thơ lấy cảm hứng
từ một cuộc vận động có ý nghĩa của báo Tuổi Trẻ: Nhắn tin góp đá xây Trường Sa. Bài thơ như một bức tranh cổ động khổ
lớn mà ở đó mọi giai tầng chung tay góp sức xây Trường Sa. Những viên đá vô tri
đã được "gọi hồn" xung trận "nắm
tay nhau lèn chặt niềm tin - bên cạnh
người tư lệnh-người lính - ôm cờ Tổ quốc đi vào lòng biển"
Có thể nói tư duy nghệ thuật chủ đạo trong thơ Ngô
Vĩnh Nguyên là tư duy thơ đối thoại. Anh đối thoại, anh tranh biện với mình, với
mọi người, với tất cả những gì anh thấy kể cả đối thoại với nghề nghiệp của
mình, với thơ ca. Đọc thơ anh, tôi thích thú nhất về điều này. Trong cuộc tranh
biện thường phần thắng thuộc về người thông minh sắc sảo ứng đối mau lẹ, về
phương diện này tôi nghĩ Ngô Vĩnh Nguyên là người sắc sảo. Tuy nhiên thảng hoặc
có đôi chỗ sự thông minh đã khiến lí trí lấn át tình cảm làm vơi đi ít nhiều chất
thơ. Anh đối thoại với con trai trong "Một ý tưởng tặng con trai"
để con anh nhận chân giá trị của lòng dũng cảm trong tình yêu. Anh đối thoại với
mình để xót xa cho một tuổi thơ "rách
mướp mưa bom bão đạn", để nhận thức giá trị của thời gian, để hiểu thế
nào là "Thiện và ác", để hằng hà sa số giá trị của cuộc sống
được anh bày ra trang thơ mà xăm soi, mà truy vấn. Thậm chí anh còn muốn đối
thoại với chữ nghĩa với thơ ca:
Đi nhiều ngày đàng
chưa được sàng khôn
lại về
quanh quẩn rổ may
của bà
của mẹ
của em
lượm vải vụn
còn đọng mùi hương
còn vương hơi ấm
đường cắt rất khéo
đường đời rất êm
những mảnh vụn hình chữ
hạnh phúc
khổ đau
niềm vui
nỗi buồn
niềm tin
hy vọng
không tìm thấy mảnh tham
không tìm thấy mảnh hận
(Chữ vụn)
Sau bao năm trong trường văn trận bút, anh nhận ra chữ
nghĩa có giá trị chính là cuộc đời và tâm hồn của những người phụ nữ sống thầm
lặng hy sinh. Và chính điều này tôi nhận thấy những bài thơ của anh viết về mẹ,
về vợ là những vần thơ có sức lay đọng sâu xa trong lòng người đọc.
Thơ tình vốn là mảnh đất màu mỡ cho cho những trực cảm
yêu đương. Nó luôn chối từ một cách quyết liệt "cái lí" bởi bản thân
thứ tình cảm này chứa đựng trong mình vô vàn điều nghịch lí. Cũng như bao nhiêu
người làm thơ khác Ngô Vĩnh Nguyên cũng có những vần thơ viết về tình ái. Thế
nhưng nhân vật trữ tình trong thơ anh thường yêu bằng lí trí (chắc vì đây là
"tạng" thơ anh) nên dù rất thông minh sắc sảo nhưng lại thiếu cái đắm
say vốn là chất men không thể thiếu trong tình yêu.
Trời Sài Gòn mưa rồi chợt nắng
em
khóc rồi cay đắng nhiều thêm
nhà
thờ Đức Bà lặng im
nếu em đau hai tôi giàu hơn hai ấy
em đã đi
em không ngoảnh lại
gạch đỏ tầng tầng nhân thế
viên tôi đằng đông viên em đằng tây
cách nhau khoảng không cầu nguyện
dưới vòm yêu của Chúa
Chúa đã lặng thinh
em tôi còn muốn nữa
muốn
cả đời
tay
ở trong tay
viên gạch Chúa trao người thợ xây
đâu hay em khóc giữa trưa nay.
Bài thơ
hay ở tứ thơ độc đáo " viên tôi đằng đông viên em đằng tây "
nhưng tôi đọc đi đọc lại nhiều lần cứ tự thấy nhân vật trữ tình yêu như thế này
thì còn tỉnh quá! Khi yêu mà con người ta cứ muốn thấu thị nó bằng cái nhìn lí
trí phải rõ ràng rành mạch thì hóa ra lại làm mất mát đi nhiều vẻ đẹp của thứ
tình cảm đặc biệt này.
Thơ Ngô Vĩnh Nguyên cho người đọc những bất ngờ trong
biệt tài tạo dựng những tứ thơ độc đáo. Bài thơ "Được tin em lấy chồng"
là một bài thơ như thế:
Mơ ước chỉ một đôi
Đời cho cả hai đôi
Bốn người mấy bi kịch
Phủ buồn lên chiếc nôi?
Tôi thích bài thơ này ở giọng bông đùa nhưng lại không
kém phần da diết, đem hai yếu tố trái ngược ấy gói vào trong một tứ tuyệt quả
thật khiến người đọc không khỏi ngạc nhiên. Ở một bài thơ "Tích
ngọc" anh lại phát hiện một sự đối lập khác:
Trai ngậm miệng
uống cạn biển
chờ nhát dao
tận hiến
người đeo ngọc
ngậm miệng
lời ngọc
hiếm.
Thiên nhiên đã tận hiến để dâng cho đời cái đẹp sao
con người lại tiết kiệm chi "lời ngọc" để cuộc đời này người với người
càng sống đẹp với nhau?
Ngô Vĩnh Nguyên có giọng thơ hài hước, giọng tự trào. Giọng
thơ anh có lúc hay đùa nhưng đó là cái đùa trí tuệ chứ không đùa tếu, không chọc
cười mua vui thuần túy. Cái hài hước của anh bao giờ cũng để lại trong lòng người
đọc những suy nghiệm:
Hoa Sơn luận kiếm
Bắc Cái lim dim
Có rượu không mồi
Đông Tà làm thinh
Không sợ điều tiếng
Nam Đế chỉ Phật
Phật cười nửa miệng
Tây Độc chưởng bóng
Điên vẫn biết chạy
Tụi nhỏ lên ngôi
Kung-fu tình ái
Kim Dung bất hoại
Nhờ món vô chiêu.
(Luận Kiếm)
Hai câu thơ cuối cùng là hai câu thơ đưa những vần vè
tếu táo "nhập quốc tịch" thơ ca.
Ở bài thơ khác anh đùa với cả nguyệt lão, vị thần cai
quản duyên nợ nhân gian
lứa đôi dang dở
nguyệt lão tích dây tơ
chờ giá.
(Thị Trường)
Hình như trong mắt anh cả thần thánh cũng bị cuốn xoáy
vào cơn lốc thị trường đang làm thay đổi nhiều giá trị trong cuộc sống. Rồi anh
còn "Thách
cả nàng hắc cơ":
Nàng hacker tốt bụng
chuyên tấn công những mạng buồn
và con tim đã vui trở lại (*)
xin treo lời thách khoảng trống trong tôi
dám vào không?
Đùa vui với người, với thần, với đời, chưa đủ anh còn
đùa với cả bản thân mình:
Ướm thử tứ thơ
lượm được trên đường
xanh mặt
khấn
bớ ba hồn bảy vía thằng Hòa
về mau
đóng cửa
ta dạy nhau
kẻo không còn kịp nữa.
(Thơ nhử)
Tuy nhiên bên cạnh giọng thơ gân guốc với những châm
biếm, trào lộng trí tuệ có những lúc giọng thơ của anh cũng mềm hẳn đi nhất là
những lúc cảm hứng thế sự của anh đồng điệu với những mảnh đời cơ cực.
Chị bước ra
từ cánh gà/con hẻm
đèn sân khấu/rực rỡ ban mai
gõ gậy dò đường/nhịp song loan
chị cất giọng Út Bạch Lan
nghe vọng cổ buổi sáng
phố mắc nghẹn
hò/xự/xang.
(Vọng cổ buổi sáng)
Trong nghệ thuật tranh biện phương đông, hình tượng
luôn được người tranh biện sử dụng như một dụng cụ đắc lực để làm nền tảng cho
lập luận của mình. Phải chăng vì điều này mà khi đọc Ngô Vĩnh Nguyên một đặc
trưng dễ thấy nữa là thơ anh đầy hình ảnh. Trong giới sáng tác thơ tỉnh nhà,
tôi nhận thấy anh là người có biệt tài hơn cả trong việc kiến tạo hình ảnh thơ:
hình ảnh thơ để tả tình, hình ảnh thơ để tả ý, hình ảnh thơ để diễn tả khái niệm,
hình ảnh thơ để cụ thể hóa những gì trừu tượng, hình ảnh tả thực, hình ảnh cách
điệu, hình ảnh tượng trưng, hình ảnh này chồng lên hình ảnh khác. Thế nên đôi
khi người đọc, đọc thơ anh họ phải xoay trở rất nhiều, nhoài người ra lần tìm ý
tứ sâu xa của tác giả được đan dệt trong hệ thống thi ảnh phức tạp. Thơ anh kén
người đọc một phần là do yếu tố này.
Thơ văn xuôi là hình thức thơ xuất hiện không phổ biến
trong thơ ca Trà Vinh. Ngô Vĩnh Nguyên cũng đã thử nghệm:
Người chồng trẻ tuyên bố với vợ mới cưới
ta sẽ cho các con bầu trời tự do mặc sức
tung hoành thỏa chí tang bồng.
Người vợ tủm tỉm cười thoáng chút âu lo
em chỉ cầu mong cái ổ rơm nhà mình đủ
rộng, phên giậu đủ ấm, hũ gạo không trống.
Điều khoản hợp đồng có phần thiên vị
nghiêng về phía người chồng.
Hai bên vui vẻ hợp sức tung ra cho đời
một lũ nhóc tỳ nghịch như quỷ sứ, chạy
nhảy lung tung; đứa bưu đầu, đứa mẻ trán,
đứa đau, đứa đói. Cái ổ rơm đầy thương binh.
Bàn tay thần y xuýt xoa xót lòng từ mẫu.
Cái ổ rơm thần kỳ. Chúng lại ra đi.
Nội dung hợp đồng đến giờ vẫn còn lưu
lại trong tính cách mỗi đứa con; người
quen mỗi khi gặp lại đều gật đầu làm
chứng: bọn trẻ giống họ quá chừng!
(Hợp đồng hôn nhân)
Ngô Vĩnh Nguyên còn thể nghiệm kiểu thơ chú trọng hình
thức trong bài thơ "Ngư chữ". Đây là kiểu thơ được thể nghiệm từ những
thập kỉ 40 của thế kỉ trước (như những bài thơ hình cánh cò, hình thoi, hình bậc
thang…)
bủa lưới
tung chài
đánh úp
dòng sông
hiện thực
mắt
láu liêng
loạn thị
tai
ù đặc
cái tôi
chật
chợ văn
vắng
bay biện
tôm-cá-rác
ngư chữ
lẻng xẻng
bội thu
lẻng xẻng
lạnh.
Dù cách tân, nhưng tư duy nghệ thuật của Ngô Vĩnh
Nguyên chưa bao giờ đoạn tuyệt với văn chương dân tộc. Thơ anh vẫn lấp lánh cái
nhìn của ca dao trong "Vịn cây trúc", "Mắc cạn",
vẫn nồng nàng hơi thở của những câu hát ru trong "Biến khúc trên chủ đề hát
ru". Đọc thơ anh, tôi ngửi được cái mùi vị nồng nàn của đồng quê,
những câu chữ lấm láp bùn đất cứ chạy nhảy tung tăng bên cặp kính minh triết mà
thành vần thành điệu.
Cho đến thời điểm người viết bài này, thể thơ haiku
chưa được sáng tác một cách phổ biến ở Trà Vinh. Có thể xem Ngô Vĩnh Nguyên là
người đi tiên phong trong việc khám phá thể thơ đặc biệt này. Trong tập "GDP"
anh có một loạt bài thơ Haiku khá độc đáo thể hiện những bước đi thể nghiệm rất
đáng khích lệ.
Nét độc đáo của thơ Haiku Ngô Vĩnh
Nguyên là sự phá cách mạnh mẽ trên bình diện thi pháp truyền thống của thơ
Haiku. Thơ Haiku của Ngô Vĩnh Nguyên có khi là một khái quát về lẽ biến dịch
của cuộc đời và nỗi hoài vọng về một thời vẫy vùng ngang dọc giờ đã xa
hổ trụi lông
tiếng gầm lặn
đáy mắt mọc răng.
Có khi anh lại đem đến cho thơ haiku chất tinh nghịch
hiếm thấy:
cây thuốc và cây độc
thi leo đỉnh
thần núi mất dép.
(Giám khảo)
Có khi lại là những trăn trở trước những cuộc đấu đá
hãm hại lẫn nhau giữa người với người để rồi chợt thức ngộ:
dìm nhau xuống bùn
người hóa sen
ta lấm.
(Sen)
Có khi lại là những lo âu dự cảm trước sự độc ác của
người lớn để rồi thế hệ trẻ là thế hệ chịu đựng hậu quả: Thế hệ lạnh giá tình
người
người vặt lông người
bọn trẻ lớn lên cụt cánh
kéo nhau về miền băng giá.
(Chim cánh cụt)
Còn biết bao
nhiêu điều thú vị về thơ Haiku của ngô Vĩnh Nguyên mà trong khuôn khổ chật hẹp
của bài viết này người viết chưa có dịp đi sâu. Hi vọng trong tương lai anh vẫn
tâm đắc với thể loại thơ này để người viết có dịp đi sâu khảo cứu toàn diện
hơn.
Như đã nói ở trên trường hợp thơ Ngô Vĩnh Nguyên là
"một ca khó", để dựng được chân dung thơ này, người viết cần thêm thời
gian, cần thêm sự trải nghiệm. Mấy ý nghĩ nhỏ biết rằng chưa thể làm thỏa lòng
những người đã yêu mến thơ Ngô Vĩnh Nguyên nhưng biết làm sao khi "lực bất
tòng tâm". Đây là chân dung thơ mà bản thân tôi còn cần phải nghiền ngẫm
thêm, nghiền ngẫm thật nhiều…
Tân Hiệp, những ngày đầu tháng 8 năm 2012
Trầm Thanh Tuấn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét