Nguyễn Thị Mây tên thật là Uông Thị Ngọc Vân sinh
03.05.1953 tại Long Đức, Trà Vinh. Các
sáng tác đã được phổ biến:
- Truyện dài: Biển tím, Tín hiệu mùa xuân.
-
Truyện ngắn (hơn 200 truyện ngắn) với những tác phẩm tiêu biểu đạt giải thưởng
trong các cuộc thi như:
- Chim
mồi ngày ấy (giải A - Tâm hồn Cao thượng, Báo Tuổi trẻ)
- Bà
Cọp (giải C - Tâm hồn cao thượng , báo Tuổi trẻ)
- Khuấy
động cõi chết (Giải nhất UBDSKHHGĐ TV năm 1996)
- Chuyện
của tôi và Sương (Giải khuyến khích, báo Khoa học – Đời Sống)
- Người
thắp lửa (giải 3 UBBVCSTE TPHCM , 1998 và giải 3 tác phẩm báo chí đoạt giải do UBBVCSTE
VN trao
2000)
- Ruộng
đồng thầm lặng (giải 2, báo Cần Thơ, năm 1998)
- Cái
đầu lân báu vật (giải 3, báo Thiếu niên Tiền phong HCM, 1999)
- Cảm
ơn Bác sĩ (giải 3, UBBVCSTE VN, năm 2000)
- Khoảnh
khắc mùa xuân (giải nhất-Tùy bút Xuân Ấm năm 2009, báo Tuổi trẻ online)
- Lời
nhắn yêu thương (giải nhất, báo Sức Sống mới online, 2009)
- Chốn
bình yên ngày cũ (giải khuyến khích cuộc thi chủ đề Góc nhà bình yên, năm 2010
báo Tuổi trẻ)
Ngoài ra tác giả còn có nhiều tác phẩm được đăng tải trên
nhiều tờ báo từ trung ương đến địa phương.
Nguyễn Thị Mây sở trường
với thể loại truyện ngắn có cốt truyện tương đối đơn giản nhưng giàu sức gợi,
thấm đẫm giá trị nhân. Đặc biệt, Nguyễn Thị Mây có nhiều sáng tác hay về mảng
đề tài thiếu nhi vốn là mảnh đất còn khá hoang sơ của văn học Trà Vinh.
Có thể nói truyện ngắn không là thế mạnh thực sự của văn học Trà Vinh. Người viết truyện ngắn
thành công không nhiều. Trong lượng người viết khiêm tốn ấy Nguyễn Thị Mây nổi
lên như một cây bút truyện ngắn đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Sáng
tác đã nhiều năm từ "chiếu nhỏ" đến "chiếu lớn" truyện Nguyễn
Thị Mây rất có duyên được đăng báo. Đặc biệt là truyện ngắn dành cho các em nhỏ,
các em trong độ tuổi mới lớn.
Truyện ngắn Nguyễn Thị Mây không thu hút người đọc ở cốt
truyện phức tạp, tình tiết lâm li bi đát mà truyện ngắn của Chị làm say lòng độc
giả ở giọng văn tinh tế di dỏm giàu giá trị nhân văn. Không có điều kiện đọc hết
những tác phẩm của chị, tôi chỉ có trong tay tập bản thảo "Ruộng đồng thầm lặng"
của chị (Gồm 20 truyện ngắn) và những tác phẩm chị đăng trên trang web cá nhân. Tuy nhiên, với từng ấy những tác phẩm đã được chọn lọc kĩ càng thiết nghĩ cũng
đã đủ cho người viết có thể khắc họa một chân dung văn học tiêu biểu trên địa hạt
truyện ngắn. Đặc biệt trong bài viết này, người viết muốn đi sâu vào khám phá
thế giới nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Thị Mây
Nhân vật nổi bật trong thế giới nghệ thuật của Nguyễn
Thị Mây đa số là những cô gái mới lớn với những rung động trước tình yêu đầu đời
đầy xuyến xao. Đó là Bằng Lăng với mối tình thầm lặng thủy chung với chàng trai
nhân hậu tên Đạm trong "Bâng khuâng hoa trắng".
Đó là cô bé Hương Ngâu với cái răng đau đáng yêu trong "Biến chứng".
Đó là Thúy, đứa "Con gái thường hay cười". Đó là cô Nguyên với những
nỗi niềm chờ đợi xa xăm về chàng sinh viên Tâm thuần hậu đang bươn chãi giữa đô
thành với nhiều nghề khác nhau. Đó là Bình Yên cô gái tinh nghịch trong "Thám
tử tình". Đó là "cô giáo Giao" với định
nghĩa tình yêu ngộ nghĩnh trước chàng sinh viên năm nhất tên Trung. Không biết
có phải vì chuyên ngành chuyên môn của mình là tâm lí giáo dục mà chị đã có những
chân dung nhân vật đáng yêu trong những phản ứng tâm lí "rất con gái". Chính những điều đó đã tạo nên những đặc sắc
trong nghệ thuật phân tích tâm lí nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Mây.
Nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Mây còn có một
tình yêu đậm sâu với quê hương dù miền quê ấy có nghèo nàn lam lũ. Đó là chất
nhân văn lan tỏa trong "Ruộng đồng thầm lặng".
Trong truyện ngắn này chị đã tạo dựng hai nhân vật dù là chị em nhưng cách nghĩ
của họ luôn trái ngược nhau. Một cô Quỳnh thông minh, xinh đẹp, giỏi giang
nhưng bị những hào nhoáng phù phiếm của đô thành cuốn mất, một đứa em (nhân vật
xưng tôi) "xấu xí ngờ nghệch",
là "đóa hoa súng dật dờ trên mặt ao
ngầu đục" nhưng sau khi tốt nghiệp sư phạm cô lại chọn miền quê nghèo
đã từng bao bọc cả một đời tuổi thơ lam lũ của cô. Điều này đã làm ấm lòng những
người thân của cô đã một đời gắn bó với mảnh đất này. Hơn thế nữa, tình yêu quê
hương còn được đồng nhất trong tình yêu đôi lứa. Trong truyện ngắn "Sóng ầm
ào quanh đây", quan niệm tình yêu của nhân vật Trung gắn tình yêu
với tình yêu quê hương: "Anh hiểu rồi
Giao ơi! Dù có đến chốn phồn hoa đô hội mà mình vẫn nhớ về chốn cũ và không sao
quên được người con gái năm xưa là mình đã yêu rồi! Phải không Giao?". Đọc
truyện ngắn "Hương vị quê nhà", một truyện ngắn thể hiện bút pháp
vững vàng của Nguyễn Thị Mây, chúng ta nhận thấy sức mạnh giúp người đàn bà đầy
khổ đau vì bị bội bạc có thể gượng sống trong kiếp tha hương nơi quê người xứ lạ
là nhờ "hương vị quê nhà",
mùi sầu riêng vườn ngoại. Để rồi cũng chính mùi hương ấy đã trở thành động lực
để nhân vật "xưng tôi" trở về "Ngày
mai, New York ở lại sau lưng, cùng với
quá khứ xa xôi, phiền muộn. Ngày mai, tôi về với quê hương. Khi rời
khung cửa máy bay, tôi sẽ lại là tôi năm nào. Vườn sầu riêng của ngoại
mùa nầy chắc nở đầy hoa tím ngát!
Ôi, hương sầu riêng rồi lại bủa vây tôi"
Vẻ đẹp truyện ngắn của mình Nguyễn Thị Mây còn thể hiện
ở cách xây dựng những tính cách nhân vật với cái nhìn vị tha bao dung trước cuộc
đời ngang trái. Ở "Bâng khuâng hoa trắng" Đạm thể hiện một nghĩa cử vô
cùng cao thượng, đối với người vợ kế của cha, người đàn bà cay độc đã hành hạ
mình, Đạm đã dang đôi tay vị tha cưu
mang, một người đàn bà đã già và một đứa em cùng cha khác mẹ tật nguyền, thiểu
năng trí tuệ. Thậm chí anh hy sinh cả hạnh phúc riêng tư của mình để chăm lo
cho họ. Trong truyện ngắn “Người đà bà đuổi theo vầng trăng”,
kết thúc bất ngờ của truyện đã làm sáng lên chất nhân văn cao đẹp thể hiện niềm
tin mãnh liệt vào tình cha con, tình nghĩa vợ chồng không thể phôi pha dù phải
chịu những thử thách khắc nghiệt của nghịch cảnh. Phải chăng vì đặc điểm phong
cách này mà bao giờ những kết thúc của truyện Nguyễn Thị Mây bao giờ cũng là những
kết thúc có hậu?
Nhân vật người phụ nữ trong tryện ngắn Nguyễn Thị Mây
đa phần là sự kết tinh những phẩm chất đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Mà nổi bật
nhất là sự hy sinh cao cả. Đành rằng văn học cổ kim trong khi miêu tả vẻ đẹp
nhân cách của người phụ nữ, đức hy sinh là một phẩm chất không thể thiếu. Thế
nhưng các nhân vật người phụ nữ của Nguyễn Thị Mây cũng không rơi vào khuôn sáo
mà vẫn tươi mới chất hiện thực sống động trong cuộc đời thường. Ai có thể quên
sự tận hiến của Má Sáu trong truyện ngắn "Người canh giữ đền thiêng"
đã cho thế hệ hôm nay một lời giải đáp thật mĩ mãn về cội nguồn sức mạnh của
con người Việt Nam đã tạo nên những chiến thắng thần thánh trong những năm
tháng chống giặc ngoại xâm. Một người mẹ đã hiến dâng năm đứa con yêu của mình
cho tổ quốc để rồi trong cuộc sống thường nhật mẹ lại tiếp tục hy sinh những
quyền lợi cá nhân của mình khi mẹ đã dành trọn ngôi nhà tình nghĩa mà xã hội đã
tri ân trao tặng cho một lớp học tình thương. Ai có thể quê hình ảnh của một bà
mẹ người Hoa đã nuôi nấng con chồng như con đẻ trong truyện ngắn "
Tiếng gõ cửa đêm". Sự vỡ lẻ của cô Lành cuối thiên truyện như là một
nét cọ cuối cùng hoàn thiện chân dung một người mẹ khổ đau nhưng giàu lòng nhân
hậu vị tha. Và những ai đã đọc "Nỗi buồn nhan sắc" chắc hẳn
cũng không thể quên Bích Nga, người mẹ tội nghiệp đã quên bản thân để cho chồng
cho con một cuộc sống đủ đầy để rồi cái mà cô nhận được là sự phản trắc bôi bạc
của chồng và sự ghẻ lạnh của con. Nhưng cuối truyện cô đã quay về như một chiếc
phao cho những người thân yêu nhất của cuộc đời mình đang ngụp lặn trong cơn ba
đào của cuộc đời, những con người đã từng ném vào cô nỗi đau đớn tận cùng….
Bên cạnh sự hy sinh, những người phụ nữ trong tác phẩm
của Nguyễn Thị Mây còn thể hiện sự mãnh liệt trong tình yêu. Tình yêu của họ
thường kín đáo, không buông tuồng nhưng lại không kém phần quyết liệt và lãng mạn.
Trong truyện "Người đàn bà theo đuổi vầng trăng", mẹ của Thư đã từ
bỏ cuộc sống của một tiểu thơ danh giá tài năng chấp nhận đi theo ba Thư một
sinh viên nghèo kiết xác lại mồ côi cha mẹ chấp nhận một cuộc sống khốn khó nơi
sườn núi cheo leo. Để rồi khi đã lớn khôn Thư lại chấp nhận "yêu một người nghèo" mà hơn
ai hết Thư là người đã hiểu rõ bi kịch của mẹ mình đã trả giá cho sự chọn lựa ấy.
Một điều rất lạ là trong các tác phẩm của mình, Nguyễn Thị Mây thường để cho
người con gái là người chủ động nghĩ về tình yêu trước nhất. Đọc hàng loạt các
truyện ngắn "Bâng khuâng hoa trắng", "Bất ngờ phố thị", "Dáng
xuân", "Sóng ầm ào quanh đây", "Thám tử tình"….chúng
ta dễ dàng nhận thấy điều đó. Người phụ nữ trong một số truyện của chị thường
mang trong mình mối tình thủy chung thầm lặng. Đó là cô Bằng Lăng với nỗi buồn
đau đáu trước sự hy sinh cao cả của Đạm trong "Bâng khuâng hoa trắng".
Đó là Nguyên với sự thổn thức trong nỗi đợi chờ Tâm một chàng trai có hoài bão
đang bôn ba nơi đô thị tìm kiếm tương lai dưới mái trường đại học trong "Dáng
xuân". Đó là bà mẹ Uyên trong nỗi đau không thể phôi pha khi nhìn
vào "Những
nhành hoa đã mất"….
Nguyễn Thị Mây bao giờ cũng có niềm tin mãnh liệt vào
CHẤT NGƯỜI ẩn tàng trong cõi sâu xa tâm thức của mỗi con người. Thế nên nhân vật
của chị bao giờ cũng có khát vọng hướng thiện. Trong truyện ngắn "Bâng
khuâng hoa trắng" người dì ghẻ đã sám hối trước những nghĩa cử cao
đẹp của đứa con chồng mà bà đã từng hành hạ. Cha của Thư đã trở thành người
canh biển sau cái chết của người vợ mà ông đã nhẫn tâm đày đọa vì nỗi đau mất đứa
con trai trong truyện ngắn "Người đàn bà theo đuổi vầng
trăng". Trong cái "Xóm Cầu Tàu" đầy dẫy những
mảnh đời "giang hồ tứ chiếng" nhưng qua những thô ráp sần sùi trong
cuộc sống ở họ vẫn dậy lên những nghĩa cử thật đẹp. Đó là tình nghĩa xóm giềng,
sự đùm bộ chia sẻ giữa những con người hoạn nạn. Đó chính là lí do để nhân vật
xưng "tôi" suy nghĩ " Xóm
Cầu Tàu mãi là chốn để nhớ về".
Truyện ngắn của Nguyễn Thị Mây có một phông văn hóa rất
sâu. Đó là phông văn hóa của cư dân ĐBSCL mà đậm đặc nhất là văn hóa của vùng đất
Trà Vinh. Tôi thích thú khi đọc truyện ngắn của chị bởi qua từng tác phẩm tôi luôn bắt gặp những cách nói, những lối
nghĩ suy của con người đang sống xung quanh tôi . Truyện ngắn của Nguyễn Thị
Mây thể hiện tinh tế những cảm nhận văn hóa được khéo léo lồng vào các chi tiết
truyện, lời thoại đặc tả tính cách nhân vật. Truyện "Tà áo Tây Thi"
là một truyện ngắn tiêu biểu. Tình huống truyện rất độc đáo. Đặc biệt là truyện
ngắn này đã cho người đọc thấy được sự hiểu biết sâu sắc của tác giả về
"văn hóa cải lương" vốn là đặc sản của người Nam Bộ. "Nàng Tây Thi bất đắc dĩ"
trong truyện ngắn này sẽ mãi là một hình ảnh đẹp trong lòng bất kì đọc giả nào
có dịp đọc được tác phẩm này. Tôi nhận ra "bản sắc Trà Vinh" trong
truyện ngắn "Thám tử tình" của chị bởi những chi tiết về lễ cúng
biển Mỹ Long đã được chị khéo léo đan cài vào tác phẩm. Đây cũng là một hình thức
"quảng bá hữu hiệu" hình ảnh của quê hương mình! Hơn thế nữa, trong
truyện ngắn của chị tôi nhận thấy chị rất có ý thức tạo dựng lời thoại của nhân
vật phù hợp với giọng điệu của những dân tộc đang cộng cư trên mảnh đất Trà
Vinh. Trong truyện "Tiếng gõ cửa đêm" mặc dù không một lời thuyết minh
nào nhưng người đọc vẫn cảm nhận được đây là một gia đình người Hoa qua cách mà
chị đặt tên cho nhân vật (A Lành, A chẩy, A Muối, A Duồn, Xung Xung), qua lời đối
thoại giữa các nhân vật với nhau: "Ăn
phở gì hia?", "Má mầy không
đẻ được, tao đem con về cho nhờ lúc về già, đòi gì nữa. Phải bỏ công mới được
hưởng chứ. Đó, chưa gì bà ấy đã nhờ mầy rồi. Con nuôi như vậy thôi chứ. Còn muốn
gì nữa". Ở một truyện khác, truyện "Trăng bạc đầu"
lại là những khám phá về tính cách và tâm hồn của những người Khmer hồn hậu. Đọc
truyện ngắn này, người đọc sẽ bắt gặp những không gian văn hóa đặc trưng của
ngườ Khmer. Đó là không khí của lễ hội Chol Chnam Thmây, đó là những điệu múa đẹp
trong tiếng ngũ âm đắm say và tâm hồn đẹp của người mẹ Khmer hết lòng vì con.
Một điều thú vị nữa khi đọc truyện ngắn Nguyễn Thị
Mây, người đọc dễ nhận ra: Nguyễn Thị Mây thường để cho nhân vật của mình theo
nghề giáo. Phải chăng vì chị là một người đã cống hiến cả một thời thanh xuân
cho sự nghiệp trồng người, một nghề nghiệp mà chị đã đeo đuổi cả một đời với biết
bao tâm huyết?
Tôi không có điều kiện đọc các sáng tác viết cho thiếu
nhi của chị, thế nhưng nhìn vào bảng danh mục "truyện ngắn viết cho thiếu
nhi" của chị, người đọc có thể thấy được đây là cả một gia tài văn chương.
Văn học thiếu nhi là một điểm yếu của Trà Vinh. Nguyễn
Thị Mây đã trở thành tác giả thành công bật nhất xét từ khía cạnh văn học dành
cho thiếu nhi của tỉnh nhà. Đây là đề tài thú vị mà khi có điều kiện tôi sẽ
khám phá.
Tuy nhiên khi đọc truyện ngắn của Nguyễn Thị Mây, tôi
có những suy nghĩ. Ưu điểm lớn trong các tác phẩm truyện ngắn của chị đó là
tính giáo dục rất cao, đây vốn là chức năng "nhân học" của tác phẩm
văn chương. Thế nhưng có một số truyện ngắn tác giả đã ra mặt nói hộ cho nhân vật.
Do vậy mà tính tự nhiên của tác phẩm đã bị giảm sút ít nhiều. Quá trình tự nhận
thức, bừng ngộ của một số nhân vật diễn ra quá nhanh, đột ngột cũng làm người đọc
cảm thấy hụt hẫng, chưa được thuyết phục…
Mấy ý kiến nhỏ về một khía cạnh trong truyện ngắn
Nguyên Thị Mây, chưa thể làm hài lòng những người đã và đang đọc, đang yêu quý
tác phẩm của chị. Nhưng với điều kiện của người viết hiện nay chắc chỉ có thể dừng
lại ở mức độ này.
Với số lượng lớn các tác phẩm tùy bút và truyện thiếu
nhi của Nguyễn Thị Mây, đây sẽ là mảnh đất màu mở để người viết có thể tiếp tục
khắc họa chân dung của chị, một cây bút vững vàn của văn chương đương đại tỉnh
nhà.
Trầm Thanh Tuấn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét