Từ những năm
ngồi trên ghế nhà trường, những năm tháng trên giảng đường đại học, văn chương
trung đại luôn là một niềm đam mê lớn của tôi. Những vần thơ của Nguyễn Trãi,
Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương... luôn xanh tươi trong
tâm hồn tôi, trên những bước đường giảng dạy văn chương trong nhà trường phổ
thông của tôi. Có lẽ
vì điều đó mà khi đọc thơ
mã Giang Ba, tôi một cảm tình đặc biệt, bởi vì trong hồn thơ của người con sông
Mã ấy luôn phảng phất một nét hoài cổ, một chút u hoài xưa cũ xuyên thấm vào từng
dòng thơ.
Lần giỡ từng trang thơ của thơ của Mã giang Ba, ta dễ
gặp những tựa đề "Dấu xưa", "Hoài niệm mùa xanh", "Hoài niệm
tháng năm", "Hạ xưa", "Mùa hương xưa", "Gỗ đá
hoài xuân". Ngày trước, chưa biết mặt, chỉ biết anh qua những bài thơ xuất hiện
trên văn nghệ Trà Vinh, tôi đã rất ấn tượng với bút danh Mã Giang Ba, sóng sông
Mã. Đọc thơ anh nhiều càng quý hơn, xót xa hơn cho nỗi lòng của người tha hương
luôn đau đáu về nơi chôn nhau cắt rốn:
Thấm vào thịt da phù sa sông Mã
Có vị chua vị mặn đồng phèn
Có bóng mẹ chong đèn mùa lũ
Có bàn tay cha vạm vỡ can trường.
Đọc
những dòng thơ trong bài thơ "Đất gọi", tôi đã đắng
lòng trước những câu thơ da diết nỗi niềm:
Chẳng nói gì, tiễn con đi
Mẹ tôi nhón tay xuống đất
Lấy ít phù sa hòa vào bát nước.
Giản dị, lạ kỳ
Đất chảy vào mạch tim tôi hừng hực
Như máu thần tiếp sức
Bước chân người đi xa.
Hình
ảnh xúc động này liên quan đến một tập quán cũ nơi quê
nhà. Người ở lại mong người ra đi "giữ chút quê nhà" để khi đến vùng
đất mới không bị bệnh vì phong thổ khác. Ngoài cái ý vị mộc mạc ấy mà bà mẹ quê
đã gửi gắm một niềm tin tuyệt đối, tôi còn thấy ở đó biết bao nhiêu nước mắt,
biết bao nhiêu sự xót xa.
Những vần
thơ tự thuật của Mã Giang Ba luôn là những vần thơ có sức ám ảnh lớn trong tôi. Thơ anh mang thân phận ly hương
đau đáu:
Non
mười năm xa cách
Đau
đáu lòng quê đất gọi người
(Đất
gọi)
Vì phận người, vì cuộc đời, anh lại phải vào Nam trong
dặm dài cõng chữ đến với những tâm hôn non dại bé bỏng ở một miền xa nơi phương
Nam heo hút để những vần thơ ngậm ngùi:
Nay
tôi lại đi xa
Bàn
chân thăm đồng còn lấm đất
Áo
tắm sông còn dính phù sa
Vẫn
tự nhắc mình một điều duy nhất
Hãy
đừng rửa chân
Hãy
đừng phơi áo.
(Đất
gọi)
Anh làm thơ,
có khát vọng tạo dựng được một góc riêng, một phong cách được khẳng định:
Mười
năm tập làm thơ
Mong
ngày ngồi chiếu giữa
Với mong muốn "ngồi
chiếu giữa" của tao đàn. Đừng vội nghĩ anh háo danh, ngông ngạo. Bất
kỳ một người sáng tạo văn nghệ nào khi bước vào trường văn trận bút chẳng muốn
tạo dựng cho mình một chỗ đứng vững chắc trong lòng người đọc. Đây là khát khao
chân chính của những con người muốn cháy hết mình cho nghệ thuật, cho thi ca.
Tuy nhiên anh vẫn ý thức trọn vẹn
phận thơ của một người thơ ở tỉnh lẻ!
Tao
đàn không còn chỗ
Bút
với đèn ngẩn ngơ!
Để rồi anh nhận
thức được một hiện thực trói buột cuộc đời của người sáng tạo nghệ thuật trước
gánh nặng cơm áo gạo tiền:
Mười năm tỉnh một cuộc chơi,
Vũng lầy cơm áo trói đời tài hoa.
Đọc thơ anh, tôi thấy trong anh có nhiều điều mâu thuẩn.
Lúc thì tôi thấy anh "kiêu bạc" với
những vần thơ "ngông":
Có khi ngẫm tự khen mình
Cái men kiêu bạc coi khinh bạc vàng
Giắt lưng vài chữ làm sang
Câu thơ con cóc nghênh ngang với đời.
Lúc lại thấy anh ngậm ngùi cho phận đời bất đắc chí.
Có đêm lần đốt ngón tay
Tính xem đã mấy tháng ngày tiêu hoang
Bước chân sinh kế long đong
Hùng tâm tráng chí cũng xoàng xĩnh thôi!
(Có khi)
Trong bộn bề của cuộc sống hôm nay, "văn chương hạ giới rẻ như bèo",
thế nên với người làm thơ, "bước
chân sinh kế" đã trở thành một gánh nặng, ít ai sống được bằng nghề viết
văn làm thơ. Nhưng trên hết, dù trong hoàn cảnh nào anh vẫn giữ được cái khí
khái của người cầm bút. Anh gọi mình là người tài hoa "Vũng lầy cơm áo trói đời tài hoa", là người có "hùng tâm tráng chí",
là người có "men kiêu bạc ".
Tôi thấy anh rất gần với các nhà nhà nho tài tử ngày xưa.
Là người hoài cổ, thế nên cảm
hứng lịch sử luôn là một cảm hứng lớn trong thơ Mã Giang Ba. Anh thể hiện sự
chiêm nghiệm của mình trước những chiến công của dân tộc, khi lại đắm mình
trong những suy tư trước số phận của những nhân cách lớn nhưng có cuộc đời long
đong bất hạnh, bất đắc chí. Viết
về đề tài chiến tranh với một người chưa nằm trong cuộc chiến, để viết hay viết
xúc động, là một thách thức lớn. Tôi thích bài "Tản mạn tháng Tư"
của Mã Giang Ba, một bài thơ hai tiêu biểu cho đề tài này. Trong "Tản
mạn tháng Tư" anh dựng không khí, anh liên tưởng, anh triết luận tạo
nên âm điệu sinh động. Những câu thơ tài hoa, đầy sức ám ảnh:
Tháng
Tư
Mẹ
già ngồi bên thúng vá
Bầu
trời quê rách nát mây giông
Lặng
thầm sợi tơ sợi tóc
Đường
chỉ nào luồn vết sẹo vào trong
Những
người vợ hiền như hoa gạo hoa vông
Hừng
hực chờ chồng
Lặng
im hóa đá.
(Tản
mạn tháng Tư)
Câu thơ "Đường chỉ nào luồn vết sẹo vào trong" là một câu thơ hay, giàu liên tưởng.
Chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu đã ghi một dấu
son chói lọi vào lịch sử dân tộc. Trên địa hạt văn chương, chiến dịch Điện Biên
Phủ là một đề tài có sức hấp dẫn lớn đối với người cầm bút. Cũng viết về Điện
Biên Phủ nhưng ngòi bút Mã Giang Ba không hướng tới những bức tranh khái quát rộng
lớn về cuộc chiến thắng thần thánh ấy của dân tộc mà anh lại tập trung khắc họa
hình ảnh chiếc xe thồ, một kỷ vật giản dị nhưng lại khiến ta nhắc nhớ đến sức mạnh
vô song của cả dân tộc:
Năm chục năm rồi bao nhớ bao thương
Những chiếc xe thồ trên đường chiến dịch
Đánh cược thời gian bằng niềm tin cổ tích
Đánh cược kẻ thù bằng lưỡi búa Thạch Sanh.
(Chiều
Điện Biên trên chiếc xe thồ)
Chiếc xe thồ đơn sơ nhưng đã đi vào lịch sử, mang vẻ đẹp của sử thi:
Xe ta thồ hàng thồ cả ánh sao khuya
Thồ cả hậu phương tình quê nghĩa xóm
Qua đồng Mường Thanh tới vùng Hồng Cúm
Qua bùn lầy châu thổ đến trung du.
Để rồi khi
làm xong nhiệm vụ nó nép mình trong ký ức, chỉ được lần giỡ bên những mái đầu
đã pha sương khi nhắc lại chuyện chiến trường:
Bạn
cũ vài người thi thoảng gặp nhau
Kể
chuyện chiến trường mái đầu bạc trắng
Chiều
Him Lam chẳng bao giờ tắt nắng
Sau
chiếc xe thồ chiến thắng lại về theo.
Trong số những
tài hoa kim cổ, Mã Giang Ba đặc biệt hâm mộ Nguyễn Du. Hậu thế có nhiều thơ hay
viết về Nguyễn Du, trong những bài thơ hay ấy, Mã Giang Ba cũng có những cảm
nghĩ riêng, tôi nghĩ bấy nhiêu đó thôi, Mã Giang Ba cũng đã làm ấm lòng Tố Như để bên kia thế giới, người thơ Tiên Điền sẽ không mãi băn
khoăn "Không biết ba trăm năm lẻ nữa – Người đời ai khóc Tố Như
chăng" (2)
Kẻ yêu thơ nào mấy ai ngờ
bữa Nguyễn Du mang khát vọng tự do
vào cung cấm
Tự Đức đập bàn đòi đánh mấy trăm
roi
người thơ thành thiên cổ
nhà vua tự đánh mình.
(Gặp
Nguyễn Du bên bến Văn Lâu)
Đọc câu thơ này làm tôi nghĩ đến một giai
thoại. Khi vua Phổ sắp qua đời, ông gọi Mô-da đến và ông nói đại ý "Ta tượng trưng cho sức mạnh ngươi
tượng trưng cho nghệ thuật. Sau khi ta chết đi hậu thế sẽ quên ta mà nhớ mãi
nhà ngươi". Đây là những lời minh triết của một vì vua sắp từ giã thế
giới này như chứng mimh một chân lý: Sức sống bất diệt của nghệ thuật. Thế nên
mặc dầu vì câu thơ tạc tượng Từ Hải lồng lộng giữa trời tự do "Trên đầu nào biết có ai là gì"
mà Nguyễn Du bị Tự Đức đòi nọc ra đánh (Lúc này nguyễn Du đã qua đời). Thế
nhưng sau những ba đào của lịch sử, Nguyễn Du lại sống mãi trong lòng dân tộc
chính nhờ với những vần thơ như thế.
Mã Giang Ba có nhiều bài
thơ được gợi hứng từ đỉnh cao văn chương trung đại việt Nam, "Truyện
Kiều". Tôi có ấn tượng
rất sâu sắc với những bài thơ như thế của Mã Giang Ba. Tôi có cảm giác khi
những cảm xúc của anh được cộng hưởng với nỗi đau của những nhân vật trong "Đoạn trường Tân Thanh" thường
giúp anh sáng tạo nên những vần thơ có chiều sâu, gợi được nhiều suy tư trong
lòng người đọc. Anh rất hay tìm thấy
sự đồng điệu với Kiều, người ca nhi tài hoa bạc mệnh bậc nhất trong văn chương
thời trung đại. Trong bài thơ "Mộng Nghi
Xuân" anh tự đồng nhất mình với thân phận nàng Kiều:
Câu thơ chạm nỗi niềm xưa
Người đi thôi đã... bây giờ là tôi
Ngập ngừng chiếc lá muốn rơi
Mùa thu như cũng khóc người thiên thu.
Người làm
thơ sáng tác được bài thơ hay, đoạn thơ hay là một niềm hạnh phúc. "Mộng
Nghi Xuân" là một bài thơ hay mà đoạn thơ đang dẫn lại là đoạn thơ
tài hoa bậc nhất trong toàn bài. Tôi đọc thấy sự đồng cảm đến tận gốc rễ nỗi
đau của Kiều qua cái nỗi niềm tương lân của người đồng cảnh. Hiểu phận đời tha
phương đầy trắc trở của anh, đọc câu thơ "Người đi thôi đã... bây giờ là tôi" mới
thấy thấm thía biết chừng nào.
Ở bài thơ
"Lời cầu cho em" lại là một sự đồng cảm khác. Xưa Kiều đã
đẫm lệ xót thương cho phận mõng cùa Đạm Tiên khi nàng "Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên
hương" và trong tiết thanh minh nàng quạnh hiu trong cảnh "Sè sè nắm đất bên đường – Dàu dàu ngọn
cỏ nửa vàng nửa xanh". Nay Mã Giang Ba trước nắm mộ vô chủ cũng lại
thảng thốt:
- Em không phải Đạm Tiên
Sao ta lại hóa Kiều ?
Anh có
nhiều năm giảng dạy "Truyện Kiều", đặc biệt là đoạn trích "Kiều
ở lầu Ngưng Bích", tôi đồ rằng khi sáng tác bài thơ "Bóng
Thu", anh đã viết bằng những đồng cảm sâu xa trước nỗi cô đơn tê
tái mà Kiều phải chịu đựng trước khoảng không hoang vắng tịch liêu ở lầu Ngưng
Bích:
Cánh chim nào giữa mù khơi,
Dường như cũng kiệm chút lời gọi nhau.
Ngưng Bích lâu. Ngưng Bích lâu,
Bốn trăm năm trước mối sầu Kiều nhi.
Phải chăng
vì lẽ này mà nhiều bài thơ của Mã Giang Ba đằm sâu hơi thở của "Truyện
Kiều", trở thành một phong cách đặc thù dễ khu biệt với các tác
giả thơ khác của tỉnh nhà?
Khuất Nguyên, nhà thơ vĩ đại
đầu tiên của Trung Quốc vì nỗi đau đời thống thiết đã phải trầm mình xuống dòng
Mịch La oan nghiệt. Thơ cổ kim viết về ông không ít, Nguyễn Du có bài thơ chữ
Hán "Phản
chiêu hồn" nổi tiếng, giờ đến anh lại tiếp bút người xưa đối thoại
với nhà lớn thời cổ đại ở Trung Quốc:
Đêm nay mịt mù mưa bão
Bên sông thắp nén hương trầm
Ngâm lại đôi vần thơ cũ
Chạnh thèm một tiếng tri âm.
(Đêm mưa bão nhớ Khuất Nguyên)
Khác với
Nguyễn Du, nếu như trong "Phản Chiêu hồn" người thơ
Tố Như đồng cảm mạnh mẽ với Khuất Nguyên ở khía cạnh con người xã hội khi ông khăng khăng không muốn hồn của Khuất
Nguyên quay về thế gian bởi: "Người
đời sau ai ai cũng là Thượng Quan – Trên mặt đất đâu đâu cũng là sông Mịch
La" (3) thì trong bài thơ này
Mã Giang Ba lại thể hiện mối đồng cảm với Khuất Nguyên ở khía cạnh con người nghệ sĩ mà điều anh quan tâm
nhất đối với người nghệ sĩ vẫn là sự đồng điệu tri âm, thế nên bài thơ kết thúc
bằng một câu hỏi khắc khoải:
Người đi rồi, hỡi người ơi
Ly tao ở lại giữa đời ai ngâm ?
Đôi khi bị nỗi buồn vây kín Mã Giang Ba muốn thoát tục,
lánh vào cửa Thiền để tìm sự bằng an trong tâm hồn:
Mở lời kinh nguyện
Rửa
sạch lòng phàm
Pháp
xa chuyển chuyển
Đuốc
tuệ bừng bừng
Ngồi
như đá núi mắt trừng trừng soi.
(Tự bạch)
Nhưng hình như với anh, cuộc sống muôn màu muôn sắc của
cõi tục vẫn luôn có một hấp lực lớn lao mà đặc biệt là tình yêu trần thế. Phải
chăng vì điều này mà anh lại có sự đồng cảm sâu xa với nhân vật Thị Mầu trong
Phật tích dân gian được chuyển thể thành vở chèo nổi tiếng "Quan Âm thị Kính"
Ai về nhắn với Như Lai
Người
trần mắt thịt ăn chay thấy phiền
Kính
Tâm về cõi Tây thiên
Thị
Mầu ở lại ngồi thiền với ta
Nam
mô Bồ tát, Thích Ca
Niết
bàn xin dựng trên tà áo em.
(Nam Mô)
Cũng như nhiều người sáng tác trên trái đất này, khi
bước vào vườn địa đàng thơ ca họ thường muốn trồng lên khu vườn ấy những đóa
hoa Tình yêu mang màu sắc riêng được chắc lọc ra từ chính con tim đã từng thổn
thức vì ái tình của họ. Mã Giang Ba cũng vậy. Anh có nhiều bài thơ hay viết về
đề tài tình yêu. Không biết có phải âm vang của những câu thơ tiền chiến "Tình chỉ đẹp khi còn dang dỡ - đời mất
vui khi đã vẹn câu thề" (Hồ Dzếnh) hay chính bản thân anh phải trải
qua những trắc trở trong tình yêu, đọc thơ anh, chỉ thấy toàn chuyện tình buồn?
Có khi là những thảng thốt bàng hoàng trước sự li cách trong buổi đầu tình chớm
mộng:
Đâu có ngờ rằng bữa ấy bặt luôn tin
Áo thư sinh em gửi lại sân trường
Lưu bút chưa ghi người thương xa vắng
Giấy trắng bây giờ mặc nắng hạ rơi.
(Hoài niệm mùa xanh)
Có khi lại là nhận thức chân thực bản chất của cuộc
tình ấy chỉ là "cơn mộng mị"
để rồi từ địa vị tối thượng ngự trên ngai vàng tình ái nhân vật trữ tình đã tự
phát hiện đó chỉ là "xênh xang áo mũ
bù nhìn"
Ngồi trên ngai vàng đừng tưởng là vua
Vương
quốc em anh tưởng mình ngự trị
Nào
ai biết đó là cơn mộng mị
Anh
xênh xang áo mũ bù nhìn.
(Vua và bù nhìn)
Thơ tình yêu của Mã Giang Ba luôn là những cuộc tình phảng
phất một nỗi buồn xa xôi hư ảo tuy nhiên nỗi buồn ấy lại mang vẻ đẹp tinh khôi,
thuần khiết.
Thời gian "Mười
năm" là một mã thời gian nghệ thuật đặc biệt trong thơ Mã Giang Ba:
Non
mười năm xa cách
Đau
đáu lòng quê đất gọi người
(Đất gọi)
Mười năm ròng sống cuộc đời say
Tìm
đích điểm phía chân trời xa lắc
(Tàu và đường ray)
Yêu
nhau mười năm trời
Cách
chia chín năm rưỡi
(Tình buồn)
Mười năm hơn thoáng qua mau
Đất
khách hoa râm điểm mái đầu
(Lời cầu cho em)
Và hai bài thơ đậm chất tự thuật "Mười
năm I" và "Mười
năm II". Anh còn chọn hai câu thơ cuối trong bài "Khiển hoài" của Đỗ Mục làm lời đề từ:
“Thập niên nhất
giác Dương Châu mộng
Doanh đắc thanh lâu
bạc hãnh danh”
(Mười năm chợt tỉnh một giấc mộng Dương Châu - Lại
được mang lấy tiếng bạc tình ở chốn thanh lâu)
Mười năm, với anh là cả một
khoảng thời gian để anh nhìn lại, anh suy ngẫm. Mười năm gắn với biết bao vui
buồn – vinh nhục. Mười năm quạnh vắng với nỗi cô đơn vây kín tâm hồn. Xưa Đỗ Mục
kí thác tâm sự của mình vào thân phận nàng ca nương nơi chốn yên hoa Dương Châu
giờ Mã Giang Ba nhìn thấu suốt cuộc đời mười năm của mình với biết bao xót xa.
Xót xa cho phận người đuổi bóng:
Soi gương ngờ vực chính mình,
Mười năm đuổi bóng bắt hình được thua.
Xót xa cho giây phút "bừng ngộ":
Mười năm tỉnh một cuộc chơi,
Vũng lầy cơm áo trói đời tài hoa.
Trở lưng gà gáy trăng tà,
Với tay gãi trán: ta là ta chăng?
Mã Giang Ba có nhiều bài tứ tuyệt hay. Thơ tứ tuyệt luôn là một thách thức lớn
của người làm thơ. Nhược điểm của thể loại thơ này là làm người đọc khó giữ lại những ấn
tượng đặc sắc vì nó quá ngắn có lẽ vì thế mà người xưa đã từng ví von: "Li thủ tức vĩ, li vĩ tức thủ" (Rời
đầu là chạm đuôi, lìa đuôi là chạm đầu). Vậy nên
yêu cầu về sự hàm xúc,"ý tại ngôn ngoại", sự đột phá mạnh mẽ về ngôn
từ, sự độc đáo về cấu tứ đã trở thành yêu cầu cốt yếu của người viết tứ tuyệt.
Mã Giang Ba có nhiều bài tứ tuyệt đầy đặn, có chiều sâu, có nhiều bài có sức
lay động sâu xa đến người đọc. Tôi yêu quý nhiều bài thơ tứ tuyệt của anh. Có
bài được anh viết theo lối vịnh vật xưa:
Ngu
ngơ cháy đén cạn dầu
Nhục
vinh sướng khổ cưỡng cầu làm chi
Tỏ đường cho thế gian đi
Nghĩ
thân hèn mọn tiếc gì với đêm.
(Đèn
dầu)
Có bài tuy
lấy ý của điển cố nhưng lại được anh làm mới thật tài hoa. Hình ảnh lá đề thơ vốn có xuất xứ từ điển
cố xưa "lá thắm chỉ hồng"
(Hồng diệp xích thằng) (4) Thật thú vị! nếu như chiếc
lá đề thơ trong tích cũ chỉ đơn thuần là vật giao duyên thì trong bài thơ này
anh đã tự hóa thân vào chiếc lá để tự tình để xót xa:
Ta như chiếc lá đề thơ
Giữa dòng nhân thế vẫn bơ vơ mình
Cửa đời then đóng lặng thinh
Trái tim gióng trống bất bình vì ai.
(Lá
đề thơ)
Tôi thích bài tứ tuyệt này của Mã Giang
Ba:
Em dẫn anh vào thăm vườn lạ
Hoa xuân ngời sắc lá tươi non
Ai bảo tháng Giêng rằm chỉ một
Mắt môi em muôn thuở sáng trăng tròn.
(Mùa xuân thăm vườn)
Hai câu thơ cuối là hai câu thơ tài hoa trong cấu tứ. Vẻ
đẹp của con người được tôn vinh trong cái nhìn chiếu ứng với vẻ đẹp của thiên
nhiên, của đất trời trong tiết xuân tràn trề nhựa sống.
Về
giọng điệu, có thể thấy giọng thơ Mã Giang Ba đa dạng. Giọng thơ anh có lúc cổ
kính trong những câu thơ thắm màu điển tích:
Tháng ngày mơ tưởng
Sớm tối chiêm bao
Vu Phần theo dấu giấc Hòe (5)
(Hiến lửa)
Có khi lại đẫm hương của những câu Kiều:
Trà sen, rượu cúc sẵn sàng
Câu thần tao ngộ, phím đàn tương tri.
(Thử)
Lạnh mình lá cựa heo may,
Cong then thuyền nhỏ chở đầy chiều hoang.
Bãi xa đùn đụn cát vàng,
Cửa sông sóng biếc xô ngang lưng trời.
(Bóng thu)
Đôi khi đọc lại câu Kiều
Nghĩ mình không phải bọt bèo mà đau
Thương người trước, xót kẻ sau
Tiếng kêu nào thấu trời cao đất dày.
(Có khi)
Khói chiều dệt mộng Nghi Xuân
Cỏ thơm rành rọt dấu chân nàng Kiều.
Hồn thiêng gió rước hiu hiu
Không quen mà cứ ra chiều đã quen.
(Mộng Nghi Xuân)
Có lúc lại đầy cao trào, sôi nổi
Tháng Tư
Đất cao lên
Trời thấp lại
Trận mạc ở lưng chừng
Những đoàn quân xanh
Đạp núi băng rừng
Tiến vào sào huyệt.
Hoa mọc trên đầu
Sao sa trước mặt
Máu và nước mắt
Triệu triệu anh hùng đất Việt đã đi qua.
(Tản mạn tháng Tư)
Có khi thì rất ngẫu hứng, tinh nghịch:
Em đừng ngang lối nhà tôi
Đừng tha thướt với tinh khôi áo dài
Đừng buông thân liễu dáng mai
Đừng buông trước gió tóc mây bềnh bồng
Đừng duyên má thắm môi hồng
Đừng trao mắt ngọc rối lòng người thơ
Đừng giăng mắc nữa đường tơ
Đừng xao xuyến với bến bờ nôn nao
Đừng như giọt nắng trên cao
Đừng như hoa nở ngọt ngào hương đưa
Đừng gieo nỗi nhớ theo mùa
Cho ong say mật cho ta say mình.
(Đừng)
Không chỉ thế, về phương diện chữ nghĩa, tôi thích những
câu thơ chơi chữ tài hoa của anh:
Mồ hôi mẹ đẫm
Nên Tiền Giang sâu
Bước cha khai khẩn
Ngọt mùa cù lao.
(Trước sông Tiền)
Cùng với việc sử dụng thi liệu của văn chương trung đại,
nhiều bài thơ của Mã Giang Ba còn nồng nàn hơi thở của văn chương bình dân:
Thử xin cây khế về trồng
Chéo chân chữ ngẫu chờ mong chim về
Ba gang cảm thấy hẹp ghê
Mười gang lại sợ kẻ chê người cười.
(Thử)
Ý thơ gợi nhắc nhớ đến câu chuyện cổ "Ăn
khế trả vàng" xưa đã đi suốt cuộc đời tuổi dại của mỗi người Việt
Nam. Còn câu thơ "Bao giờ chanh khế
hết chua - Nỗi buồn được giá bán cho chợ đời" (Thử) lại làm tôi nhớ nhiều đến câu
ca dao Nam Bộ quen thuộc "Giả đò mua
khế bán chanh – Giả đi đòi nợ thăm anh đỡ buồn". Trong bài thơ khác,
bài "Xanh",
anh viết: "Nhân duyên nghĩa vợ tình
chồng,- Mối mai cau thắm trầu không xanh giàn" chẳng phải được gợi ý từ
biết bao nhiêu câu ca dao thắm sắc
cau trầu, biểu trưng cho tình nghĩa vợ chồng thủy chung son sắc đó sao?
Bên cạnh thi liệu, từ ngữ trong thơ Mã Giang Ba cũng lấp
lánh những "dấu xưa": gót tiên, trà sen, rượu cúc, gió lạnh phòng
không, thân liễu dáng mai, má thắm môi hồng, mắt ngọc... thế nhưng thơ Mã Giang Ba lại không rơi
vào những "trần ngôn sáo ngữ" mà vẫn đậm chất hiện đại. Tôi không hiểu
nhiều lắm về những cách tân ngôn từ của
thơ ca đương đại, tôi quan niệm hơi cứng nhắc (tôi vẫn biết như thế là cực
đoan): Đã là thơ ca thì ngôn ngữ phải đạt được độ trong sáng. Về phương diện
này, có thể nói ngôn ngữ là lợi thế của thơ Mã Giang Ba.
Tuy nhiên đọc thơ anh tôi vẫn muốn nói những điều tôi nghĩ, có thể không phải
là cái khuyết nhưng có thể khác nhau về quan điểm.
Tôi cho rằng những kinh nghiệm sáng tác văn chương cổ luôn có những điều bổ
ích cho người sáng tác của ngày hôm nay. Với điển "thôi – xao" chẳng
hạn, bỏ qua những yếu tố nghiêm nhặt khắc khe của việc luyện chữ, đúc chữ lựa
câu chọn vần, chúng ta vẫn nhìn thấy ở đó một chân lý: Phải lao động cật lực
trước từng con chữ. Đọc thơ Mã Giang Ba, tôi có cảm giác có nhiều chữ nhiều câu
(số lượng ấy không nhiều) đã không được anh gia công cho đến kì cùng. Về phương
diện từ ngữ, đôi khi anh còn chưa gọt giũa:
- Bao
giờ chanh khế hết chua
Nỗi buồn sốt giá bán
cho chợ đời.
- Trống
khai trường chộn rộn, gió lao xao.
- Thừa kế nỗi buồn bao lứa học trò xưa.
- Giữa đêm lạ hoắc hóa thành tên quen.
"Nỗi buồn sốt giá", "chộn
rộn", "thừa kế nỗi buồn", "lạ hoắc" là những từ ngữ, theo tôi chưa đạt hiệu quả thẩm mĩ cao vì nó gần
quá với "khẩu ngữ".
Một trường hợp khác, anh diễn đạt:
Áo thư sinh
em gửi lại sân trường
"Áo thư sinh" thường không dùng cho người con gái. Mặc dầu bản thân từ "thư
sinh" không "có yếu tố giới tính"! Thế nhưng bản thân từ này
mang yếu tố văn hóa lịch sử rất rõ. Xưa chỉ có người con trai đi học, thế nên bản
chất" võ đoán" của ngôn ngữ đã như một sợi dây vô hình hạn chế nghĩa
của từ này: Từ này chỉ dùng đối với người con trai.
Có những
câu thơ anh còn tỏ ra dễ dãi trong diễn đạt:
Gọi nhau tiếng gọi vọng về
Ta cùng ta cũng nhiêu khê quá chừng
(Mười năm tình mộng)
Nhớ
ngày mắc lưới giăng câu
canh rau nhút, cá bông lao chua bần.
(Thưa với tiền nhân)
Mặc dầu chiều sâu là một ưu điểm lớn của thơ Mã Giang Ba, nhưng thảng hoặc
anh cũng có những khổ thơ "nhẹ", "nông" rơi vào "sáo
ngữ" như đoạn thơ sau:
Ta hóa con chiên tự buổi đầu
Em cầm hồng phúc của mai sau
Ta cõng đời mê theo thập tự
Ngàn năm mãi vọng tiếng kinh cầu.
(Em)
Tạng thơ anh không thích hợp cho những bài thơ dài hơi. Thơ anh là những dòng
cảm súc được tinh luyện trong một khuôn khổ nhỏ hẹp của những bài thơ bốn khổ,
tứ tuyệt truyền thống (Phải chăng vì anh là người hoài cổ?). Thế nên đọc những
bài thơ dài của anh có nhiều đoạn hay, hình ảnh liên tưởng độc đáo, nhưng nhìn
tổng thể thì ở những bài thơ như thế quá dàn trải nên không có điểm quy tụ năng
lượng cảm xúc để có thể "bùng nổ" mạnh mẽ trong lòng người đọc.
Mấy dòng viết về thơ Mã Giang Ba biết là chưa đủ để nhìn hết phong cách thơ
của anh nhưng với tấm lòng của một người đồng điệu, tôi muốn được viết để sẻ
chia, mong anh được vơi niềm khắc khoải: "Chạnh
thèm một tiếng tri âm".
Tân Hiệp, những ngày hè 2012
Trầm Thanh Tuấn
Tiểu sử tác giả Mã Giang Ba
- Bút danh: Mã Giang
Ba
- Tên thật: Lê Văn
Trường
- Ngày sinh: 18 – 8 –
1975
- Quê quán: Xã Hoằng
Đại, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
- Công việc hiện nay:
Dạy học
- Sách đã xuất bản:
+ Dấu xưa (thơ – in riêng)
+ Kỷ yếu 20 năm Văn học Trà Vinh (in chung)
+ Kỷ yếu Văn học Trà Vinh nhiệm kỳ 2005 –
2010 (in chung)
+ Lời của dòng sông (in chung)
- Giải thưởng: Giải
Khuyến khích của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam 2013 (tập
thơ Dấu xưa).
- Hội viên địa phương
(Hội viên Hội VHNT Trà Vinh).
________________________________________________
Tên một bài thơ, đồng thời cũng là tên tập thơ (Dạng bản thảo) của của
Mã Giang Ba
Nguyên văn chữ Hán: "Bất tri
tam bách dư niên hậu – Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như"
(3) Nguyên văn chữ Hán: "Hậu thế
nhân gian giai Thượng Quan - Đại địa xứ xứ giai Mịch La". Khuất Nguyên
thấy vua Sở sa đọa, nghe bọn xiểm nịnh đứng đầu là Thượng Quan, hại bậc trung
thần, ông tự trầm mình dưới dòng Mịch La. Khuất Nguyên chết với câu thơ nổi
tiếng: Đời đục hề mà ta trong.
Lá thắm vốn dịch từ chữ Hồng diệp.
Thành ngữ "lá thắm chỉ hồng " biểu thị cái duyên số tiền
định của vợ chồng, là lời nói hộ
tình yêu cho những lứa đôi.Thành ngữ này được hình thành từ sự giao kết giữa
hai câu chuyện tình thuở xưa. Vu Hựu, đời Đường, một hôm đi chơi, bắt được
chiếc lá đỏ trôi trên ngòi nước từ cung vua chảy ra. Trên lá có đề một bài thơ,
Vu Hựu bèn để lại hai câu thơ vào chiếc lá đỏ khác, rồi đem thả nơi đầu ngòi nước,
cho trôi vào cung vua. Hàn thị, người cung nữ thả lá đỏ khi trước, lại bắt được
lá đỏ của Vu Hựu. Về sau, nhờ dịp vua phóng thích cung nữ, Vu Hựu lấy được Hàn
thị.Về sau,Vu Hựu thấy chiếc lá có bài thơ của mình trong hộp đồ trang sức của
vợ.Ngay lập tức,chàng lấy chiếc lá thắm có bài thơ của người cung nữ đưa cho
Hàn Thị xem.Hai vợ chồng hết sức ngạc nhiên trước sự ngẫu nhiên hiếm có này.Anh
trai họ của Hàn Thị tổ chức tiệc rượu, ép Hàn Thị làm thơ tả lá thắm.Bài thơ được ứng tác rất nhanh: "Câu thơ
tuyệt diệu theo
dòng nước - Ôm hận
mười năm ngỏ với ai. - Nay được
vui vầy loan cánh phượng Khen thay lá thắm mối manh tài".
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét