Cô Châu Thị Cẩm Liên vốn là Giáo viên dạy
môn Ngữ văn trường THCS Lý Tự Trọng (Thành phố Trà Vinh). Cô đã gắn bó với thơ
ca từ rất sớm. Năm 2009 cô cho xuất bản tập thơ Kí ức tuổi thơ và năm nay là tập Hương nội gió ngàn. Đọc thơ Châu Thị Cẩm Liên khá muộn, mãi đến năm
2009 khi nhận được tập thơ Kí ức tuổi thơ,
tập thơ đầu tay của nữ thi sĩ, tôi mới có dịp được thưởng thức giọng thơ nhẹ
nhàng đằm thắm giàu nữ tính. Mặc dù sáng
tác rất khỏe và đều đặn nhưng phải đến đầu năm 2019, tập thơ thứ hai của chị, tập
Hương nội gió ngàn mới được ra đời. Dẫu
muộn nhưng có thể nói đây là chặng đường thơ mới của Châu Thị Cẩm Liên, một chặng
đường thơ cần được ghi nhận
Tên
tập thơ là Hương nội gió ngàn. Nhìn một
cách tổng quan, tôi tạm phân chia tập thơ thành hai mảng đề tài lớn: Hương nội và gió ngàn. Có thể nói Hương nội
là mảng thơ nữ thi sĩ tập trung viết về quê hương Trà Vinh với những tình cảm nồng
nàn nhất dành cho nơi chôn rau cắt rốn.Tôi gọi đó là lời tình tự quê hương.
Trong mảng này có những bài thơ chỉ đề cập đến một lát cắt nhỏ, một góc quê chứa
chan nghĩa tình như: Khúc hát dòng Cần
Chong, Khúc tình xanh, Con gái Tiểu Cần, Có một Chiều Đôn Châu, Chiếc cầu quê
hương… có những bài thơ lại chứa đựng khát vọng tái dựng bức tranh "đại
cảnh" về quê hương của tác giả như: Trà
Vinh yêu thương, Trà Vinh ngày mới…
Nếu Hương
nội là lời tự tình quê hương thì phần Gió
ngàn lại là những trải nghiệm thú vị của nhà thơ với những miền đất xa lạ.
Đó là Đà lạt mộng mơ với Lung linh phượng
tím, Đà lạt mơ, Trên đỉnh Langbiang… Đó còn là Vũng Tàu, Hà Nội, Bình Định,
Cao Bằng… đã in dấu trong thơ chị với những thắng tích như: Buổi sáng trên Bạch Dinh, Hồ Gươm, Pác Bó, Cổ
Loa….
Mở đầu tập thơ Hương nội gió ngàn là bài thơ Trà
Vinh yêu thương, tác phẩm thể hiện khát vọng của người sáng tác muốn bao
quát hết những gì là đặc trưng của Trà Vinh từ thắng tích cho đến lễ hội. Đặc
biệt nhà thơ cũng đã chú ý ghi nhận lại sự giao thoa văn hóa giữa người Kinh và
người Khmer vốn những là nét đặc trưng của văn hóa Trà Vinh. Bài thơ kết lại bằng
những câu thơ da diết:
Trà
Vinh hỡi, ta yêu người quá đỗi
Từng
hốc cây, góc phố tên đường
Tiếng
rao hàng ướt đẫm những đêm sương
Tiếng
líu ríu chim chuyền cành mỗi bình minh cây xanh nắng gội.
Nhằm ghi nhận những đổi thay nhanh chóng
"như cổ tích" trên quê hương Trà Vinh, Châu Thị Cẩm Liên đã gửi đến độc
giả những vần thơ nồng nàn niềm tự hào
Trà
Vinh mình đẹp lắm những mùa trăng
Thành
phố lớn lên từng ngày như cổ tích
Nông
thôn mới từng phút giây thay da đổi thịt
Trà
Vinh mình đẹp mãi những màu xuân
Đọc những vần thơ viết về Tiểu Cần, vốn
là nơi tác giả đã cất tiếng khóc chào đời, người đọc có thể dễ dàng cảm nhận được
những tình cảm sâu lắng thiết tha mà tác giả đã dành cho vùng đất này.Khúc hát dòng Cần Chong đã giúp người
thơ chuyên chở bao suy tư hoài niệm, nối kết quá khứ và hiện tại để kết lại bài
thơ là nỗi nhung nhớ dâng đầy:
Cần
Chong ngân nga khúc hát
Về miền
trầm tích xưa xa
Lách
lau yêu từng con sóng
Đi
đâu cũng nhớ quê nhà!
Bài thơ Con gái Tiểu Cần đậm chất tự thuật về chính cuộc tình duyên đẹp giữa
cha và mẹ của mình. Trong bài thơ, tác giả quê gốc Tiểu Cần đã thể hiện sự tự
hào của mình về vẻ đẹp của người con gái Tiểu Cần:
Con
gái Tiểu Cần da tươi mắt sáng
Để cho ai ngơngẩn si mê
Để
cho ai quên mất lối về
Quên
núi Tượng, quên luôn Ba Chúc
Tuy nhiên đọc hết bài thơ, người đọc
càng khâm phục hơn ở ý chí mạnh mẽ của người con gái Tiểu Cần khi đã mạnh dạn
bước qua những rào cản ngăn trở tình yêu, rồi lại vẹn nguyên tấm lòng thủy
chung son sắt khi người chồng đầu ấp tay gối đi vào cõi thiên thu "Gói da ngựa một chiều quan tái"
Bài thơ kết lại không bằng một điệu thơ buồn
mà chuyển giọng hào sảng rất đặc trưng cho tính cách của người con gái Nam Bộ
mà người đọc vẫn thường thấy trong ca dao hò vè đất Chín Rồng:
Độc
đáo thay con gái Tiểu Cần
Liều
xuân sắc chẳng ôm cầm thuyền khác.
Tôi nghĩ, đây không thuần túy là một lời
thơ.Đây là lời thề.
Trong tập thơ, Châu Thị Cẩm Liên dành
hai bài thơ để ca ngợi những chiếc cầu nối liền bờ vui. Đó là niềm vui náo nức
khi dòng Cổ Chiên không còn là sự cách trở của hai bờ Trà Vinh Bến Tre trong Chiếc cầu quê hương:
Trà
Vinh – Bến Tre thôi đò giang cách trở
Em
qua cầu bừng sáng dáng quê hương
Ở bài thơ mang đậm dấu ấn của ca dao,
bài Chiếc cầu dải yếm. Bài thơ thú vị
ở sự liên tưởng độc đáo:
Ví dầu
bắc cầu dải yếm
Qua
dòng sông rộng mênh mang
Để mắt
ai chiều lúng liếng
Bồi hồi
đợi bước người sang
Châu Thị Cẩm Liên có một mối cảm tình đặc
biệt với vùng đất Đà lạt. Và quả thật chị có nhiều thi phẩm thành công khi tiếp
cận với vẻ đẹp của xứ sở ngàn hoa này. Trong tập thơ thứ hai của mình, nhà thơ
cũng đã kịp bổ sung thêm những vẻ đẹp khác của thành phố sương mờ. Chị đắm mình
trong vẻ đẹp lãng mạng của hoa phượng tím nên thơ trong Lung linh phượng tím bằng những vần thơ đầy sức gợi:
Tay
nâng niu từng bông
Cánh
hoa mong manh lạ
Tím một
mùa sương giá
Tím cả
một trời thơ
Chính tình yêu Đà Lạt đến si mê nên
trong khoảnh khắc chị muốn thành người Đà Lạt dù đó chỉ là Đà Lạt mơ:
Chỉ
khoảnh khắc làm người Đà Lạt
Nên bốn
mùa chỉ ngỡ mùa đông
Cái
se lạnh chỉ làm sang môi má
Không
phấn son thiếu nữ má vẫn hồng
Với Hương
nội gió ngàn, Châu Thị Cẩm liên có riêng chùm bài thể hiện cảm hứng công
dân khá đậm nét. Người thơ tư lự khi có dịp đi qua cây cầu Hiền Lương lịch sử,
nơi chứng kiến sự li cách đôi bờ Nam - Bắc trong kháng chiến chống Mỹ. Bài thơ Chiều trên cầu Hiền Lương là những xúc cảm
chân thành của tác giả khi "hồi cố" lại những nỗi đau lịch sử:
Thương
chiếc cầu một thuở
Oằn
mình gánh trọn niềm đau
Dòng
sông Ngân hóa thân dòng Bến Hải
Đêm
đêm mơ mãi chiếc cầu Ô
Nghe
tiếng sông Tương ngơ ngẩn vỗ đôi bờ
Bên cạnh đó nữ thi sĩ đã có những chia sẻ
hết sức xúc động về cuộc sống thiếu thốn của những người anh hùng bình dị luôn
chắc tay súng giữ bình yên cho biển đảo quê hương. Bài thơ Bên anh Trường sa kết lại bằng hình ảnh xúc động:
Mơ ước
đời thường nhỏ nhoi đơn giản
Tuổi
trẻ dâng đời nào suy tính thiệt hơn
Bởi
trân quý từng phân vuông Tổ quốc
Nên ở
nơi nào đất cũng hóa quê hương
Không chỉ thế với bài thơ Thăm quê hương Tây Sơn Tam Kiệt, Châu Thị
Cẩm Liên đã nối kết khí thiêng núi sông với anh linh của những bậc anh hùng và
bối cảnh thực tại từ câu hịch nổi tiếng của vua Quang Trung Nguyễn Huệ:
Biển
Đông còn âm ỉ mộng xâm lăng
Nỗi
kinh hoàng phiến giáp bất hoàn
Xuân
Kỉ Dậu chích luân bất phản
Hỡi
người phương Bắc nhớ hay chăng?
Có
thể nói đoạn thơ là những lời đanh thép trước mưu toan bá quyền của giặc
phương Bắc xưa và vấn đề Biển Đông trong thực tế hôm nay.
Ngoài những nét chính đã điểm ở trên,
trong tập thơ này, chị còn dành riêng cho mình một góc để "tự tình". Đó
là những bài thơ đằm sâu những kí ức tuổi thơ trong Đôi bông chim én, Chiếc cầu quê ngoại. Đó còn là một thoáng chạnh
lòng trong Giá mà con gọi cô bằng mẹ,
Khúc tự tình tháng giêng. Đó là những lời thơ dịu ngọt đẫm tình trong Phút giao mùa, Xếp nữa chữ quên. Đó là
những suy tư khắc khoải trước sự miên viễn của đất trời tạo vật trong Chớm đông, Xuân. Những bài thơ này là những bài thơ bộc lộ rõ nhất "tiếng
nói đàn bà" vốn là đặc trưng phong cách thơ Châu Thị Cẩm liên được tiếp nối
từ tập thơ Kí ức tuổi thơ.
Thơ Châu Thị Cẩm Liên rất giàu có những
hình ảnh cách diễn đạt của văn chương bình dân. Tứ thơ có khi được gợi chính từ
mạch nguồn này như trong bài thơ Chiếc cầu
dải yếm, có khi nhà thơ đối thoại với chính tác giả dân gian về nhân vật
quen thuộc của truyền thuyết, nàng Mị
Châu trong bài thơ cùng tên.Có khi lại là những liên tưởng riêng thú vị khi
so sánh sông Bến Hải của thực tại với sông Ngân Hà của huyền thoại trong Chiều trên cầu Hiền lương.Có khi những sắc
màu xưa của huyền tích được tác giả khéo léo đưa vào như một thủ pháp "hồi
cố" cho những hình ảnh của thực tại.Hồ
gươm là bài thơ như thế.
Nhà thơ có nhiều cách diễn đạt sáng tạo
dựa trên sức liên tưởng phong phú:
- Vườn
hoa tím vừa trôi vừa nở (Chiếc cầu quê hương)
- Mái
tóc xanh màu loang úa nắng
Là đời
đã mỏng cuộc trần gian (Xuân)
- Chèo đôi mái ru câu hò tím ngắt (Khúc tự
tình tháng giêng)
…………………..
Vì là những lời tình tự, nên thơ Châu Thị
Cẩm liên có xu hướng lựa chọn những kiểu thơ tự do với câu thơ trải dài miên
man theo suy tư của tác giả. Và vì thế mỗi bài thơ là những dòng tâm tình tuôn
chảy tạo nên những dư vị sâu xa trong lòng người đọc.
Cùng với Kí ức tuổi thơ, tập Hương nội
gió ngàn đã giúp Châu thị Cẩm Liên định hình một phong cách thơ nhất quán: giọng thơ nhẹ nhàng đằm thắm, giọng thủ thỉ
tâm tình. Tập thơ ra đời là một đóng góp tích cực cho thi đàn Trà Vinh nói
riêng cũng là đóng góp cho thơ ca đồng bằng nói chung.
Trầm Thanh Tuấn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét