Châu Thị Cẩm Liên sinh năm 1958, tại huyện Tiểu Cần, Trà Vinh. Châu
Thị Cẩm Liên có nhiều tác phẩm thơ, Phê bình văn học đăng trên tạp chí Văn nghệ
Trẻ, Văn nghệ Trà Vinh, Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, Văn nghệ các tỉnh thành….
Tác phẩm chính: Ký ức tuổi
thơ, NXB Trẻ, 2009
Mới
tiếp xúc với văn nghệ Trà Vinh, tôi đã bắt đầu đọc thơ Châu Thị Cẩm Liên, một
giọng thơ đậm chất nữ tính của một cô giáo giảng dạy văn chương. Biết chị, trò chuyện cùng chị tôi càng quý
hơn bởi sự dịu dàng đằm thắm và sự chân thành cởi mở. Tôi nhận được tập thơ "Ký
ức tuổi thơ" của Châu Thị Cẩm Liên tặng từ lâu, tâm đắc nhiều điều
nhưng vì bề bộn công việc tôi chưa có điều kiện viết về tập thơ đầu tay đã gói
ghém biết bao xúc cảm này của chị. Đêm này, lần giỡ từng trang thơ trong tập biết
bao cảm xúc ùa về trong tôi thanh tân ngọt ngào.
Giọng
thơ của Châu Thị Cẩm Liên là giọng thơ nhẹ nhàng đằm thắm, giọng thủ thỉ tâm
tình. Đề tài trong thơ Châu Thị Cẩm Liên không lạ. Nhìn vào tên bài thơ người đọc
có thể dễ dàng nhận ra điều đó. Đó là những ưu ái của nhà thơ đối với một miền "Ký
ức tuổi thơ" với "Quê ngoại", "Về quê nội",
"Rơm
thơm"…đó còn là nơi để tác giả giãy bày những tâm sự nghề với ánh
nhìn nhân văn trong "Lớp học trong cơn lũ", những cảm xúc đong đầy khi "Ngày
thầy về hưu", những rung đọng tinh tế trước vẻ đẹp của quê hương đất
nước trong " Cảm xúc Cố Đô", "Bên hòn Phụ Tử",
"Chiều Ba Động", "Một thoáng Trường Long Hòa", "An
Bình"…..
Thơ
Châu Thị Cẩm Liên không "lên gân", không màu mè câu chữ nhưng đi sâu
vào lòng độc giả bằng những cảm xúc rất chân thành nhưng cũng không kém phần nồng
nàn nhất là những vần thơ viết về mẹ. Tôi yêu quý biết bao nhiêu những vần thơ
về mẹ của chị. Dẫu rằng Mẹ vẫn là nguồn cảm hứng vô tận cho thi ca của nhân loại
để trên trần đời này những vần thơ hay bao giờ cũng có những vần thơ viết về mẹ.
Hình ảnh người mẹ là một đối tượng thẩm mĩ lớn xuyến thấm qua từng dòng cảm xúc
trong thơ chị. Khi thì chị tự vấn trước sự vô tâm của tuổi thơ trước những nhọc
nhằn của người mẹ kính yêu:
Những xấp vải đỏ xanh vàng tím
Chị em tôi ai cũng có phần
Tuổi dại khờ tôi nào biết băn khoăn
Đâu xấp vải đón ngày xuân của mẹ?
(Ký ức
tuổi thơ)
Khi
thì chị xót xa trước sự hy sinh cao cả của một người mẹ đã chịu phận góa bụa
khi tuổi đời còn son trẻ:
Trong sóng gió cuộc đời
Với nỗi sầu góa bụa
Mẹ vẫn là ngọn lửa
Sưởi ấm trái tim con
Môi mẹ nhạt màu son
Để hồng đôi môi trẻ
Mắt mẹ buồn lặng lẽ
Cho mắt con sáng ngời
Để
rồi khi được đi xa, trên mảnh đất cố đô nhớ mẹ một đời vất vã lam lũ thân cò
đơn độc:
Lẻ đôi thưở má còn hồng
Còn xanh mái tóc còn bồng bềnh xuân
Người ta xuống biển lên ngàn
Đồng sâu đồng cạn có nàng có anh
Mẹ tôi cuối bãi đầu ghềnh
Bơ vơ chiếc bách lên đênh giữa dòng
Chị
lại tự trách mình:
"Tôi vui điện ngọc cung vàng
Mà thương đời mẹ chưa lần thảnh thơi"
(Cảm
xúc Cố Đô)
Đọc
thơ Châu Thị Cẩm Liên, bài thơ "Bên hòn Phụ Tử" đọc đi đọc
lại nhiều lần xúc động đến rưng rưng:
Đời mẹ hồng nhan bạc phận
Nửa đường đứt đoạn tơ duyên
Đất trời mịt mù khói bụi
Má hồng sao khỏi truân chuyên?
Một nách năm con thơ dại
Gập ghềnh mấy nhịp cầu tre
Trường học con đi mẹ dắt
Trường đời mẹ bước e dè
Hòn
Phụ Tử đã chạm sâu vào nỗi đau của chị, nỗi đau của một đứa con:
"Một thời ấu thơ côi cút
Môi non thèm một tiếng ba
Tuổi đời ngày càng chồng chất
Vẫn thèm hơi ấm tình cha"
Điểm
chung của nhiều bài thơ về mẹ của Châu Thị Cẩm Liên đó là hình ảnh người mẹ góa
bụa tảo tần nuôi nấng đàn con, phải chăng đây là những vần thơ tự thuật, là
hình chiếu của chính người mẹ thân yêu của chị?
Tâm
hồn đa cảm của chị đã lắng nghe được "Tiếng chim đêm", một loại
âm thanh của hoài niệm, thứ âm thanh lạc loài giữa lòng phố thị phồn hoa. Bài
thơ ngắn, cấu tứ không tân kì mới lạ nhưng sao day dứt lòng người đến vậy:
Giữa lòng đêm phố thị
Âm vang một tiếng chim
Mơ hồ như không có
Tiếng "Bịp..bịp.."buồn tênh.
Lâu rồi xa đồng bãi
Xa dòng sông tuổi thơ
Tiếng chim kêu khắc khoải
Ngỡ chỉ còn trong mơ
Tiếng chim tan trong phố
Giữa ồn ào ngựa xe
Ai lòng không nhung nhớ
Chắc gì tim đã nghe!
Đọc
thơ chị, tôi thấy chị yêu quý biết bao tiếng chim của sông nước này, phải chăng
đó là tiếng chim của một thời tuổi dại, của những "ký ức tuổi thơ" sống động tinh khôi để rồi ở nhiều bài
thơ khác nữa tiếng chim bìm bịp trở đi trở lại trong niềm tư hương da diết:
Bìm bịp ơi kêu chi lời ai oán
Xa lắm rồi ngày chèo chống mỏi mê.
(Quê ngoại)
Vàm Nao, Bồ Đề lao xao sóng vỗ
Tiếng bìm bịp dập đềnh giấc ngủ
(Cà
Mau trong tôi)
Trong
"ký ức tuổi thơ" của chị
còn chứa đựng những hình ảnh thiêng liêng của bà ngoại, người đã "chiu chắt từng đồng" để "Cháu mình không thua sút". Những
vần thơ chị viết về ngoại, về quê ngoại tôi có cảm giác như những vần thơ ấy đẫm
nước mắt:
Con ra đi mải miết
Ngoại về đất âm thầm
Tin nhà vừa nhận được
Ngoại đã thành ngàn năm
(Ngoại)
Những
vần thơ chị viết về quê nội, là những nỗi niềm đau đáu vì người cha thân yêu của
chị:
Xứ người gửi thân lưu lạc
Đường xưa quên mất lối về
(Về
quê nội)
Trong
miền kí ức của Châu Thị Cẩm Liên còn dậy lên một mùi thơm của đồng nội thôn dã "vừa lạ vừa quen" để rồi cả một
khoảng trời tuổi dại sống dậy trong chị nồng nàn trong sắc "cào cào xanh đỏ", thảng thốt với "triền sông tuổi nhỏ" với tiếng bần
rơi làm con còng gió giật mình, não lòng với tiếng vạc sành kêu sương lẻ bạn
trong ánh trăng suông.
Đã xa ngái quê xưa từ khôn lớn
Quên nỗi buồn gờn gợn dọc bờ sông
Bỗng chiều nay giữa gió nội hương đồng
Rơm thơm quá, ơi rơm thơm có phải?
Rơm thơm quá, ơi rơm thơm có phải?
Lòng chạnh lòng gặp lại một mùi hương
Tim đau đáu về một miền ký ức
Tự lâu rồi ngỡ đã chìm trong sương.
(Rơm
thơm)
Mãi
miết trên những dòng tâm sự của chị, tôi luôn thấy thấp thoáng trong từng câu
chữ là hình ảnh của một con người luôn tự cật vấn, luôn tự dằn vặt mình trước
những "Ký ức tuổi thơ",
luôn thấy mình có lỗi với những gì là thân yêu mà chị đã hằng gắn bó từ khi còn
thơ dại. Chao ôi! Đây chẳng phải là những giá trị nhân văn lấp lánh trong những
tác phẩm dung dị mộc mạc của Châu Thị Cẩm liên đó sao?
Là
cô giáo dạy văn, trước những tác phẩm văn chương trong sự tiếp nhận của học trò
cũng mang lại cho chị những suy tư. Bài thơ "Lớp học trong cơn lũ"
là một bài thơ hay thể hiện cái nhìn nhân hậu.
Chấm bài em, nỗi xúc động nào làm tôi băn khoăn
Xưa Thủy Tinh dẫu có được Mị Nương làm vợ
Liệu muôn loài có bình yên muôn thuở
Cớ nào sẽ khiến lũ dâng?
Ơi em tôi trái tim dập dềnh sóng nước Cửu Long
Sao nhân ái mà vị tha đến vậy?
Mị Nương xưa vén rèm kiệu hoa lòng dẫu đau tê tái
Nhường em một chút tình người.
Bài
thơ này nằm trong thi hứng quen thuộc của những người vừa đi dạy vừa cầm bút
sáng tác, cảm hứng từ những tác phẩm văn chương được giảng dạy trong nhà trường.
Bài thơ đã thể hiện những cảm xúc tinh khôi của trẻ thơ trước câu chuyện huyền
thoại "Sơn Tinh Thủy Tinh". Những cảm xúc ấy thấm đẫm tình
người trước cơn cuồng nộ của đất trời. Cũng là người đi dạy môn học "nhân
học" này, tôi thật sự đồng cảm sâu xa với chị. Chị đã truyền được tình yêu
văn chương cho con trẻ để rồi từ tình yêu ấy các em đã chân thành chia xẻ với từng
phận người trong tác phẩm văn chương và từ đó nhân cách của các em sẽ lớn dần
lên. Đây chẳng phải là hạnh phúc lớn lao nhất mà bất kì một người dạy văn nào
cũng muốn có được? Xét về điểm này có thể nói cô giáo làm thơ Châu Thị Cẩm Liên
là người hạnh phúc.
Người
dạy văn, trước tiên phải thật sự yêu quý những tác phẩm văn chương, phải lần ra
cho được sự dây liên kết tác phẩm văn chương với cuộc sống đa sắc đa diện trong
đời thực. Có như thế người dạy mới có thể "gọi được hồn vía" của tác
phẩm văn chương sống dậy để qua đó làm bừng sáng những giá trị người trong mỗi
tâm hồn trẻ thơ. Bài thơ "Vị ngọt đầu mùa" là một
bài thơ thể hiện những chiêm nghiệm sâu sắc của Châu Thị Cẩm Liên về ý vị của
truyện dân gian "Sự tích Quả dưa hấu" được gợi hứng từ hình ảnh của những
rẫy dưa xanh bạt ngàn trong cuộc sống của ngày hôm nay:
Những quả dưa tròn xinh như ngọc bích
Rạng rỡ cười lấp lóa nắng ban trưa
Sóng rì rào..."của biếu của lo..."
……………
Về quê biển nghe dạt dào gió hát
Lời ngàn năm "của nợ của lo..."
Tự bao giờ câu nói hóa vần thơ
Cho ta sống người hơn một chút.
Tôi
vẫn thường quan niệm một người thầy muốn truyền được tình yêu nghề cho học trò
mình thì người thầy ấy phải có một quá trình "tâm truyền" dài lâu. Đó
không phải là thứ lí thuyết suông được tô vẽ bằng những lời thuyết giảng sáo rỗng
mà phải bằng chính cả cuộc đời của người thầy ấy. Chính chỗ này tôi đã đồng cảm
thật sâu với Châu Thị Cẩm Liên trong bài thơ "Ngày thầy về hưu"
mà chị đã dành tặng cho thầy Lượng, người thầy mà chị hằng yêu quý kính trọng
khi chị còn là cô nữ sinh dưới mái trường CĐSP Cửu Long. Chính cuộc đời giản dị
với những cống hiến, những hi sinh thầm lặng của thầy đã trở thành động lực mạnh
mẽ để chị tiếp bước trên con đường trồng người đầy gian khó:
Chiều dần buông, bóng thầy
dần xa khuất
Trò trở về lòng những bâng khuâng
Ngày mai kia xin chân cứng đá mềm
Để tiếp bước con đường đầy gian khó.
Thơ
Châu Thị Cẩm Liên là những rung động tinh tế trước vẻ đẹp của quê hương. Biển Ba Động là một đối tượng thẩm mĩ trở
đi trở lại trong cảm hứng sáng tác của Lê Tân,
Hồ Thanh Điền, Hoàng Anh Tâm, Tăng Hữu Thơ, Hồ Tĩnh Tâm... Với Châu Thị
Cẩm Liên, Biển Ba Động được cảm nhận bằng cái nhìn rất riêng trong một "Chiều
Ba Động" chị lang thang trên bờ biển dài hun hút:
Chân trần êm êm cát mịn
Tôi về Ba Động chiều nghiêng
Hải âu vờn trên ngọn sóng
Sắc trời Cồn Trứng bình yên
Động cao trải dài năm tháng
Triền xanh muống biển dịu hiền
Nhớ ai mà hoa tím vậy
vỗ bờ biển hát chung chiêng.
Cảnh
biển, cảnh trời, cảnh bãi bờ nên thơ với màu tím biếc của những cánh hoa muống
biển mong manh thủy chung son sắt. Để rồi từ cảnh sắc bình yên ấy, những nỗi
đau từ thời khói lửa lại trở về trong chị:
Bao năm tang thương dâu bể
Hố bom cổ tích bụi mờ
Vẳng nghe từ trong lòng cát
Tiếng đời dường thực dường mơ.
Và còn biết
bao mảnh đời, biết bao thân phận khó nghèo trên mảnh đất kiên trung:
Hoàng hôn buông bên lạch cạn
Nhạt nhòa một góc quê hương
Em tôi tuổi thơ lam lũ
Gió se da sạm lưng trần.
Áo cơm oằn đôi vai nhỏ
Đêm theo ánh đuốc đến trường
Phập phồng dưới chân đất thở
Sáng bừng một góc quê hương.
Nhưng
kết lại bài thơ là một cái nhìn lạc quan về một ngày may tươi sáng "Sáng bừng một góc quê hương" được dựng
xây tươi đẹp bởi những "Em tôi tuổi
thơ lam lũ"của ngày hôm nay. Bài thơ là tiếng lòng của một người con nặng
lòng với quê hương xứ sở. Bài thơ này của chị cũng đã được trang trọng giới thiệu
trong sách giáo khoa Ngữ văn địa phương cấp THCS.
Không chỉ dừng lại ở việc tạo dựng vẻ đẹp của
quê hương mình, Châu Thị Cẩm Liên còn thể hiện những cảm xúc trước vẻ đẹp của
những nơi mà chị đã từng đi qua, để luyến nhớ, để tương tư mà bật thành thi cảm.
Trong số những bài thơ như thế tôi yêu quý biết bao bài thơ" Đà Lạt
không mùa"
Qua BảoLộc
nắng mùa hè ở lại
Thu theo ta về tới đèo
Prenn
Lên đỉnh đèo khí núi đã
nhẹ tênh
Là đông đấy một mùa đông lạ lẫm.
Là đông đấy mà trời
không u ám
Lạnh ngọt ngào trong ấm
khúc ve ca
Ngày quên trưa, quên cả ngả chiều tà
Ngày lơ đễnh nên chiều
đi không hết.
Đà Lạt ơi, bao năm rồi
mơ ước
Những Linh Sơn, Than Thở,
Cam Ly
Cội thông già ngơ ngẩn
khách tình si
Con dốc vắng chờ ai chiều
ngơ ngác.
Bất chợt thông, bất chợt
đèo rồi lại thác
Bất chợt chiều vàng rực
dã quỳ hoa
Bên ven hồ bất chợt phượng
kiêu sa
Sắc tím biếc giữa trời
mây xanh ngắt.
Đà Lạt, 9/6/2008
Bài
thơ này là kết quả của lần dự trại sáng tác do Hội văn học nghệ thuật tỉnh Trà
Vinh tổ chức năm 2008. Bài thơ là một phát hiện mới mẽ về Đà Lạt, thành
phố ngàn hoa vốn đã đi thật sâu vào thơ ca nhạc họa. Nhiều tao nhân mặc khách đã đến xứ sở này để
rồi đắm say để rồi luyến nhớ. Châu Thị Cẩm Liên yêu Đà Lạt bằng cách riêng của
mình: nhẹ nhàng tinh tế trước những sắc thái tinh vi của khí trời, của cảnh sắc
để rồi người thơ bên sông Cần Chong đã phát hiện: Đà Lạt không mùa.
Thơ
lục bát của chị phảng phất những câu Kiều. Ví dụ như hai câu thơ sau trong bài
thơ "Cảm
xúc Cố Đô":
Mẹ tôi cuối bãi đầu ghềnh
Bơ vơ chiếc bách lên đênh giữa dòng
Khiến
tôi nhớ đến hai câu Kiều:
Chẳng hơn chiếc bách giữa dòng,
E dè sóng vỗ hãi hùng cỏ hoa.
Hay
trong đôi câu lục bát khác trong bài "Chiều cuối năm" :
Phải chi người chẳng thề bồi
Thì ai bổi hổi bồi hồi dưới hiên
Lại
làm những người yêu Kiều nhớ đến hai câu thơ cháy lòng của người thơ Tiên Điền:
Biết bao duyên nợ thề bồi
Kiếp này thôi thế thì thôi còn gì.
Thơ
Châu Thị Cẩm Liên, bên cạnh những thi liệu mang màu sắc cổ kính với những: cố lí, cố thổ, hồng nhan, lữ thứ, cô thôn,
cô phòng, độc hành…..còn có những vần thơ đầm sâu hơi thở của văn chương
bình dân :
Một nách năm con thơ dại
Gập ghềnh mấy nhịp cầu tre
Trường học con đi mẹ dắt
Trường đời mẹ bước e dè
(Bên hòn Phụ Tử)
Đoạn
thơ khiến ta nhớ nhiều đến điệu ru quen thuộc của những bà mẹ miền sông nước Cửu
Long: "Ầu ơ ví dầu cầu ván đóng
đinh,…cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi..khó đi mẹ dắt con đi…con đi trường học,
mẹ thi trường đời"
Cụm
từ "Bổi hổi bồi hồi" vốn là
"đặc sản" của câu dao xưa:
"Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa như ngồi đống than"
Và
cũng chính cụm từ láy tư này đã đi vào sáng tác của Châu Thị Cẩm Liên với nhiều
sắc thái:
Núi Tượng oằn lưng ngóng đợi
Chân con bổi hổi bồi hồi
(Về
quê nội)
Phải chi người chẳng thề bồi
Thì ai bổi hổi bồi hồi
dưới hiên
(Chiều
cuối năm)
Ở
một số bài thơ thi hứng được gợi nên từ những câu chuyện cổ dân gian rất rõ như
bài thơ "Lớp học trong cơn lũ" vốn được gợi hứng từ truyện "Sơn
Tinh Thủy Tinh", Bài thơ "Vị ngọt đầu mùa" lại là
những liên tưởng đến câu chuyện "Sự tích Quả dưa hấu".
Cá
biệt có bài thơ trong tập, khi đọc vào tôi lại thấy phảng phất hơi thở của những
bài thơ trong phong trào Thơ mới. Đó là bài "Tản mạn mùa xuân"
Ngọn chướng lao xao chạm lá cành
Góc vườn đôi én dệt tình xuân
Bên trời mấy cánh chim đơn lẻ
Có kẻ đường xa bước một mình
Đã mấy mùa trăng, đã mấy mùa
Yêu thương hờn giận đã thành xưa
Mùa đi lặng lẽ mùa đi mãi
Vẫn trắng tay mơ chút tình thừa
Ngọn chướng lao xao chạm lá cành
Góc vườn đôi én dệt tình xuân
Xin đời đừng để ai đơn lẻ
Đừng kẻ bơ vơ bước độc hành.
Đúng
như lời nhận xét tinh tế của tác giả Trần Dũng về thơ Châu Thị Cẩm Liên: "Quan niệm của Châu Thị Cẩm Liên về thơ
ca thực ra không có gì quá cao xa, huyền bí. Với chị, đó là thế giới riêng mà
những tâm hồn đa cảm có thể sống thực với chính mình, là nơi giãi bày những suy
nghĩ tình cảm và góc nhìn riêng trước cuộc sống muôn hình nghìn sắc. Do vậy,
không nhiều màu xám của triết lí, không lắm kiêu sa của ngôn từ, thơ Châu Thị Cẩm
Liên cứ miên man trong màu xanh của những cảm xúc đời thường, trải ra cùng những
làng quê, những dòng sông, những cánh đồng mà chị từng đặt chân tới".
Sức hấp dẫn của thơ chị không phải ở hệ thống những thủ pháp ngôn từ đắc địa
hay hệ thống thi ảnh độc đáo mà thơ chị đi sâu vào lòng người đọc bằng sự giản
dị mộc mạc chân thành.
Tuy
vậy thỉnh thoảng chúng ta cũng bắt gặp những ví von so sánh độc đáo:
Quê tôi hiền như một tiếng chim
(Đi
đâu rồi cũng nhớ)
Cách
so sánh này lạ nhưng giàu ý nghĩa tạo được ấn tượng đồng cảm cho người tiếp nhận.
Có đôi khi ta lại bắt gặp một lối chơi chữ tinh nghịch trong thơ Châu Thị Cẩm
Liên:
Có nơi nào như trà Vinh quê tôi
Đã Cầu Ngang lại có Kinh Xuôi
(Đi
đâu rồi cũng nhớ)
Hay
một câu kết tài hoa:
Chiều nay trời trở lạnh rồi
Có người ngồi gói những lời yêu thương
(Chiều
cuối năm)
Đọc
thơ Châu Thị Cẩm Liên, nếu ai đó mong muốn được tiếp cận với những bài thơ thể
hiện những đột phá mạnh mẽ trên bình diện ngôn từ, cấu tứ, thi ảnh có thể họ sẽ
thất vọng (Lẽ tất nhiên đây là ước muốn chính đáng của độc giả). Nhưng ở mỗi
người làm thơ đều có một "tạng thơ" riêng. Và tôi nghĩ với chất nữ
tính dịu dàng đầm sâu lan tỏa trong từng dòng thơ, thơ Châu Thị Cẩm Liên luôn
neo được trong lòng của những ai đang da diết hoài niệm về những "Ký
ức tuổi thơ" đã rất xa của mình.
Trầm Thanh Tuấn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét