- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
Mới xin cành lộc ngoài hiên
Đã nghe đất mở một phiên giao mùa
Mới vừa nghĩ đến xuân xưa
Đã nghe mùa mới đong đưa trao tình
(Khai bút – Vĩnh An)
Mùa xuân đến, với cành non tơ, với hoa khoe sắc, với én liện chao, với đôi mắt biếc của người thiếu nữ xuân thì… luôn là những nguồn thi cảm bất tận cho thơ ca. Người Trà Vinh cũng cũng đã dành những vần thơ nồng nàn để ca ngợi mùa xuân mỗi khi cành mai ngoài sân đang e ấp những nụ biếc.
Mùa xuân, mùa ký ức trong hoài niệm của nhiều người làm thơ ở Trà Vinh. Đó là kí ức về một miền Tết quê đã xa mờ trong ký ức tuổi thơ với những hình ảnh đặc trưng của tết Trà Vinh. Đặc biệt là lúc ngọn gió chướng thông ngọn cũng là lúc người Trà Vinh rộn đón xuân về "Gió chướng thổi xanh rờn mặt nước" (Về quê ăn tết - Hồ Thủy) , "Ngọn chướng lao xao chạm lá cành" (Tản mạn mùa xuân - Châu Thị Cẩm Liên) "Đã thông ngọn chướng lâu rồi" ( Tiếng xuân – Tăng Hữu Thơ), "Gió chướng về hôn đôi mắt em" (Từ những mùa xuân – Vân Hà), "Cơn gió chướng thổi đầy hồn tháng Chạp" (Nhớ tết – Hồ hạnh Dung)... Hình ảnh "Ngọn gió chướng" trong thơ xuân Trà Vinh xuân hiện như một "mã" thẫm mỹ đặc biệt. Đây là nét riêng trong việc tạo dựng một tín hiệu xuân trong thơ ca Trà Vinh.
Cùng với ngọn chướng có thể dễ dàng nhận ra mùa xuân trong thơ Trà Vinh qua hương vị của "bánh phồng", thứ quà quê dung dị, đơn sơ đặc trưng của những thôn xóm ở nông thôn Trà Vinh:
- "Ăn bánh phồng thơm rơm rạ đầu năm" (Về quê ăn tết - Hồ Thủy)
- "Tóc em bay thơm bánh phồng mới giã" (Hoài niệm mùa xuân - Hoàng Anh Tâm)…
Mùa xuân, mùa Tết, mùa của những cuộc sum vầy luôn gợi nhắc trong lòng người li hương nỗi niềm đau đáu tình cố thổ. Sau "Ba mươi năm lẻ đời viễn xứ", Lê Tân trải những bước dài trên Đường xuân đển kịp nhận ra tình quê hương xứ sở đong đầy:
Đường xuân nắng trải hoa vàng ấm
Ngan ngát hồn ta chạnh tấc lòng
Ba mươi năm lẻ đời viễn xứ
Gặp lại tình quê bao nhớ mong
Nhìn tin xuân rộn ràng trên cành tơ lộc biếc, cũng là lúc những bà mẹ quê thắt thỏm trông ngóng tin cháu con nơi miền xa chưa kịp về đúng buổi cơm xum họp chiều cuối năm. Châu Thị Cẩm Liên đã diễn tả thật xúc động tâm tình ấy của Ngoại trong khổ thơ:
Cuối chiều ba mươi tết
Cội mai già rưng rưng
Lá làm sao nói hết
Nỗi chờ mong, chờ mong
Với những ai còn mẹ mùa xuân đến cũng là lúc những đứa con hân hoan mừng tuổi mẹ. Nhưng sẽ bất hạnh thay nếu mẹ không còn trên thế gian này. Tuy sáng tác không nhiều nhưng Mùa xuân nhớ mẹ của người họa sĩ tài danh Nguyễn Nhân cũng gây những xúc động sâu xa trong lòng người đọc khi anh viết về nỗi lòng của một đứa con khi "thăm mộ mẹ ngày xuân"
Con thăm mộ mẹ ngày xuân
Hoàng hôn bãng lãng tần ngần bước đi
Nằm trong mạch suy tư ấy, Ngày xuân đi dạo đường xuân, Vĩnh An cũng đã có dòng thơ xúc động hoài niệm về người mẹ thân yêu đã mãi mãi về cõi mù xa:
Mẹ gọi mùa lẹt đẹt pháo nhà quê
Giờ mẹ xa thăm thẳm cõi không về
Tôi trắng mồ côi mùa Vu –lan thứ bảy
Mùa xuân là mùa yêu. Tiếng nói tình yêu trong thơ xuân của Ngô Trọng Nghĩa là tiếng nói của tình đầu dịu dàng e ấp "Phố nhỏ xuân về ta bước bên nhau – Những lời thương còn tinh nguyên nóng hổi – Bỏ lại sau lưng bao muộn phiền, nông nổi – Phố nhỏ xuân về hai đứa yêu nhau" (Phố nhỏ xuân về ). Ngô Trọng Nghĩa đơm vào đôi môi tình nhân nụ hôn nồng cháy của buổi đầu "Cái hôn đầu cháy bỏng" để rồi trong mắt tình si của người yêu Em đã được đồng nhất cùng mùa xuân của đất trời: "Em, mùa xuân dịu dàng" (Mùa xuân dịu dàng ). Còn với Phượng Trinh, tiếng nói tình yêu trong thơ xuân của chị là tiếng nói nồng nàn cháy bỏng đến say mê "Xuân tươi mới, em nói điều đã cũ: - Em yêu anh và em rất yêu anh" để rồi chị thật nữ tính thật nồng nàn mà cũng thật quyết liệt trong tâm sự: " Phút lìa đời, khi môi còn mấp máy – Hãy tin rằng em chỉ nói yêu anh" (Nói với mùa xuân). Hoàng Anh Tâm thì lại cảm nhận sắc xuân trong vẻ đẹp tràn trề nhựa sống của cô thiếu nữ đang độ tuổi vào yêu:
Em gái chào xuân
nồng nàn hơi thở
nụ hoa tròn trăng
hương đêm vú sữa
má ửng se lòng
tình yêu ai đó!
(Mùa xuân và chiếc xe bò cũ)
Cùng nằm trong thi cảm ấy, Mã Giang Ba có sự khám phá khác trong Mùa xuân thăm vườn:
Em dẫn anh vào thăm vườn lạ
Hoa xuân ngời sắc lá tươi non
Ai bảo tháng Giêng rằm chỉ một
Mắt môi em muôn thuở sáng trăng tròn.
Hai câu thơ cuối là hai câu thơ tài hoa trong cấu tứ. Vẻ đẹp của con người được tôn vinh trong cái nhìn chiếu ứng với vẻ đẹp của thiên nhiên, của đất trời trong tiết xuân tràn trề nhựa sống.
Mùa xuân là mùa yêu thế nên cũng chính vì thế mà những lúc xuân về con người ta càng cảm nhận sâu sắc sự đơn côi trong tâm hồn khi tình yêu không trọn vẹn. Vậy nên trong cảm hứng mùa xuân của Hoàng Anh Tâm, bên cạnh những giai điệu trong trẻo tinh khôi của niềm hoài niệm, của tình yêu còn có những khúc trầm đẫm lệ tiếc thương người yêu đã vĩnh viễn chia xa
Mùa xuân mây bay
qua khung cửa sổ
đôi mắt người xưa
ngủ yên trên mộ!
(Khúc tình xuân)
Còn với Châu Thị Cẩm Liên thì mùa xuân lỗi hẹn "Vắng tênh từng chuyến đò qua – Nhớ lời người hẹn tết ta người về" cũng chính là lúc nhân vật trữ tình gặm nhắm nỗi đơn côi đến tái tê trong Chiều cuối năm
Chiều nay trời trở lạnh rồi
Có người ngồi gói những lời yêu thương
Năm hết tết đến cũng là lúc con người ý thức sâu sắc dòng chảy miễn viễn tuần hoàn bất tận của thời gian để khắc khoải ưu tư về sự hữu hạn cuả đời người. Bởi thế cho nên, Ngô Vĩnh Nguyên trong "giờ giao thừa" đã "đăng kí - làm người xin tuổi" (Xin tuổi) còn "gã lãng du" Hoàng Anh Tâm nhận thức sâu sắc nỗi cô đơn của mình:
Chiều cuối năm, uống rượu một mình
Đem kí ức ra làm mồi nhấm
Chiều cuối năm,buồn đời lận đận
Ta cùng ta chúc tết nhau chơi!
Đoạn thơ cứ ám ảnh người đọc khôn nguôi bởi hình ảnh của một con người cô độc "Đem kí ức ra làm mồi nhấm" và đang tự chúc tết mình " Ta cùng ta chúc tết nhau chơi". Có thể nói trong số những người sáng tác thơ ở Trà Vinh, Hoàng Anh Tâm là tác giả có nhiều bài thơ viết về mùa xuân. Tôi thấy một "mã thời gian" xuất hiện trở đi trở lại nhiều lần trong thi hứng của anh: Mùa Xuân. Có những bài thơ ngay tiêu đề đã có dấu vết của mùa xuân: "Hoài niệm mùa xuân", "Bếp lửa đêm giao thừa", "Bài ca mùa xuân", "Mùa xuân trên chiếc xe bò cũ", "Một khúc tình quê", "Chiều cuối năm", "Khúc tình xuân" ….và cả những bài thơ mà mùa xuân không xuất hiện ở tiêu đề nhưng thời gian nghệ thuật chính yếu trong bài thơ lại là mùa xuân như: "Một khúc tình quê", "Khúc bình yên của biển", "Về thăm Trà Cú quê em". Mùa xuân trong thơ Hoàng Anh Tâm gắn với những hình ảnh bình dị của những xóm làng phum sóc trên quê hương Trà Vinh. Với bài thơ "Hoài niệm mùa xuân", tôi đặc biệt có nhiều ấn tượng. Đọc bài thơ này của anh khiến tôi nhớ đến bài thơ "Chợ tết" của Đoàn Văn Cừ, một tác giả với phong cách mang đậm "nếp quê" trong phong trào Thơ mới. Nếu không khí chợ tết trong thơ Đoàn Văn Cừ là không khí của những chợ tết ở miền Bắc vào những năm 30 – 40 của thế kỉ trước thì chợ tết trong bài thơ của Hoàng Anh Tâm là chợ tết của một vùng quê đồng bằng Cửu Long với những hương vị, những hình ảnh đặc trưng:
Tóc em bay
thơm bánh phồng mới giã
Sân nhà vàng rực cúc mai
------
Bến sông
chiều
Râm ran tiếng cười con gái
Rủ nhau về đón tết đêm ba mươi
Bánh tét mẹ
gói rồi
Bếp lửa đỏ son môi
Mùa Xuân đến cũng là dịp để người Trà Vinh ngắm nhìn vẻ đẹp của quê hương. Tăng Hữu Thơ đã lặng lễ đi giữa Rừng xuân để phát hiện ra vẻ đẹp hồn hậu chân chất của một vùng quê biển đang vươn mình trong tiết xuân mới của đất trời
Thong dong về quê biển
Thả bộ thăm rừng bần
Hái một bông hoa tím
Cài lên ngực mùa xuân
Bên cạnh nhận thức sâu hơn về cảnh sắc quê hương, mùa Xuân cũng là dịp để người Trà Vinh nhận thức sâu sắc hơn vẻ đẹp xuân trên đất Bắc trong "Một chuyến du xuân Bắc" (Phạm Tường Bá) với mong ước "Giữ một nắm mưa xuân đất Bắc – Về phương Nam: Tặng bạn, cho em" và những vẻ đẹp của những liền anh liền chị lúc Quan họ vào xuân đã thăng hoa trên những trang thơ xuân của người thơ Ngô Trọng Nghĩa:
Điệu đàng quan họ vào Xuân
Nón quai thao áo tứ thân điệu đàng"
Mùa xuân cũng là thời khắc để con người có thể ngoái nhìn về quá khứ lịch sử mà hân hoan đón chào sự đổi thay trên từng làn da thớ thịt của những vùng đất xưa bom cài đạn xới trong Nhật ký mùa xuân của nhà thơ Lê Tân. Đồng thời "Trước cửa mùa xuân", với bao điều tốt đẹp của thiên nhiên tạo vật, ông cũng đã thẳng thắn cảnh báo người đời hãy dè chừng với "lũ dơi rút vào bóng đêm", "loài khỉ nhốn nháo" và "cái ác" nhưng đến cuối cùng người nghệ sĩ vẫn rất tin vào niềm xác tín "Nhưng lòng nhân ái vẫn là hiện hữu – của bao con người"
Mùa xuân cũng là dịp để người nghệ sĩ lắng lòng trước những nhọc nhằn khốn khó của những mảnh đời đã chắt chiu cho mùa xuân của mỗi mái nhà thêm hương sắc. Tăng Hữu Thơ đã có những vần thơ rất đời rất thơ để mang lời biết ơn đến Với người trồng hoa
Người gánh hoa hay hoa gánh con người
Mà kẽo kẹt đường xa như thì thầm tâm sự
Không vội vã
Hoa vừa đi vừa nở
Trên vai người thơm ngát dọc đường xuân
Hai câu cuối là hai câu thơ xuân tài hoa, nhành hoa xuân dịu dàng tỏa hương trong lòng người yêu thơ đất Trà
***
Dẫu biết rằng trong bốn mùa nàng thơ vẫn ưu ái hơn cả với mùa thu như ai đó đã từng nói "Thơ là thu của lòng người, thu là thơ của đất trời". Tuy nhiên hình như với thơ ca Trà Vinh tình hình không hẳn như vậy. Cảm hứng xuân xuất hiện trong thơ ca Trà Vinh đa dạng, nồng nàn đến ngất ngây trở thành một thi cảm lớn, một dòng chảy miên man bất tận để mỗi độ ngọn chướng về lao xao đầu ngõ thơ ca Trà Vinh lại đơm thêm những đóa hoa thắm sắc tận hiến cho cuộc đời.
Trầm Thanh Tuấn
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét