Gọi Vĩnh An là
"Đệ nhất lục bát đất Trà Vinh" không phải tôi muốn thậm xưng phóng đại
bởi Trà Vinh không hiếm những cây bút viết lục bát hay như Tăng Hữu Thơ, Mã
Giang Ba, Châu Thị Cẩm Liên… nhưng xét về số lượng cũng như chất lượng thơ lục
bát, tôi cho rằng lục bát Vĩnh An "Thì
treo giải nhất chi nhường cho ai". Tôi đã dụng công thống kê số lượng
lục bát của Vĩnh An trên ba tập thơ: Cảm ơn
Eva (thơ - 1991), Như dòng lục bát chông chênh (thơ - 1994), Dân khúc (thơ -
2012) thì số lượng bài thơ lục bát đã lên đến con số 46 bài trên 114 bài
thơ của cả ba tập thơ. Dĩ nhiên đây không phải là con số chính xác bởi ngoài những
bài thơ được tuyển in vào ba tập thơ thì
tác giả còn nhiều bài thơ khác được đăng tải trên nhiều tạp chí văn chương từ
trung ương đến địa phương.
Thơ lục bát Vĩnh
An đa phần là thơ tình. Tình yêu trong lục bát của Vĩnh An đa dạng phong phú với
nhiều trạng thái cảm xúc hết sức vi tế. Đó là những cảm xúc rung động của tình
đầu chớm nở thời học trò:
Yêu
mà không biết yêu ai
Chờ
không vì nỗi đợi dài đêm đêm
Tóc
thề nón lá chao nghiêng
Vài
tà áo trắng ven hiên cười giòn
(…)
Mỗi
lần người chỉ nhìn thôi
Đã
nghe lá thở bồi hồi run run
(Lục bát mưa)
Hay đó là những khoảnh khắc đầu tiên khi Người dưng vuột miệng hẹn tìm người dưng
Bỗng
dưng sóng cứ bồi hồi
Chút
chông chênh cứ làm tôi thế nào
Hình
như chiều trải thêm sâu
Hình
như mắt chỉ toàn màu mắt em
Bỗng
dưng chiều ngã vào đêm
Người
dưng vuột miệng hẹn tìm người dưng
Phía
sau câu nói ngập ngừng
Đã
chơi vơi thoáng run run nhịp chèo
(Gửi
một buổi chiều)
Hay đó là những
xao động trước người lạ hoắc lạ quơ
khi cùng hát chung câu vọng cổ:
Người
ta lạ hoắc lạ quơ
Hát
chung câu vọng cổ giờ ngồi chung
Cũng
nhờ sợi khói bếp un
Cũng
nhờ ngọn bấc và cùng đò xuôi.
(Chông chênh)
Câu vọng cổ mùi
mẫn của sông nước đồng bằng đã nối kết tình cảm trong ngần. Có khi tác giả lại
diễn tả trạng tương tư của một tình yêu đơn phương lặng thầm nhưng không kém phần
nồng nàn da diết:
Hôm nào
Qua ngỏ nhà em
Hoa mười bảy
Nở bên thềm cười
duyên
Vô tình
Em mấy lần quên…
Tôi về
Không ngủ
Đứng "đền"…
cái sân.
(Hoa
vàng)
Có lẽ phát nguồn
từ nguồn mạch dân gian nên lục bát của Vĩnh An kể cho người đọc nhiều câu chuyện
lỡ duyên. Chuyện lỡ duyên của anh học trò nhút nhác không dám tỏ bày để tình
yêu vụt biến mất trong nuối tiếc nghẹn ngào:
Tôi
vô tình như mưa sa
Nên
em này ấy giờ là …Người dưng
Một
chùm Phượng nở rưng rưng
Hai
tay chạm. Rồi dừng thật lâu.
(Một thời tôi yêu)
Có khi câu chuyện
lỡ duyên được gợi tứ từ những câu Hát ru.
Bài thơ là sự lắp ghép thi ảnh của nhiều câu hát ru để tạo nên trường nghĩa mới
hết sức thú vị.
Ví
dầu
Bến
nước, góc đình…
Trăm
năm
Bậu
hết thương mình
Mình
thương
Bên cạnh đó người
đọc còn thấy vọng về tiếng lòng lỡ duyên của câu ca xưa cũ:
Ngày
đưa con sáo qua sông
Câu
thương nhớ đã dặn lòng rằng thôi
Em
bến lỡ tôi bên bồi
Mười
năm trăng cũ lẻ đôi đến giờ
(Mười
năm)
Không dừng lại ở
những rung động đầu đời, ở những câu chuyện lỡ duyên, thơ tình lục bát của Vĩnh
An còn là sự hòa quyện giữa tình yêu và thiên nhiên tạo vật:
Lúc
em còn ở cạnh ta
Bỗng
yêu Dalat gợn da trong chiều
Quanh
ta thác đổ liêu xiêu
Sương
nhòa che cả quãng đèo không em
(Với Dalat)
Vàng
em vàng mimosa
Xanh
thông xanh tận cỏ và đồi xanh
Em
xa nên lá xa cành
Cho
đồi hoang chợt mong manh hình hài
Mai
về lất phất mưa bay
Biết
còn em sẽ ở hoài ngàn thông
Giá
mà tôi…cũng bằng không
Chỉ
còn mây, chỉ còn dòng thác Preen.
(Với
Mimosa)
Cảnh sắc Dalat
đã trở thành "em" một người tình hư ảo nhập thân trọng vẹn vào mây trời
hoa cỏ của thành phố mộng mơ.
Có lẽ vì thế,
nên dù là viết với cảm hứng thiên nhiên, thiên nhiên là đề tài nhưng thơ lục
bát Vĩnh An cứ "đẫm tình". Đọc Chùm
thơ ở biển, người đọc cứ tháy lãng đãng dư ba của những thoáng tình thơ mộng,
vừa hư ảo xa xôi nhưng cũng vừa gần gụi cơ hồ như không tác bạch được người yêu
mà nhân vật trữ tình muốn thổ lộ là một con người cụ thể hay là hương biển,
hương đất, hương cây…
1.
Nhớ
người về lại biển đêm
Rì
rào sóng lạt buộc mềm lòng đau
Đước
thành rừng vẫn tựa nhau
Mà
đêm nay chẳng bóng nào tựa tôi
2.
Nợ
con giồng cát cơn mưa
Nợ
cô gái lạ mùa dưa hấu vàng
Những
cơn mưa cứ lỡ làng
Cho
đời gió bụi nhuộm vàng áo tôi
3.
Tôi
ngu ngơ chỉ vì em
Bàn
chân chạm biển lại mềm trái tim
Lao
ra với sóng êm êm
Gặp
bao vị mặn lặng dìm lẫn nhau
4.
Mình
về lưng dựa hàng dương
Lơ
mơ khẽ chạm làn hương thoáng đùa
Mình
đi đành gởi lại mùa
Nhớ
rưng rưng giọng ve vừa cất lên
Bên cạnh thơ
tình, lục bát Vĩnh An còn có một mảng riêng về cảm thức thế sự. Có khi đó là lời
Bâng khuâng da diết của một nỗi lòng
tư hương sâu nặng:
Giật
mình phút gió lập Đông
Lơ
mơ thôi đã chạnh lòng nhớ quê
Hoa
cau nhuộm trắng tóc thề
Biết
bờ tre cạnh lối về còn không?
Vĩnh An đã có những chiêm nghiệm sâu sắc trong
bài thơ Dân khúc bài thơ được tác giả
đặt tên cho tập thơ của mình. Có thể nói đây là sự tri ân sâu sắc của tác giả
trước bầu sữa mẹ dân gian – ca dao. Đây là nguồn mạch đã nuôi lớn hồn thơ lục
bát Vĩnh An thể thơ mà nhà thơ đã chung thủy gắn bó.
Khúc ca dao
Hát một mình
Ta ru ta
Cả mảnh thinh
không buồn
Tạ tình người
Đoạn thơ suông
Cứa lòng nhau
Gió lạnh suồng
sã cây
Bài thơ có bốn
câu lục bát được tách thành tám dòng với cách ngắt nhịp linh hoạt phá vỡ sự ổn
định của nhịp chẵn truyền thống của thể thơ lục bát. Hơn thế nữa lối viết độc
đáo được thể hiện ở câu cuối khi chữ "suồng" ở câu bát bắt vần với chữ
"suông" câu lục nhưng lạ là một phần của từ ghép "suồng sã"
và chữ " cây" ở cuối. Hiện tượng này rất hiếm gặp với thể lục bát.
Khi Về lại Phong Điền, Vĩnh An cũng đã dâng
tặng khí tiết của nhà Nho yêu nước Phan Văn Trị nén tâm hương trân trọng:
Thơ
ca từ lúc lên đàng
Tựa
tên buông cánh hàng hàng diệt ma
Thi
nhân tạm gác rượu hoa
Đưa
lời “bảy chữ“ chửi cha quan Tường
Đau
từng ngọn cỏ đẫm sương
Xót
từng cây lúa giữa đường mọc hoang
Nhịp
chày thình thịch miên man
Chảy
từng hạt gạo trắng loang địa đồ
Để từ khí tiết của
tiền nhân, tác giả tự chiêm nghiệm với trách nhiệm kế thừa "Hẹn tiền nhân mãi kế thừa dân tâm":
Ta
về dâng một nén nhang
Khói
hương thoảng với mấy hàng thơ xưa
Phơi
gan dạ giữa nắng mưa
Hẹn
tiền nhân mãi kế thừa dân tâm
Vĩnh An viết thơ xuân không nhiều,
chủ yếu tập trung trong tập Dân khúc.
Tuy nhiên với sáu bài thơ được khơi gợi từ cảm hứng xuân nồng nàn đã mang đến
những mĩ cảm đặc biệt trong lòng độc giả.
Lần giỡ từng
trang trong tập Dân khúc, tôi không
khỏi xúc động bồi hồi khi nghe nhịp thời gian trôi qua những vần thơ lục bát
trong bài tứ tuyệt Xuân mới:
Bước
ra từ một ngày đông
Vàng
nắng vàng áo vàng bông gọi mùa
Bước
qua đêm chợt giao thừa
Sớm
mai ôm trọn vẹn mùa tái sinh
Bài thơ là sự xoắn
xít giao cảm đan xen giữa cảm nhận không gian và thời gian của đất trời vũ trụ.
Thời gian chuyển mùa đột ngột trong sự ngỡ ngàng của một tâm hồn nhạy cảm với
thiên nhiên được đặc tả qua hệ thống những từ ngữ gợi thời gian: một ngày, đêm, sớm mai – một khoảng thời
gian rất ngắn. Đây chính là những khoảnh khắc bản lề, một lằn ranh mỏng manh giữa
hai mùa Đông và Xuân. Phải chăng chỉ với những tâm hồn nhạy cảm, tinh tế mới có
thể nắm bắt được lằn ranh ấy? Hơn thế nữa bài thơ còn mở ra một không gian đậm
đà sắc màu xuân Nam Bộ qua nghệ thuật điệp từ vàng trong câu thơ Vàng nắng
vàng áo vàng bông gọi mùa. Bằng việc láy đi láy lại đến ba lần từ vàng
trong một câu thơ, Vĩnh An đã làm sáng bừng cả không gian Xuân hay nói chính
xác hơn đây là khoảnh khắc bừng sáng trong tâm hồn thi nhân khi tình xuân chợt
dâng trào chan chứa.
Bài thơ ngắn gọn
súc tích, một đặc điểm cố hữu của tứ tuyệt, nhưng đã mở ra trường liên tưởng
phong phú trong sự tiếp nhận của độc giả. Tôi lần tìm nhãn tự của bài thơ và đột
ngột xúc động với bốn chữ vẹn mùa tái
sinh ở cuối bài thơ: Sớm mai ôm trọn
vẹn mùa tái sinh. Bốn chữ giản dị ấy để lại trong ta biết bao nhiêu suy tư
về sự hữu hạn của đời người trước sự trường cữu miên viễn của thời gian vũ trụ.
Mùa xuân của đất trời có thể tái sinh theo vòng tuần hoàn: Xuân sinh – Hạ trưởng
– Thu thu – Đông tàn. Nhưng tuổi xuân của đời người đã đi qua thì không bao giờ
qua trở lại. Tuy nhiên đọc sâu vào trọn vẹn cả câu thơ, người đọc lại cảm thấy
một niềm lạc quan hứng khởi của thi nhân với khát khao ôm trọn vẹn mùa tái sinh, mong muốn hòa mình giao cảm trọn vẹn với
thời khắc xuân nồng của đất trời.
Với văn nghệ sĩ,
việc khai bút đầu năm thường gắn với việc diễn tả ý xuân, tình xuân đang dâng
tràn trước cảnh sắc rực rỡ của thiên nhiên tạo vật khi mỗi độ xuân về. Vĩnh An
đã viết những vần thơ Khai bút thể hiện
những cảm nhận sâu sắc của mình về những biến đổi tinh vi của đóa mai vàng bên
cơn gió xuân dịu dàng trước ngỏ:
Từ
mầm thành nụ xanh mơ
Tách
ra chia cánh hoa phơ phất vàng
Từ
mùa đông cũ đưa sang
Bao
cơn gió cứ nhẹ nhàng như không
Để rồi Vĩnh An bất
ngờ "lạ em" khi bắt gặp xuân hồng đơm trên môi của một thiếu nữ mà
anh vô tình bắt gặp trên phố xuân tấp nập
Lạ
em từ một môi hồng
Xanh
tươi nhí nhảnh giữa dòng người qua
Dáng xuân hồng
còn được tác giả cảm nhận từ sắc áo rực rỡ muôn màu nơi phố chợ đến tiếng cười
hồn nhiên hào sảng:
Xuân
về phố chợ tìm tôi
Với
bao sắc áo dần trôi giữa người
Xuân
từ sang sảng giọng cười
Hồn
nhiên nhân hậu như thời thanh niên
Bốn câu thơ cuối
của bài thơ, với ngẫu khúc láy đi láy lại: "mới
xin …đã nghe", "mới vừa …đã
nghe" thể hiện những xúc cảm dạt dào của nhà thơ trước bước chuyển đột
ngột của thời gian:
Mới
xin cành lộc ngoài hiên
Đã
nghe đất mở một phiên giao thừa
Mới
vừa nghĩ đến xuân xưa
Đã
nghe mùa mới đong đưa trao tình
Đọc những dòng
thơ trên không thể không xác tín một điều: với Vĩnh An, mùa xuân là mùa yêu,
mùa tình để con người trao trọn hồn mình vào thiên nhiên tạo vật.
Trong khoảnh khắc
năm hết xuân về, Vĩnh An cũng đã dành một góc rất riêng viết về người vợ tao
khang suốt một đời gắn bó. Bài thơ Theo
em lễ Phật đầu năm đã đem lại trong lòng người đọc bao xúc cảm:
Đất
trời đã rộn sắc xuân
Đầu
năm lễ phật ta mừng tuổi nhau
Đã
hai màu tóc trên đầu
Chợt
vụng dại với mấy câu nguyện thầm
Bốn câu thơ đầu gợi chuyện thật duyên dáng.
Đi lễ Phật hình như chỉ là cái cớ để nhà thơ có dịp bày tỏ tình yêu của mình đối
với vợ, một người phụ nữ đã hi sinh cả quảng đời xuân xanh cho chồng cho con.
Đi lễ Phật cốt là để "mừng tuổi
nhau", để hạnh phúc khi kịp nhận
ra những điều giản dị nhưng hết sức trân quý: tuổi không còn trẻ nhưng tình yêu
vẫn nồng nàn như thuở còn xuân xanh "Chợt
vụng dại với mấy câu nguyện thầm". Chữ "chợt" ấy giản dị
nhưng lại gói ghém biết bao tình cảm nồng ấm. Chữ "chợt" ấy mang đến
cho người đọc một "tiền giả định" có lẽ trong cuộc sống thường nhật
guồng quay cơm áo gạo tiền, đôi vợ chồng đã "phải tạm quên", "tạm
khép lại" một thời kí vãng đầy xuân mộng. Để rồi trong khoảnh khắc trong
ngần của trời đất giao hòa những xúc cảm ấy lại trào dâng mãnh liệt.
Đoạn thơ tiếp theo là những dòng tự thuật:
Nhà
nghèo vá víu quanh năm
Giờ
giàu có chỉ là mâm cỗ bày
Cắm
nhang xong nắm bàn tay
Nghe
nhoi nhói mấy vết chai đàn bàNGÀY XUÂN ĐI DẠO ĐƯỜNG XUÂN
Bao
nhiêu năm sống cạnh ta
Nét
xuân xưa cũng phôi pha ít nhiều
Trả
cho ta chút đăm chiêu
Phút
rung cảm trước những điều vu vơ
Hai khổ thơ chất chứa những giây phút tự vấn
của nhà thơ. Tôi đã bao lần bắt gặp điều này trong thơ Tú Xương, trong biết bao
bài thơ hiện đại khác: Nhân vật trữ tình tự trách mình vì đã không mang đến cho
người đầu ấp tay gối một cuộc sống đủ đầy tốt đẹp. Nghĩa là đây là một thi đề
không mới. Nhưng đọc đoạn thơ trên, tôi trộm nghĩ rằng, Vĩnh An cũng đã kịp
đóng góp vào mảng thơ viết về vợ hai câu thơ tài hoa:
Cắm
nhang xong nắm bàn tay
Nghe
nhoi nhói mấy vết chai đàn bà
"Cắm
nhang xong", tâm hồn đong đầy những mộng tưởng ước ao xa xôi để rồi
quay về thực tại với "mấy vết chai
đàn bà" trên đôi bàn tay lam lũ tảo tần. Cụm từ giản dị "Nghe nhoi nhói" chạm vào biết
bao nhiêu niềm đồng cảm của độc giả.
Đọc xong bài thơ, tôi quý nhất điều mà Vĩnh
An khéo léo gửi gắm:
Biết
yêu bao nét tình cờ
Nhẹ
tênh làn khói kịp giờ qua năm
Trong đời sống vợ
chồng, đặc biệt với những ai đang phải chật vật với cuộc mưu sinh thì hình như
những lo toan đời thường luôn là vấn đề sống còn. Và cũng chính vì thế mà những
phút giây dành cho tình yêu đối với họ là những điều "xa xỉ". Thế nên
nhà thơ đã khuyên nhủ: "Biết yêu bao
nét tình cờ". Câu thơ không đao to búa lớn cũng không đậm đà triết lí
sâu sa nhưng cũng đủ để khiến người đọc phải suy ngẫm. Khi người ta biết yêu những
phút tình cờ, những khoảnh khắc đáng yêu đáng trân trọng của bạn đời thì đó
cũng chính là lúc con người ta đồng cảm sâu sắc với những vất vã nhọc nhằn mà
người thương của mình đang phải trải qua. Cả bài thơ có hai nét tình cờ: bàn
tay có vết chai đàn bà và đôi tay lắc ống xăm. Hai chi tiết nhưng
chung quy lại đó lần ấn tượng về đôi tay chịu thương chịu khó của người vợ tảo
tần. Đôi tay ấy có phép màu ươm lên biết bao ước mơ xuân cho cuộc đời thi nhân:
Nhìn
đôi tay lắc ống xăm
Có
bao mơ ước ươm mầm từ xuân
Hai
câu thơ cuối đọng lại nhiều dư vị sâu xa.
Cảm hứng triết
luận trong thơ lục bát Vĩnh An được thể hiện đậm chất cổ điển. Trưa hè đọc giấc Nam Kha, là một bài thơ
lục bát độc đáo được gợi hứng từ điển tích Thuần Vu Phần. Theo Dị Văn Lục và Nam Kha kí, Thuần Vu Phần đời Đường, ở đất Quảng Lăng, nhà có cây
hòe to, sống lâu năm, cành lá sum suê rậm rạp. Nhân khi Thuần Vu Phần uống rượu
say, nằm ngủ quên dưới cây hòe, mộng thấy mình bay lên không trung, vào một nơi
có đề bảng: Đại Hòe An Quốc, được quốc vương nước ấy thương, gả công chúa cho,
rồi được bổ đến làm Thái Thú đất Nam Kha, công danh thật hiển hách. Sau, Thuần
Vu Phần cầm quân đánh giặc, chẳng may bị thua. Còn công chúa ở nhà bị đau bệnh
chết. Vua nước Đại Hòe An nghi ngờ, rồi cách chức đuổi đi. Thuần Vu Phần buồn
chán và uất ức, liền giựt mình thức dậy, thấy mình đang nằm dưới cội cây hòe, nơi
cành cây phía Nam, nhìn lên thấy một con kiến chúa đang nằm trong một tổ kiến lớn.
Thuần Vu Phần nằm suy nghĩ về giấc mộng vừa qua của mình, chợt tỉnh ngộ, hiểu rằng
nước Đại Hòa An là cây hòe lớn, cành cây phía Nam là đất Nam Kha, vua nước Đại
Hòe An là con kiến chúa, dân chúng là toàn ổ kiến. Thuần Vu Phần cảm câu chuyện
trong mộng, tỉnh ngộ biết cảnh đời là ngắn ngủi, không định liệu được việc gì cả,
bèn dốc lòng tìm đạo tu hành. Câu chuyện đầy tính ngụ ngôn kia được người đời
sau lưu truyền để hàm chỉ một sự kiện nào đó, nghe có vẻ cao siêu, đẹp đẽ nhưng
thực chất là không thực tế, viển vông... Từ tích này mà trong dân gian có thành
ngữ giấc mộng Nam Kha hay giấc mộng hoè, giấc hoè với nghĩa là “giấc mơ đẹp,
nhưng chỉ là giấc mơ, là chuyện hão huyền”. Trong văn chương thường dùng điển
tích nầy với các từ ngữ: Giấc Nam Kha, giấc
hòe, để chỉ cuộc đời là phù du mộng ảo; công danh phú quí như giấc chiêm
bao.:
Giấc
Nam Kha khéo bất bình
Bừng
con mắt dậy thấy mình tay không
(Cung oán ngâm khúc- Nguyễn Gia Thiều)
Rượu
đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn
xem phú quý tựa chiêm bao
(Nhàn – Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Bài thơ Trưa hè đọc giấc Nam Kha là những chiêm
nghiệm về lẽ được mất, vinh – nhục, sang – hèn trong cuộc đời con người:
Gió
nồm vẩy quạt lơ thơ
Ngựa-quân-võng-lọng-quạt-cờ
và quan
Trăm
năm vụt thoáng bàng hoàng
Tội
công lẫn lộn đa mang một đời
(…)
Đọc xong bài thơ
người đọc dường như không phân biệt được tác giả kể về Thuần Vu Phần hay chính
tác giả nhập thân, chính tác giả cũng là một kiểu Thuần Vu Phần giữa cuộc đời:
Trưa
hè đọc giấc nam kha
Thảnh
thơi tâm tựa như là mây trôi
Cao
xanh như cũng bồi hồi
Rưng
rưng gọi gió mấy lời đăm chiêu
Bên cạnh
đó lục bát Vĩnh An còn triết luận giản dị với những chiêm nghiệm về thời gian đời
người, điều mà văn chương cổ kim đều cố công khai thác. Trong bài thơ Vào thu, bằng bốn câu lục bát nhỏ gọn
nhưng tác giả đã gợi mở trong lòng người đọc nhiều suy tưởng:
Sớm mai trong trẻo lạ thường
Chợt
se lạnh biết thu dường lá rơi
Đam
mê mơ mộng nửa đời
Còn
bao nhiêu cuộc đánh rơi chính mình
Với thơ tứ tuyệt,
kiểu "li vĩ tức thủ, li thủ tức vĩ" thì ngôn từ cần phải chắc lọc đến
mức cao nhất có thể. Hai câu đầu của bài thơ khắc họa sâu sắc tâm trạng ngỡ
ngàng của nhân vật trữ tình trước khoảnh khắc giao mùa hay chính là sự bàng
hoàng thảng thốt khi nhận ra mình đã ở bên kia "cái dốc của cuộc đời" (Chữ dùng của nhà văn Nam Cao)? Để
rồi tác giả tự vấn thật sâu vào bản ngã của mình: có bao lần vì chạy theo những
đam mê phù phiếm mà đã "đánh rơi
chính mình"
Trên bình diện
nghệ thuật, Vĩnh An đã đạt được nhiều thành tựu từ thể thơ quen thuộc này. Người
đọc ấn tượng với cách đặt tên tập thơ Như
dòng lục bát chông chênh của Vĩnh An. Phải chăng đó là một tuyên ngôn
"ngầm" cho những cách tân dòng thơ lục bát mà nhà thơ đeo đuổi suốt một
chặng dài sáng tác của mình? Từ "chông chênh" phải chăng là một diễn
ngôn cho việc "làm mới" dòng thơ lục bát truyền thống?
Dòng thơ lục bát
truyền thống, như đã phân tích kĩ ở trên vốn tồn tại theo kiểu dòng thơ sáu –
tám. Tuy nhiên với Vĩnh An, nhà thơ có xu hướng tách chữ và xuống dòng liên tục
nhằm thể hiện linh hoạt ý đồ nghệ thuật của mình. Và những câu thơ lục bát xuống
dòng ấy của Vĩnh An đã tạo nên những mỹ cảm mới mẻ trong lòng người đọc khi thưởng
thức một thể thơ đã quá quen thuộc:
Tóc
người, người lại giao tôi
Đường
trưa
Gió
chốc đùa rồi gió đi
Ác
làm chi
Ác
làm chi
Lan
man hương tóc
Nhớ
gì hương xa
Dẫu
là
Hương
tóc người ta
Cứ
như là
Cứ
như là
Cứ
như……
(Mong Manh hương tóc)
Cũng cần nói kín
kẽ hơn, xét trên tổng thể những bài thơ lục bát của văn học Trà Vinh, hiện tượng
nêu trên là đóng góp của Vĩnh An trên bình diện thể loại. Nhưng nhìn rộng ra
văn chương cả nước thì hiện tượng này không hiếm. Tuy nhiên cũng cần phải nói
thêm. Do nhu cầu làm mới, thể thơ nhiều tác giả cũng "xuống dòng" với
nhiều hình thức nhưng bên cạnh những thành công của những cây bút già dặn, cứng
nghề thì vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế xuất phát từ việc xuống dòng "cơ học",
"ngẫu hứng" chứ hoàn toàn không xuất phát từ một ý đồ nghệ thuật gì.
Có thể khẳng định chắc chắn, với thơ lục bát Vĩnh An, việc xuống dòng trên hầu
hết đều có ý thức, có dụng ý nghệ thuật như một đặc trưng phong cách mà tác giả
đeo đuổi. Chính điều đó đã tạo nên một diện mạo lục bát Vĩnh An khó lẫn với nhiều
tác giả khác trong tỉnh nhà.
Có khi dòng thơ
lục bát của Vĩnh An xuống dòng từ chữ thứ hai trong câu lục hoặc câu bát:
Vâng
ngày xưa
Có
một thời tôi yêu…
(Tôi yêu)
Có khi dòng thơ
lục bát của Vĩnh An xuống dòng từ chữ thứ ba, thứ tư trong câu lục hoặc câu
bát:
Ngày
em
Quay
mặt vô tình
Dửng
dưng
Như
thể đôi mình chưa quen
(Nửa vầng trăng lẻ)
Em
xa
Dạo
ấy đến nay
Nỗi
đau riêng
Ngỡ
theo tháng này đã qua
(Người cũ)
Cấu trúc điệp
luôn là thế mạnh trong lục bát Vĩnh An. Điệp trong cấu trúc tiểu đối nhịp 3/3:
Tóc
người, người lại giao tôi
Đường
trưa
Gió
chốc đùa rồi gió đi
Ác làm chi
Ác làm chi
Lan
man hương tóc
Nhớ
gì hương xa
Câu thơ Ác làm chi/ Ác làm chi như một lời
trách yêu nhưng cũng hàm chứa bao xót
xa, nuối tiếc.
Bài thơ Điệp khúc và là bài thơ điển hình cho
nghệ thuật điệp trong cấu trúc trong nội bộ câu thơ của Vĩnh An. Nhà thơ đã
thành công trong việc sử dụng điệp ngữ với nhịp 2/2/2:
Mây
bay/mây bay/ mây bay
Lá
rơi/ lá rơi/ lá rơi
Hơn thế nữa
trong bài thơ này còn có sự kết hợp với kiểu điệp trong cấu trúc trong câu thơ
với nhịp 3/3:
Con
sông trôi/con sông trôi
Nhằm tạo dựng
"điệp khúc" của nỗi lòng chàng trai khi gặp lại người yêu cũ trong
hoàn cảnh "Chiều xuôi ngược lạc lối
vào nhà em" để thấy em "Hình
như em giờ xanh xao – Thương em trải biết bao nhọc nhằn". Bài thơ trở
nên đặc sắc khi nằm trong sự liên tưởng thú vị: Điệp khúc – lời ru con. Cấu trúc điệp đã biến bài thơ trở thành
"Điệp khúc" của bao nỗi ngổn ngang trong tâm tư nhân vật trữ tình khi
gặp lại người yêu cũ trong một cảnh huống xót xa:
Nôn
nao tiếng trẻ khóc gần
Em
quay mặt vội
Tần
ngần …lại thôi
Thơ lục bát của Vĩnh An cũng được nuôi dưỡng bằng
thi liệu của văn chương dân gian. Đó là ý tứ của những bài ca dao, cũng như những
biểu tượng quen thuộc của văn chương dân gian như: trầu – cau, con sáo, hoa
ngâu, bờ sông bồi lở… được tác giả vận dụng sáng tạo:
Lá
trầu cùng hẹn trái cau
Không
vôi mà đỏ lòng nhau vẫn mời
(Thơ
Vụt hiện)
Ngày
đưa con sáo qua sông
Câu
thương nhớ đã dặn lòng rằng thôi
Em
bến lỡ tôi bên bồi
Mười
năm trăng cũ lẻ đôi đến giờ
(Mười
năm)
Thơ lục bát Vĩnh
An đôi khi cũng xuất hiện điển cố nhằm tạo nên chất cổ điển
Con
chim lạ mặt cành cong
(Lạ)
Là câu thơ lấy từ
ý của thành ngữ "kinh cung chi điểu". Thành ngữ "kinh cung chi
điểu" có trong điển tích Chiến quốc
sách. Canh Luy đứng trước Ngụy Vương, giương cung không có tên, giả bắn một
phát, con chim nhạn rơi xuống. Canh Luy giải thích với vua rằng: "Sở dĩ như vậy là vì con chim này bị thương,
vết thương chưa lành và lòng khiếp sợ chưa tan, cho nên thấy giương cung lên là
sợ hãi". Bài thơ Trưa hè đọc giấc
Nam Kha cũng là bài thơ như thế.
Bằng một bài viết
ngắn, chúng tôi nghĩ rằng những điều được trình bày ở đây mới chỉ là "diện"
chứ chưa phải là "điểm". "Vĩa quặng" thơ Lục bát Vĩnh An sẽ
còn có sức hút lớn lao đối với công chúng độc giả cũng như những người viết phê
bình. Chúng tôi hi vọng ở những bài viết kế tiếp có thể đi sâu hơn để khám phá
vẻ đẹp của Lục bát Vĩnh An.
Trầm Thanh Tuấn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét