Ngày mới ra trường, Thư được điều
về công tác ở một xã vùng xa. Trường Thư cách trung tâm huyện cũng như cách nhà
cô cả buổi đường đi xe đạp. Một xã thuần nông cuối thập niên 90 nên đời sống
của người dân địa phương cũng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Thư được phân
công chủ nhiệm lớp Bốn, sĩ số lớp khá đông. Các em trông cũng hiền lành, lễ
phép.
Qua mấy tuần đầu, lớp học Thư chủ
nhiệm cũng đi vào nề nếp. Mọi hoạt động học tập, sinh hoạt diễn ra bình thường.
Phong trào thi đua của lớp chưa có gì nổi bật cũng chẳng có những sai phạm nào
nghiêm trọng, đáng phê bình. Nhưng trong thâm tâm, Thư vẫn cảm thấy lớp chưa
ngoan. Các em học sinh lớp Thư ngấm ngầm có sự đố kỵ, chia rẽ. Một hôm, Thư đến
trường sớm, tình cờ cô bắt gặp một nhóm bạn trai trêu chọc thế nào mà bạn Hà
khóc nức nở. Hỏi ra mới biết – bạn Tuấn thấy Hà đi nhặt phân bò ngoài đồng,
Tuấn đã kể cho nhóm bạn nghe và ai đó đã xướng lên gọi Hà là “Hà cứt bò”. Lần ấy, Thư đã nghiêm mặt
phê bình, cảnh cáo một số bạn nam đã xúc phạm bạn mình. Hà thì đứng cúi gầm,
tay chùi nước mắt, có vẻ lầm lì cam chịu. So với các bạn trong lớp thì Hà có
vóc người nhỏ nhắn, hơi gầy. Nước da ngăm ngăm rám nắng, tóc vàng hoe. Em ăn
mặc hơi tuềnh toàng, chiếc áo trắng ố vàng. Qua tìm hiểu, Thư biết em là con
đầu, cha mẹ còn rất trẻ. Thấy em có vẻ xa lánh, ít cởi mở nên cô cũng không
dành cho em nhiều thiện cảm.
Một hôm, sau giờ tan học buổi
chiều, trời nổi cơn dông, mây đen kéo đến. Mặt đất tối sầm rồi mưa ập đến. Mưa
như trút nước, gió giật điên cuồng. Thư tránh mưa ở văn phòng trường một lúc
nhưng xem ra màu trời còn mưa dai dẳng nên cô vội vã khoác áo mưa rồi đạp xe về
nhà trọ. Gió thổi ào ào, mưa hắt rát mặt, Thư cúi người đạp xe hối hả để mau
đến nhà. Bỗng cô khựng lại – trước mắt Thư là bé Hà, học sinh lớp cô, áo quần
em ướt sũng, tóc tai bết nước. Tay om co ro
chiếc túi nhựa đựng sách vở. Trên lưng là chiếc túi ni lông của bao phân NPK
rách tả tơi, em vừa đi vừa khóc sụt sùi. Đứng trước cô giáo, Hà khép nép, e dè
có vẻ sợ sệt. Khi nghe Thư an ủi, động viên và hỏi han chân tình, em mới kể:
Mấy bạn nam của lớp mình đi xe đạp thấy em trùm chiếc túi ni lông che mưa nên
xúm lại trêu chọc. Em cố bỏ chạy, bạn càng đuổi theo kéo áo. Mưa tối tăm mặt
mũi, đường trơn trượt làm em té nhào, các bạn cười khoái trá rồi đạp xe bỏ
chạy.
Thư dỗ dành rồi bảo em lên xe,
che đỡ vạt áo mưa với cô và đưa em về nhà. Con đường đất gồ ghề dẫn vào xóm
vắng, nhà cửa thưa thớt. Em bảo Thư dừng xe trước ngôi nhà xây đã cũ, đơn sơ.
Trong nhà trống huơ chẳng có đồ đạc gì quý giá. Bà cụ tuổi ngoài sáu mươi nhưng
trông tiều tuỵ, khắc khổ rụt rè chào tôi. Nghe tôi kể sự việc, bà thở phào, cảm
ơn rối rít khiến Thư áy náy vô cùng. Cơn mưa run rủi Thư đến đây, cô mới thấu
hoàn cảnh của em. Cha mẹ Hà bỏ nhau khi em chào đời. Lên bốn tuổi mẹ đi bước
nữa và theo bố dượng lập nghiệp ở phương xa. Nếp nhà nhỏ chỉ còn hai bà cháu
đắp đổi qua ngày. Bà làm thuê làm mướn nuôi cháu. Giờ tuổi cao sức yếu người ta
không thuê nữa nên bà cháu đi nhặt nhạnh và hốt phân bò ngoài đồng gom lại bán
cho người ta chăm bón thanh long.
Hôm sau, Hà không đến lớp được vì
bị cảm sốt, bà ngoại Hà nhờ người đến xin phép. Trong giờ sinh hoạt chủ nhiệm
hôm ấy, thấy cô giáo buồn buồn, lớp im phăng phắc. Thư không la rầy hay lớn
tiếng với các em mà chỉ nhẹ nhàng tâm sự với lớp về hoàn cảnh của Hà. Các em
xúc động mắt đỏ hoe khi biết Hà là đứa trẻ thiếu may mắn. Cô nói với lớp:
-
Hà cần sự cảm thông, chia sẻ chứ bạn ấy không cần sự thương hại. Tấm áo mưa của
bạn tuy là chiếc túi ni lông nhưng thể hiện sự khẳng khái, trong sạch với ý chí
tự lâp khiến cô vô cùng cảm kích. Vậy mà, có bạn vì ham vui đã vô tâm xé đi,
làm tổn thương bạn mình.
- Thưa cô em chỉ giỡn, cô cho em
xin lỗi ạ! Tuấn cùng nhóm bạn đứng lên xin lỗi.
- Các em biết nhận lỗi là tốt
rồi! Đừng bao giờ đối xử với bạn như thế nữa! Cô nói.
Hôm sau, Hà đi học lại. Thư mua
chiếc áo mưa nhỏ đưa cho em lớp trưởng tặng cho Hà và nói là quà của lớp. Hà
rụt rè nhận lấy, nụ cười thẹn thùng làm khuôn mặt em thật đáng yêu mà từ đầu
năm học tới giờ Thư không nhận ra.
Sau sự việc ấy, không khí lớp cô
thay đổi hẳn. Các em trở nên thân thiện, đoàn kết, gần gũi và yêu quý Thư hơn.
Cũng từ đó, các em chăm chỉ học tập nên kết quả tiến bộ rõ rệt.
Gần hai mươi năm làm nghề dạy học,
bản thân Thư trải qua không ít những buồn vui, trăn trở về công tác giáo dục
học sinh. Chuyện “ Tấm áo mưa” đã để lại trong cô ấn tượng khó phai mà mỗi khi
nhớ về nó khiến lòng cô ấm lại với bao cảm xúc yêu thương dâng trào. Nó có sức
mạnh động viên, cũng là kinh nghiệm quý báu về cách nhìn và đánh giá con
người, tránh được thói võ đoán, hình thức. Thư mong muốn các em sau này cũng
biết sống để cho đi những gì chân thành nhất, quý giá nhất để cuộc sống đáng
yêu hơn, đẹp hơn bởi những tấm lòng biết sẻ chia.
Nguyễn Thanh Phong
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét