Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày
312 trang, khổ 13x19 cm, giá 100.000 đ. Mời quý bạn đọc ủng hộ!
Miền Tây sông ngòi chằng chịt, hệ thống thủy lộ tự nhiên cùng kênh đào được thi công qua các thời kỳ, hình thành mạng lưới giao thông thủy độc đáo. Ngày nay, khi giao thông nông thôn phát triển, xe gắn máy phổ cập tận thôn ấp, sự gắn bó sinh hoạt đi lại của bà con với sông nước giảm nhiều, hình ảnh tàu đò - phương tiện giao thông quen thuộc một thời chưa xa trên sông nước miền Tây - đã vào ký ức.
Đến tận những năm 1990, hệ thống giao thông bằng tàu đò trên sông rạch vẫn còn thịnh, các chợ đều có bến đò tập trung khởi đầu các tuyến tỏa một vùng với cự ly có khi khá xa, hàng chục cây số. Tàu đò đóng bằng gỗ các loại, hình thon dài theo thiết kế dễ lưu thông trên sông, do vậy sự cân bằng thành một chuyện khó với ai không thạo khi điều khiển. Có thể hình dung chiếc tàu đò là sự nâng cấp võ lãi với mui và kích thước lớn hơn.
Bến tàu đò na ná bến xe ở quê, có điều hành và bảng biểu các tuyến, vỏ tàu lại viết chữ nhận dạng điểm đi điểm đến. Và, không khác phương tiện buýt, bà con nhảy tàu đò đi chợ rồi về có khi cách bến mấy trăm thước! Giá vé lại khá rẻ.
Nhược điểm của tàu đò chính ở thời gian di chuyển lâu và sự lệ thuộc dòng chảy, nước lớn nước ròng, khi nước rút tàu có khi mắc cạn nằm... phơi nắng mưa!
Nhưng sự lý thú không hề ít khi đi tàu đò, không khác du lịch trên sông nếu là khách từ nơi xa, tốc độ di chuyển chậm thành rat ha hồ ngắm cảnh hai bờ trong khi bà con trên tàu rôm rả chuyện trò đủ thứ chuyện đồng áng chợ búa và thời sự y chang quán cà phê cóc đầu làng. Người đi quen thuộc từng cụm trúc, bụi cây, đụn rơm hay đặc điểm trên bờ, dễ dàng báo cho chủ tàu dừng chính xác khi đến. Cảnh tay nách xách mang nhún chân nhảy lên bờ thực lạ nếu so với chuyện tàu xe bây giờ, đầy... chất hành động vì có khi nước rút, khoảng cách từ tàu vào bờ khá rộng và nếu không quen, chuyện lên bờ nan giải, khi ấy tàu phải bắt đòn dài nối vào bờ cho khách lên.
Tàu đò có một qúa trình “hiện đại hóa” từ vỏ tàu đến động cơ đẩy, máy nổ dùng dầu các loại như các đời F của Nhật, động cơ Trần Hưng Đạo do Hà Nội sản xuất. Khi xuất hiện động cơ được gọi “máy xe” thực sự đẩy tốc độ tàu lên rất cao như một loại ca nô gỗ. Máy xe là động cơ ô tô cải tạo thành động cơ đẩy phương tiện thủy, mã lực lớn, tiếng rú của máy rất ghê và sóng va đập khủng khiến gây sạt lở hai bờ. Thay đổi động cơ khiến thời gian di chuyển rút ngắn nhiều song lúc đấy cũng chính thời điểm tàu đò chịu cạnh tranh gay gắt khi hệ thống giao thông nông thôn phát triển và sự phổ cập xe máy cá nhân.
Ngày nay tàu đò đã thành dĩ vãng song trong lòng biết bao nông phu, bà con thị thành về thăm quê, và lớp lớp thế hệ học sinh sinh viên có trong lòng bao kỷ niệm về những chuyến đi trên tàu đò đầy chất quê hương, tiếng máy tiếng sóng nước và hình ảnh thôn làng…
Bạn có từng đi những chuyền tàu đò như thế chưa?
Nguyễn Thành Công
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét