- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
- Nhà cô là cho thuê trọ đấy, khi nào trong mấy đứa bây, đứa nào cần thuê nhà trọ đừng quên đến nhà cô, cô cho miễn phí hết.
Bóng dáng người phụ nữ rời khỏi khu điều trị vẫn không quên ngoái lại đầy bịn rịn chia tay các chiến sĩ áo xanh khiến những người nhìn thấy không khỏi bùi ngủi. Cô là một trong những bệnh nhân đã được điều trị khỏi trong cuộc chiến trường kỳ dai dẳng với Covid. Dẫu còn phải tự cách ly ở nhà theo đúng quy định phòng chống dịch nhưng được chữa khỏi trước khi Tết đến xuân về nhà nhà hội tụ khiến lòng cô vui như trẩy hội. Ngày cô đi, cô không quên động viên những người ở lại cố gắng giữ một tinh thần lạc quan nhất có thể và phải tin tưởng hợp tác với đội ngũ y bác sĩ thì mới mau chóng ra viện được. Đưa cô lên xe, Vân không quên nói vui:
- Cô nhớ lời hứa với con đấy nhé, về là phải làm mai liền cho con một anh con trai nhé cô.
Cô Thảo nước mắt lưng tròng, hai tay nắm chặt lấy tay Vân, nữ bác sĩ trẻ đã chăm sóc điều trị cho cô suốt thời gian qua:
- Cô nhớ mà, con ở lại mạnh giỏi, ăn Tết vui nghen con.
Vân mỉm cười, chỉnh lại chiếc khẩu trang có phần hơi lệch trên mặt cô Thảo, rồi cẩn thận dìu người phụ nữ luống tuổi ra xe, đóng cửa lại cẩn thận. Tuyền đứng cạnh cô nãy giờ, giọng nói anh nhỏ nhẹ càng bị cái khẩu trang cản giọng hơn nữa đứng cạnh trêu cô:
- Không biết bao nhiêu “mẹ chồng” rồi, tính làm dâu trăm họ hả bồ?
- Ông cứ trêu tôi hoài, mình phải hòa đồng thế thì mọi người mới thoải mái chứ. Chỉ cần thêm một người được khỏi bệnh là tôi thấy được như thêm một món lì xì ngày Tết đấy ông.
Vân và Tuyền là một trong những bác sĩ trẻ đã tình nguyện lên tuyến đầu phòng chống dịch, gắn bó từ những ngày đầu tiên. Nhớ đợt Tết năm trước cũng là lúc đợt dịch bùng, cả hai đều tình nguyện ở lại để chăm sóc cho bệnh nhân, cùng họ ăn Tết trong khu cách ly hay các bệnh viện dã chiến. Tuy gian khó và cũng nguy hiểm vì là những tiếp xúc trực tiếp nhưng nhờ các biện pháp phòng chống hiệu quả, thực hiện chỉ thị 5K đầy đủ nên dù cái Tết năm ấy có thực khác mọi năm cũng vẫn là một cái Tết đầy kỉ niệm và khó quên. Cả hai đều mang trong mình sự nhiệt huyết nhất và thường rất hòa đồng gắn bó với những người bệnh, vì trong lòng họ Covid là một căn bệnh nguy hiểm và cả mới mẻ, không thể chủ quan, nên những người bệnh sẽ rất hoang mang và lo sợ, chính vì vậy cần phải tạo tâm lý vui vẻ ổn định để người bệnh thoải mái. Cũng chính vì thế nên những bệnh nhân khi được chữa khỏi đều rất quyến luyến, bịn rịn và cả biết ơn với các y bác sĩ.
Vân còn nhớ Tết năm ngoái kỷ niệm đáng nhớ nhất đó là lúc cô tiếp nhận một bệnh nhân nghi nhiễm tuổi còn rất nhỏ. Em được đưa vào khu cách ly chỉ có một mình. Chỉ còn độ non tuần là Tết, dự là nếu thêm vài lần xét nghiệm nữa khẳng định em mắc bệnh em sẽ có một cái Tết buồn xa gia đình. Lúc đó, Vân không khỏi muốn khóc. Ngay khi Vân còn bối rối chưa biết làm gì đã thấy Tuyền trong màu áo xanh nhẹ nhàng chào em, anh quấn cho em một chiếc áo xanh như anh đang mặc, bộ dạng nhỏ bé của đứa trẻ như bị nuốt gọn bởi chiếc áo phòng dịch rồi nhẹ nhàng dẫn bé đến phòng cách ly. Cũng đã nhiều lần khi Vân thấy yếu lòng đã thấy Tuyền như một bóng lưng vững chãi đi phía trước hướng dẫn cho cô phải làm gì.
- Cảm ơn ông nghen, tự nhiên tui thấy thương thằng nhỏ đến đơ ra luôn.
- Bà cũng vất vả quá rồi mà, hầu như không có thời gian để nghỉ ngơi nên bà mới chững lại vậy đó. Chứ bình thường bà bao nhanh nhạy. Khà khà.
Cũng rất may mắn khi em bé ấy được xét nghiệm âm tính đúng quy trình mấy lần và thế là được về cách ly tại nhà. Ngày em bé đó đi, Vân khóc tu tu trên vai Tuyền. Cô không nhận ra sự hy sinh của chính mình khi ở lại nơi đây trong những ngày tháng xuân đã gần kề mà chỉ quan tâm đến những người được mình chăm sóc. Và cũng chính vì sự tận tụy của chính mình nên Vân cũng rất được mọi người yêu quý. Như đợt Tết chuẩn bị về này khi cô vừa đăng ký ở lại trực, thì hôm sau đã thấy nhiều người gửi nào bánh tét, bánh chưng đến khu điều trị rồi. Có cả bệnh nhân được người nhà gửi củ kiệu, dưa món đã dặn cẩn thận chia ra làm hai, một phần gửi họ, một phần chia ra cho các y bác sĩ. Bữa cơm Tết tuy không đầy đủ như ở nhà nhưng đậm tình người. Các bệnh nhân khi được người nhà gửi đồ Tết vào luôn san sẻ một phần cho những người nhiệt tâm chăm sóc mình. Lúc ăn miếng bánh chưng sau một ngày mệt nhoài vất vả với đôi tay còn đầy mùi thuốc khử khuẩn, sát trùng, Vân nói với Tuyền:
- Sau này mà về ăn Tết nhà ấy, chắc tui sẽ nhớ món bánh chưng dã chiến này lắm.
Tuyền khẽ gẩy miếng thịt trong miếng bánh chưng qua chén Vân, đột nhiên trong cái không khí se lạnh này cô vẫn thấy lòng thật ấm. Cô quay sang nói với Tuyền:
- Bữa nào hết dịch, khỏi phải mang bao tay nữa, ra ngoài rồi cho tui nắm tay ông thử nghen. Ông chăm người ta khéo thế, chắc bàn tay cũng mềm lắm.
Lê Hứa Huyền Trân
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét