Phạm Nguyên Thạch (PNT) có gốc gác ở ven rạch Cái Bàng. Nay vừa thuộc về xã Hòa Long vừa thuộc về xã Long Thắng của huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. (Chỉ cách nhà ông bà nội của tôi một vạt đồng cùng mấy rặng trúc bờ tre…). Vì nằm vào lớp đàn anh nên tôi không biết anh đã vượt sông Hậu, rời quê hương chuyên nghề ruộng đồng và lờ lọp này để sang tỉnh An Giang ngày nay làm nghề thầy giáo, rồi làm nghề biên tập văn chương cho tờ báo văn nghệ có tên gọi Thất Sơn ở đây từ bao giờ.
Nói chung, tôi không biết chi về anh. Và sẽ còn tiếp tục không biết chi về anh nếu cách đây trên dưới mười năm tôi không có dịp đọc thấy cái tên PNT gắn theo dăm bài thơ do anh làm ra từng đăng rải rác trên nhiều tờ báo khác nhau cũng như từng gắn theo hai bài thơ khác đạt giải III cuộc thi khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2006 vừa qua.
Vào những lúc đó, thú thật, tuy có chút ít liên hệ đồng hương đồng khói nhưng tôi cũng chưa khoái lòng khi đọc thơ anh. Xét về phương diện đề tài lẫn phương diện nội dung tư tưởng thẩm mỹ hiển lộ qua ngôn từ biểu đạt, bao gồm luôn nhiều hình ảnh, tiết tấu, vần nhịp… mang tính khái quát nghệ thuật đặc thù ở bộ môn thơ ca thì anh khá ưa quẩn quanh ưu lự về những vấn đề đạo học xa xôi bằng những yếu tố vừa cổ xưa sáo mòn vừa phơn phớt nhàn nhạt trong chiều sâu xúc cảm và tư duy dù rằng ít nhiều nó cũng đang còn là tâm điểm suy tư của vài tuyến văn học nghệ thuật đương đại thường nằm nơi các loại hình tôn giáo quen thuộc với người Việt chúng ta từ ngày xưa cho đến nay:
Lắm khi làm Khương Thượng ngồi bờ sông
Thả câu có như không trong nước
Biết làm sao dính được
Bóng tôi như sóng giỡn, sông trôi.
(Câu - Tạp chí Thất Sơn số 102/2006)
Thế rồi, khi bước sang các đề tài về nhân sinh thế sự, lúc ấy, thơ của PNT cũng không có gì hơn. Vẫn phảng phất khôn nguôi chất thẩm mỹ nông nghiệp hiếu tĩnh, thụ động và đầy quy phạm âm tính trong cách cảm và nghĩ trước hiện thực cuộc đời. Điều này thể hiện qua các con chữ, các hình ảnh, các vần điệu luôn tăm tắp chỉnh tề như học sinh gióng hàng chuẩn bị vào lớp học ngay cả khi các nội dung tâm tình trong con người xã hội nơi anh đang hé mầm những bức bối khá tròn vẹn và đậm sâu:
Vẫn cây không đụng đất chạm trời
Lan ai trồng trổ hoa nhìn ngơ ngẩn
Nuôi mấy giò chơi hết ngồi lại đứng
Đêm ngũ thấy mình lủng lẳng treo
(Nuôi Lan - Tạp chí Thất Sơn số 102/2006)
Sang đề tài quê hương đất nước thì cũng vậy. Tình yêu, nỗi nhớ, niềm đau, ý buồn về nó, cùng nó, trước nó thì luôn chân thật, nồng nàn sâu lắngdồi dào,dễ gây chút xao xuyến bâng khuân trăn trở nơi lòng người đọc. Tuy nhiên, về ngôn ngữ biểu đạt, vẫn chưa vượt qua được những gì mà anh đã từng thành tựu trên con đường sáng tạo nghệ thuật thơ ca có vẻ đã hơi khá lâu của mình.
Lắm lúc thèm dưới bóng tre bóng trúc
Bạn bè vui chiếu trải, tách trà con
Thăm người cũ, nhìn nhau cười ngất
Chuyện thời hoa lá ánh trăng non.
Nay biết thấm nơi sâu nơi cạn
Có nơi ta rời bỏ lại mong về
Bao năm chen chỗ ngồi chỗ đứng
Giật mình. Chưa chín một nồi kê.
(Nơi Mong Về Lại - tập "Đôi Dòng Sông Dang Tay" thơ vào chung khảo cuộc thi năm 2006 ở ĐBSCL)
Điều này còn có nghĩa là, vào lúc ấy, nhìn chung, thơ của PNT vẫn còn nguyên hơi hướng cái nhìn đi ra từ tâm tình lẫn tâm tư đặc trưng của một Nho sĩ đầy kinh sách “thánh hiền” chất nén khá dày trong tiềm thức. Tuy đã khoác lâu rồi bộ đồ Tây phố thị nơi tư duy thông qua nhịp sống cùng lẽ sống kinh tế hàng hóa lập thể đa chiều hướng vây quanh trong con mắt thơ của mình nhưng anh hình như vẫn còn chưa quên chiếc áo dài khăn đống dành riêng cho chốn quan trường luôn khá vuông tròn đạo mạo nơi tận cùng cảm thức thẩm mỹ khi đối diện với hiện thực đương thời. Nó biểu hiện rõ nét nơi ý tưởng, nơi thái độ “nhập thế hành đạo”, đã đành, mà còn ở cách nhìn, cách nghĩ về hiện thực trong mốiquan hệ với một cái tôi chủ thể khá khiếm khuyết mờ nhòa nơi anh. Chẳng những vậy, còn ở cách thiết kế các con chữ mang tính tuân thủ nghiêm ngặt quy chế văn phạm của lối văn khái luận trường quy nên về mặt hình thức đương nhiên vẫn còn mang khuôn mặt thơ ca đi ra từ một mô thức thẩm mỹ quen thuộc như cái búi tóc củ hành thời thượng ngày nào:
Bỏ xứ dời quê theo hoạn lộ
Cuối mùa thấm mệt, áo vắt vai
Trẻ nít xúm nhìn ta xớ rớ
Ngỡ ngàng xóm cũ, biết ta ai
Nơi đây nhà ta đã bán
Nền vô tư người chồng lớp nở nhà
Còn sót góc sân cây xoài cây mận
Bóng râm nào từng mát cho ta?
(Về Quê Cũ - tập "Đôi Dòng Sông Dang Tay" thơ vào chung khảo cuộc thi năm 2006 ở ĐBSCL)
Tuy nhiên, gần đây, chẳng biết xuất phát từ đâu và diễn tiến nội bộ vấn đề như thế nào, thơ của PNT bổng nhiên “trở cờ”. Một sự “trở cờ” khá ngoạn mục dù chưa định hình sắc nét sâu xa cho lắm. Nếu trước kia hiện thực với Phạm Nguyên Thạch như một đối tượng khách quan cố định nằm bên ngoài tiến trình chủ tri nơi anh, luôn hiện ra trước anh như một tiền định bất khả biến cải và hỗn đồng khiến thẩm mỹ sáng tạo thơ ca cứ theo đó mà ghi nhận và mô tả lại một cách trung thực và thụ động theo chiều thời gian những dấu ấn, những hoài niệm nội tâm do cái đối vật ngoại tại kia gây ra thì giờ đây điều này không đơn thuần như vậy nữa. Vì bây giờ hình như hiện thực trong mắt anh đã đổi khác. Nó vừa là nó như một đối thể khách quan nhưng lại vừa là chính cái nhìn nội tâm đầy quật khởi trong tư cách một ngã vị độc lập và tự tại hơn nơi anh, cả trên bình diện không gian lẫn thời gian. Thành ra, không lạ gì khi hiện nay ta thấy thơ của PNT có phần mạnh mẽ hơn, ít nhiều phá cách hơn, sáng tạo hơn, gai góc, sần sùi hơn, độc lập và độc đáo hơn trong cảm xúc, trong tư duy. Nó thể hiện tập trung nơi ngôn ngữ diễn đạt. Theo đó, đã và đang xuất hiện nhiều bài thơ mà các yếu tố tạo nghĩa bên trong như được gắn lại từ những mảnh vỡ của nhiều gãy đổ trong cái nhìn phản tỉnh khá quyết liệt nơi anh về hiện thực sau khi “cái hay” đi ra từ truyền thống văn chương kể lễ đầy tính mài tròn, vuốt thẳng cùng vuốt phẳng các con chữ ngày một bị đẩy lùi dần. Xin trích đọc đoạn đầu bài thơ “Đất Lấp” đăng trên trang Web Đồng Bằng sông Cửu Long vào ngày 16-06-2009 của PNT:
Người đào móng không gặp gì quý dưới sâu
Quăng bừa lên những leng đất trộn thịt da cây mục
Quăng bừa lên những chùm rể đen màu ký ức
Sững sờ tôi.
Rõ ràng, có rất nhiều yếu tố tiến triển nơi lãnh vực sáng tạo thơ ca thể hiện qua 4 câu thơ bên trên. Trước tiên, ta dễ dàng thấy được điều mới mẻ này: Bốn câu thơ không chỉ đơn thuần là 4 thiết kế văn phạm trường quy nhằm trình chiếu một nội dung nghĩa chặt chẽ, xác thực và riêng lẻ, mang tính mô tả và thông tấn từ một chủ tri trước một khách tri vốn là cảnh một nhóm công nhân nào đó đang tiến hành đào móng dựng nhà tường nơi một vị trí không gian nào đó, vào một thời điểm nào đó trong óc tưởng tượng hồi cố xảy ra vào một lúc nào đó nơi ký ức của anh. Mà thông qua những khách tri trên, được diển tả lại chỉ với 33 từ ngắn ngủi, PNT đã đưa người đọc vượt qua được nghĩa nhật dụng của chúng để từ đó bắt gặp được một vũ trụ nghĩa khác đang ẩn náu lấp lánh mênh mông và khá sâu thẳm bên ngoài tuyến tổ hợp từ vựng này.
Nói cụ thể hơn, ở 4 câu thơ trên, ta có thể nhận ra rằng, nơi 3 câu đầu, “Người” chính là chủ thể hay chủ từ của các động từ “đào” để rồi từ đó và sau đó là “quăng bừa”, “quăng bừa” từ trái sang phải câu thơ các đối vật tác động của nó ra khỏi công cụ thao tác đang cầm trong tay mà bấy giờ chính là chiếc “leng” với đặc trưng cố hữu là rất cứng, lạnh lùng, vô tri và sắc bén… Và rồi, từ đây, khi bước sang câu 4 thì rõ ràng chúng ta lại thấy một điều đặc biệt khác. Khác, vì PNT viết là “sững sờ tôi” chứ không phải là “tôi sững sờ” khi đối diện cảnh tượng lao động nói trên. Điều này, về mặt cấu trúc dọc nơi đoạn thơ mà nói, PNT đã thành tựu được một âm bản cụm khá hoàn mỹ khi thiết lập xong một cách khá đắc địa mối tương quan ẩn dụ giữa chủ thể trữ tình trong đoạn thơ với những gì mà người ta đang đào và đang quăng bừa liên tục, liên tục vào “ý thơ”, cũng chính là vào mặt nỗi đau ký ức cùng với nỗi đau hiện tại khi đang phải đối diện trước lẽ “thương hải vi tang điền” của cuộc nhân sinh đầy xa xót ở nơi anh. Chẳng những thế, về mặt triết lý mà nói, qua đoạn thơ này, ta cũng có thể thấy rằng quan niệm về vạn hữu vây quanh anh đã có phần khác hơn. Nó không còn là những thực tại khách quan đầy tiền định và bất biến để anh chỉ có thể lấy đó làm tiêu chí mô phỏng lại cái gọi là đẹp cho thơ ca mình. Mà giờ đây cái đẹp chính là những gì đang làm cho khuôn mặt nội tâm riêng rẻ độc đáo nơi anh được hiện hữu. Hiện hữu một cách thênh thang lồng lồng trong tư cách một chủ thể có năng lực ban phát nội dung ý nghĩa nơi một cái nhìn đối với những gì đang làm ra thế giới vây quanh anh, dù cái thế giới đó đang nằm trong thì quá khứ, hiện tại hay tương lai.
Kế đến, xin lại trích vài đoạn trong hai bài thơ mới nhất của PNT mà tôi vừa đọc thấy cũng trên trang Web văn học ĐBSCL nói trên:
Tôi đem về nhà ngọn gió dài héo khô
Thưở người ôm hoa tình yêu cắm vào hạnh phúc
Cắm vào độc bình hoa văn trùng trùng vấn vít
Đâu hay nước lặng lẽ kiệt dần
Sâu khoảng hụt dưới hoa
Tôi đem vào nhà ngọn gió thổi xót xa
Gió nơi lục bình đội hoa lắt lay lạy vào thân phận
Lạy vào con sóng
Lạy nhịp gẫy nhịp cầu
Giấc mơ rớt chìm đạp nỗi chết không trôi
Tôi mang về nhà ngọn gió từ vòm ngực tắt nắng nôi
Từ chốn cất chôn trái tim đau nhức
Thương tật lặn vào mình
Người rải vào nước mắt
Khấn bình yên
(Muộn Màng - đăng ngày 29-08-2009 )
Còn gì ở đó, phía cao
Bông sứ vàng rớt mình trong bóng khuất
Bông sứ đỏ rụng lắt lay mặt gạch
Lộng chi hoài gió biển vào cây
Người đi trên thoi thóp xác ngày
Nhìn những khẩu thần công không bắn được
Vào Bạch Dinh thắm thời đau mất nước
Quẩn quanh sườn núi Lớn một vua buồn
Về đâu cung điện và những thần dân
Phòng ốc đây dựng tường vôi quạnh quẽ
Rồng không bay,vắt thây vào tay ghế
Ai đến họp chầu phủi đám bụi cơi?
(Chiều Trên Bạch Dinh – đăng ngày 29-08-2009)
Thú thật là, so với mặt cắt trung bình của thơ ca cả nước hiện nay, các đoạn thơ này không phải là một mới lạ đáng chú ý. Tuy nhiên, khi so vào hai bài đạt giải III trong cuộc thi thơ khu vực ĐBSCL năm 2006 vừa qua, cách đây gần tròn 3 năm, như ở trên có trích dẫn, mang tính điển hình cho khuôn mặt thơ ca của PNT trước kia thì riêng tôi lại cảm thấy có điều khá mới lạ, rất đáng chú ý. Trước tiên, giống bài thơ “Đất Lấp” ở trên, xúc cảm thi ca nơi đây khá mạnh mẻ, cuộn đầy như nước đôi dòng sông Hậu sông Tiền đang vào mùa ngập lũ. Song song đó,hình như anh đã dứt khoát xong một đường hướng sáng tạo thơ ca mới. Đó là bắt đầu khai phóng năng lực nội tâm hóa thế giới tha thể đang vây quanh bằng một nghệ thuật biểu đạt câu từ có thể sai hoàn toàn kiểu thức văn phạm trường quy nhưng chính nó lại trở thành một thứ loại ngôn ngữ nghệ thuật có khả năng chuyển tải khá viên mãn bao thạch động tâm cảm đầy ánh sáng và góc mờ tương ứng nơi anh một cách đầy sinh động và hấp dẫn hơn.Với tôi, trong các đoạn thơ này, những câu:
Tôi đem về nhà ngọn gió dài héo khô
Hay:
Tôi đem vào nhà ngọn gió thổi xót xa
Gió nơi lục bình đội hoa lắc lay lạy vào thân phận
Lạy vào con sóng
Lạy nhịp gẫy nhịp cầu
Giấc mơ rớt chìm đạp nỗi chết không trôi
Hoặc:
Người đi trên thoi thóp xác ngày
Những khẩu thần công không bắn được
(…)
Phòng ốc đây dựng tường vôi quạnh quẽ
Rồng không bay, vắt thây vào tay ghế
là những điển thức nghệ thuật mới mẻ đến bất ngờ nơi tôi, về anh. Chẳng những vậy, với câu: “Gió nơi lục bình đội hoa lắt lay lạy vào thân phận” hoặc là “Giấc mơ rớt chìm đạp nỗi chết không trôi”, theo cảm nhận riêng của tôi, còn là một nẩy chồi mới, rất đáng mong chờ trong lãnh vực sáng tạo nghệ thuật thơ ca sắp tới của PNT. Vì, tại đây, lần đầu tiên, tôi thấy PNT khởi phát được một phức điệp khá hay về tình ý bằng một câu thơ kết dải có “thi nhãn” “Lạy” và “Đạp” trong một nổ lực vét cạn, múc hết một cách ráo riết và thúc bách bao giọt mật lòng đầy ưu tư ray rức đang ẩn náu long lanh đằng sau những nếp gấp u mờ sâu thẳm nơi đáy vực của hồn anh. Điều này có nghĩa năng lực sáng tạo ngôn ngữ thơ ca của PNT đang trên đà ửng chín hơn song song với vườn thơ trong lòng anh cũng đang bất ngờ thòng trái sum xuê căng tròn xanh mướt sau một thời kỳ teo sượng thất thu cho anh lẫn cho người đọc quen thuộc của anh. (Có lẽ vì lo mãi mê những buồn vui đặc thù nơi hoạn lộ?)
Tóm lại, nếu bảo con đường làm thơ vừa qua của PNT là dòng sông mùa khô hạn thì nay dòng sông đó bỗng nhiên bắt đầu chuyển động dòng chảy sáng tạo về phía đầy dần phù sa và tôm cá. Những cá tôm ấy có đang “to” và sẽ còn “to” hơn tới mức nào nữa thì không sao xác định và dự đoán được bởi tôi không có năng lực này. Chỉ thấy hiện nay PNT đang bất ngờ có khá nhiều phù sa và tôm cá trong những bài thơ mà anh vừa làm ra nên không thể không viết ra những dòng này dù biết rằng kiến thức của mình cũng như một dòng nước chưa từng men chảy ra được tới cửa biển của sự thông tuệ trong lãnh vực sáng tạo nghệ thuật thơ ca nói chung và nơi PNT nói riêng.
TRẦN MINH TẠO (tác giả giữ bản quyền)
_____________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét