Trong
Gia Định Thành thông chí, mô tả về núi của Thất Sơn, Trịnh Hoài Đức viết "Hang
núi ngậm mây, suối cong nhả ngọc, lại có cây giáng hương... cầm thú béo mập.
Phía đông có ruộng đồng bằng phẳng, phía tây có hồ nước. Người Việt và người Khơme
cày cấy, chăn nuôi và câu cá, chài lưới quanh chân núi. Ngó xuống ao hồ, đứng
trước đồng ruộng, giữa nổi núi cao, có những trầm hương, bời lời, sa nhân... lại
có suối nước ở trên lưng núi cuồn cuộn chảy..."
Có chăng
ngọn núi đẹp có nhiều cây quí được ông miêu tả là ngọn núi Cấm
? Chu vi 28.600 mét, với độ cao 710 mét, núi Cấm vượt lên trên hết
các núi trong Thất Sơn. Núi có đến 6 đỉnh cao thấp khác nhau và nhiều tên gọi:
Bạch Hổ Sơn (núi giống hình con cọp bị mây phủ trắng hay trên núi có con cọp
trắng?) ; Thiên Cẩm Sơn (núi đẹp như gấm lụa của trời)... Không chỗ dựa lịch sử
nhưng có người lý giải, Nguyễn Anh bị Tây Sơn đánh đại bại, chạy thoát thân lên
ẩn lánh ở núi rồi cấm người lên, từ đó núi có tên núi Cấm hay Thiên Cấm Sơn !
Rừng
núi Cấm là rừng tự nhiên thuộc rừng ẩm nhiệt đới, nhiều loại cây quí hiếm. Theo
ông bà dân sống trên núi lâu năm, cây lớn hai ba người ôm không giáp, nhiều tầng
lá chồng lên nhau, đi suốt ngày trên núi không thấy mặt trời. Phủ mặt đá, lá rụng
dầy cả thước. Voi, rắn hổ mây, heo rừng... muông thú ken rừng nhóc núi. Cọp ở
núi Cấm hiền lành như tu, còn cọp dữ thì quần tụ bên núi Bà Đội Om.
Thời
thuộc Pháp, năm 1916 ở núi Cấm có cuộc khởi nghĩa lớn. Pháp cho rằng linh hồn
cuộc khởi nghĩa do ông Thầy núi Cấm quê ở Bến Tre. Ông có nhiều tên: Bảy Đỏ, Mã
Văn, Tư Khánh, Lê Văn Khánh, Cao Văn Long... người nhiều tỉnh đều biết mặt. Ông
bị giặc bắt vào tháng 3/1917. Viên Chưởng lý tòa án binh Châu Đốc đã phải công
nhận"một nhà sư uy tín, khôn khéo, sáng suốt, cương quyết,
nơi nơi đều quen, người người đều mến..."
Trong
kháng chiến chống đế quốc Mỹ, nằm sát lưng căn cứ địch nhưng núi Cấm từng là hậu
cứ vững chắc của cách mạng.
Tự
bao giờ núi Cấm đã huyền bí với trùng trùng chuyện kể, tương truyền lung linh
màu sắc. Người đi núi mỗi bước mỗi ngạc nhiên vì cấu tạo lạ lùng của tạo hóa
dành cho đất đá. Cây thuốc xa gần như dồn về để hưởng thụ tinh hoa đất trời
trên độ cao nên núi Cấm nhiều vô kể. Chúng mọc đơn lẻ có, mọc quấn quít cây rừng
có, mọc chờm ngoài gộp cheo leo hay giấu mình trong hóc khuất chớn chở cũngcó.
Bên thuốc Bắc có vị thuốc gì bên núi Cấm có vị thuốc đó. Người tìm cây thuốc
quen thuộc khắp núi, người hành hương thấm đậm vớinúi. Hỏi về núi, việc sẵn bụng,
người nào cũng trôi chảy.
Núi
Cấm nhiều vồ, hầu hết tên các vồ đều mang ý nghĩa gắn liền với vóc dáng hay hiện
tượng gắn bó với vồ đó.
Vồ Bồ
Hong mặt rộng khoảng 4 - 5 mét, cao nhất, ở tận chót núi hù hù gió. Vồ lớn nhưng
người nói xưa kia gió thổi vồ nhúc nhích. Bồ hong đậu kín vồ, đậu kín cây rừng
xung quanh... Mùa nắng đứng đây thấy biển Hà Tiên chấp chóa. Mùa mưa, mù sương
bao phủ suốt ngày. Khoảng 16 giờ chiều hệt lập đông dưới đồng bằng.
Phía
đông vồ Bồ Hong có vồ Ông Bướm, đá dựng gộp chỏi lên không. Thuở biên giới Việt
Miên rối ren, ông Bướm là tướng lãnh bên Khmer được cố quản Trần Văn Thành thu
phục. Sau, ông lên núi tu. Chắc ông từng trú ngụ trong hang dưới vồ. Hang không
sâu lắm. Trước hang, cây ổi cổ thụ uốn lượn dáng kiểng...
Phía
tây vồ Bồ Hong có vồ Đầu. Người nói vua Gia Long lập nhiều trạm binh
trên núi, vồ đá được đặt trạm binh tiền phong canh gác, quan sát dưới đồng bằng
gọi vồ Đầu. Người cho, trên đường lên núi người ta gặp vồ ấy trước tiên nên gọi
vồ Đầu.
Vồ
Bà hay Hang Bà, trong hang có cục đá lớn. Không biết xuất xứ cục đá, cũng không
biết nó có sự tích gì dính với tên vồ không. Người đoán, chắc cũng
bà nào oai danh nhưng hệ lụy cuộc đời sao đó lên vồ tu hoặc "Bà" là
thê thiếp của Gia Long thời trốn chạy tới ở hang.
Vồ
Thiên Tuế đất đá rộng mênh mông, không một loại cây nào mọc được trừ loại cây
có lá nhỏ màu xanh, thân có vảy tên Thiên Tuế.
Đó
là năm non - năm vồ - năm cái chỏm cao của núi Cấm, ông Nguyễn Văn Hầu ghi từ
lâu lắm trong Thất Sơn Mầu Nhiệm. Sau nầy, núi Cấm vẫn vậy nhưng khi người ta
vén hoang dã, vẹt bí ẩn đã phát hiện núi còn dẫy đầy vồ hay hang điện...
Đứng
dưới đồng bằng, khoảng giữa đồi Nam Qui và xã An Hảo (Tà Đét) nhìn lên sẽ gặp vồ
Chư Thần, còn gọi gò Tức Dồn hay gò Cây Nhum, loại cây như cây cau nhưng có
gai. Vồ nhiều cây mây, nhiều cây loại thân leo. Đỉnh vồ có hai trũng đá sâu như
giếng, nước quanh năm. Tương truyền, người đến vồ thường bị lạc đường hay lạc
nhau tìm không ra, đạo sĩ ở vồ biết tàng hình. Mỹ chụp không ảnh nổ ình ình điếc
tai nhưng rửa ra không có ảnh. Lắm việc lạ, người đặt vồ Chư Thần!
Lên
núi đi một đỗi lại thấy vồ. Phía kia vồ Cây Quế hay điện Cây Quế. Xưa, điện có
cây quế cổ thụ trước cửa, nhân đó người đặt tên điện. Vồ từng có bắp
trầm. Chắc người khuất mặt khuất mày sai khiến, vồ mát rượi khi nơi
khác đang nắng, nơi khác mát rượi thì vồ lại nắng, người Khmer gọi điện Ông Tà.
Phía nầy vồ Pháo Binh, vồ đá thời chiến tranh đám quân sự Sài Gòn lấy làm sân đặt
pháo...
Dưới
vồ Bồ Hong có vồ đứng riêng mình, trông côi cút la vồ Mồ Côi !
Dưới
vồ Mồ Côi khoảng 15 mét, có hang miệng tiếp giáp tảng đá bằng phẳng, người Khmer
gọi Xa-hom-bà-chen. Tương truyền, hang chứa rất nhiều chén dĩa cổ xưa, nhà đám
tiệc có thể mượn. Bình thường, chén dĩa ấy chẳng thấy, nhưng nếu ai thành tâm
khẩn cầu rồi tránh đi một lúc, trở lại sẽ thấy đủ số chén dĩa muốn mượn nằm
trên tảng đá. Do nhiều người mượn không trả nên giận, miệng hang tự đóng lại !
Chuyện
kể đã thấm vào tôi bóng dáng ngọn núi Cấm bồng bềnh trong cõi thực cõi hư.
Năm ấy,
trong lần công tác dài ngày ở Tịnh Biên tôi quen được Dũng, người chôn nhao cắt
rún dưới chân núi, gia đình có mấy công vườn cây ăn trái trên núi. Có "thổ
địa" Dũng tôi thêm náo nức về ngọn núi đụng trời mây ấp ngọn đang trước mặt
mình. Dũng nói :
- Đi
cho đã thèm. Ba bốn ngày đi vẫn chưa hết núi Cấm !
Đường
lên núi vừa dốc ngược vừa lởm chởm đá, hăm hở nhưng tôi không tránh khỏi đôi
lúc lệch bệch. Dũng giục giã vào ham thích của tôi :
-
Lên chút nữa có suối, nước chảy trắng trời !
Quần
tụ nhiều ngọn núi nên núi Cấm nhiều thung lũng, lò ảng. Mùa mưa, nước từ những
nơi nầy theo các khe dồn về tám con suối của núi, có nơi mang theo khoáng
chất trắng đục như sữa... Nước suối hiền, nơi nào cũng uống được. Suối
Thanh Long nằm cặp đường lên núi. Suối lớn, mùa khô nước vẫn róc
rách. Mùa mưa, suối uốn khúc rồng rạt rào qua các gộpđá, nhả nước ầm ào xuống vực.
Ra các gộp đá vừa rộng vừa phẳng phía trên, người mặc sức vung vẫy với suối...
Vốc
nước rửa mặt, nước suối lạnh mát hào phóng cho tôi thêm sức bước. Dốc
cao dốc thấp, tôi theo Dũng lên xuống, xuống lên qua từng vạt rừng véo von tiếng
chim, bông Ré phực màu lửa ấm... Các vườn cây ăn trái tiếp nối liên
tục, hết vườn bơ đến vườn sầu riêng, vườn mít oằn sai... làm tôi rộn ràng, nhiều
lúc chậm chân với cảm giác cây trái hương vườn bay vói theo níu lại.
Dũng
hề hà cảm thông. Tôi mệt nghỉ, khỏe nhắc Dũng đi. Qua một nơi hoang rậm, tôi buộc
miệng:
- Có
"ông dữ" nào xồ ra không đây ?
Dũng
nói :
-
Nghe chuyện hồi xưa hồn vía ai cũng lên mây, nay tìm cọng lông "ông dữ"
để làm thuốc cũng không có. Nói vậy, nhưng cũng nghe người gặp. Gặp cũng ở đâu
xa xa.
Thật
may mắn bất ngờ, núi Cấm đãi, buổi chiều đang đi bỗng Dũng ra dấu tôi ngừng lại
:
-
Anh muốn gặp thì có đó !
Dũng
chỉ tay lên lưng chừng núi đang sẫm nắng. Tôi loáng thoáng nghe trên ấy tiếng
eng éc của heo rừng ...
Chuyện
thú rừng được dịp người hỏi kẻ đáp dài theo đường. Dũng rành rẽ từ gốc tới
ngọn. Khoảng năm 1978 có người tới vồ Đầu tìm cây thuốc trị bịnh gặp vỏ rắn hổ
mây lột bỏ lại, thử tròng vào mình thấy rộng rinh ! Hang Ông Hổ dưới vồ Bồ Hong
khoảng 10 - 15 mét, "ông" chắc đổi chỗ trú, bây giờ hang không. Gần gốc
cổ thụ ngoài Điện Kín cũng có hang sâu, tương truyền có bạch hổ ở...
Chỉ
vồ Đá Dựng ngó trật ót, có gộp đá hình chiếc ghe nằm dưới chân, Dũng nói vồ sao
tên vậy, vồ Đá Dựng. Chúng tôi đi như bò lên vồ. Thoát được cái dốc tưởng
chẳng hề thấy độ nghiêng, mồ hôi đầm đìa nhưng tôi lại hả hê, tưởng đưa
tay ra sẽ đụng trời kéo được mây vào mình ! Hết nhìn trời lồng lộng tôi nhìn xuống
bên nầy vồ, dưới kia sương mù nhẩn nha lẩn khuất mấy vườn cây, la lã trên mấy
mái tranh... thung lũng đẹp như tranh thủy mặc !
Xuống
vồ Đá Dựng, chúng tôi vào chiếc hang lớn với haivách dang rộng, gộp đá dài khoảng
10 mét che bên trên. Hang giống động của Tề Thiên trong truyện Tây Du Ký
nên dân gian gọi động Thủy Liêm. Từ gộp cao trên nóc động nước thấm đâu
trong núi lạnh như cắt chảy ào ào xuống mặt đá bên dưới hóa suối
trườn mình ra cửa động. Lạnh của nước suối thành ấn tượng đậm với người, vậy
là động thêm tên Suối Lạnh ! Ai muốn "nhẹ mình cất cánh" cứ đi
sâu vào động ngồi trên thềm đá hoặc ngồi hẳn xuống suối hay mạo hiểm hơn, lần
vách leo lên tận nơi nước đang đổxuống dội rửa "bụi trần". Phía ngoài
động, thiên nhiên vô tình hay hữu ý dựng phiến đá khá lớn, dẹp, chắn ngang như
bình phong tạo an tâm cho người phía trong !
Sẫm
tối, ngang qua vườn dâu tằm ăn rập rờn gió, chúng tôi tới nhà Chín Lý, bạn Dũng.
Đèn dầu lật phật, chủ khách quay quần bên mâm cháo gà, nhâm nhi với chút rượu đế
mua ở quán bên chùa Phật lớn. Thịt gà núi săn chắc, ngọt ; rượu làm câu chuyện
về núi rừng trở nên đậm đà, rộng mở. Tôi ví Dũng như cuốn sách ghi chép đầy đủ
về núi Cấm để tôi lật hết trang nầy đến trang khác, bây giờ ngồi với Chín Lý
tôi thấy mình có thêm cuốn sách mới, sách dầy ghi núi Cấm thiên hình vạn trạng.
Cuốn sách mở ra, mở ra...
Nằm
hai bên vồ Đầu có điện 13 tầng và điện chín tầng (điện Cửu phẩm).
Hai điện giấu trong bụng mình những vỉa đá chen qua lại thành tầng, thành
tên điện. Có hang nằm dưới vồ đá de ra hệt mái nhà, ai ăn rau tần vứt
gốc hay trồng phía trước hang, rau thành rừng thành luôn tên hang, tên điện Rau
Tần ! Bên hông điện cây ngô đồng cổ thụ xòe tán rộng, cây như trổ đá mọc bởi gốc
trùm hết khe đá. Dân ở núi nói chim phượng hoàng rực rỡ, quí phái,
chỉ đậu cây ngô đồng. Chim bay đâu, người tới điện chỉ thấy bông ngô đồng đỏ ấm
vùng núi.
Từ điện
Rau Tần theo đường xuống khoảng 5 mét có điện Nhàn Vân. Từ điện Nhàn Vân xuống
một đỗi nữa gặp Sân Tiên huyền bí với dấu chân lún mặt đá, người Khmer gọi
Côn-nghét (chân con nít)...
Cùng
phía vồ Pháo Binh có hang bị cây rừng che kín, người đặt Điện Kín. Điện độc đáo
với hang ăn xuống đất khá sâu tưởng cùn bỗng vọt lên không, người xuống
bên nầy trổ qua bên kia được. Vào hang khoảng hai ba chục thước sẽ gặp nước. Mấy
chục năm trước ở gần cuối hang có tấm vạt tre và nồi niêu bằng đất, chẳng biết
của ai. Lúc chiến tranh biên giới Tây Nam bùng nổ, điện che chở an toàn
cho một số dân Ba Chúc vào trốn giặc.
Chín
Lý kể làm tôi thêm mê nét đẹp hoang sơ mà hùng vĩ của núi. Tôi thích thú,
vỡ lẽ ít nhiều ẩn chứa thế lực vô hình của núi chưa dịp chạm vào khoa học. Mây
mù thường xuyên vây phủ, rừng rậm rạp thêm nỗi mù mịt vồ đá, người đi
cách nhau chỉ sãi tay vẫn còn thấy chập chờn, huống chi kẻ bước người còn gắm
ghé cảnh lạ sao không khỏi lạc nhau ? Cũng từ hiện thực sương mây bàng bạc nầy,
người có phép thần thông tàng hình hoặc bay lượn, Mỹ chụp không ảnh chỉ thấy một
màu trắng xóa đã được giải mả hết sức giản đơn. Giản đơn như qui luật trời đất,
núi nhiều đỉnh che mặt trời nên nơi đây bóng râm nơi kia bóng nắng !
Cùng
đoàn anh em văn nghệ tôi đến thâm nhập thực tế Tinh Biên, thật không gì khắp khởi
bằng được thăm nơi ghé cũ. Lúc ở văn phòng Huyện ủy anh Cao Quang Liêm, phó Bí
thư huyện đã nói với đoàn về đổi thay của vùng đồi núi biên cương, núi Cấm là một
trong những nơi mời gọi đầu tư, tôi đã lặng lẽ xúc động nhớ chuyện xưa ...
Rời
nhà Chín Lý, trưa hôm đó Dũng và tôi nghỉ chân trước hiên một nhà trên lưng
núi. Vừa lúc ghé, cũng vừa lúc một người râu tóc bạc phơ bận việc xuống chân
núi xong trở lên nhà. Ông đã làm tôi phải sửng sốt như gặp tiền bối
võ lâm công lực thâm hậu trong phim kiếm hiệp của Trung Quốc. Không vẻ gì mệt
nhọc, ông ung dung mời trà. Trò chuyện, với giọng khỏe chắc ông cho biết trong
xóm thiếu gì người lớn tuổi hơn mình, lên xuống núi hằng ngày như chim bay. Pha
chút vui, tôi hỏi:
- Người
ta nói nhiều người lên núi Cấm tu tiên để sống sướng như tiên. Chưa đắc quả
thân xác cũng nhẹ, khỏe khoắn. Bác có tu ?
Ông
thật tình :
-
Tui lên đây với vườn tược, ở với núi từ nhỏ !
Nghe
ông nói, tự dưng tôi liên hệ đến cái "từ nhỏ" rồi lớn lên của mình nơi
cát bụi trộn khói xe mù mịt, phố chợ tù túng mà ngẩn ngơ... Núi Cấm là Đà Lạt ở
đồng bằng, ai đó đã có so sánh chính xác bởi từ khoảng nửa núi Cấm trở lên
sương và mây làm lụa mỏng phơ phất trên sườn núi, hơi mát mênh mang lan tỏa. Buổi
trưa, lọc qua cây lá rừng, qua vườn tược, qua những giàn su rộng
mênh mông, nắng gây mê người bởi sự đằm thắm, dịu dàng. Chắc không
gì hớn hở hơn cho người quan tâm về thời tiết khi biết trái đất ấm dần, mùa hè ở
đỉnh núi Cấm giảm 3 độ nóng so với nơi khác ! Tôi nhận ra người ở núi cứng cáp,
nhựa sống bên trong vỏ tuổi già luân chuyển không ngừng. Ngoài người
hành hương, người cột gút gởi điều chẳng lành còn có khách tham quan, tất cả đến
núi Cấm không chỉ vì nơi ẩn chứa tâm linh, hay hang động thiên nhiên
độc đáo mà còn vì bầu không khí thanh sạch, yên tĩnh.
Thuở
ấy tôi đã bâng khuâng vì một núi Cấm đầy "lộc trời", nhưng trăm điều
vấp với. Núi như kho tàng ngó đâu cũng gặp vồ điệnchứa ăm ắp vật quí giữa hệ
sinh thái tuyệt vời nhưng biết bao giờ Tịnh Biên đọc câu thần chú "Vừng
ơi, mở cửa !"?
Đến
núi Cấm lần nầy thật tình tôi chưa hề nghĩ đến việc Tịnh Biên mở cửa kho tàng lộ
thiên nhưng đầy huyền bí, đầu tư núi Cấm thành nơi đất lànhchim đậu.
Vậy mà Tịnh Biên đang có một hiện thực vô cùng phong phú. Những căn nhà xộc xệch
mái nhốt bóng tối để chứa su hay buôn bán lặt vặt ngày nào đã biến mất,
Bến Su bung mình ra rộng thoáng. Đường từ đây vụt sáng, thênh thang chạy
ngoặc sang bên phải cắt ngang đường bộ hành lên núi, tiếp nối vào đường
kéo pháo cất lên ngọn núi xanh sẫm, phủ mây...
Tôi
không thể không nhìn con đường vắt trên sườn núi nổi bật giữa cây vườn cây rừng.
Con đường của quân lính chế độ Sài Gòn sử dụng, sau giải phóng chìm
lút mình vào hoang dã, nay phịt dạng lộ hình. Năm 2005, huyện Tịnh Biên tiến
hành tu sửa, mặt rộng 6 mét, đường trải nhựa lên tới vồ Thiên Tuế, chỉ còn
lại 1/3 để hoàn chỉnh. Hiện đường chưa thông xe bốn bánh, chỉ thỉnh
thoảng xe của huyện đưa khách mời lên thăm, tham quan chốn núi tiếp vớitrời bát
ngát đang thực hiện những công trình hoành tráng. Khởi công từ tháng 3/2005, với
kinh phí 8 tỷ đồng huyện Tịnh Biên đã hợp lý khi biến 6 ha đá lổn nhổn chong
chênh nơi đây sụt xuống thành hồ Thủy Liêm. Hồ mênh mông in bóng mây lồng lộng
nầy nay mai sẽ cung cấp nước cho 500 hộ dân trên núi; nay mai sen sẽ nở khắp
hồ để mùi hương thanh thoát lan khắp rừng, ngan ngát khắp núi. Vòng quanh hồ,
con đường lớn chạy giữa cảnh sắc gợi thơ mộng bởi "sơn thủy hữu
tình", một bên hồ nước một bên núi đá. Nằm trên đường có chùa Vạn
Linh uy nghiêm, 7 tầng ngọn bảo tháp cao 40 mét, mỗi tầng một tượng Phật cỡi
mãnh thú cao 2 mét bằng đá Thanh Hóa được điêu khắc tinh xảo. Tượng Phật Di Lặc
vời vợi trên không trung, cao nhất Đông Nam A với 33,6 mét ; chân bệ tượng
mỗi cạnh 30 mét, cao 6,6 mét đã hoàn thành hai phần sau hơn hai năm
với kinh phí trên 5 tỷ đồng. Chùa Phật lớn, một ngôi chùa có từ lâu đời
đang chờ khởi công cải tạo, mở rộng trong diện tích 2 hecta... Tất cả cho
thấy sự tạo dựng bề thế nhưng hài hòa, không gây cho người cảm giác thiên nhiên
bị thu hẹp, trái lại thấy thiên nhiên được tôn vinh hơn vì tạo dựng. Núi Cấm vẫn
còn đó với hang động nguyên sinh đầy quyến rũ, khoe mình thêm nơi đầy sức hấp dẫn
với người.
Bây
giờ lượng khách đến với núi tăng dần. Khách không chỉ ở
vùng đồng bằng sông Cửu Long mà còn nơi xa như Thành phố Hồ Chí Minh...
Đường
xe đưa khách chưa sử dụng được thì có xe nhỏ, xe Honda ôm. Cánh xe Honda ôm hoạt
động liên tục, từ 9 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Một cuốc lên xuống chùa Phật lớn
50.000 đồng ; lên xuống vồ Bồ Hong 60.000 đồng. Khách vừa hồi hộp cũng vừa
thích thú mỗi khi lên xuống núi bởi các "tay lái lụa" thực tế chứng
minh chưa xảy ra tai nạn lần nào
!
Sự hồi
phục hứa hẹn ngồn ngộn sức sống của đường xe đã thôi thúc tôi thăm lại con đường
bộ ngày trước dân sơn cước đã khai sơn ...
Đó
là con đường có đoạn dài khoảng sáu bảy trăm mét như địa đạo do núi Cấm cao và độ
dốc lớn nên nước từ các lò ảng, khe trên núi chảy mạnh xuống cánh đồng,
bào sâu khoảng hai ba mét. Tôi từng lãng mạn bước chậm chạp giữa hai vách đất
cao khỏi đầu người như thành quách, phía trên cây xòe tán thành mái lợp xanh,
chim hót ríu ran; thỉnh thoảng lại đứng vì một nhành hoa không tên sà xuống trước
mặt lã mình thả hương vào gió.
Nay đoạn
"địa đạo" đã rào bít, đường lên núi chỉ còn từ chân núi đi lên.
Tôi
muốn thả lòng thênh thang cùng chốn cũ nên nói Thạnh, người lái xe của
huyện ủy, đợi tôi ở quán ngoài chân núi.
Cảnh
quan thay đổi làm tôi nửa muốn bước nửa muốn đứng nhìn. Thật mừng, con đường
"khai sơn" đã vươn mình lột khỏi xác từng làm khổ ải người đi. Các nấc
thang vá víu tạm bợ hay các bậc có từ đá núi nhô ra khó bám chân bất kể trời mưa
trời nắng đã được thay bằng những bậc xi măng ngang có tới khoảng 3
mét, đường thoai thoải dốc lên. Đó đây những trụ điện chờ trồng nằm rải
rác theo đường như hứa hẹn gần kề về một trái núi sáng rực !
Ngày
trước, xa xa bên đường mới có một quán cóc. Hầu hết quán cất tạm bợ như chòi,
treo vui lủng lẳng vài giò Thạch Học hay lan lưỡi kiếm gở trên cổ thụ
núi Cấm. Mặt hàng chủ yếu để bán có gậy cho người leo núi, một
ít trái cây đơn lẻ hái từ vườn nhà. Trước tôi đến, ba cô gái nghe đâu ở ngoài tỉnh
bị tình phụ, buồn lên đây không tu nhưng lập quán. Quán không tên, dân sơn cước
đặt quán Ba Cô. Thêm quán Ba Cô vào nhưng quán vẫn thưa thớt, rỗng rễu.
Các quán nối nhau bởi vườn cây ăn trái hay bìa rừng chạy dài dằng dặc theo đường
làm người chơi núi dễ nhập lòng vào màu xanh bao la của thiên nhiên, nhẹ nặng
nề cuộc sống. Bây giờ có lẽ là thời thạnh trị của quán xá khi núi Cấm được
Tịnh Biên đánh thức, từ kho tàng quí giá ấy bước ra nhiều cô công chúa đẹp mỉm
cười với mọi người. Trên núi, hàng quán bên chùa Phật lớn có trước, hàng quán
bên vồ Bồ Hong có sau, quay đi ngoảnh lại thấy quán xá lô xô. Nơi đây, hàng
quán như ào ra chào đón khách. Quán bán đủ thứ hàng, từ vật dụng nhỏ để khách
mua làm kỷ niệm đến cây thuốc được chặt gọn cột thành bó để lủ khủ ngày nầy
sang ngà khác. Bánh xèo được khai thác nhiều nhất, các quán liền vách kéo
dài... Quán nào cũng bày trước cửa rổ rau sạch hái từ đọt cây lá rừng núi Cấm mơn
mởn tươi non, gợi chân khách dừng. Biết ở đâu có thắng cảnh, có lễ hội ở đó có
hàng quán xáp vào, ở đây cũng việc tất nhiên. Quán nhiều, giá cả chênh lệch hệt
như năm tôi tới núi, giá "trên mây" nơi chùa Phật lớn hay ở vồ Bồ
Hong chỉ hơn giá cả dưới đồng bằng một ngàn đồng. Biết không giấu lưỡi lam trong
giá cả, hàng quán tạo điều kiện để khách đến nhưng tôi vẫn mơ hồ chút gì đó vương
vướng, hiu hiu theo mình.
Tôi
vụt hiểu, hóa ra tôi có cảm giác vương vướng vì chân mình bước khá lâu vẫn chưa
ra khỏi màu âm âm của con đường. Màu âm âm vì cái bóng, cái che chắn của
quán xá !
Niềm
vui lúc nãy giờ biến thành nỗi thiếu hụt, tôi cứ tiếc cái phóng khoáng, nhớ sự
trơ trụi đầy nắng gió của con đường thời cũ. Vật đổi sao dời, hầu như nơi đây bị
xóa lấp hết vì quánxá. Chỗ cây bằng lăng năm đó tôi lên dốc mệt ngồi nghỉ dưới
gốc, tình cờ ngó lên mê mùa bông trắng tím nở rộ cây, bây giờ cũng quán. Cứ cho
mình nhớ lầm chỗ cho cho đỡ hắt hiu, tôi đi thêm đỗi nữa. Tôi muốn
reo to khi dãy quán bên đường vụ hiện khoảng trống vì lý do gì đó chưa
cất quán. Không cách gì gượng nỗi, tôi hút mặt vào khoảng trống và kiếm tìm. Ở đó
không hề có cây bằng lăng nào nhưng tôi như vẫn thấy mình như người
chịu hàm ơn, đội ơn ai đó dẫu vô tình, cho tôi có giây phút tận mắt với chút
màu xám của đá, chút màu xanh của rừng mới trồng sau năm 1986 đang khép rậm tán
phủ dấu vết thảm thương do đá lăn đá lở, nguyên nhân từ việc phá rừng bừa
bãi những năm sau 1975 !
Quay
xuống núi, tôi lại sụp vào cảnh cũ, lại vương vướng ...
Công
trình tạo dựng đồ sộ của Tịnh Biên gần xong, chỉ nhìn cái gần xong ấy người ta
hình dung và ai cũng hài lòng, khẳng định tổng thể của tạo dựng một vùng
sinh thái, an dưỡng đã giữ được sự hòa hợp với thiên nhiên vừa đẹp vừa kỳ
bí và thanh khiết ởnúi Cấm. Chắc chắn tương lai khách đến với núi đông đảo hơn
nữa vì sự hòa hợp tuyệt vời ấy. Tôi nói điều nghĩ ngợi nầy với Thạnh. Chắc đoán được
tôi ngầm ý về hàng quán, Thạnh nói:
-
Quán xá trên vồ Bồ Hong và chùa Phật Lớn đã nhận bồi hoàn xong, chờ giải tỏa
chú à !
Nghe
Thạnh nói nhẹ lòng nhưng chẳng hiểu sao tôi lại ngoái nhìn ngọn núi huyền bí có
"suối cong nhả ngọc", nay mai rực rỡ với khu du lịch sinh thái, hành
hương và an dưỡng hấp dẫn nhất đồng bằng sông Cửu Long.
Đó cảnh
cũ của núi Cấm những năm 2007. Bốn năm rồi tôi không trở lại núi nầy, chẳng biết
bay giờ ngọn núi ấy có thay đổi gì không. Năm ấy, nhìn núi tôi có hoài cựu hay
lãng mạn hoặc khắt khe quá không trước chút đời rừng chút đời núi bị khuất vì
quán xá tự phát ở một đường lên núi ?
PHẠM NGUYÊN THẠCH (tác giả giữ bản quyền)
___________________________________________
Một bài viết rất sâu sắc, độc đáo, cung cấp cho người đọc nhiều thông tin bổ ích, thú vị, đặc biệt là cái nhìn, sự bỏ công quan sát của tác giả rất tinh tế. Cám ơn nhà văn PNT và website BT.
Trả lờiXóaThiên Cấm Sơn thật oai hùng, kỳ vĩ nhưng cũng đầy bí ẩn, quyến rũ. Thật tuyệt vời núi non hùng vĩ An Giang. Chúng ta rất tự hào
Trả lờiXóaCảm ơn hai bạn Đông Quân, LTTL đã chia sẽ cùng tác giả và Bông Tràm
Trả lờiXóa