Vừa bay ra thủ đô trong mùa mưa bão gió lốc tầm tã,
cái động lại thật nhiều do là lần đầu tiên, lạ lẫm mọi thứ. Thật ngỡ ngàng
trước tấm lòng của bà con đất Bắc với Phật, và tâm tưởng hướng thiện của giới
thương nhân, công chức, tầng lớp trí thức... Các sự kiện tổ chức ở Phật tự nhận
được sự chiêm bái hành hương rất đông, rất nhiều chốn sang trọng dành riêng chỗ
tôn ngiêm nhất làm nơi thờ lạy Phật. Tôi nhìn và ngẫm rất lâu khi chứng khiến
anh bạn đi làm về, cởi áo véc tông, tháo caravat, thành kính lạy Phật ở một
phòng riêng rất thanh tịnh. Với người có lòng tin kính Phật pháp, chứng kiến
như thế là cả một hạnh phúc, Phật có ở mọi nơi, đông – tây, nam – bắc chỉ là sự
phân biệt giả tạm mà thôi.
Nhưng niềm vui vẫn có chút lấn cấn trong lòng, như thế
xét kỹ cũng thường tình vì ở đời mọi sự đâu dễ tròn đầy. Chuyện là vầy: ra vào
chung cư sang trọng mấy mươi tầng lầu, một bước tới lui đều sử dụng thang máy,
tôi thấy lạ: sao tầng 24 không có 25 mà lại là 24B rồi 26? Các tòa nhà khác
cũng thế, các ký tự A, B, C... trám vào một số nào đấy, thay thế. Để ý miết,
trân trối nhìn các con số điện tử hiển thị trong thang máy, khi chắc ăn, tôi
hỏi anh bạn: sao lạ vậy? “Đồng chí” đáp gọn: người ta tránh con số không may
(hên), thay chữ vào. Thì ra vậy...
Không biết nghĩ sao cho thỏa, cứ miên man: đã qua cái
thời cái gì cũng không tin, bây giờ cái gì cũng tin, lòng người chông chênh
muốn níu giữ bởi niềm tin bất kỳ? Niềm tin Phật không phải chuyện chơi, đấy là
đức tin tự giác có được sau quá trình học và trãi nghiệm nghiêm túc, thấu đáu
giáo lý vi diệu để có chánh tín. Ai cũng có thể hiểu câu “chiếc áo không làm
nên thầy tu”, chùa chiền khó xây vì tiền bạc vật tư đắt đỏ nhưng khó nhất chính
là có được vị chân tu đến ngự và hướng dẫn Phật tử, và sự tu học hành tập của
chư tăng ni và phật tử đúng chánh pháp, có chánh tín. Tin bất kỳ thứ gì có vẻ
huyền hoặc để kỳ vọng lộc trời, may mắn đâu phải tin Phật đâu, đấy là mê tín,
có hại vô cùng: tỉ như tin cái cây kỳ lạ ở hình dáng kết quả của đột biến sinh
học hay ở cục đá lâu năm chốn làm ranh ở đầu bờ ruộng miền Tây nam bộ!
Đấy là
tín ngưỡng giản đơn có từ cổ xưa của người nguyên thủy ở các bộ lạc, tin sseer
sống còn trong cuộc đấu tranh kiếm ăn trong rừng như một chỗ dựa có tính tâm lý
thuần túy. Trong khi ấy Phật giáo là một hệ thống triết thuyết có tính khoa học
rất cao tập hợp những giáo điều sâu sắc gói trong ấy thế giới quan nhân sinh
quan tiến bộ, hợp lý được cảm hiểu bằng cả lý và tình, khối óc và con tim, quá
trình giác ngộ rất nghiêm túc, hiểu đến đâu tin đến đấy: ví như hiểu hết ý
nghĩa của ngũ giới cấm đối với sự tu tập bậc cư sĩ và đời sống an lạc chung, tự
giác chấp hành; hiểu được sự sâu sắc và tính chân lý của Tứ diệu đế tự giác cải
sửa tư tưởng, bỏ mê đến giác...
Tránh con số 13, gọi là 12B rồi “nhảy” lên 14
chính là “lạy ông tôi ở bụi này”: nhát gan, sợ xui, sợ hãi vô lý, mê tín. Tâm
lý này khá phổ biến đâu chỉ có ở Hà Nội. Một bộ phận dân làm ăn trên thương
trường phất lên kiểu bạo phát chứ không do công phu nghiên cứu kinh tế thị
trường và quá trình tích lũy cũng như cần lao thực sự, đã chông chênh niềm tin
trên đống tiền, quá kỳ vọng ở sự may rủi dễ dãi, không thấy qui luật thịnh đạt
bằng thiện nghiệp là cái bền vững, những chuyện mua trinh lấy hên hay xả xui,
thay ghế ngồi để giữ chức, đổi màu áo hay caravat, sim số phong thủy... thực tế
chỉ là minh họa cho tư duy giản đơn, dễ dãi và... (xin lỗi) kém phát triển.
Chính xuất phát từ mê tín mà thực tế khiến ta đau lòng
chứng kiến “từ tâm” nhân danh niềm tin Phật giáo: vất gạo vất tiền vào mặt
người nghèo để làm phước thiện trong các cuộc thí vàng, cúng dường cho Phật mà
đứng sổng lưng ngắt từng khúc tiền lạnh lùng đưa cho sư kiểu chung tiền cá độ
bóng đá... Phước không có đã đành, tổn phước là cái chắc, tác dụng ngược. Câu
hỏi: tại sao tôi đi chùa rất thường, cúng dường rất nhiều, làm phước rất dữ... mà phúc đâu không thấy chỉ toàn họa thôi dường như có thể trả lời được. Phật
trọng tâm, có tâm là có tất cả. Mà tiền nào mua được tâm?
Tất cả là phương tiện trên đường đi đến đích, có người
lầm lẫn giữa phương tiện và cứu cánh, bản thân việc ngắt khúc tiền “chung” cho
sư để cúng dường hay vất gạo, tiền thí vàng chỉ là phương tiện thực hiện sự xả
bỏ và từ tâm trong vô số phương tiện, cách anh thực hiện như thế nào và tương
tác với tâm như thế nào sẽ có kết quả tương thích. Một đứa bé lòng thành đập
ống heo, xếp ngay ngắn tờ giấy bạc năm nghìn đồng cẩn trọng cúng vào hòm công
đức tất có phước báo vô lượng hơn một phú ông ngắt một khúc tiền lạnh lùng
khinh khỉnh “chung” cho sư, vì một chữ: tâm, cháu bé có tâm hơn.
Chuyến bay về Nam cứ nghĩ hoài về những con số trong thang máy chung cư Hà Nội, 12B đâu phải
13...
NGUYỄN THÀNH CÔNG
________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét