Tôi xin được bắt đầu từ các nhà thơ mà tên tuổi của họ từ lâu đã trở nên thân thiết với bạn đọc cả nước. Hoài Vũ có bài thơ Trời mênh mông, nước mênh mông... Chỉ riêng cái tên thôi cũng gợi cho chúng ta ấn tượng chung khó mà lẫn được về một vùng đất. Anh thể hiện dòng sông Vàm cỏ Đông qua ký ức của riêng mình mà sao gần gũi, quen thuộc quá:
Con sông xưa, đã xa rồi
Lục bình vẫn kiếp nổi trôi cuối dòng
Hoa lục bình tim tím bồng bềnh trôi theo dòng nước, ai quên cho nổi! Và đây nữa, hương tràm ngất ngây:
Ta đi, em có quay về
Mà hương tràm níu... nặng nề trước chân
Từ đó, tôi không lấy làm lạ trước cảm nhận tưởng là lạ này của nhà thơ:
Lạ chưa! Cuối đất cùng trời
Đi đâu ta cũng hát lời sông xưa
Câu thơ vang lên tự nhiên như từ trong lòng trào ra, như không thể kìm giữ nổi. Không thế đã không xuất hiện những cấu kết ngập tràn cảm xúc:
Chia tay chi giữa sắc trời hoàng hôn
Cho lòng nổi sóng dập dồn
Để buồn tiếc cả nụ hôn giữa dòng.
Thêm một lí do để ta không hề phân vân gắn tên Hoài Vũ với dòng Vàm Cỏ Đông thân thiết. Quả là một vinh hạnh lớn dành cho một nghệ sỹ. Dễ gì mà có được!
Nói đến vinh quang của thi ca, tôi lại da diết nhớ đến nhà thơ - nhạc sĩ đoản mệnh Diệp Minh Tuyền. Tôi cố ý nhấn mạnh tài âm nhạc đi cùng với tài thi ca của anh. Có lẽ vì thế mà hình thái ca nhạc được ưa thích nhất ở miền Tây đã làm rung động con người thi sĩ trong anh đến vậy. Tôi muốn nhắc tới bài Vọng cổ sáu câu. Khổ thơ dạo đầu có ma lực riêng:
Vọng cổ buồn lõm phím ghi - ta
Nước mắt ướt sáu câu nhức nhối
Xót thương ai em cất tiếng ca
Mùi mẫn những trường canh buồn tủi
Câu thơ hay ở sự cảm nhận tinh tường. Nghe nhạc mà thấu tận lòng người chơi nhạc. Khổ thơ kế theo lại hay ở khả năng kích thích trí tưởng tượng:
Câu hát nghèo long lanh hạt ngọc
Như bông sen mọc giữa quê nhà
Trái tim chuốt lời ca thổn thức
Lựa phím đàn nhung nhớ xót xa.
Liên tưởng tài tình. Nhưng gốc gác là ở cõi lòng biết xót đau trước những lời ca thổn thức. Bài Mùa hè thiếu nữ lại đặt mục đích diễn tả tình yêu của xứ sở cháy bỏng mặt trời - một tình yêu bốc lửa gắng kìm giữ để lộ ra bên ngoài dịu êm:
Mặt trời nào hôn ta rát mặt
Tình yêu nào ru ta nhẹ tênh
Không chỉ có mặt trời, còn có sóng cồn và gió mạnh phương Nam:
Sóng hỡi sóng cứ gào lên nhé
Gió, gió ơi cứ thổi lên nào
Kết thúc bài thơ là một mong mỏi: Rực rỡ hồn ta tình yêu nồng cháy. Chính là để cho xứng đáng với sóng ấy, gió ấy và mặt trời luôn chiếu sáng kia. Tôi nghĩ hồn thơ của Diệp Minh Tuyền không chỉ được bồi đắp bởi chất phù sa màu mỡ của dòng sông Cửu Long. Trong anh còn có chất của sông Hồng và xa hơn nữa của sông Vonga. Nhưng lòng anh lúc nào cũng đáu đáu hướng về cội nguồn phương Nam.
Cũng là thế chăng ở hồn thơ Lê Chí? Hãy lắng nghe những vần thơ chân tình anh dành cho An Giang:
Cánh đồng như thực như mơ
Bát ngát giữa mùa gặt hái
Những dòng sông phù sa no bãi
Những cù lao mỡ màu như con tàu buông neo...
Qua thơ anh, tôi thấy thấm thía ý thức công dân của một người cầm bút. Nhiều người chưa cảm thông được hết nỗi trăn trở, hơn thế, nỗi day dứt của lòng anh. Tôi thì tôi hiểu. Và thêm một lí do để quý, để trọng anh hơn. Ôi cái nghiệp cầm bút! Uy thế xã hội của nhà văn có không? Có chứ! Nhưng đa đoan cũng lắm! Do quá nhiều duyên nợ đấy thôi. Những hệ lụy chung và những hệ lụy riêng. Tôi nghĩ thơ hiện đại không chỉ chấp nhận cái tôi mà còn tạo mọi điều kiện cho cái tôi bộc lộ hết mình. Điều cốt lõi là cái tôi chớ nên tách biệt, càng không nên đối lập với cái ta. Nếu đọc Lê Chí nhiều, ta có điều kiện nhận ra sự thống hợp giữa cái chung và cái riêng trong thơ anh. Ví như bài Về đất mũi. Anh tự nhủ lòng mình mà như một lời khẳng định trước sau:
Đâu phải bây giờ mới đến
Mũi đất này
Cà Mau
Mảnh đất thân thuộc với anh khi ở gần, thân thiết với anh lúc ở xa: "Thời gian / tiếng sóng rì rào / da diết vỗ hoài thương nhớ / đêm đêm lắng nghe đất lở / bâng khuông, se sắt tâm hồn / trời tím dài năm tháng hoàng hôn". Những câu thơ quặn thắt! Càng đọc càng ngấm, càng thấy rưng rưng. Như một hệ quả tất yếu, khi có dịp trở lại U Minh, anh kịp nhận ra: “Rừng đã cháy hết rồi / tiếng gió đi qua / như bài hát không lời / trôi tới chân trời xa hút”. Lòng anh lại một lần quặn thắt. Lần này không phải vì nhớ mà vì đau. Chỉ những kẻ vô tâm mới có thể dửng dưng trước cảnh tượng ấy. Anh đã lên án, rất nhiều lần lên án, những kẻ mặt người dạ thú, táng tận lương tâm. Điểm tựa bao giờ cũng là hy vọng: “Đêm thao thức / rừng ơi xin hãy đợi / ngày mặt trời chim hót tự hướng đông”. Xin được lưu ý, hai đọan thơ vừa dẫn tôi rút từ bài thơ mang tên Chùm phong lan còn lại trong rừng - Một cái tên ẩn chứa rất nhiều, rất nhiều niềm vui và cả niềm tin.
Chẳng thể hình dung một cách toàn vẹn gương mặt thơ Đồng bằng nếu không nhắc tới Nguyễn Bá. Anh góp mặt từ rất sớm. Anh kiên gan bám trụ. Anh chân tình và phóng đạt. Anh có khả năng lắng nỗi niềm của đất và người. Có phần khác với Lê Chí, thơ Nguyễn Bá thường hướng ngoại, đặc biệt nhạy cảm với chất hùng tráng của thực tại, của lịch sử. Không phải ngẫu nhiên mà anh là một trong số ít ỏi các nhà thơ Đồng bằng dám thử sức mình qua thể trường ca. Câu thơ “Tiếng trái tim mình, tiếng sóng vỗ, em ơi” có lẽ nói đúng nhất về anh, về thơ anh, cả phẩm chất và đóng góp. Hãy cùng anh hình dung Phú Quốc:
Như một người con gái có chồng xa
Phú Quốc đứng ngóng trông về đất mẹ
Ý nghĩa thẩm mỹ của câu thơ thật lớn. Và đây nữa Huyện đảo được hình dung ở một phương diện khác:
Phú Quốc đẹp đang yêu chàng biển trẻ
Sóng ngân dài... đồi núi đứng say sưa.
Nguyễn Bá viết bài thơ Phú Quốc từ tháng 12 - 1976, nhưng chắc nhiều câu thơ hay trong đó sẽ không biết đến tuổi già. Anh có tài gợi không khí của đảo chỉ qua một vài chi tiết được chọn lựa khá kỹ càng:
Gà gáy vội vàng, én bay rất gấp
Tiếng còi tu vào ngực đảo bồi hồi
Anh biết thổi tư tưởng của thời đại mới vào cảnh sắc quen thuộc nơi đây:
Bến tàu là nơi sum họp, không chia ly
Cho chân núi gặp chân người tấp nập
Đẹp và hùng nhất có lẽ là khổ thơ này:
Đỉnh Ông Bổn như cụ già ngẫm nghĩ
Bỗng cười vang làm sóng vỗ quanh hòn
Vịnh biển chồm hôn bãi cát môi son
Rồi ngẩn ngơ mùi suối Chanh, suối Đá
Tên những con suối, những ngọn núi và bao địa danh khác nữa cứ tự nhiên đi vào thơ anh. Ta không mảy may có cảm giác chắp vá, đứt nối. Chúng xâu chuỗi liền mạch trong cảm nhận chung của nhà thơ. Tiếc là do nhiều nguyên cớ, ta chưa có điều kiện đọc nhiều sáng tác của anh. Sự hiểu của bạn đọc về anh tất sẽ có những giới hạn không dễ vượt qua.
Tôi xin chuyển sang một nhà thơ thành danh khác, thuộc thế hệ sau Lê Chí, Nguyễn Bá, đã sớm tỏ rõ tiếng nói của thế hệ mình - đó là Nguyễn Trọng Tín. Thơ anh chính là con đẻ của vùng đất ấy, tự trong cội nguồn thẳm sâu. Năm 1985, nghĩa là sau khi chiến tranh kết thúc đúng mười năm, anh viết bài Có mười sáu cuộc chiến tranh. Tác động thức tỉnh của bài thơ là khá rõ. Nhất là vào thời điểm ấy. Anh sớm nhận ra vết thương tinh thần âm ỉ hành hạ con người sau chiến tranh. Còn lâu, rất lâu mới lành lặn nổi.
Có mười sáu người đàn bà
Sau chiến tranh chồng không về nữa
Có mười sáu ngọn gió giọt mưa đêm đêm đi gõ cửa...
Và nhà thơ của chúng ta đã chủ động nâng lên:
Có mười sáu cuộc chiến tranh trong xóm còn âm ỉ
dù đã mười năm giặc giã qua rồi
Cái đáng nhắc nhở là xem chừng mọi vết thương chiến tranh đã lên da non; người ta chừng như đã quên đi, vô tình hoặc cố ý:
Làng xóm đã xanh một màu cây trái
trẻ con lớn lên thành những đôi trai gái...
Cuộc sống cứ trôi chảy theo nhịp điệu thường thấy và người đời dễ để cho mọi thứ buông trôi theo thời gian. Ký ức dễ phản bội ta lắm! Nhưng lương tri của nhà thơ thì luôn thức tỉnh:
Tôi ngồi vẩn vơ đếm từng mái tóc
đếm những buồn vui đang còn đã mất
trong mắt trẻ thơ trong bước người già
Vẩn vơ ư? Anh nói vậy thôi. Và đếm buồn vui ư? Cũng chỉ là cách nói. Vậy nên sự phát hiện ở đây chẳng một chút tình cờ như anh tự nhận. Nguyễn Trọng Tín đã góp tiếng nói xác nhận bi kịch chiến tranh dài lâu hằn sâu trong tâm tưởng của đồng bào mình. Và anh coi đó là phận sự, không được phép chối từ.
Chất đồng bằng trong bài thơ Gặp lại một vầng trăng của Nguyễn Trọng Tín lại được bộc lộ bằng một cách khác. Bài thơ đậm đặc chất trữ tình. Có tiếng bìm bịp kêu, có dáng tre cong cong, nhưng tất cả để nhằm làm nổi rõ tâm trạng:
Bìm bịp ngập ngừng kêu nước lớn
Một dáng tre cong mấy ngậm ngùi
Cánh lục bình dạt trôi ở khổ sau cũng thế:
Dù biết lục bình trôi thất lạc
Lòng không tắt được một màu bông
Và sau cùng là mùi hương không biết đến tàn phai:
Mà mùi hương cũ không sao cũ
dù trái vườn xưa rụng đã lâu
Thật là một cây bút có nghề. Nhiều người thích thơ Nguyễn Trong Tín là vì thế! Đó cũng là nguyên do đưa tôi đến với bài thơ Trăng Cà Mau của Trịnh Bửu Hoài. Nhà thơ xác lập một góc nhìn tâm tưởng cho riêng mình:
Đêm Cà Mau có vầng trăng trong quán nhỏ
Chỉ sáng riêng nơi đáy mắt một người
Đêm Cà Mau có đôi bờ môi đỏ
Chợt dịu dàng nhỏ mật xuống hồn tôi
Chính nhờ vậy mà ánh trăng hóa thành ánh trăng riêng, đôi bờ chuyển thành bờ môi riêng. Khổ thơ đầu đứng được, giúp mạch cảm nghĩ của toàn bài tuôn chảy một cảm một cách tự nhiên, hợp lẽ đời và cũng hợp đạo thơ:
Tôi đi mà như ngủ bên trăng
Nên thơ thẩn những đêm dài lạnh bạc
Cà Mau xa cuối đầu ngọn bấc
Tôi vui gì dù trời sắp vào xuân
Điểm sáng của bài thơ dường như được kín đáo gài vào câu này:
Tôi giấu trong tim vầng trăng thầm kín
Để nghe lòng sáng mãi tối ba mươi
Sự thành công của bài thơ tình viết về vầng trăng nơi Đất Mũi của Trịnh Bửu Hoài đưa tôi tìm đến nhiều bài thơ tình hay của các cây bút Đồng bằng sông Cửu Long khác.
PHẠM QUANG TRUNG
______________________
ĐÓN ĐỌC BÔNG TRÀM CHUYÊN ĐỀ ĐẶC BIỆT
5 MÙA HOA PHƯƠNG NAM
>> Vui lòng nhấp chuột vào hình ảnh phía dưới để vào mục lục số đặc biệt <<
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét