Cách đây hơn hai năm, một chiều cuối tháng 05 năm 2015
tôi bất ngờ nhận được cuộc gọi từ phương xa, bác gọi thông báo với tôi, bác vừa
post tạp bút nho nhỏ của tôi trên blog Vườn thơ Trăng nguyên thủy. Lúc đó tôi
chỉ biết cảm ơn và lặng lẽ vào blog khám phá, kết quả là tôi đọc được rất nhiều
thi phẩm của bác và rất nhiều thơ của bạn bè và bằng hữu được bác đăng lên thường
xuyên. Ngọn lửa thi ca trong tôi được nhen nhóm một phần cũng từ nhiệt huyết và
sự trân trọng thi ca, con chữ của bác 3T, một nhà thơ kỳ cựu của đất phương
Nam.
Khoảng cách địa lý xa như vậy nhưng tôi có cảm giác
hai tâm hồn một già, một trẻ được liên kết rất gần nhau, thông qua blog vườn
thơ trăng nguyên thủy và các diễn đàn văn chương phi lợi nhuận. Trong hình dung
của tôi, nhà thơ Trúc Thanh Tâm là một người phong trần, đã đi qua hai cuộc chiến
tranh đầy cam go, khốc liệt nên đời thơ của bác được xây dựng nên từ hồn nhân
dân, hồn đất nước, từ dáng hình quê hương xứ sở. Một người yêu thơ trong sáng,
thuần khiết và không vụ lợi, không biết tôi nghĩ như vậy có đúng không, nhưng
có một điều chắc chắn rằng, cả một đời bác dành trọn cho thi ca, một đời rút ruột
nhả tơ làm đẹp cho đời, cho người. Bác rất lặng lẽ trên hành trình viết lách
nhưng được bằng hữu ở khắp nơi quý mến, ở trong nước và cả hải ngoại.
Thực tình thơ của bác không hợp “gu” với tôi lắm,
nhưng tôi vẫn đọc và học hỏi, bởi vì thấy bác nhiệt tình quá nên đã truyền cảm
hứng cho tôi và niềm tin mãnh liệt dành cho thi ca. Nhứt là đối với một người
trẻ mới chập chững viết những bài đầu tay như tôi. Tôi gặp bác trên blog vườn
thơ trăng nguyên thủy, bởi bác hay chia sẻ thơ tôi trên ấy, và bác cũng bảo tôi
chia sẻ thơ của bác trên blog mà tôi vừa mày mò lập ra để hòa cùng đời sống văn
chương rất sôi động và bao la trên internet, tất nhiên tôi cũng không muốn quá
phụ thuộc vào facebook, nên tôi muốn tạo ra một kênh tương tác khác để đăng
bài, thỏa sức quẫy đạp với niềm đam mê của mình.
Lâu lâu tôi nói chuyện với nhà thơ Trúc Thanh Tâm trên
điện thoại, dẫu rất khác biệt về thế hệ nhưng tình thơ được kết nối của dăm câu
hỏi thăm sức khỏe cũng cảm thấy ấm lòng. Cuối tháng 02.2017, tôi vô tình thấy
bác trên facebook, hình như là bác vừa mới lập để kết nối với thi hữu, từ đó
tôi gặp bác nhiều hơn, lần cuối cùng bác nhắn tin là dành cho tôi một lời
khuyên: “Con nên giữ “cái cốt” của mình
nha. Đừng chạy theo cái “bóng mờ” của thiên hạ!”. Tôi cảm thấy rất may mắn
khi được quen biết bác và nhận được bác động viên từ những bài thơ đầu tiên, mặc
dầu vậy bác vẫn rất trân trọng những tác phẩm của các bạn trẻ, bằng chứng là thỉnh
thoảng bác đăng tải tác phẩm mới của người trẻ trên blog vườn thơ trăng nguyên
thủy như: Hoàng Anh 79, Bàn Hữu Tài, Huỳnh Ngọc Phước, Vĩnh Thông, Phát Dương,
Nguyễn Chí Ngoan...
Nhà thơ Trúc Thanh Tâm tên thật là Dư Thanh Tâm sinh
ngày 21.08.1949 tại Long Mỹ, Cần Thơ (quê gốc ở Cái Nước, Cà Mau), mất ngày
15.01.2018 tại Châu Đốc, An Giang. Làm thơ, viết văn đăng trên các báo và tạp
chí từ năm 1964, đã xuất bản hai tập thơ và đạt một số giải thưởng, kỷ niệm
chương vì sự nghiệp VHNT VN. Nhà thơ Trúc Thanh Tâm là người sáng lập: Văn nghệ
Hoa Thời Gian, Thi văn đoàn Trăng Nguyên Thủy, Văn nghệ Cần Thơ (hoạt động đến
1975), bút danh khác: Lý Thị Phương Hà, Lê Nghiêm Châu, Trương Hoài An, Bá
Tùng, Hải Hà, Rạng Đông...
Suốt một đời tận hiến cho thi ca, nhà thơ Trúc Thanh
Tâm để lại cho đời rất nhiều bài thơ xuất hiện trên rất nhiều trên các tuyển tập,
ấn phẩm văn chương, trên blog của thi hữu, các website, diễn đàn giao lưu, giới
thiệu VHNT trong và ngoài nước. Tôi từng có dịp ghé thăm và tiếp xúc rất nhiều
tình cảm của bằng hữu dành cho nhà thơ Trúc Thanh Tâm: Nguyệt Lãng, Du Tử Lê,
Nguyễn An Bình, Ngô Nguyên Nhiễm, Lương Như Trung (Hai Trầu), Trần Minh Tạo,
Châu Thạch (Trương Văn Trạn), Thủy Điền... Trên trang mạng vườn thơ Trăng
nguyên thủy còn lưu giữ bản thảo 5 tập thơ của nhà thơ Trúc Thanh Tâm: Thân Tình, Ru đời theo tháng ngày trôi, Muôn dặm tình quê, An Giang sông núi tình
người, Để tình lơ lửng trăng khuya. Mỗi khi đọc thơ bác 3T, hồn tôi không
khỏi bồi hồi xúc cảm, những vần thơ nhẹ nhàng, lãng mạn, đong đầy tình quê,
tình người rót vào lòng người tự nhiên như suối nguồn chảy mãi. Những dòng thơ
khắc tạc tâm tưởng, kiến tạo hình hài đất nước một cách minh triết, trập trùng ẩn
hiện giữa muôn trùng sông núi: “những người
đã chết vì sông núi, sẽ sống muôn đời với núi sông”, “trị nước phải có nhân tâm, trị dân cũng cần nghĩa khí” (trích thơ
Trúc Thanh Tâm).
Trong bài ca vọng cổ “đất quê ta đâu cũng có linh hồn”,
tác giả Trúc Thanh Tâm viết: “Từng hạt bụi
mang niềm trăn trở, từng nụ cười đầm ấm nụ hôn, anh đưa em về với hương đồng
lúa trổ, đất quê ta đâu cũng có linh hồn...”. Nhà thơ Châu Thạch đã bật lên
nỗi xúc động khi nghe bài vọng cổ qua phần thể hiện của nghệ sỹ Dương Thanh: “Người
nghe ca khúc hay người đọc lời ca không cần chiêm nghiệm mà tự nhiên cảm thấy
trong lòng mình có bàn tay êm ái của quê hương vuốt ve, dậy lên trong con tim
tình cảm mến yêu, lời thề chung thủy với quê cha đất tổ của mình”. Nhà thơ Trúc
Thanh Tâm với những dòng thơ tràn đầy cảm hứng về thế sự, đong đầy nỗi niềm ưu
tư giữa cuộc trần nhiễu nhương:
“Em có biết lòng dân là sức mạnh
Dựng quê hương bảo vệ nước non này
Những que diêm thoát thay từ khúc gỗ
Những que diêm làm cháy cả rừng cây”.
Đa dạng trong phong cách, chứa chan mạch cảm xúc bất tận,
lục bát của nhà thơ Trúc Thanh Tâm mềm mại, uyển chuyển, ghi dấu từng lát cắt,
từng mảnh đất, từng dấu vết của quê hương xứ sở khắp dặm dài Tổ Quốc. Những vần
thơ làm quà tặng bằng hữu khắp mọi miền càng khiến chúng ta trân trọng tấm lòng
son sắt của một thi sỹ dốc hết tấc lòng chuyên chở thi ca cập bến yêu thương. Cái
đẹp luôn là cái đích mà người nghệ sỹ muôn đời hướng đến, ở đó có những rung động
lặng lẽ, đan xen biến ảo khôn lường, chắp nối đôi cánh ảo tưởng vang vọng đến
cuối chân trời, đọng lại một giấc mơ không có điểm dừng: “chỉ biết được những giây phút cuối/ người yêu thầm và người lại yêu thơ”,
“đời tôi là cả đời thơ, gởi quê hương gởi
ngày xưa của mình”. Bài thơ “sáu mươi năm” được thành hình thành dạng trên
từng nấc thang quá khứ, bóc tách vỉa tầng kỷ niệm, lấp lánh như sóng nước soi
chiếu trên sông: “Bên hiên dấu cũ, trăng
rằm/ Áo xưa chưa hết hương thầm người xưa/ Bây giờ cũng dưới hiên mưa/ Đâu còn
màu áo ngày xưa tôi chờ/ Sáu mươi năm, một hồn thơ/ Tôi cho và nhận, tôi chờ và
mong/ Đời chưa hết nỗi nhọc nhằn/ Khi mà hạnh phúc tính phần trăm yêu!”.
Nhọc nhằn qua bao đổi thay, dâu bể của trần thế, những
dòng thơ lãng mạn, phiêu bồng nhường chỗ nỗi sầu nhân gian, ẩn hiện bên trong
dòng lục bát giàu chất gợi cảm, trữ tình. Mới đây, tôi nhận được bài thơ “chiều
nay mưa phố” được nhà thơ Trúc Thanh Tâm sáng tác nhân sinh nhật lần thứ 70.
Bài thơ vừa mới đọc hôm qua, một mùa xuân mới chưa kịp gõ cửa nơi thềm nhà, vầy
mà người xưa đã hóa khói sương, chỉ còn kịp thấy những nụ hoa còn ủ trong giấc
mộng vô biên của thời gian.
Chiều nay mưa phố
- Kỷ niệm sinh
nhật lần thứ 70 -
Bây giờ tôi định dạng tôi
Bảy mươi năm giữa tình đời đảo điên
Qua hai thế kỷ ưu phiền
Nợ còn đeo đẳng từ tiền kiếp xưa
Đời nay mưa nắng trái mùa
Nên đau khổ cứ cợt đùa cõi mê
Gót chân đau nhói lối về
Dường như bão rớt trên quê hương nhà
Những mùa xuân cũ đã qua
Và mùa xuân mới chợt già trong tôi
Học chưa hết cấp làm người
Mà sao nước mắt chín muồi trên mi
Một người tiễn một người đi
Tình quê gửi lại từ khi xa người
Dòng sông thơ ấu mất rồi
Chiều nay mưa phố ngậm ngùi, thấy sông!
(Trúc Thanh Tâm)
Phan Nam
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét