|
Bìa sách "9 thập kỷ tân nhạc Việt Nam"
Lê Thiên Minh Khoa |
Các nhạc sĩ của Sài Gòn sau 1975 định cư tại nước
ngoài vẫn tiếp tục sáng tác và cùng với những nhạc sĩ trẻ hơn đã tạo nên dòng
nhạc hải ngoại với nhiều chủ đề thay đổi theo thời đoạn. Trong những năm đầu, một chủ đề sáng
tác chính của họ là hoài niệm với
nỗi nhớ quê hương và Sài Gòn như: Sài Gòn ơi! Vĩnh biệt của Nam Lộc, Khi xa Sài Gòn
của Lê Uyên - Phương, Đêm nhớ về Sài Gòn của Trầm Tử Thiêng, Quê hương bỏ lại của Tô Huyền Vân, Đường về quê hương
của Lam Phương…
Vào
thời điểm đầu, chủ đề thân phận lưu vong cũng được nói đến trong nhiều ca khúc:
Tị nạn ca của Phạm Duy, Người di tản buồn của Nam
Lộc, Ai trở về xứ Việt của
Phan Văn Hưng, Một chút quà cho quê hương của Việt Dzũng... Nhiều
tác giả viết về đề tài phổ biến nữa là
ngục tù, phản kháng như Phạm Duy, Trần Thiện
Khải, Hoàng Nguyên Linh, Nguyệt Ánh, Nguyễn Hữu Nghĩa, Hà Thúc Sinh, Châu Đình An,
v.v…
Đến giữa
thập niên 1980, sau khi trong nước
đổi mới, các nhạc sĩ hải ngoại bắt đầu bỏ các chủ đề
trên, quay lại viết nhạc trẻ và tình ca. Tình ca hải
ngoại là sự tiếp nối vài dòng nhạc ở Miền Nam trước 1975, nhất là nhạc vàng và tình khúc. Nhưng ranh giới giữa hai dòng nhạc này trong nhạc hải ngoại không còn rõ rệt như thời kỳ trước năm
1975 ở Miền Nam.
Nhạc hải ngoại cũng ít nhất
là ba thế hệ nhạc sĩ. Thế hệ thứ nhất là các nhạc sĩ tình khúc và nhạc vàng
trước 1975 di tản ra nước ngoài. Nhạc sĩ tình khúc 1954-1975 có Phạm Duy, Trầm
Tử Thiêng, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An,
Đức Huy, Từ Công Phụng, Thanh Trang, Nguyễn Hữu Nghĩa... Phạm Duy vẫn sáng tác mạnh theo nhiều thể
loại, và cùng với con trai là Duy Cường thử nghiệm cả nhạc new age,
thực hiện các băng nhạc “Minh họa
truyện Kiều”. Vũ Thành An tiếp
tục những Bài không tên số 11 đến Bài không tên số 50 và
nhiều tình khúc khác; Đức Huy với Và tôi cũng yêu em, Khóc một dòng sông, Và con tim đã vui trở lại, Từ Công Phụng với Khi
tôi đến nơi đây, Đừng nữa nhé, chia ly, Nguyễn Hữu Nghĩa với Tình
ca; Thanh Trang với một loạt tình khúc viết đầu thập niên 2000: Một
đời tôi hát, Bài thơ xưa cho em, Chiều đông, Lời tình cuối, Tóc em vẫn là hương của mẹ, Còn nhớ gì khi xa Huế; Ngô Thụy Miên với nhiều
sáng tác mới, trong đó Riêng một góc trời nổi tiếng viết
năm 1997...
Nhạc sĩ nhạc vàng 1954-1975 có Lam Phương, Nhật Ngân, Song Ngọc, Anh Bằng, Phan Ni Tấn... Song
Ngọc với Đàn bà,
Hà Nội ngày tháng cũ, Hương đồng gió nội...; Nhật Ngân với hai ca khúc viết tiếp
bài Xuân nầy con không về: Xuân nầy con sẽ
về, Xuân nầy con về mẹ ở đâu; Phan Ni Tấn với Lý
con sáo Bạc Liêu; Lam
Phương với Bé yêu, Mùa
thu yêu đương, Tình vẫn chưa yên, Bài tango
cho em (1991) và hàng loạt ca khúc tiêu đề chỉ
có một chữ khi đau xót vì hạnh phúc gia đình tan vỡ như Điên, Say, Tiếc...,
trong đó nổi tiếng nhất là Lầm với câu hát "Anh đã lầm đưa em sang đây". Đặc biệt, Anh Bằng sáng tác rất nhiều,
trong đó có cả những tình khúc phổ thơ như Cánh phượng hồng thuở (thơ Trịnh Bửu Hoài), Khúc thụy du (thơ Du Tử Lê), Chuyện
giàn thiên lý 1, 2 (ý thơ
Yên Thao), Anh còn nợ em và Anh còn yêu em đều phổ thơ của Phạm Thành Tài, v.v...
Từ giữa thập niên 80, xuất hiện một lớp nhạc sĩ mới với
những tình ca và nhạc trẻ. Tình ca hải ngoại có các
nhạc sĩ như Nguyễn Đình Toàn, Đăng Khánh, Vũ Tuấn Đức, Diệu Hương, Ngọc
Trọng, Lê Tín Hương, Ngọc Loan, Trúc Hồ, Trịnh Nam Sơn, Trần
Quảng Nam, Hoàng Thanh Tâm, Trần Duy Đức, Trần Đức, Mai Anh
Việt, Hoàng Việt Khanh, Hoàng Trọng Thụy, Phạm Anh Dũng, Trần
Chí Phúc… Nhạc trẻ hải ngoại có
Jimmii Nguyễn, Lãnh Ngọc Tâm, v.v...
Có thể kể
ra vài ca khúc tiêu biểu của thế hệ nhạc sĩ mới này: Trần
Quảng Nam với Mười năm tình cũ; Hoàng Thanh Tâm với Tháng
sáu trời mưa; Trúc Hồ với Trái tim mùa đông; Ngọc Trọng với Buồn
vương màu áo; Trịnh
Nam Sơn với Dĩ vãng, Quên đi tình yêu cũ; Nguyễn Tâm với Rong rêu; Phạm Anh Dũng với Dạ
quỳnh hương; Lê Tín Hương với Có những niềm riêng,
v.v…
Từ
giữa thập niên 1990, các thể loại nhạc new age, new wave, rap, hip hop lời Việt đựơc nhiều nhạc sĩ như Phong Lê, Heart2 Exist (Lê Huy Phong & Lê Huy Phát)… sáng tác.
Đầu
thế kỷ 21, xuất hiện dòng nhạc trẻ hải ngoại với nhiều tiết điệu
mới (và cả cách phối khí mới) bởi các nhạc sĩ trẻ như Huỳnh Nhật Tân, Nhật
Trung, Đồng Sơn, Lê Xuân Trường... Một số nhạc sĩ sáng tác tân nhạc lời
Anh như Vũ Tuấn Đức, Kristine Sa, Lê
Tâm, Cardin Nguyễn, Trish Thùy Trang, Alan Nguyễn, Vy Nguyễn... Tuy nhiên, phần
nhiều ca khúc VN ở hải ngoại ca từ vẫn là lời Việt.
Nhạc hải ngoại cũng có sự nối kết và liên hệ với nhạc trong nước, nhất là
kể từ khi trong nước đổi mới, các ca sĩ và nhạc sĩ ở hải ngoại được về nước biểu diễn đã
tạo nên sự giao thoa, trao đổi nghệ thuật (âm nhạc) giữa hai bên. Nhiều ca khúc
trong nước được các ca sĩ hải ngoại biểu diễn rất thành công. Và ngược lại, nhiều
ca sĩ trong nước thể hiện các tình khúc hải ngoại được công chúng yêu thích,
như: Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Quang Dũng, Thanh
Long Bass, Hồng Ngọc, Song Giang, Tùng Dương, Lệ Quyên, Hoài Phương, v.v…
Các
nhạc sĩ trong nước như: Lê Hựu Hà, Trịnh Công Sơn, Tùng Giang, Quốc Dũng, Vũ Đức
Sao Biển, Bắc Sơn, Trần Quang Lộc, Ái Lan… cũng tham gia thị trường âm nhạc hải
ngoại bằng những tình ca mới và lúc đầu, gần như các tình ca mới này của họ chỉ
được hát tại hải ngoại. Các ca khúc của nhạc sĩ Bảo Chấn, Phú Quang, Nguyễn
Ngọc Thiện được trình bày và
nổi tiếng tại nước ngoài từ những
năm đầu thập niên 1990. Đức Trí, Việt Anh, Nhật Trung, Nguyễn Xinh Xô trong
thời gian du học cũng sáng tác nhiều ca khúc cho thị trường âm nhạc tại hải
ngoại. Nhiều nhạc sĩ đã nổi tiếng từ trong nước trước khi ra định cư tại nước
ngoài và trở thành nhạc sĩ hải ngoại như Sỹ Đan, Quốc Hùng, Ngọc Lễ… Sau này,
một số nhạc sĩ trẻ trong nước như Lê Quang, Hoài An, Nguyễn Nhật Huy, Nguyễn
Kim Tuấn, Thái Thịnh, Minh Nhiên, Minh Khang, Vũ Quốc Việt... cộng tác và bán
độc quyền một số ca khúc của họ cho các Trung tâm hải ngoại. Các ca sĩ trong
nước nổi tiếng như Trần Thu Hà, Bằng Kiều, Thu Phương, Kiều Hưng, Ngọc Anh, Lam
Trường, Thủy Tiên, Quang Dũng, Nguyễn Hồng Nhung, Xuân Mai… sau này định
cư tại hải ngoại cũng tham gia sinh hoạt âm nhạc tại đây và rất được nhiều
người hâm mộ... Hầu hết các
ca sĩ tình ca trong nước đều đã từng lưu diễn tại hải ngoại.
Trong
những năm 1991-2000, riêng Trung tâm Mưa Hồng đã phát hành tại Mỹ hơn 400 tựa
CD với các giọng ca quốc nội như Bảo Yến, Nhã Phương, Đình Văn, Bích Phượng,
Cẩm Vân hát nhạc hải ngoại, tình khúc 1954-1975 và tình ca quê hương và làm những
ca sĩ này rất nổi tiếng tại hải ngoại. Trung tâm Làng Văn/Lạc Vũ cũng đặt hàng
và phát hành
rất nhiều CD với các giọng ca trong nước và sau này thực hiện các chương trình
Duyên dáng Việt Nam trong nước.
Từ năm 2000, một số ca khúc nhạc hải ngoại bắt
đầu được phép lưu hành chính thức trong nước (tuy rằng trước đó và sau đó, một
số ca khúc hải ngoại phải thay tên tác giả để qua kiểm duyệt, như trường hợp
Em đã quên một dòng sông của Trúc
Hồ lại ghi là tác giả Hải Triều, Cơn
mưa hạ của Trúc Hồ - Trầm Tử Thiêng, ghi là nhạc Hoa, Vì đó là em của Diệu Hương do Quang
Dũng thể hiện đoạt giải Mai Vàng 2003,
nhưng sau đó bị rút giấy phép khi biết Diệu Hương ở hải ngoại). Một số nhạc sĩ
hải ngoại sau này về thực hiện nhiều dĩa nhạc, cũng như hòa âm phối khí cho các
ca sĩ và tham gia các chương trình văn nghệ trong nước như Phạm Duy, Phạm Duy
Cường, Trịnh Nam Sơn, Huỳnh Nhật Tân, Trần Viết Tân, Đức Huy (đã định cư hẳn
tại Việt Nam)... Một số ca sĩ hải ngoại sau này về định cư hẳn tại quê nhà hay thường xuyên hát trong nước
như Elvis Phương, Hương Lan, Duy Quang, Tuấn Vũ, Phi Nhung, Thái Châu, Ngô
Thanh Vân và nghệ sĩ hài Hoài Linh, Chí Tài, Hoài Tâm… Ca sĩ nổi tiếng khác ở
hải ngoại như Ái Vân, Lệ Thu, Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Ý Lan... cũng đã từng nhiều
lần về nước lưu diễn.
(Kỳ tới: NHẠC CÁCH MẠNG 1946-1954)
Lê Thiên Minh Khoa
(Trích trong
cuốn sách “9 THẬP KỶ CA KHÚC TÂN NHẠC VIỆT NAM” -
nghiên
cứu & nhận định của Lê Thiên Minh Khoa - sắp xuất bản,
2018).
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét