Nước chảy lạnh lùng,
Mưa bay lất phất!
“Cây trong núi ngàn tuổi dễ tìm,
Người ở đời trăm năm khó gặp!”
Lúc sống, nhà còn ở mấy tầng,
Khi chết, thây cũng vùi ba tấc!
Nhớ linh xưa,
Quyền thế ngang trời,
Uy phong lệch đất!
Đi nửa bước, hộ vệ bám kè kè,
Ho một tiếng dân đen run lập cập!
Rõ là:
Trôn con trẻ trây cứt trây phân,
Miệng nhà quan có gang có thép!
Mánh mung rút bòn vật liệu, mà cầu đường nhà nước xuống cấp ào ào,
Lập lờ cắt xén đất đai, nên nhà xe quan ngài lên đời tới tấp!
Mặc người đi đường té xuống té lên,
Thây kẻ qua cầu rớt tim rớt mật!
Nói sao xuể, bao điều vô sỉ từ nhỏ đến to,
Ghi khôn cùng, đủ lối gian manh từ A tới Z!
Xem báo viết, thiếu điều nhức óc nhức xương,
Mở “web-sai”, càng thêm tối mày tối mặt!
Thế mà,
Vào công vào việc, lơ mơ tựa giống cù lần,
Thấy của thấy tiền, lít xích như con lật đật!
Thời làm lính, học lem nhem ba chữ i tờ,
Lúc lên quan, “đậu” lủ khủ một lô bằng cấp!
Ruộng tốt trăm vuông,
Vàng ròng thiên dật!
Cược ván cờ vài tỉ, việc tưởng như đùa,
Đặt canh bạc vạn “đô”, không dè chuyện thật!
Châu đầu châu mặt cố moi dự án trên trời,
Quơ tay quơ chân cứ nhét tiền nong đầy túi.
Là trưởng giả ai lại xài thứ bèo Phú Lễ, Gò Đen.
Đã nhà quan thì phải chơi hàng hiệu Mạc-Ten, Cô Nhắc!
Bạc vàng đem bỏ vào tráp vào rương,
Xe công mang đi sờ đùi sờ nách!
Bạc trắng của chùa, xài hoang vung thẳng hai tay;
Đít đen thằng mõ, chạy thuế lòi đom một khúc!
Bất lương đâu kém gì thằng Tần Cối, Tần… Chày,
Vô sỉ chẳng thua lũ Hòa Thân, Hòa… Thiết! (!)
Lạ chi,
Tai trâu mặt lợn, nào dè muôn tiếng thị phi,
Mồm thép miệng gang, chẳng tiếc trăm điều hống hách!.
Báo ngày tốn bao nhiêu mực, xem chừng đàn khảy tai trâu,
Báo mạng mất bấy nhiêu công, nào khác nước ngoi đầu vịt!
Chỉ vì,
Cái óc cái tim đen cỡ mực tàu ,
Cái mặt cái mày, dày như tấm thớt!
Để rồi hôm nay,
Khi thân tại chức, chẳng xì được tiếng thơm tho,
Lúc xác ém sâu, vẫn bốc ra mùi thúi hoắc!
Ngán uy sợ thế, bao người trước mặt cúi đầu,
Miệt đức khi tài, khối kẻ sau lưng đấm c…*
Con thơ nhóc nheo mấy hệ, mặc người xưng bố, xưng ba,
Vợ trẻ mơn mởn dăm bà, mạnh kẻ đổ lờ đổ lọp!
Tim gan dơ tợ máu cùi,
Tiếng tăm thúi hơn cóc chết!
Ngưu đầu mã diện đành giở nón chào thua,
Quỉ sứ ma vương cũng dập đầu bái phục!
Những tưởng,
Sống, tiếng nổi lẫy lừng,
Chết, người thăm chật ních!
Nào dè,
Từ lúc xuôi tay,
Tới khi liệm xác.
Ngoài vợ con thì khóc hu hu,
Còn ai nấy đều cười khặc khặc!
Hôm nay,
Rặn dăm câu dăm chữ, thảo điếu văn thống thiết một bài,
Quệt chút ớt chút tiêu, cho làng xóm xốn xang đôi mắt!
Đã không cửa đi đến Tây Thiên,
Thì chắc ăn tìm về Địạ Ngục!
Thành kính dâng ngài,
Nói nhiều không tốt!
Ô hô! Có linh xin hưởng!
KHA TIỆM LY
Tham quan là gì? Tham quan nói nôm na là
những người có chức vụ trong chính quyền, lợi dụmg quyền hạn mình có để trục
lợi riêng. Thời đại nào và chế độ nào cũng có tham quan, chỉ nhiều hay ít tùy
theo kỷ cương, luật pháp và đạo đức của thời đại và chế độ đó mà thôi.
Việc chống tham nhũng và tố cáo tham quan
được xem như chống giặc, gọi là “giặc nội xâm”.
Trong nền văn học nước nhà, từ xưa cũng đã
xuất hiện nhiều văn nhân, thi sĩ dùng ngọn bút của mình, sáng tác những câu
văn, vần thơ như thép để lên án bọn tham quan. Không xa lắm trước đây, ta có
thể đọc được văn chương của Nguyễn Khuyến, của Tú Xương, của Tản Đà bằng những
vần thơ bởn cợt, thâm thúy đã châm biếm, đã kích, vạch mặt bọn tham quan ở thời
đại họ.
Ở thời đại hiện nay, văn thơ chống tham
quan mỗi ngày một nhiều. Lời thơ văn không còn nhẹ nhàng nữa, mang nhiều ẩn dụ
đau đớn cũng có, chém treo nghành bằng những đường đao sắt bén cùng có, đập dẹp
đầu bằng những nhát cuốc nông dân cũng có. Thế nhưng, một điều lạ là, tham quan
mỗi ngày một nhiều lên, sóng tham nhũng mỗi ngày một dâng cao, cuốn phăng bao
thành quả đã đổi xương máu dựng lên, nhận chìm bao công lao nhân dân bỏ công
xây đắp.
Một trong những văn thi sĩ phất ngọn cờ văn
chương đã kích tham nhũng hiện nay là nhà thơ Kha Tiệm Ly. Đọc bài “Văn Tế Tham
Quan” của ông ta thấy như một ngọn cờ nổi lên giữa trăm ngàn ngọn cờ khác, cho
ta niềm tự hào về một con người, về một bút pháp, về một nhân cách thơ mà sự
can đảm, cương trực và tài hoa còn tồn tại giữa thời mạt pháp.
Trước khi nói về bài văn của Kha Tiệm Ly,
người viết xin nói qua khái niệm về văn tế:
“Văn tế nói chung là loại văn đọc khi tế,
cúng người chết. Trong một số trường hợp đặc biệt, văn tế cũng dùng để tế lễ
người sống. Cùng với sự phát triển của xã hội, nội dung văn tế ngày một phong
phú thêm. Đó là những bài văn tế ta thán cảnh nước mất nhà tan, xót thương cho
những người hi sinh vì nghĩa lớn, lên án bất công hay bộc lộ nỗi đau thương.
Văn tế có khi hùng hồn, có khi pha lẫn tiếng cười, mỉa mai, giễu cợt, châm biếm
và đả kích tệ nạn xã hội“
Bây giờ, hãy đọc những câu thơ đầu của bài
văn tế tham quan:
Hỡi ôi!
Nước chảy lạnh lùng,
Mưa bay lất phất!
“Cây trong núi ngàn tuổi dễ tìm,
Người ở đời trăm năm khó gặp!”
Lúc sống, nhà còn ở mấy tầng,
Khi chết, thây cũng vùi ba tấc!
Một bài văn tế thường có nhiều phần. Đây là
phần mở đầu gọi là "Lung Khởi”. Phần lung khởi dùng để luận chung về lẽ
sồng chết hoặc khái quát cảm tưởng của tác giả về người đã qua đời.
Ở phần lung khởi nầy, Kha Tiệm Ly đã luận chung về lẽ sống chết.
Tiếp theo phần Lung Khởi của một bài văn tế
là phần Thích Thực. Phần Thích Thực dùng để hồi tưởng phẩm hạnh, công đức của
người đã chết. Ta hãy đọc bài văn tế tham quan của Kha Tiệm Ly ở phần Thích
Thực như sau:
Nhớ linh xưa,
Quyền thế ngang trời,
Uy phong lệch đất!
Đi nửa bước, hộ vệ bám kè kè,
Ho một tiếng dân đen run lập cập!
Rõ là:
Trôn con trẻ trây cứt trây phân,
Miệng nhà quan có gang có thép!
Mánh mung rút bòn vật liệu, mà cầu đường nhà nước xuống cấp ào ào,
Lập lờ cắt xén đất đai, nên nhà xe quan ngài lên đời tới tấp!
Mặc người đi đường té xuống té lên,
Thây kẻ qua cầu rớt tim rớt mật!
Nói sao xuể, bao điều vô sỉ từ nhỏ đến to,
Ghi khôn cùng, đủ lối gian manh từ A tới Z!
Xem báo viết, thiếu điều nhức óc nhức xương,
Mở “web-sai”, càng thêm tối mày tối mặt!
Thế mà,
Vào công vào việc, lơ mơ tựa giống cù lần,
Thấy của thấy tiền, lít xích như con lật đật!
Thời làm lính, học lem nhem ba chữ i tờ,
Lúc lên quan, “đậu” lủ khủ một lô bằng cấp!
Ruộng tốt trăm vuông,
Vàng ròng thiên dật!
Cược ván cờ vài tỉ, việc tưởng như đùa,
Đặt canh bạc vạn “đô”, không dè chuyện thật!
Châu đầu châu mặt cố moi dự án trên trời,
Quơ tay quơ chân cứ nhét tiền nong đầy túi.
Là trưởng giả ai lại xài thứ bèo Phú Lễ, Gò Đen.
Đã nhà quan thì phải chơi hàng hiệu Mạc-Ten, Cô Nhắc!
Bạc vàng đem bỏ vào tráp vào rương,
Xe công mang đi sờ đùi sờ nách!
Bạc trắng của chùa, xài hoang vung thẳng hai tay;
Đít đen thằng mõ, chạy thuế lòi đom một khúc!
Bất lương đâu kém gì thằng Tần Cối, Tần… Chày,
Vô sỉ chẳng thua lũ Hòa Thân, Hòa… Thiết! (!)
Lạ chi,
Tai trâu mặt lợn, nào dè muôn tiếng thị phi,
Mồm thép miệng gang, chẳng tiếc trăm điều hống hách!.
Báo ngày tốn bao nhiêu mực, xem chừng đàn khảy tai trâu,
Báo mạng mất bấy nhiêu công, nào khác nước ngoi đầu vịt!
Phần Thích Thực của bài văn tế nầy, Kha
Tiệm Ly đã viết thật dài, ông không hồi tưởng phẩm hạnh, công đức của bọn tham
quan vì chúng có đâu ma hồi tưởng. Ngược lại Kha Tiệm Ly đã làm một bao Thanh
Thiên, công bố tội phạm, vạch trần sự xấu xa gian ác. Lời thơ trong phần Lung
Khởi mỗi lúc một mạnh thêm, như tiếng búa quan tòa đập xuống, vạch trần hết mọi
ngóc ngách của tội lỗi, khiến người nghe mỗi lúc thêm căn thẳng vì những xúc
cảm xảy ra trong lòng mình.
Phần thứ ba của bài văn tế gọi là phần Ái
Vãn. Phần Ái Vãn dùng để than tiếc người qua đời, thường mở đầu bằng các chữ
“Ôi” hoặc “Hởi ôi”. Ở đây tác giả bài văn tế dũng chữ “Chỉ vì”:
Chỉ vì,
Cái óc cái tim đen cỡ mực tàu ,
Cái mặt cái mày, dày như tấm thớt!
Để rồi hôm nay,
Khi thân tại chức, chẳng xì được tiếng thơm tho,
Lúc xác ém sâu, vẫn bốc ra mùi thúi hoắc!
Ngán uy sợ thế, bao người trước mặt cúi đầu,
Miệt đức khi tài, khối kẻ sau lưng đấm c…*
Con thơ nhóc nheo mấy hệ, mặc người xưng bố, xưng ba,
Vợ trẻ mơn mởn dăm bà, mạnh kẻ đổ lờ đổ lọp!
Tim gan dơ tợ máu cùi,
Tiếng tăm thúi hơn cóc chết!
Ngưu đầu mã diện đành giở nón chào thua,
Quỉ sứ ma vương cũng dập đầu bái phục!
Những tưởng,
Sống, tiếng nổi lẫy lừng,
Chết, người thăm chật ních!
Nào dè,
Từ lúc xuôi tay,
Tới khi liệm xác.
Ngoài vợ con thì khóc hu hu,
Còn ai nấy đều cười khặc khặc!
Trong phần Ái Vãn. Nhà thơ Kha Tiệm Ly khóc
cho bọn tham quan bằng những câu chữi liên tục. Những câu thơ hằn học của ông
thật sự là những tiếng khóc của đất nước, của quê hương, của triệu người khốn
khổ do bọn tham quan gây ra. Thật ra bọn tham quan có “Cái óc cái tim đen cở
mực tàu/ Cái mặt, cái mày dày như tấm thớt” thì sống hay chết, những lời chữi
của Kha hay của nhân quần xã hội chúng có nghe cũng như đàn gảy tai trâu vậy.
Thế nhưng chính ái vãn trong bài văn tế của Kha Tiệm Ly đã làm bộc lộ nỗi đau
hiện tại, nỗi uất hận của đồng bào trước bọn tham quan thối tha và vô tri vô
giác. Đó chính là những chiếc lò thiếu đốt tham nhũng dựng lên do bàn tay dân
đen, thúc dục cho những chiếc lò lớn mà bậc cầm quyền có đức độ sẽ dựng lên để
dành giang sơn ra khỏi tay ma quỷ.
Bài văn tế tham quan được tiếp tục phần
cuối gọi là phần Kết. Phần Kết dùng để bày tỏ lòng tiếc thương và lời cầu
nguyện cho người qua đời. Phần kết của bài văn nầy, nhà thơ Kha Tiệm Ly đã
không bày tỏ nỗi tiếc thương cho người quá cổ mà lời cầu nguyện còn là một câu
rủa sả “Thì chắc ăn tìm về địa ngục” rất xác đáng:
Hôm nay,
Rặn dăm câu dăm chữ, thảo điếu văn thống thiết một bài,
Quệt chút ớt chút tiêu, cho làng xóm xốn xang đôi mắt!
Đã không cửa đi đến Tây Thiên,
Thì chắc ăn tìm về Địạ Ngục!
Thành kính dâng ngài,
Nói nhiều không tốt!
Ô hô! Có linh xin hưởng!
Bài văn tế thì dài nên bài bình phải viết
ngắn gọn để không làm mệt trí người xem. Xin tóm tắt một bài ý như sau:
Đặc diểm của bài văn tế nầy: Hầu như không
dùng Hán Tự. Điều đó làm bài văn tế có hình thức rất mới, không cầu kỳ, không
khó hiểu nên diễn ý song suốt nhẹ nhàng, xúc tích và cô đọng hết tội lỗi của
bọn tham quan.
Chức năng của bài văn tế: Tố cáo tham quan.
Nội dung vạch trần tội ác cùng sự xấu xa vô sĩ của bọn tham quan.
Giọng điệu của bài văn tế: Hùng hồn nhưng
châm biếm, hướng đến đối tượng là bọn ô lại hại dân hại nước, sống hống hách và
chết ô nhục.
Cuối cùng xin mượn lời bình luận của nhà
thơ Ngã Du Tử (Facebook Ngọc Dũ Phạm) đã viết dưới bài văn tế để đánh giá bài
“Văn Tế Tham Quan” của nhà thơ Kha Tiệm Ly: “Tôi chắc chắn các bài phú của Kha
huynh đi vào văn học sử Việt. Mừng bác Kha tôi”.
Châu Thạch
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét