|
Ảnh Internet |
“Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du – đỉnh cao nhất của
giai đoạn văn học đầu thế kỷ XIX (1805-1809) – là một công trình sáng tạo trên
nền tảng của tư tưởng nhân đạo cao cả. Xuyên suốt tác phẩm, tác giả đặc biệt
quan tâm và bênh vực quyền sống của người phụ nữ thông qua việc lên án gay gắt
những thủ đoạn tàn nhẫn của xã hội phong kiến đã tước đoạt quyền sống và chà
đạp lên thân phận con người. Tiêu biểu cho những nạn nhân trong xã hội này là
Vương Thuý Kiều – nhân vật điển hình cho kiếp sống đọa đày, ngang trái của
người phụ nữ bấy giờ.
Chính vì lẽ đó, có thể nói: “Truyện Kiều
là tác phẩm đề cao quyền sống của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
Trước tiên, ta thử tìm hiểu xem “quyền
sống” của con người. Đó là những cái quyền nào? Đó là quyền được sống bình yên
trong điều kiện sống vốn có, không bị hành hạ về thể xác, không bị xúc phạm về
danh dự và nhân phẩm (không bị chà đạp về tinh thần). Đó là quyền được tự do
lựa chọn và tạo dựng cho bản thân một cuộc sống hạnh phúc trong khuôn khổ đạo
lý.
Với định hướng đó, ta thấy Tố Như tiên
sinh đặc biệt quan tâm đến việc đề cao quyền sống con người, trong đó đề cao
quyền sống của người phụ nữ trong “Truyện Kiều”.
Nhà thơ thiên tài Nguyễn Du đã gửi tâm sự,
hoài vọng của mình vào nhân vật Vương Thuý Kiều và Từ Hải. Nhà thơ yêu mến họ
như chính con người của mình, đem hết bút lực tài hoa mà khắc họa họ. Thuý Kiều
– người con gái tài sắc lưỡn toàn kỳ mỹ đến thiên nhiên cũng phài ghen tị trước
một sắc đẹp vượt cả không gian và thời gian:
“Làn thu thuỷ, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém
xanh”
Kiều là một trong giai nhân tuyệt sắc lại
rất mực tài hoa với một tài năng toàn diện, đa dạng: Kiều biết làm thơ, nhạc,
họa đặc biệt là “ngón đàn tuyệt
xảo”
“Thông minh vốn sẵn tính trời,
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.
Cung thương làu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương”
Không những thế, cụ Tiên Điền còn khắc họa
thêm về thế giới nội tâm của nàng Kiều. Đó là một người phụ nữ đức hạnh vẹn
toàn, biết giữ gìn đạo lý, giàu “tư tưởng nhân văn”, lại rất mực hiếu thảo,
sống chí nghĩa chí tình… Lẽ ra, nàng phải được quyền sống hạnh phúc trong mối
tình đầu tươi đẹp, trong sáng. Nguyễn Du đã giành một khoản thời gian cho Kiều
được quyền sống hạnh phúc với văn nhân “vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa”
như Kim Trọng:
“Người quốc sắc, kẻ thiên tài
Tình trong như đã… mặt ngoài còn e”
Ca ngợi mối tình đẹp Kim – Kiều vượt lễ
giáo phong kiến chính là một cách thể hiện ý thức đề cao quyền sống của con
người, mà nhân vật muốn nói đến là người phụ nữ tài hoa Vương Thuý Kiều. Tình
yêu của Kim – Kiều là sự tìm đến sự giao cảm giữa cái đẹp với cái đẹp. Phải
chăng, Tố Như tiên sinh muốn trái tim con người phải được đập theo nhịp đập tự
nguyện của mình, mỗi con người có quyền được khao khát niềm hạnh phúc lứa đôi
miễn sao sự lựa chọn hợp lý trong khuôn khổ đạo lý.
Thế nhưng, niềm khao khát được quyền sống
hạnh phúc của Thuý Kiều sớm lụi tàn vì trận cuồng phong của chế độ phong kiến
nhẫn tâm tước đoạt quyền sống của người phụ nữ có vẻ đẹp toàn diện: Vương Thuý
Kiều, chỉ vì bị thằng bán tơ vu oan, vì tên quan huyện đòi tiền đút lót, tuyên
bố thẳng thừng “Có ba trăm
lạng, việc này mới xong”; Kiều đã hy sinh mối tình lý tưởng, hy sinh niềm
hạnh phúc đầu đời, hy sinh thể xác để bán mình chuộc cha và em, làm tròn chữ
“hiếu”:
“Hạt mưa sá nghĩ phận hèn
Liều đem tấc cỏ, quyết đền ba xuân”
“Duyên hội ngộ, đức Cù Lao
Bên tình, bên hiếu bên nào nặng hơn”.
Chính chế độ đa thê đã tước đoạt quyền
sống của người phụ nữ. Nàng Kiều phải chấp nhận về làm vợ lẻ cho một tên “buôn
thịt bán người” (theo lời lường gạt, dụ dỗ của tên sở khanh Mã Giám Sinh). Kiều
bị xem như một món hàng để đôi bên người mua kẻ bán cò kè ngã cả:
“Đắn đo cân sắc cân tài
Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ”
Đại thi hào Nguyễn Du không muốn kéo dài
sự đau khổ. Ông vội vàng kết thúc thật nhanh chóng:
“Cò kè bớt một thêm hai
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”
Người khuê nữ trong trắng cảm thấy tủi
nhục và đau đớn ê chề như một bông hoa tươi đẹp bị dìm xuống bùn nhơ. Ta dễ
thấy một nàng Kiều đang tê tái đau khổ trong lúc nàng đang cất những bước nặng
nề, rũ rượi từ trong bước ra:
“Nỗi mình thêm tức nỗi nhà
Thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng”
Độc giả không thấy tiếng nói của Kiều
trong suốt cuộc mua bán. Nàng đau khổ, câm lặng, tủi nhục biết nhường nào!
Nguyễn Du bày tỏ niềm đau xót đồng cảm trước số phận ô nhục, đoạn trường mà
Kiều phải vương mang. Điều đó chứng tỏ tác giả đã lên tiếng đòi tôn trọng giá
trị con người, cảm thương và bênh vực quyền sống của người phụ nữ. Rõ ràng, quyền
sống của Thúy Kiều bị chà đạp một cách tàn nhẫn, vô tâm.
Việc mua bán con người, cuộc liên doanh Tú
Bà – Mã Giám Sinh phản ánh màu sắc những cái xấu xa, vô nhân đạo trong xã hội
phong kiến: Đó là xã hội thiếu tình người, đồng tiền ngự trị trên đạo lý trong
xã hội lúc bấy giờ:
“Tiền lưng đã sẵn, việc gì chẳng xong”
Sau khi rơi vào tay Mã, Kiều bị Mã Giám
Sinh đưa về Thanh lâu Lâm Tri. Bị ép tiếp khách, biết đã trúng kế độc của
chúng, Kiều quyên sinh nhưng chỉ bị thương. Sau đó nàng bị mụ Tú Bà giam lỏng ở
lầu Ngưng Bích. Bơ vơ thân gái nơi đất khách quê người, tuổi xuân bị giam hãm,
nàng cảm thấy cô đơn, lạc lõng:
“Trước lầu Ngưng Bích khoá xuân
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình, nửa cảnh như chia tấm lòng”
Quyền sống của nàng bị tước đoạt, nàng còn
mong gì sống được những ngày êm đềm, hạnh phúc. Nỗi lòng của nàng đi từ mong
đợi đến băn khoăn, day dứt, tiếp tới chán nản, thất vọng và cuối cùng là bàng
hoàng ghê sợ, luôn mong một ngày được trả lại quyền sống:
“Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”
Mối tình đẹp đầu đời đã khắc sâu và trở
thành nỗi đau khổ trong lòng nàng Kiều suốt cả cuộc đời. Nàng khao khát được
quyền sống hạnh phúc, chung thủy với lời hẹn ước”
“Bên trời góc biển chơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”
Không chỉ dừng lại ở đó, Kiều còn mơ ước
được quyền sống hạnh phúc trong mái ấm gia đình. Qua nỗi lòng quặn đau khi nghĩ
đến cảnh cha mẹ già không biết các em có chăm sóc, phụng dưỡng chu toàn hay
không?
“Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh, những ai đó giờ?”
Ngay cả lúc nàng đau khổ, cô đơn, mất hết
những gì quý giá của một đời người, rơi xuống địa vị thấp hèn nhất trong xã
hội. Kiều vẫn giữ được vẻ đẹp tâm hồn. Cụ Nguyễn đã xây dựng được những
nhân vật đồng cảm, bao dung với nỗi đau của nàng Kiều. Chính vì Kiều giữ được
vẻ đẹp tâm hồn cho nên Từ Hải hiểu Thúy Kiều hơn ai hết, đánh giá đúng phẩm giá
nàng:
“Qua chơi nghe tiếng nàng Kiều,
Tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng
… Bấy lâu nghe tiếng má đào
Mắt xanh chẳng để ai vào, có không?”
Vượt lên trên đỉnh cao tư tưởng, “Truyện
Kiều” cất lên tiếng nói bênh vực phẩm giá, đức hạnh của Thúy Kiều, còn soi tỏ
tâm hồn cao quý của nàng Kiều. Và trong một thời gian nhất định nào đó, đã trả
lại quyền sống đáng có cho nàng, thoát khỏi màn đêm chốn thanh lâu. Từ Hải đến,
đời Kiều bỗng rực sáng lên:
“Đặt giường thất bảo, vây màn bát tiên
Trai anh hùng, gái thuyền quyên,
Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi
rồng”
Quyền sống của con người trong “Truyện
Kiều” còn được thể hiện ở khát vọng tự do và công lý (ước mơ “tháo cũi xổ lồng” của Từ Hải. Sự xuất hiện của Từ Hải
như một luồng gió mới, mở ra cho Kiều một chân trời hy vọng.
Mặt trái của việc đề cao quyền sống trong
“Truyện Kiều” là giấc mơ xóa sạch những bất công trong xã hội phong kiến. Đó là
Từ Hải. Từ là hiện thân của tự do:
“Giang hồ quen thói vẫy vùng,
Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo”
Xin được tô đậm một lần nữa, nhân danh
công lý, thanh gươm Từ Hải đã từng bị lang sói, gian tà. Với trái tim nhân đạo
bao la, Nguyễn Du đã tìm lối thoát cho Thúy Kiều qua hình ảnh Từ Hải, Truyện
Kiều luôn thể hiện tư tưởng gìn giữ, đề cao quyền sống theo khuôn khổ đạo lý.
Từ Hải trao cho Kiều cái quyền của phu nhân đền ơn, báo oán theo công lý. Rõ
ràng, “Truyện Kiều” đã đề cao quyền sống của người phụ nữ, biết yêu cái gì? Và
ghét cách sống nào? Truyện Kiều đã lên tiếng đòi quyền sống cho người phụ nữ.
Họ phải được sống trong một xã hội công bằng, lẽ phải và có tình nhân loại.
Tuy sự nghiệp không trọn vẹn, tuy chưa đem
lại hạnh phúc hoàn toàn cho Thúy Kiều, nhưng nhân vật Từ Hải đã cho Thúy Kiều
được quyền sống những ngày đúng với ý nghĩa cuộc sống của con người.
Tóm lại, viết “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã
có một sự lựa chọn rất sâu sắc, tinh tế. Ông dành hết tâm huyết đề cập đến thân
phận “ba chìm bảy nổi” của người phụ nữ. Đề cập như vậy chính là đề cao quyền
sống của họ. Trong xã hội phong kiến, chế độ đa thê “trọng nam khinh nữ” áp bức
bất công, người phụ nữ phải gánh chịu một cảnh đời trái ngang, đoạ đày, thì
người con gái sống kiếp lầu xanh còn bị vùi dập, rẻ khinh đến dường nào! Thế mà
nhà thơ đã chọn một cô gái lầu xanh, một con người tiêu biểu cho mọi khổ đau về
thân xác và nhục nhã về tinh thần làm nhân vật chính và hết lời ca ngợi, cảm
thông… Sự lựa chọn ấy cho thấy Nguyễn Du quan tâm sâu xa đến số phận người phụ
nữ, đề cao quyền sống của người phụ nữ biết bao!
Đọc “Truyện Kiều”, ta thấy được cái nhìn
đầy tính nhân đạo của Nguyễn Tố Như tiên sinh đối với sự phát triển đời sống
tình cảm nhân vật đi ngược lại với quan điểm đạo đức phong kiến.
Chính cuộc đời phiêu bạt, truân chuyên
suốt 10 năm sống trong cảnh nghiệt ngã khó khăn đã giúp cho Nguyễn Du có cái
nhìn sâu sắc với xã hội phong kiến lúc bấy giờ. Những hiện thực đau lòng mà ông
đã từng chứng kiến đã làm cho trái tim yêu thương của ông rướm máu, đau xót
biết dường nào! Ông đã đau cùng nỗi đau của nhân loại. Đặc biệt thông cảm với
số phận của những người phụ nữ luôn bị vùi dập dưới vũng bùn đen của xã hội.
Lẽ ra những con người lương thiện, có tài
sắc, có nhân cách phải được hưởng hạnh phúc. Thế nhưng họ phải rơi vào cảnh đời
ngang trái vô cùng đau đớn.
Trong hoàn cảnh đau thương ấy, Nguyễn Du
đã đem lại một ước mơ hạnh phúc và ước mơ “tháo
củi xổ lồng” ước mơ đã thực
hiện được chính là quyền sống của con người được đề cao. Ước mơ ở đây là ước mơ
vượt qua quan điểm phong kiến – ước mơ những điều chế độ phong kiến không cho
phép. Đọc “Truyện Kiều”, Nguyễn Du ta thấy một xã hội trong đó quyền sống người
phụ nữ bị chà đạp, tài sắc bị vùi dập. Tất cả thể hiện qua nỗi khổ nhục của
Thúy Kiều. Mỗi lần nàng muốn vươn mình lên lại bị dìm xuống bùn sâu hơn. Cuối
cùng, phải tự tử… đó là lời kêu gào chửi bới hiện thực, lên tiếng đòi quyền
sống tất yếu cho con người. Phải chăng cuộc đời của nàng Kiều chính là cuộc đời
thăng trầm của Nguyễn Du.
Đọc những vần thơ Kiều, ta đồng cảm với
tiếng thở dài của một tâm hồn cao cả, tiếng đập của một trái tim lớn đầy tính
nhân đạo. Đau xót vì số phận con người, chân thành bảo vệ phẩm giá và luôn đề
cao quyền sống con người, đặc biệt là quyền sống của người phụ nữ trong xã hội
phong kiến.
“Đau đớn thay phận đàn bà!
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”
Trần Quang Khanh
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét