Vào 2 thập niên đầu của thế kỷ 20, trong khi phụ nữ Việt Nam đang phải đeo
trên cổ cái gông “tam tòng tứ đức” của đạo Khổng, phải chấp nhận sống cảnh
“chồng chúa vợ tôi”, thì ở Mỹ Sara Teasdale cũng đã phải đau đớn thốt lên với
người đàn ông mình yêu: “Em không phải là vật sở hữu của anh” (I Am Not Yours).
Dĩ nhiên, nếu không nhờ tài thơ của tác giả thì dù ý tưởng có hay, có cấp
tiến đến đâu chăng nữa I AM NOT YOURS cũng không thể “sống lâu lên lão làng” và
còn được người yêu thơ ở Mỹ (và cả trên thế giới) yêu mến và trọng vọng đến
ngày hôm nay.
Xin chia sẻ đến những người yêu thơ Việt Nam, đặc biệt là chị em phụ nữ,
tâm tình của một nữ sĩ người Mỹ đầy cá tính.
I AM NOT YOURS
I am not yours, not lost in you
Not lost, although I long to be
Lost as a candle lit at noon
Lost as a snowflake in the sea
You love me, and I find you still
A spirit beautiful and bright
Yet I am I, who long to be
Lost as a light is lost in light
Oh plunge me deep in love – put out
My senses, leave me deaf and blind
Swept by the tempest of your love
A taper in a rushing wind
Sara Trevor Teasdale (1884-1933)
EM KHÔNG PHẢI LÀ (VẬT SỞ HỮU) CỦA ANH
Em không là (vật sở hữu) của anh, không mất trong
anh
Không mất, mặc dù em ao ước được
Mất như ngọn nến cháy lúc giữa trưa
Mất như bông tuyết trong nước biển
Anh yêu em, và em nhận thấy anh vẫn còn
Một tâm hồn đẹp và trong sáng
Nhưng em là em, người khao khát được
Mất như một tia sáng bị mất trong ánh sáng
Ôi! Hãy nhận em chìm sâu trong tình yêu - lấy đi
Các giác quan, để em thành điếc và mù
Được cuốn theo cơn bão của tình anh
Như cây nến mảnh mai (1) giữa cơn gió mạnh
(Phạm Đức Nhì dịch)
Vài Nét Về Tác Giả Tác Phẩm
Sara Teasdale sinh ngày 08/08/1884 tại St. Louis, Missouri, USA, là con út
trong một gia đình trung lưu. Do thể chất yếu đuối, bệnh hoạn nên từ nhỏ cho
đến trưởng thành mọi việc sinh hoạt thường nhật cũng như học hành đều phải có
người ở sát bên chăm sóc giúp đỡ. Mọi người trong gia đình xem bà như một “đứa
bé suốt đời” (everlasting child), không phải động móng tay để tự chăm sóc chính
mình chứ đừng nói đến phụ giúp việc vặt trong nhà hoặc lăn lóc mưu sinh. Mãi
đến 10 tuổi mới được đi học ở một ngôi trường gần nhà; tốt nghiệp bậc trung học
ở Hosmer Hall năm 19 tuổi (1903).
Năm 30 tuổi (1914) nghĩ đến việc lập gia đình thì Sara Teasdale có 2 lựa
chọn. Một là Vachel Lindsay, không giầu có nhưng cũng là thi sĩ và yêu bà say
đắm; hai là Ernst Filsinger, một người ngưỡng mộ thơ bà và có cơ sở kinh doanh
vững chắc, tài chánh dồi dào. Muốn có một cuộc sống ổn định về tinh thần, tài
chánh, hơn nữa, còn được sự tán đồng của cha nên bà đã chọn Ernst Filsinger.
Hai người tổ chức đám cưới vào ngày 19/12/1914 (2). Để vợ khỏi “động
chân, động tay” Ernst Filsinger đã dọn đến một “residential hotel” – khách sạn
được thiết kế đặc biệt để khách có thể ở (lâu dài) như nhà riêng của mình.
Họ sống với nhau không được suôn sẻ lắm. Chỉ trong nửa đầu năm 1918 bà đã
bỏ nhà đi 5 lần (3). Những năm sau đó, do đòi hỏi của công việc Ernst Filsinger
thường phải đi xa dài ngày, bỏ bà ở nhà cô đơn với chứng bệnh trầm cảm.
Năm 1929 hai người ly dị. Năm 1931 người tình cũ Vachel Lindsay của
bà tự tử; năm 1933 bà cũng tìm cái chết bằng thuốc ngủ, thọ 48 tuổi.
Bà làm thơ và được người đọc công nhận, khen ngợi thi tài từ lúc còn trẻ. I
AM NOT YOURS được đưa vào tuyển tập Rivers To The Sea (Sông Ra Biển) xuất bản
năm 1915. Đó là tập thơ bán rất chạy, được tái bản nhiều lần. Năm
1917 bài thơ được tuyển chọn in trong tập Love Songs (Thơ Tình) và năm 1918 tập
thơ này đã giúp bà đoạt giải Pulitzer (về thơ), một giải Văn Học Nghệ Thuật cao
quý nhất nước Mỹ. Sinh thời, kể cả Sông Ra Biển và Thơ Tình, bà đã xuất bản
tổng cộng 7 tập thơ.
Mới đây (27/03/2017) Hillary J. Ridgley đã bảo vệ thành công luận án Tiến
Sĩ tại Khoa Âm Nhạc, Đại Học Tiểu Bang Florida (4). Trong luận án đó tác
giả phân tích có chú giải về cấu trúc nhạc hợp xướng từ 71 bài thơ của Sara
Teasdale.
Bài I AM NOT YOURS của bà được ít nhất 5 nhà soạn nhạc (composer) soạn
thành nhạc hợp xướng (5) và được nhiều dàn nhạc hợp xướng nổi tiếng trình diễn.
Nói thế để thấy rằng thơ của Sara Teasdale nói chung và bài IAM NOT YOURS
nói riêng, ở thời điểm này vẫn được cả giới hàn lâm lẫn công chúng Mỹ yêu
chuộng và ca ngợi.
Qua Giọng Điệu Cảm Nhận Tứ Thơ
Ngay ở câu đầu của bài thơ tác giả đã biểu lộ tâm trạng bất mãn, pha chút
cay đắng và buồn bực của mình.
Em không là (vật sở hữu) của anh, không mất trong
anh
Không mất, mặc dù em ao ước được
Mất như ngọn nến cháy lúc giữa trưa
Mất như bông tuyết trong nước biển
và ở đoạn thơ thứ 2:
Anh yêu em, và em nhận thấy anh vẫn còn
Một tâm hồn đẹp và trong sáng
Nhưng em là em, người ao ước được
Mất như một tia sáng bị mất trong ánh sáng
Bà không muốn bị đối xử như một món đồ, một vật sở hữu của người khác,
không muốn vì hôn nhân mà phải đánh mất chính mình (không mất trong anh). Bà
sẵn sàng chịu mờ khuất như ngọn nến cháy lúc giữa trưa, như một tia sáng “bị
mất” trong “vùng ánh sáng khác” (một “tia đèn pin nhỏ” lẫn trong vùng ánh sáng
của đèn pha chẳng hạn). Nếu ánh nắng mặt trời bị che khuất, “vùng ánh sáng
khác” bị dời đi thì ngọn nến vẫn có sức nóng và độ sáng của riêng mình, tia
sáng (của đèn pin) vẫn có khả năng tỏa sáng – Sara Teasdale vẫn giữ được bản
sắc, cá tính riêng. Đây là thông điệp của bài thơ.
Nhưng tại sao bà lại bất mãn và buồn bực?
Vào tháng 8/1914 bà đã lên tiếng chấp nhận tình yêu của Ernst Filsinger và
sau đó viết bài thơ JOY (VUI MỪNG) (6) để bày tỏ niềm vui được yêu và cũng để
đẹp lòng chàng. Dĩ nhiên sau đó phải có những cuộc trao đổi, bàn luận về cuộc
sống chung vợ chồng giữa một “đứa bé suốt đời” và một thương gia giầu có. Lúc
ấy, không phải “ga lăng” để lấy lòng bạn gái như trong thời gian tán tỉnh,
chàng Ernst, với quyền lực của đồng tiền trong tay, thế nào chẳng ít nhiều lên
giọng “chủ cả”.
Là một phụ nữ nhạy cảm, Sara Teasdale thấy được điều đó nhưng đã lỡ. Không
đến nỗi như ”ván đã đóng thuyền” nhưng trong bối cảnh xã hội bảo thủ của Mỹ lúc
bấy giờ vùng vẫy để thoát ra những ràng buộc mà bà đã dính líu cũng không phải
dễ dàng.
Chính vì thế mà ngày 04/12/1914, 2 tuần lễ trước đám cưới, bà đã viết I AM
NOT YOURS để giải tỏa nỗi bứt rứt, buồn bực và trình bày quan niệm của mình về
vai trò của người phụ nữ trong tình yêu và hôn nhân. Thông tin về thời điểm
sáng tác bài thơ (được Hilary J. Ridgley tra cứu kỹ lưỡng cho luận án của mình)
sẽ giúp xác định rõ một điều: Bài thơ viết cho Ernst Filsinger - người chồng
sắp cưới - chứ không phải cho anh chàng Vachel Lindsay – vì nghèo nên đành chịu
thua trong cuộc chạy đua chinh phục người yêu.
Bà cũng rất khéo léo dùng đoạn cuối như một thủ thuật ngoại giao kêu
gọi chàng hãy yêu mình cuồng nhiệt và say đắm.
Ôi! Hãy nhận em chìm sâu trong tình yêu - lấy đi
Các giác quan, để em thành điếc và mù
Được cuốn theo cơn bão của tình anh
Như cây nến mảnh mai giữa cơn gió mạnh
Trước là để dịu lòng chàng qua 2 đoạn thơ “sẵng giọng”, không nể mặt.
Sau là bằng biện pháp tu từ ví von (simile) hỗ trợ cho 2 đoạn đầu, tăng thêm
sức thuyết phục cho thông điệp của tứ thơ.
“Dù có được cơn bão tình của chàng cuốn đi bà cũng như thân cây nến mảnh
mai - vẫn còn đó, nếu đốt lên vẫn có thể tỏa nhiệt, tỏa sáng cho cuộc đời”.
Khoảng Cách Tình Cảm Giữa “Anh, Tôi” Và “Anh, Em”
Trong tiếng Anh, đại từ để xưng hô giữa mình với “ngôi thứ hai” - người
đang đối thoại với mình, bất kể ông bà cha mẹ, chú bác, cô dì, già trẻ, lớn bé,
xa lạ hay thân quen… tất tật, đều xưng “I” và gọi người kia là “YOU”. Với tiếng
Việt, khi chọn đại từ để xưng hô là đã kín đáo bày tỏ sự tôn trọng hay coi
thường, thân mật, gần gũi hay xã giao, xa cách. Vì thế trong bài thơ này, trên
văn bản tôi đều dịch là “em, anh” để phù hợp với ngôn ngữ giao tiếp của người
Việt, nhưng dựa vào cảm xúc trong giọng điệu, tôi đã hiểu là “tôi, anh” ở đoạn
đầu, “em, anh” ở phần đầu đoạn 2 và đoạn cuối. Riêng nhóm chữ “Yet I am
I” ở câu 3 đoạn 2, theo tôi, hiểu là “Nhưng tôi là tôi” (sẵng giọng) thì hợp
cảnh, hợp tình hơn.
Thể Thơ
Bài thơ gồm 12 câu, không nhất khí liền mạch, được chia làm 3 đoạn, mỗi
đoạn 4 câu – là một ý nhỏ riêng biệt, độc lập về mặt cấu trúc (structure).
Tiếng Anh thuộc loại đa âm nên xét về âm tiết thì, mặc dù số chữ khác nhau, mỗi
câu đều có 8 âm tiết, đọc lên nghe giống “Thơ Mới” trường thiên, mỗi câu 8 chữ
của Việt Nam. Độc giả có thể nghe đọc diễn cảm bài thơ theo link sau đây: https://www.youtube.com/watch?v=znKv62NgGUw
Độc giả cũng có thể nghe I AM NOT YOUR được phổ thành nhạc hợp xướng theo
links dưới đây:
Vần
Trong hai đoạn đầu, câu 2 vần với câu 4, đoạn 3 không gieo vần. Cả
bài 96 âm tiết (syllables) chỉ có hai cặp vần (be, sea – bright, light). Không
có vần nối kết hai đoạn liên tiếp. Như vậy, xét về âm điệu thì vần - theo
cách nhìn của người thưởng thức thơ Việt Nam – hơi bị nhạt. Đặc biệt khi đọc
xong đoạn cuối (không vần), sự trở về chủ âm của giai kết hoàn toàn trong tính
nhạc không được “êm” lắm.
Ngôn Ngữ Thơ
Ngôn ngữ thơ đơn giản, tượng hình, dễ hiểu, khéo léo đặt đúng chỗ nên ý
nghĩa sâu sắc.
Biện Pháp Tu Từ
Bài thơ sử dụng 4 phép so sánh (simile), trong đó tác giả - một phụ nữ sắp
bước vào hôn nhân – đã ví mình như:
1/ Ngọn nến thắp giữa trưa.
2/ Bông tuyết trong nước biển
3/ Tia sáng trong ánh sáng.
4/ Thân cây nến mảnh mai được “cơn bão tình” của người yêu cuốn đi.
Phép so sánh thứ 2 - ví mình như “bông tuyết trong nước biển” - sẽ bàn đến
ở phần khuyết điểm. Còn 3 phép so sánh kia có thể nói là tuyệt vời vì rất tương
hợp, ý nhị, sâu sắc và độc đáo. Đó là những bông hoa tươi đẹp giúp chiếc áo
hình thức của bài thơ đẹp lộng lẫy.
Cảm Xúc
Cảm xúc tầng 1 (khoái cảm mang đến cho độc giả bằng khả năng sử dụng câu
chữ và các biện pháp tu từ): Tác giả đã rất thành công, đặc biệt là những câu
ví von đã đưa cái đẹp của thơ ca lên đến đỉnh cao. Cảm xúc tầng 1 rất mạnh.
Cảm xúc tầng 2 (khoái cảm từ thế trận chữ nghĩa): Bố cục của bài thơ tương
đối hợp lý. Cảm xúc tầng 2 khá mạnh.
Cảm xúc tầng 3 (cảm xúc đưa vào bài thơ nhờ sự rung động mạnh mẽ của tác giả
trong lúc làm thơ): Sara Teasdale viết I AM NOT YOURS lúc tâm trạng bất mãn,
bứt rứt, buồn bực dâng cao. Khối cảm xúc mạnh mẽ ấy cứ bám chặt lấy bà trong
suốt thời gian viết bài thơ. Ba đoạn thơ có hình tượng ví von khác nhau nhưng
tuy ba mà một, đều bóng gió nói đến bản sắc, cá tính của người phụ nữ mà bà
không muốn đánh mất trong hôn nhân. Đặc biệt hơn nữa, đây là bài thơ toàn bộc
lộ, không chỗ nào kể lể giải thích, cả 86 chữ, chữ này nối tiếp chữ kia, đều
nhắm vào chàng Ernst Filsinger mà xông tới. Nhờ thế cảm xúc cứ lững lờ trôi
theo dòng ý tưởng của tứ thơ, chậm nhưng không đứt đoạn.
Khối cảm xúc “cao cấp” ấy tỏa hơi nóng không phải từ câu chữ mà từ đâu đó
giữa những hàng kẻ, chỉ có thể nhận biết bằng sự nhạy cảm của tâm hồn. Đây là
cảm xúc làm độc giả khoái nhất, sướng nhất. Do cấu trúc của thể thơ, cảm xúc
tầng 3 khá mạnh nhưng vì không có cao trào nên chưa lên đến đỉnh điểm, chưa có
hồn thơ. Nói đúng hơn là hồn thơ mới mon men xuất hiện nhưng chưa rõ nét.
Câu Thơ “Tréo Cẳng Ngỗng”
Khuyết điểm chính của bài thơ là câu:
“Lost as a snowflake in the sea”
(Mất như bông tuyết trong nước biển)
Bông tuyết khi rơi xuống mặt nước biển, chỉ một lúc sau sẽ tan thành nước.
Nước từ bông tuyết có thể là loại nước ngọt chứ không mặn như nước biển, nhưng với
một lượng quá nhỏ bé hòa lẫn với khối nước biển mênh mông cái chất ngọt ấy sẽ
trở thành con số không và biến mất.
(Với tiếng Việt nếu dịch là “Mất như bông tuyết trên mặt biển” thì “dễ
nghe” hơn, nhưng ở đây tôi dịch sát nghĩa để chữ “Mất” “rõ ràng” hơn theo đúng
ý của tác giả).
Với bài thơ mang thông điệp “Đừng xem tôi như vật sở hữu của anh; hãy tôn
trọng tôi, bởi tôi có bản sắc, cá tính riêng” mà đưa vào câu thơ “Mất như bông
tuyết trong nước biển” – tôi hoàn toàn tan mất trong anh - thì đúng là “ông nói
gà, bà nói vịt”. Đây là lỗi kỹ thuật rất nặng, làm giảm giá trị của bài thơ rất
nhiều.
Có điều hơi lạ là đọc khá nhiều bài “phân tích” I AM NOT YOURS trên mạng,
tôi chưa thấy ai nhắc đến điều này. Ngay cả KellyrFineman, người bình thơ trong
trang kellyrfineman,livejournal.com cũng viết:
I especially love her lines about wanting to be lost:
(Tôi đặc biệt yêu thích những câu thơ của bà về “muốn bị mất”) (tôi dịch là câu
thơ - chứ không là “dòng” - để gần với văn Việt hơn)
. . . I long to be
Lost as a candle lit at noon,
Lost as a snowflake in the sea.
………..
Man, haven't we all been there at one point in time, so wrapped up in the
emotion that we are lost? (Or didn't we at least want to be?) (7)
(Bạn ơi, chúng ta ai chẳng từng một lần như thế, để cảm xúc phủ mờ lý trí?
Hay ít nhất chúng ta cũng đã muốn như thế?)
Tôi tự hỏi “Ông ấy yêu thích câu thơ ‘Lost as a snowflake in the sea’ nhưng
không biết ông ấy có thấy nó ‘tréo cẳng ngỗng’ với tứ thơ hay không?” Bởi hình
ảnh bông tuyết tan mất trong nước biển có thể sẽ rất sinh động, rất hay với một
ý thơ khác, nhưng trong ngữ cảnh của I AM NOT YOURS thì lại không hợp, mà có
thể nói là sai rất nặng.
Tóm lại, I AM NOT YOURS là một bài thơ xuất sắc. Ngoài lỗi kỹ thuật ở trên
bài thơ đã thành công về nhiều mặt:
1/ Tứ thơ nhân bản, kêu gọi tôn trọng nữ quyền trong tình yêu và hôn nhân.
2/ Cách ví von tương hợp, ý nhị, sâu sắc và độc đáo.
3/ Ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu, cấu trúc thơ mạch lạc, hợp lý.
4/ Cảm xúc tầng 1 và tầng 2 mạnh.
5/ Toàn bộc lộ, không kể nên cảm xúc khá đậm ở tầng 3. Hồn thơ đã mon men
xuất hiện.
Kết Luận
Nếu đọc kỹ giữa hai hàng kẻ, I AM NOT YOURS đã bộc lộ 4 điểm (không có trên
văn bản):
1/ Ernst Filsinger, trong thời gian (4 tháng) chuẩn bị đám cưới và cuộc
sống tương lai của 2 người, đã lên mặt “chủ cả”.
2/ Sara Teasdale bất mãn và buồn bực về điều này.
3/ Ernst yêu Sara nhưng chưa đến mức nàng mong muốn.
4/ Nàng cũng chưa yêu Ernst hết lòng.
Dựa vào 4 điểm trên, tôi nghĩ mình sẽ không lầm khi cho rằng I AM NOT YOURS
xuất hiện như dấu hiệu của một cuộc tình tan vỡ.
Phạm Đức Nhì
______________________________________________
CHÚ THÍCH:
1/ A taper (slender candle – cây nến mảnh mai): Ở đây tác giả muốn nói đến
“thân cây nến” chứ không phải “ánh sáng của cây nến”. Một số người dịch là
“ngọn nến nhỏ nhoi” hay “cây nến nhỏ bập bùng”, thì theo tôi, không hợp với bài
này.
2/ “An Annotated Analysis of the Choral Settings of Sara Teasdale's
Literary 'Songs'
(Phân Tích Có Chú Giải Về Cấu Trúc Nhạc Hợp Xướng Phổ Từ Thơ Của Sara
Teasdale)
(Hilary J. Ridgley, Trang 70, dòng 14)
3/ Hilary J. Ridgley, sách đã dẫn, trang 19 dòng 13)
4/An Annotated Analysis of the Choral Settings of Sara Teasdale's Literary
'Songs' Hillary J. Ridgley
5/
Tựa /
Nhà Soạn Nhạc
/ Ban
Hợp Xướng
I Am Not Yours Chatman, Stephen
/ SATB, SSAA, TTBB ECS Publishing
I Am Not Yours Childs, David
N. / SATB, SSAA SBMP
I Am Not Yours Dickau, David
C. / SSAATTBB Walton Music
I Am Not Yours Johnson, Victor C.
/ SSA Choristers Guild
I Am Not Yours Stroope, Z. Randall
/ SSATBB Walton Music
(Hilary J. Ridgley, sách đã dẫn, trang 251, dòng 35-39)
6/
Một đoạn của Joy:
JOY
I am wild, I will sing to the trees,
I will sing to the stars in the sky,
I love, I am loved, he is mine,
Now at last I can die!
Dịch sát nghĩa:
Tôi như hoang dại, sẽ hát cho cây cỏ nghe
Sẽ hát cho sao trên trời
Tôi yêu, tôi được yêu, anh ấy là của tôi
Bây giờ cuối cùng tôi có thể chết được rồi
(Hilary J. Ridgley, sách đã dẫn, trang 79, dòng 1-5)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét