Trung tuần tháng 4/2016 nhà thơ, nhà văn Kha Tiệm Ly vừa hoàn thành tác
phẩm XÓM CÔ HỒN do NXB Hội nhà văn ấn hành với quyết định xuất bản số
158/QĐ-NXBHNV ngày 01/2/2016 nộp lưu chiểu tháng 4/2016. Khi biết thông tin nầy
hầu như những anh em văn nghệ tự do rất vui vì sự nổ lực của anh được đền bù
xứng đáng, (1000 quyển đặt mua trong vòng 15 ngày).
Nhà thơ, nhà văn nghèo như anh Kha Tiệm Ly nếu không có anh em ủng hộ có lẽ
khó mà khai sinh được tác phẩm mình dù anh rất muốn cho ra đời một tác phẩm văn
để đủ bộ sưu tập cho chính mình là “đa tài năng trong làng văn”, đâu phải như
các hội viên hội nhà văn của nhà nước chỉ cần thông báo và gửi bản thảo để xuất
bản lên hội là nhà nước cấp ngay kinh phí (có khi tác giả cũng bỏ thêm cho tác
phẩm mình bắt mắt)
Vừa rồi nhân anh em gặp nhau tại nhà anh Du Phong ở Long Thành, Đồng Nai
anh có tặng tôi tác phẩm nầy rất trân trọng, Tôi viết vài dòng để kỷ niệm với
anh, mặc dù tôi và anh rất thâm tình chi giao đã từng đông, bắc, nam du, rong
chơi trong cõi giang hồ văn nghệ tứ chiến.
Viết văn không phải thế mạnh của anh Kha Tiệm Ly, độc giả và anh em văn
nghệ trong cũng như ngoài nước biết nhiều tới Kha Tiệm Ly là những bài thơ được
lồng vào tư tưởng, vừa hí lộng vừa đùa giỡn với bản thân, vừa khôi hài mà ý
nhị, cốt lõi cười đời, cười quan tham, cười những kẻ có danh vị mà nhân cách
quá tệ hại không bì được với gói xôi, chén mắm, không có chút lương tri, lương
năng, lương tâm và đặc biệt anh luôn gìn giữ tiết tháo của một kẻ sĩ thời đại,
của bậc chính danh không chịu luồn cúi trước bỉ ổi trò đời dâu bể nầy, điều nầy
tôi và anh đồng quan điểm và tôi rất nể phục anh, Sở trường của anh là phú và
văn tế, những bài phú trứ danh đã trước bạ tên tuổi trên thi văn đàn lừng lẫy
trong và ngoài nước, có thể nói nhất nhì Việt Nam như Hoàng Sa nộ khí phú,
Hoàng Sa Tiếu Ngạo Phú, Điểm Mặt Quân Thù Phú, Trường Sa Tâm Thư Phú v.v và
những bài văn tế như Văn Tế Tham Quan, văn hành…
Tuy không phải sở trường như phú hay văn tế, thế nhưng nhờ giọng văn anh
đậm chất giản dị mà thực thà của Nam bộ tính, không bóng bẩy chẳng cầu kỳ, cũng
chẳng khúc mắc triết lý sâu xa, chỉ khôi hài nhẹ nhàng, hí lộng chừng mực nên
ai đọc cũng hiểu, tố chất ngôn ngữ mặn mòi của phương ngữ Nam bộ không lẫn vào
đâu được, Đặc biệt trong XÓM CÔ HỒN nầy có 9 chuyện truyền kỳ, mang lối văn cổ
điển của thời trước ở thế kỷ 18, 19 và đầu bán thế kỷ 20, Văn truyền kỳ là loại
văn mang yếu tố hoang đường, mục đích dẫn dắt người đọc chiêm nghiệm và nghiền
ngẫm trong xã hội thưc tại để làm sáng tỏ một vấn đề hầu giúp người đọc thấy rõ
trắng đen, vàng thau của thực thể đang là.
Thời nầy hầu như không thấy tác giả Việt nào viết kiểu nầy, phải chăng anh
là người còn sót lại của thể loại nầy một thời, tuy nhiên đọc hết chuyện ta
thấy có tố chất của nhân văn, phê phán rất rõ ràng.
Ngoài 9 truyện truyền kỳ ấy ra hầu như 10 chuyện còn lại là thể loại khác
tùy thời tùy lúc mà người đọc sẽ có cảm tưởng như được đánh động nhiều mặt
trước một xã hội đầy nhiễu nhương thực tại cùng khắp mà anh đang dự phần, Nếu
như XÓM CÔ HỒN là truyện ngắn chủ lực để anh lấy làm tiêu đề chung cho tác phẩm
văn của mình thì không thấy gì là cô hồn cả, chẳng qua người bình dân thấy có
miếu thờ cô hồn nên gọi vậy, riết rồi thành quen đây là tố chất của nam bộ,
thấy là đặt tên miễn dễ nhớ dễ phân biệt là được, từ cô Thủy mở phòng Karaoke
bia ôm cho đến ông Cao nhà văn nghèo, Tư ba gác, Sáu thợ hồ, bà Hai cho thuê
nhà… tuy họ ít học ăn nói bộc trực hơi lỗ mảng, bỗng chảng chẳng văn chương
nhưng đầy chất chữ tình, chữ nghĩa với láng giềng, họ đối đải với nhau rất đề
huề trong cách cư xử làng xã, xóm làng. Ông đặt vấn đề ở chỗ tuy họ rất nghèo,
ít học nhưng hiểu ra nghĩa lý của con người còn hơn lắm kẻ áo quần bảnh bao,
sang giàu nhưng giả nhân, giả nghĩa thấy danh, thấy lợi là làm bất biết nghĩa
nhân đạo lý “Cũng vì chữ lợi mà mầy ca tụng phường vô sỉ, mập mờ đen trắng thị
phi.” * và anh cũng cho rằng như thế ấy là tội lỗi “Mầy đã vô tình bôi nhoà ý
thức, làm lệch đường nhận định của kẻ hậu sinh. Xét ra cũng là tội ác!”*
Và mỗi truyện một vẻ, mỗi nhân vật lại phản ảnh một nét riêng mà đời sống
này đã hiển hiện hết, ví dụ như trong truyện “Đậu cô lang” một câu chuyện mang
tính chất liêu trai, và hoang đường song thông qua nhân vật “người anh hùng đã
mất là Tô tướng quân” ở miếu để Đậu cô lang hiểu thêm nghĩa lý ở đời thực để
sống cho ra sống chết cho ra chết trong cõi hồng trần mà mình có hân hạnh dự
phần “ Điều đáng nói là sống như thế nào , và chết ra làm sao mới là chuyện
đáng lưu tâm, “dù là kẻ dân quèn quần bô áo vải, hay là bậc thượng lưu mũ rộng
giày cao cũng không ngoại lệ. Dù là vua, là công hầu khanh tướng mà khi sống,
coi dân như kẻ tôi đòi, tha hồ bóc lột, vét từ hạt thóc củ khoai, rỉa từ cọng
xương miếng tuỷ; với công khố thì tìm đủ mưu ma chước quỉ để bòn rút cho đầy
túi tham không đáy. Những kẻ ấy dù sống, nhưng có khác gì loài sâu bọ, có đáng
là người?”* hay là “Bọn chúng còn sống ngày nào thì càng khổ cho lê dân bá tánh
ngày ấy,có chi vinh dự?”* hoặc như bọn thầy thuốc trí thức giả danh vô lương
tâm chỉ biết làm tiền trên thân xác người bệnh hình như họ chỉ là kẻ không có
tình đồng loại con người dù mang hình tướng người “ Đó chẳng phải là đám trên
thế gian được mọi người quý trọng, được tán dương là “lương y như từ mẫu” đó
sao?… “thay vì đem y thuật cao minh của mình để cứu người với tấm lòng nhân ái
thì công đức biết bao nhiêu!, Đàng nầy chúng lại lấy sở trường của mình để moi
tiền con bệnh không cần biết số tiền ấy là do con bệnh bán đất bán nhà…” *
Còn những người viết lách thì sao? Thời nào cũng vậy, kẻ chính danh thì
thắp đuốc mà đi tìm chưa chắc họ ra cọng tác bởi họ trân trọng nhân cách của
mình, họ tự chịu trách nhiệm với ngòi bút thiêng liêng, trong mảnh đất văn
chương kỳ ảo vô biên, nhưng cực kỳ khó chịu, chỉ có kẻ hạ đẳng làm vài câu thơ
chưa đúng niêm luật, nhờ người nầy sửa sang lại nhờ người khác chạy chọt mục
đích cuối là cũng vào được tận hội nầy hè kia, ôi thôi anh đều một mực phê phán
trong thời đại nhiễu nhương hỗn loạn mà anh đang sống;
“Không rành luật đối, cũng xưng mầy đó ta đây,
Chẳng sạch vần gieo, cũng vô hội nầy hội nọ!
Thơ in vài tập, bán chẳng ai mua, mà chừng như đội đá vá trời,
Văn viết đôi bài, mời không ai đọc, mà đã vội khua môi múa mỏ!”
(Văn “hành”)
Hoặc như trong tác phẩm XÓM CÔ HỒN nầy thì “… Nếu chẳng phải đành bẻ cong
ngòi bút để tán dương phường vô lại, hay kể cả kẻ thù chiếm lấn biên cương? Đó
là phường bồi bút! Hoặc ngoan ngoãn cúi đầu viết theo vương lịnh. Đó là hạng
bút nô tài!” * nếu như người viết văn chương mang tính cách của kẻ sĩ thì hãy
tự thân viết với cảm xúc thật của mình để mang đến cho đời dù chưa phải là kỳ trầm
hương bát ngát cũng hổ tương cùng đời sống mà làm nên những lợi lạc cho đời.
“Kẻ sĩ chân chính luôn đắn đo từng ý tưởng, để khỏi muộn màng khi xuống bút,
giống như tên bật khi khỏi dây cung, làm sao bắt lại? Văn chương cũng không
thuần là thứ để kẻ sĩ gởi gắm tâm tư; càng không phải để mua vui trong buổi trà
dư tửu hậu mà phải có chủ đích hẳn hoi. Dù chẳng là hùng binh nhưng cũng phải
góp phần đánh đuổi giặc thù, dù chẳng phải gươm thiêng nhưng cũng phải chung
vai đập tan cường quyền, bạo lực” *
Và còn nhiều truyện trong XÓM CÔ HỒN mỗi truyện mang một sắc màu, một hình
thái mà trong đời sống đều hiển hiện dù thế nào thì với anh viết cho nhân gian
mang chất liệu của truyền kỳ hay hiện thực đều sẻ chia một thông điệp rõ ràng
về tính chất của luân lý và đạo đức ngõ hầu vun đắp thêm cho nền đạo lý đã suy
đồi đang được cảnh báo trên các phương tiện trong xã hội hiện tại.
Với anh làm thơ, viết văn, hay viết phú hoặc văn tế đều có trách nhiệm rất
đáng được trân trong bởi quan niệm của anh rất rõ ràng “… Người nghệ sĩ luôn đổ
tâm huyết vào tác phẩm của mình, dù tác phẩm ấy chỉ để thưởng thức bên chung
trà chén rượu, huống chi là một tác phẩm để đời! Người nghệ sĩ có lòng tự
trọng, cũng không thể vì quyền lực hay chén cơm manh áo mà chấm bút phóng bừa
xem tác phẩm là phương tiện đạt tới vinh hoa, mà bất chấp búa rìu dư luận! Thảo
dân một đời cầm bút, kinh tởm sự đê hèn của những kẻ tự xưng là thi sĩ, văn
nhân, mà lại quì mọp mình để uốn cong ngòi bút hầu cầu hưởng lợi lộc nhất thời
mà lưu tiếng xấu trăm năm”*
Vì vậy, tôi cũng hân hạnh giới thiệu với các bạn văn chương hãy tìm đọc XÓM
CÔ HỒN của tác giả Kha Tiệm Ly, hy vọng các bạn sẽ tìm được lời hay ý đẹp nếu
các bạn có công đãi cát tìm vàng trong mảnh đất văn chương mà Kha Tiệm Ly là
người đang gieo và gặt trên mảnh đất thơ mộng đầy sắc màu lung linh của thời
đại.
Sài Gòn mạnh hạ 2016
Ngã Du Tử
___________________________________________
* những câu trong “ ” là của nhà văn Kha Tiệm Ly
Có lẽ cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 nầy, tác giả Kha Tiệm Ly là người còn sót lại viết loại truyền kỳ nầy. Rất cảm ơn BBT đã up lên để độc giả trang nhà hiểu thêm về thể loại nầy.
Trả lờiXóaKính, Ngã Du Tử