- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
Con trở về sau cuộc chiến tranh
Không chàng trai nào đưa tiễn
Không còn nữa lời thề non hẹn biển
Mẹ là người duy nhất đón đưa con
Ừ thì con về với mẹ
Ngôi nhà ta bao năm rồi đơn lẻ...
Mẹ hái hoa bưởi về gội tóc cho con đây
Ôi mái tóc xanh dài dưới bàn tay nhăn của mẹ
Vòm ngực con vẫn căng tràn sức trẻ
Mẹ run lên khi chạm vào đôi chân ngà ngọc
của con gửi lại chiến trường
Sự im lặng còn đau đớn hơn ngàn lần tiếng nấc
Con ơi, làm sao mẹ quen được nỗi mất mát nầy!
Bầu trời hoà bình quá cao xanh
Vườn nhà ta sum sê hoa trái
Mẹ thèm khát bồng bế trẻ thơ
- Mẹ ơi ! Ai lấy con nữa bây giờ!
Tiếng thở dài theo gió bay đi
Đêm đêm ánh trăng ngập tràn căn phòng trinh nữ
Ngực trần tắm hương đồng cỏ nội
Bầu vú cong như dấu hỏi
Mẹ già quá thì sinh nở
Con còn trẻ sao không lấy được chồng
Bất chấp mất mát
Bất chấp tủi hổ
Và đôi mắt trinh nữ đầm đìa dòng lệ
Lóng lánh dưới trăng khuya...
Rồi một đêm
Có người đàn ông đến với căn phòng trinh nữ kia
Lặng lẽ lẩn vào bóng tối
Bí mật như lời thề.
Ngôi nhà không có trẻ thơ
Sợ nỗi cô đơn và lụi tàn hơn búa rìu dư luận
Ừ thì có chi đâu mà sợ
Con còn trẻ , mẹ lành lặn đôi chân
Mẹ con mình tựa vào nhau mà sống
Con mang thai chín tháng mười ngày
Mẹ mang giùm con suốt đời gánh nặng
1993
Trầm Hương
(Rút trong tập Thơ tình các tác giả nữ - NXB Thanh niên 200)
“Mẹ ơi! Ai lấy con nữa bây giờ!” - Một câu hỏi buồn làm nhói lòng độc giả khi đọc bài thơ Hai đời làm mẹ của chị Trầm Hương.
Hiện thực được đề cập đến trong bài thơ là sự “trở về sau cuộc chiến tranh” của người con gái. Đó là cái sự thật nghiệt ngã: “không chàng trai nào đưa tiễn”, “không còn nữa lời thề non hẹn biển”,... và con gái mẹ không còn nguyên vẹn như xưa. Trầm Hương đã bắt đầu từ những gì không còn nguyên vẹn của hai mảnh đời phụ nữ bất hạnh mà tạo dựng khát vọng hạnh phúc bằng thơ.
“Ừ thì con về với mẹ”. Nén nỗi đau, chấp nhận cái thực tế cay đắng, phũ phàng, người mẹ đã dang rộng đôi vòng tay nhăn nheo của mình đón đứa con yêu về lại ngôi nhà “bao năm rồi đơn lẻ” mà an ủi, vỗ về, mà âu yếm, chở che:
Mẹ hái hoa bưởi về gội tóc cho con đây
Ôi mái tóc xanh dài dưới bàn tay nhăn của mẹ
Thế nhưng làm sao mẹ không đau lòng, không “run lên khi chạm vào đôi chân ngà ngọc của con gửi lại chiến trường”. Mẹ đâu dễ quen với nỗi mất mát nầy. Con gái mẹ tật nguyền ngay khi cái thời xuân sắc đang ở độ chín với “mái tóc xanh dài”, “vòm ngực vẫn căng tràn sức trẻ”,... và với những khát khao phụ nữ về một bờ vai, một vùng ngực, một đôi tay của một người đàn ông để có được cái hạnh phúc của một người vợ, người mẹ. Còn mẹ thì đã già “quá thì sinh nở”, bao năm rồi trong sự hiu quạnh, “thèm khát được bồng bế trẻ thơ”. Thế mà ... giữa ngày hoà bình hai người phụ nữ ấy phải đối mặt với cái sự thật trần trụi đến tàn nhẫn trong “sự im lặng còn đau đớn hơn ngàn lần tiếng nấc”.
Xát muối vào lòng mẹ là câu hỏi: “Mẹ ơi ! Ai lấy con nữa bây giờ!” và hình tượng “Bầu vú cong như dấu hỏi”. Hỏi để nghi vấn hay để khẳng định? Tuyệt nhiên không có tiếng đồng vọng. Duy chỉ có :
Tiếng thở dài theo gió bay đi
Đêm đêm ánh trăng ngập tràn căn phòng trinh nữ
... Và đôi mắt trinh nữ đầm đìa dòng lệ
Lóng lánh dưới trăng khuya ...
Với trái tim mẫn cảm và khát vọng không cùng về hạnh phúc của một người phụ nữ, dường như chị Trầm Hương không cho phép nhân vật trữ tình của mình chịu bất lực trước hoàn cảnh để rồi chấp nhận số phận. Chị đã đi tìm một kết thúc có hậu cho câu chuyện thơ của mình. Dẫu biết rằng bài thơ đến đây khép lại vẫn cứ dư ba. Thế nhưng lại rất cần “mở nút” cho thi phẩm giàu chất tự sự nầy. Và trên cái nền không gian nghệ thuật của “bầu trời hoà bình quá cao xanh - Vườn nhà sum sê hoa trái”, chị đã chọn được một khoảng thời gian thích hợp để :
Rồi một đêm
Có người đàn ông đến với căn phòng trinh nữ kia
Lặng lẽ lẩn vào bóng tối
Bí mật như lời thề
Một sự tác hợp đầy tính nhân văn. Hai cuộc đời phụ nữ bất hạnh và cô đơn kia cần biết bao tiếng khóc, tiếng bi bô của con trẻ. “Bất chấp mất mát”, “bất chấp tủi hổ”, vượt lên trên “búa rìu dư luận” những nhân vật trữ tình của chị Trầm Hương đã không rơi vào “nỗi cô đơn và sự lụi tàn” đã biết nương “tựa vào nhau mà sống” và hơn thế nữa còn tìm thấy hạnh phúc từ cái dư vị ngọt đắng của hai đời làm mẹ :
Con mang thai chín tháng mười ngày
Mẹ mang giùm con suốt đời gánh nặng
“Ừ thì có chi đâu mà sợ”. Có ai trong cuộc đời này lại đan tâm phủ nhận hay chối bỏ cái thiên chức cao quí được làm mẹ của một người phụ nữ!
Nguyễn Mậu Hùng Kiệt
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét