Chắc giờ đây loài hoa trắng ấy đang dần nở rộ trên các mảnh vườn ven
miền sông Hậu, khẻ ru tôi vào ký ức tuổi thơ.
Đường về quê ngoại xa xôi, cách trở sông sâu phải qua mấy
bận đò đưa mới tới. Đó chính là nơi lưu giữ bao kỹ niệm đẹp của tôi về những
ngày thơ ấu. Quê ngoại bình dị mà thân thương, nơi đó có hàng cau xanh rợp bóng
đường mòn, có lũy tre già nghiêng mình che nắng đổ và thoáng đâu đó là hình ảnh
vườn bưởi thân quen nằm nép mình bên cạnh dòng sông.
Vườn bưởi ấy là thứ quý giá nhất mà ông ngoại tôi để lại,
chính nhờ đôi bàn tay của ông cần mẩn vun trồng mà cho đến hôm nay những cây
bưởi kia vẫn còn xanh tốt. Dù bao năm tháng trôi với muôn vàn sự đổi thay nhưng
bà ngoại vẫn luôn giữ gìn cẩn thận món quà vô giá ấy. Cứ mỗi dịp tháng ba về là
hoa bưởi bắt đầu bung nhụy rồi nở rộ hơn cho đến khi cơn mưa đầu mùa rớt hạt.
Mùa bưởi chín quê ngoại kéo dài từ tháng Tám âm lịch cho tới tận lúc Chạp sang,
sau đó hương thơm của bưởi theo mùa xuân tỏa đi khắp mọi nẻo đường. Tôi thích
nhất là cái vị bưởi Năm Roi ngọt dịu, ngoại cũng từng nhiều lần kể tôi nghe về
nguồn gốc của cái tên lạ lẫm này. Vị ngọt thơm của bưởi là kết tinh của cả một
năm dài ròng rã pha lẫn bao giọt mồ hôi của ngoại, khi ăn vào lại thấy thương
mãi một thời dãi nắng dầm mưa.
Cái hương mộc mạc, quê mùa còn đi vào ký ức của tôi qua từng
món ăn dân dã. Nhớ nhất là cái món chè bưởi mà ngoại và dì Út hay làm, vị thanh
thanh của vỏ bưởi hòa với chút vị béo của đậu xanh nước cốt dừa cứ quấn quýt
đầu lưỡi mãi không thôi. Tuy có giản dị nhưng những món ăn được chế biến từ
bưởi vẫn làm cho tụi con nít miệt vườn chúng tôi không làm sao quên được. Được
biết, từ thuở xưa bông bưởi còn được người dân quê ngoại dùng để làm hương
liệu, đó là thứ “ nước hoa” điểm tô cho mái tóc mượt mà của bao cô gái tuổi đôi
mươi. Ngoại nói, nhờ làn hương thơm nồng của bưởi đã khiến ba tôi phải lòng của
má sau những đêm trăng hò hẹn, phút tựa đầu lên vai bẻn lẻn đã kết nên mối tình
chung thủy, đậm đà cho tới tận hôm nay.
Ngày dì Út đi lấy chồng, ngoại đứng trông theo rồi khóc, hoa
bưởi cũng rủ lòng nở trắng một miền quê. Chắc tại vì lưu luyến quá cái hương
bưởi nồng nàn mà dì với dượng xin về ở gần để cùng ngoại tưới nước, bón phân,
tỉa cành…làm cho vườn bưởi ngày một thêm xanh tốt. Cứ mỗi buổi ban trưa ngày đó,
tôi thường kề bên nhổ tóc sâu cho ngoại, rồi ngoại kể tôi nghe về những tháng
năm boom đạn quân thù giày xéo quê hương. Ông ngoại đã anh dũng hy sinh để giữ
lại màu xanh đất nước, giữ cho hương bưởi quê nhà được tỏa ngát đến mai sau. Và
những hàng bưởi thân yêu đó đã biết bao lần chứng kiến từng mái chèo rẻ sóng
đưa đoàn chiến sĩ qua sông. Ngày quê hương thanh bình, mấy cội bưởi già vẫn
đứng đó hiên ngang dâng cho đời thêm trái ngọt, còn những cây bưởi non cũng mọc lên khắp đất miệt vườn, tô lên một
màu xanh bất khuất.
Tuổi thơ dù có qua đi nhưng hình ảnh quê ngoại vẫn còn vẹn
nguyên trong tâm trí. Để hôm nay ở phố thị đông người, bất giác tôi lại nhớ về
hương bưởi, nhớ màu hoa trắng theo tháng năm trôi đã in hằng lên tóc ngoại,
thương quá một miền ký ức tuổi thơ.
HỨA PHÁT ĐẠI (tác giả giữ bản quyền)
___________________________________
Tản văn hay quá ! Cám ơn tác giả thật nhiều .
Trả lờiXóaTản văn hay quá ! Cám ơn tác giả thật nhiều .
Trả lờiXóa