Xứ Bà Bài là nơi tiêu biểu, đầu sóng ngọn gió của lũlụt ở toàn vùng nước ngập định kỳ ở miền Tây Việt Nam. Cứ sáu tháng mùa khô, sáu tháng mùa nước, một nơi nằm sát biên giới Miên-Việt. Xứ Bà Bài thường chịu ảnh hưởng lũ lụt trực tiếp, nặng nhứt của tỉnh Châu Đốc (nay là tỉnh An Giang). Theo kinh nghiệm của người địa phương, cứ ba năm là có trậnlũ lớn. Nước lên cao, có khi ngập đến nóc nhà, lúc ấy người dân xứ Bà Bài không còn chỗ để ở, để ngủ mới chịu tản cư vào vùng núi. Đỉnh cao của lũ lụt hàng năm ở khoảng tháng chín âm lịch. Sau đó, nước xuống dần và là mùa cá, chỗ nào có nước là có cá.
Ngày nay, lũ lụt lớn, ngoài tính cách định kỳ còn bị thêm ảnh hưởng môi sinh. Biển Hồ của xứ Chùa Tháp, nơi chứa nước khổng lồ bị cạn dần. Trên thượng nguồn sông Cửu Long nạn phá rừng càng ngày càng trầm trọng. Ở Việt Nam, những rừng tràm, rừng đước và cây cối ở các làng ấp bị tàn phá để làm chất đốt. Chính sách cai trị của chính quyền thiển cận, không có kế họach lâu dài, đào thêm nhiều kinh dẫn nước,trồng thêm rừng thì ít mà lại phá rừng thì nhiều nên không chận, giữ được nước và sức tràn của lũ lụt. Sau 1975 đến nay, lũ lụt hàng năm đều gây thiệt hại nặng nề về người và của, mỗi năm mỗi gia tăng. Hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp thường lãnh đủ, nhiều người chết và mất tích, nhiều ruộng lúa bị xóa sạch khi mùa nước lụt đến.
Trần Văn xin ghi lại tâm tư tình cảm của mình đối với một vùng đất thường bị thiên tai. Những ai ở xứ Bà Bài cũng đều tha thiết sống chết với quê cũ nầy. Xứ Bà Bài khó quên và không bao giờ quên trong tâm tưởng của tác giả.
"Quê hương tôi gió chiều về trong nắng vàng. Ven bờ sông, ai chờ mong bao hình bóng. Ôi mênh mông, sóng ngàn về trong lúa vàng, tang tình tang ai hò dưới ánh chiều tan..." Ngọc thường nghêu ngao hát mỗi lần cầm vô lăng lái xe đi xa và cũng mỗi lần như thế, tâm hồn lâng lâng... Thời thơ ấu, tuổi trẻ như cuốn phim quay chậm hiển hiện ở trước mắt.
Cách đây đúng năm mươi ba năm, lúc Ngọc mới mười một tuổi. Cả một đại gia đình gồm có ông bà nội, cha mẹ, anh chị em, cô chú, dì, anh em bà con ruột thịt và vài người giúp việc cùng với một đàn trâu bò trên một trăm con tản cư ra thành, thị xã Châu Đốc, tránh bom đạn chiến tranh. Dưới sự điều khiển của ông Hương Tuần, thân phụ Ngọc, một đại gia đình cả trăm người cùng đồ đạc chất trên mười chiếc ghe: chài, cà dom, xuồng lườn, xuồng ba lá, ghe đua... nối đuôi nhau di chuyển dọc theo kinh Vĩnh Tế ra thị xã Châu Đốc.
Từ thị xã Châu Đốc đi đường bộ vào vùng Thất Sơn, đến cây số thứ mười, nơi có một cây cầu đúc dài bắc ngang, gọi là cầu Ba Nhịp. Từ đây nhìn sang kinh Vĩnh Tế, khoảng bốn cây số, tầm mắt bắt gặp một khu xanh rậm rì, đó là khu đất cao nhứt, có nhiều cây cổ thụ, ngôi chùa Bồng Lai uy nghi ẩn dưới bóng tàng cây. Đây cũng là khởi đầu của ấp Bà Bài, chạy dài dọc hai bờ kinh Vĩnh Tế độ một cây số rưỡi. Xứ Bà Bài là nơi chôn nhau cắt rún của Ngọc. Xứ Bà Bài có nhiều cái lạ để mà nhớ mà thương để mà vương vấn suốt cuộc đời lưu lạc tha hương.
Trên tấm bản đồ quân sự của Tiểu Khu Châu Đốc hay trong hệ thống tổ chức chính quyền xã ấp, Bài Bài của Ngọc là ấp Bà Bài, xã Vĩnh Nguơn, thuộc quận Châu Phú, tỉnh Châu Đốc. Trước 1975 là một vùng oanh kích tự do. Danh từ Bài Bài thật ra không đúng mà phải gọi là Bà Bài. Tại sao chỉ nói Bà Bài mà lại không nói là Ông Bài hay để cho nam nữ bình đẳng gọi Ông Bà Bài luôn cho tình tứ, đề huề hơn ?
Từ hồi còn tấm bé, Ngọc cũng hiểu rằng, xứ Bà Bài nằm trong xã Vĩnh Nguơn. Nhưng tại sao dân bản xứ kể cả dân các làng xã các nơi khác đến đây cũng đều gọi là xứ Bà Bài ?
Có phải người dân ở đây phong lưu hiếu khách, hiền hòa thành thật và được thiên nhiên ưu đãi ? Một xứ mà chỉ có độ hai trăm nóc gia với vài trăm nhân khẩu gồm toàn bà con xa gần nhiều đời, nhiều họ khác nhau. Có nhiều bà con mà cà nông 175 ly bắn cũng không tới, xa lắc xa lơ. Thế mà, không một ai trong cái xứ này lấy nhau thành vợ thành chồng. Ai ai cũng cho rằng toàn bà con họ hàng nên rất kiêng cữ, chỉ được phép cưới hỏi con cái ở khác làng, khác ấp.
Mỗi lần tổ chức một đám cưới như cả xứ Bà Bài từ người già đến trẻ con đều bận rộn, tíu tít suốt cả tuần hay cả tháng tùy theo giàu nghèo. Thanh niên trai trẻ trang hoàng nhà cửa, lau chùi lư đồng, che rạp, mượn bàn ghế. Phụ nữ làm nem, làm bánh, làm dưa chua... Kẻ thì đi vô miệt núi, cũng đến mười cây số, tìm chặt lấy bông, lá đủng đỉnh, tàu dừa, mượn xe bò chở xuống bờ kinh Vĩnh Tế, nơi đây có ghe hay xuồng chở về xứ. Người khác lo đẩy các ghe đua lên bờ, cạo rong rêu, đánh lại dầu trong để lườn ghe được bóng láng, trượt nước tốt hơn. Trong xứ Bà Bài chỉ có ông Hương Tuần là có ghe đua và ghe xuồng nhiều nhứt. Ở miền sông rạch chằng chịt, không có phương tiện giao thông đường bộ, ai có ghe xuồng nhiều nhứt, gia đình đó bề thế nhứt.
Đám cưới tại xứ Bà Bài thật là long trọng, dù là nhà trai hay nhà gái. Đưa rước dâu đều được ông Hương Tuần cho mượn ghe đua, ông lựa những tay lực lưỡng nhứt, chèo cự phách nhứt, hầu hết là người làm công của ông. Ông còn treo giải thưởng, ghe đua về nhứt, được một con bò, vài tỉn rượu cùng một số tiền để mua gia vị, phụ tùng cho bữa tiệc chiến thắng. Y như rằng, mỗi lần ra quân đều đạt chiến thắng. Có một lần, chú Bảy Búp, năm nay cũng tám mươi tuổi, kiện tướng số một của xứ Bà Bài, vai u thịt bắp lại biết võ nghệ nữa. Sức mạnh của chú ghê gớm lắm, từng nổi tiếng đánh một con trâu cồ dở chứng phải chịu khuất phục dưới bàn tay thép.
- Anh Hai ơi ! Lần này mình thua.
Chú Bảy Búp nói :
- Em bị đau bụng thình lình vào lúc nước rút, lơi tay chèo và bẻ lái cong queo nên thua bọn nhà gái nửa chiếc ghe.
Ông Hương Tuần chẳng nói chẳng rằng gì cả, ông đã được báo cáo rồi. Lần này ghe đua của ông thua ghe đua nhà gái. Ông ngồi buồn uống nước trà và phì phà ống bíp. Chú Bảy Búp tiu nghỉu trình bày lý do bị thua, mà lại thua bên nhà gái thì tức thật, làm mất mặt cái xứ Bà Bài rồi.
- Búp, tụi bây, hôm nay tao phạt không cho nhậu, chỉ ăn cơm với nước mắm thôi nghe không ?
Chú Bảy Búp buồn bã bỏ đi. Đó là lần thua đua ghe duy nhứt. Nếu bên nhà trai hay nhà gái làm sui với người xứ Bà Bài, biết điều, không tính chuyện đưa rước dâu, đua ghe hơn thua thì phải đến điều đình trước với ông Hương Tuần. Điều đình trước, hai bên chỉ biểu diễn chèo đua hào hứng ở những nơi có nhà cửa nhiều, dân cả xóm đứng hai bên bờ sông cổ võ.
Ghe đua rước dâu không được có chiếc nào ăn hay thua mà phải huề, song song nhau đi đến đích. Nước trắng bắn tung tóe và đôi khi ghe chở đám con trai con gái của nhà trai và nhà gái xáp gần nhau, tạt nước đùa giỡn, tiếng la cười của các cô gái làm tăng thêm sự vui đùa trêu chọc của đám con trai.
Dân cư ở hai bên bờ kinh Vĩnh Tế, từ hướng thị xã Châu Đốc vào, bên trái thuộc Vĩnh Tế mà Ban Hội Tề hay Hội Đồng Xã ở Núi Sam, cách đó khoảng sáu cây số. Còn bên phải là hướng tiếp giáp với biên giới Cao Miên, thuộc xã Vĩnh Nguơn. Cả hai bên bờ kinh nhập lại có tên là xứ Bà Bài.
Theo truyền khẩu, người về đây lập nghiệp đầu tiên là gia đình của Bà Bài, có thể gốc gác từ miền Trung lưu lạc vào vùng mới khai phá màu mỡ này. Ngọc nhớ mang máng đời ông cố ông sơ hay ông sờ ông cẩm gì đó đã về xứ Bà Bài này lập nghiệp, có thể từ ngày mới đào kinh Vĩnh Tế để thông thương từ Châu Đốc đến quận Giang Thành, thuộc tỉnh Hà Tiên.
Trước 75, Hà Tiên chỉ là một quận của Kiên Giang - Rạch Giá. Thời trước đệ nhất cộng hòa, Hà Tiên cung là một tỉnh. Chiều dài của kinh Vĩnh Tế khoảng bảy tám mươi cây số. Đến nay cũng trên hai trăm năm, Bà Bài, một xứ sở của những người luôn chiến đấu với thiên nhiên, thú rừng nguy hiểm và luôn chiến thắng, đó là niềm kiêu hãnh của người xứ Bà Bài. Vì thế, chỉ là một ấp rất nhỏ lại được gọi là một xứ rất hách. Một cái ấp nhỏ xíu đó có những vị Nho học, thầy đồ, thầy thuốc Bắc nổi tiếng nhứt của cả một vùng. Thiên nhiên dành sẵn sự ưu đãi cho người bản xứ. Cá tôm đầy sông, cua ốc đầy đồng, muốn ăn lúc nào cũng có. Các loài chim, rắn, nhứt là rắn hổ mang còn gọi là rắn hổ đất rất dữ nhưng thịt lại thơm ngon và là vị thuốc hồi dương bổ thận, điều huyết. Rùa vàng, rùa nắp càng đước đủ cả. Nhưng dân Bà Bài lại thích ăn món chuột đồng rô ti và đãi khách quý món ăn này.
Từ tấm bé, Ngọc đã biết ăn món thịt chuột rôti hay nướng, món ăn này đã thấm vào xương tủy từ đời này sang đời khác. Người bản xứ ao ước một ngày nào đó được trở lại quê hương Châu Đốc để thưởng thức món ăn quốc hồn quốc túy của xứ Bà Bài mến thương : chuột đồng. Nhiều nước giàu và có nhiều món ăn cao lương mỹ vị nhưng làm sao có được món thịt chuột tuyệt vời của quê hương ? Người nông dân sợ và ghét nhứt nạn chuột cắn phá lúa. Đó là lý do ông bà ta cổ võ mọi người giết bắt chuột, chẳng lẽ lại đem đi bỏ thì phí phạm quá ? Mặc dù cá chim đầy đồng rất dễ bắt nhưng ăn thịt chuột vừa ngon lại vừa có lợi, người nông dân diệt được loại gặm nhấm phá hoại mùa màng nên trở thành thói quen chăng ?
Xứ Bà Bài có rất nhiều thú tiêu khiển của những con nhà nông chất phác. Một năm chỉ có một vụ mùa lúa, cày bừa từ tháng hai, tháng ba đến ngày lễ vía Bà Chúa Xứ Núi Sam thế nào cũng có đám mưa đầu mùa vào gần cuối tháng Tư âm lịch. Thế là, nhà nông đã chuẩn bị đất và thóc giống, sạ lúa trước hay sau đám mưa đầu tiên.
Qua đến đầu tháng năm mùa mưa bắt đầu, cường độ mưa càng cao sức sống của lúa càng vươn lên xanh tươi mơn mởn và cũng là lúc các chú chuột đồng tha hồ phè phỡn, phát triển. Con nào con nấy béo ngậy, chiên xào, nướng... ăn với nước mắm chanh tỏi ớt thật cay cùng với những rau thơm như: húng cay, húng lủi, húng quế, rắp cá... món ăn đặc sản của nhà nông, của xứ Bà Bài.
Khi cày bừa, sạ lúa xong và mưa nhiều, nước lên dần đến tháng sáu cả cánh đồng ruộng lúa xanh mênh mông bát ngát nằm chìm trong biển nước. Đó là lúc nhà nông ngơi nghỉ hoàn toàn việc đồng áng nhưng người dân của xứ Bà Bài lại bắt đầu đan lưới, làm lợüp, lờ, nò, đăng... để đến tháng sáu trở đi thì bắt cá làm khô, làm mắm. Cá ở xứ này nhiều vô số kể, bất cứ chỗ nước sâu cạn cũng đều có cá.
Nước ngập lêu bêu, cả một vùng bị chìm ngập dưới làn nước đục ngầu, phù sa của vùng thượng lưu chảy xuôi về làm giàu màu mỡ cho đồng lúa. Ngoài sự chuẩn bị dụng cụ bắt cá, tôm cũng không chiếm bao nhiêu thì giờ nhàn rỗi. Từ người lớn đến trẻ con, ai ai cũng lo làm mũi chĩa đi đâm chuột, chuột đang làm ổ, sinh sống trên các cây to, bụi tre. Mỗi ngày chỉ mất một hai tiếng đồng hồ, có vài chục con chuột để chiều gây tiệc nhậu. Mùa này cũng là mùa chơi cá lia thia. Từ trẻ nhỏ đến các ông già đều lo chăm sóc cá lia thia, tìm xúc, bắt và ép cá lia thia để hàng tuần có chầu đá cá ăn tiền, người lớn, con nít có cách chơi riêng. Giờ đá cá thường từ mười một giờ trưa đến ba giờ chiều, ở nhà quê từ chín mười giờ sáng là đã ăn cơm trưa rồi, còn cơm chiều thường là trước bốn năm giờ, trời tối quá có nhiều muỗi và đèn đóm lờ mờ.
Người nông dân xứ Bà Bài, trong năm, cộng chung khoảng sáu tháng làm lụng vất vả, sáu tháng còn lại chỉ làm việc lặt vặt, linh tinh, vui chơi, đờn ca xướng hát, hò vè, ngâm thơ và nhậu. Ngày nào cũng nhậu, mồi có sẵn, rượu rất rẻ hay tự cất lấy mà dùng. Mùa nước, đá cá lia thia. Tháng Chạp cắt lúa xong, lo ăn Tết, mặc sức đá gà, đánh bài : hốt me, đề mười hai con, tứ sắc, xì dách, cách tê, bài cào, xì phé... Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè đình miễu.
Ngoài những môn cờ bạc thường thấy, dân xứ Bà Bài còn đua xe bò. Sau khi cắt, gặt lúa xong, là mùa nắng gắt nên rơm rạ nằm rạp xuống, cả cánh đồng bát ngát phẳng phiu. Những người Miên từ Gòi Tà Lập của tỉnh Tà Keo thường xuống ấp Bà Bài đua xe bò ăn tiền.
Xe bò đánh vẹc ni bóng láng, bánh được bọc thau sáng choang. Mỗi xe có một tài xế cầm cây "chìa lun" như cây roi có buộc dây vải thắt bính, chuôi cây roi có gắn thêm một cây đinh nhỏ mũi nhọn chĩa ra ngoài.
Người tài xế điều khiển chiếc xe với hai con bò cổ to tướng, sung sức. Ách và dưới cổ bò đều có đeo nhiều lục lạc, sừng được buộc vải tây đỏ. Khi vào đường đua, hai chiếc xe bò trông rất đẹp mắt, uy phong. Hai chú tài xế, đầu chít khăn rằn, chân đất, rất lực lưỡng và nhanh nhẹn.
Khi tiếng hô ra hiệu chạy, hai chiếc xe bò lao vun vút, ai cũng cảm thấy chiếc xe sẽ rả bành tô vì sức kéo của hai con bò to kềnh. Tiếng lục lạc reo vang chói tai hòa với tiếng hò hét bằng tiếng Miên và tiếng Việt của hai chú tài xế. Những cái quất mạnh vào lưng vào bụng và đầu nhọn cây chìa lun đâm vào mông bò đến chảy máu. Hai cặp bò như điên tiết lồng lộn chạy bán sống bán chết. Đường đua dài có khi năm trăm mét, một cây số hoặc xa hay gần hơn, ăn thua rất đậm. Cuộc đua này có tính cách tranh tài của hai dân tộc ở vùng biên giới.Bên nào ăn, thắng cuộc thì được ăn khao cả ấp, cả làng.
Dân xứ Bà Bài còn có trò chơi chạy đua, những đứa trẻ lên sáu, lên mười được cha anh, bà con của chú bé tuyển chọn và huấn luyện chạy đua ăn tiền. Mỗi lần chạy đua có bốn đứa, ba đứa hoặc hai đứa mà người lớn thì ăn thua nhau, trẻ con đứa nào thắng thì cũng được thưởng tiền tùy theo số tiền ăn thua nhiều ít.
Thời gian rỗi rảnh chưa làm công việc đồng áng hoặc đang làm lai rai thì có nhiều trò chơi khác như đá gà. Nhà ông Hương Tuần, có một trường gà chơi suốt hai tháng từ sau Tết đến hết tháng hai có khi còn kéo dài đến tháng ba nữa.
Tất cả nhà cửa của dân xứ Bà Bài, từ nhà giàu đến nhà nghèo, không nhà nào có cửa để khóa, mỗi khi đi vắng, không bao giờ bị mất cắp, mất trộm. Bầy bò của ông Hương Tuần có cả trăm con, một con ngựa rất khôn thường theo sát bầy bò như là vệ binh giữ gìn trật tự an ninh, không có người theo chăn giữ. Con bò nào đi ra khỏi bầy, chú ngựa chạy dí lại trở về bầy nên không bị thất lạc. Có một lần chú ngựa mải mê ăn quên nhiệm vụ canh giữ để sáu con bò đi xa bầy.
Ngay ngày hôm ấy cũng là ngày có hai tên đánh bạc ở làng khác thua đậm nhẵn túi dở trò ăn trộm, lùa sáu con bò đi bán về hướng Cây Mít, cách Bà Bài chừng năm sáu cây số. Không ai mua vì thấy trên mông những con bò lớn có đóng dấu thú y, thiên hạ biết ngay là bò của ông Hương Tuần.
Chiều, bò tự động về chuồng, người chăn giữ đứng tại cửa chuồng đếm thấy mất sáu con, lên báo cáo. Ông Hương Tuần ra lệnh ngay đêm đó, một người đi ra vùng Cống Đồn, Nhà Neo hướng thị xã Châu Đốc. Một người đi vào xóm trong vùng Cây Mít hướng về quận Tịnh Biên thông báo là ông Hương Tuần bị mất bò. Tin tức được loan truyền mau lẹ.
Sáng hôm sau, hai tên trộm lùa sáu con bò đem ra trả lại ông Hương Tuần. Theo lời kể, hai tên ăn trộm được các bô lão bảo đuổi bò ra trả lại ông Hương Tuần để ổng tha tội và còn giúp đỡ nữa. Quả thật ông Hương Tuần chơi ngon, bảo người ở làm một con bê khá lớn đãi hai tên ăn trộm nhậu một bữa no nê, mỗi tên còn được thưởng vài ký thịt bò cùng một tờ bạc giấy con công năm đồng Đông Dương.
Danh tiếng của ông Hương Tuần bao trùm cả một vùng rộng lớn. Năm 1946, khi giặc Pháp trở lại, chúng có tuyển một số lính Bạt-ti-dzăng, một chú lính cờ bạc thua cùng với hai người bạn khác từ Núi Sam vác súng đi ăn cướp. Cả ba tên đi trên một chiếc xuồng lườn vào xứ Bà Bài. Bọn chúng vừa khảo của một nhà và một chiếc ghe bán hàng xén ở đầu xóm.
Tin tức được báo cáo khẩn cấp. Ông Hương Tuần chỉ mặc chiếc xà rông, ở trần, tay cầm cây xà mâu đứng trước mũi xuồng đua cùng với bốn tay bơi. Hộ tống thêm hai chiếc xuồng nữa cũng chừng ba bốn người trên mỗi chiếc trực chỉ hướng chùa Bồng Lai nơi bọn cướp đang ăn hàng. Lúc đó là mùa nước nổi lêu bêu. Trăng cũng gần tròn, có lẽ cũng là ngày mười hai mười ba gì đó. Ba tên cướp thấy bể vội vàng xuống xuồng bơi chạy trốn về hướng xuất phát.
Chiếc xuồng của ông Hương Tuần lướt nước băng đuổi theo kịp và vòng qua mặt chận đầu bọn cướp. Còn hai xuồng ở sau khóa đít, tên lính cầm súng mút-cà-tông lên đạn ngắm bóp cò. Khi ấy hai xuồng chỉ còn cách mười, mười lăm mét, ông Hương Tuần quơ cây xà mâu đứng trên mũi xuồng nhún mạnh và hét to :
-Đồ ăn cướp !
Xuồng gần chìm, nước bắn tung tóe, tên lính hoảng vía làm rớt súng. Một tiếng nổ chát chúa, có lẽ tên cướp run tay bóp cò thì súng rơi xuống xuồng, không ai bị thương. Ba chiếc xuồng áp vào, cả ba tên cướp bị bắt gọn. Nghe đâu Ủy Ban Hành Kháng quận Châu Phú khen, mời ông Hương Tuần làm chủ tịch xã nhưng ông cũng đã tìm cách từ chối và sau đó ông đã tản cư ra thành.
Xứ Bà Bài có nhiều cách bắt cá mà xứ khác không có, như đâm cá bông chẳng hạn.Mùa nước lớn bắt đầu từ tháng năm đến tháng mười. Tháng năm, sáu hầu hết các loại cá đều đẻ, lúc này đâu đâu cũng thấy có cà lòng ròng. Cá bông lớn rất nhanh và là cá dữ nhứt của vùng nước ngọt. Mặc dù cá bông cùng họ hàng với cá lóc nhưng có con lớn đến cả chục ký, còn cá lóc lớn nhứt không quá hai ký. Nước bắt đầu giựt (nước xuống) vào tháng chín.
Ngày tháng ở đây tính theo âm lịch. Nhà của dân xứ Bà Bài, phía sau hè, trên những con đường mòn, cỏ mọc thưa, làm những "cái tum" vuông vức mỗi cạnh hai mét, chắc chắn. Trên mặt tum phủ một lớp cỏ già tróc gốc nổi phình trên mặt nước,ngay chính giữa khoét một lỗ vuông chừng hai ba tấc mỗi cạnh. Khi nắng gắt lên, nắng chiếu ngay đỉnh đầu, giờ lý tưởng nhứt là khoảng từ mười một đến hai giờ trưa. Người nằm hoặc ngồi tum, trên đầu có trùm thêm một cái mền hoặc một tấm vải để phủ luôn lỗ vuông. Còn trên nữa có thể che thêm miếng vải hay lá hoặc một cái gì đó để che nắng. Người ngồi hoặc nằm trên tum với một cái chĩa ba mũi hàn dính vào nhau tạo thế chân vạc, có ngạnh, mỗi mũi to bằng đầu chiếc đũa ăn cơm, phải to như thế thì mới đâm bắt được những con cá lớn loại bành tổ của cá bông.
Nắng càng gắt, nhờ trùm đầu vào lỗ tum mà người ta có thể nhìn thấy tất cả các loại thủy tộc di chuyển từ mặt nước đến tận mặt đất, bốn năm thước nước. Theo thói quen, cá bông thường đi từng bầy, chúng sẽ trú mát vì có cái bóng của cái tum rồi sau đó chúng sẽ đi nữa để kiếm mồi hoặc để ngao du cho biết đó đây. Người ngồi tum có kinh nghiệm, đợi chúng bắt đầu đi thì đâm con sau cùng để mấy con đi đầu không biết ất giáp gì, chúng sẽ không sợ.
Còn khi chúng mới vào trú nắng mà ra tay liền, chúng né tránh rất tài tình, chúng sợ sẽ không vào trú mát nữa. Đâm con sau cùng thường là con mẹ, lớn, chậm chạp hơn. Vài tiếng đồng hồ ngồi tum, Người ta cũng đâm được có ngày cả chục con. Người dân Bà Bài chỉ ăn bộ lòng béo ngậy cùng với một hai cái đầu, còn lại làm mắm hoặc làm khô. Đa số đàn ông xứ Bà Bài đều biết nghề đâm cá bông này và cũng chỉ kéo dài chừng nửa tháng lúc nước sắp giựt xuống và chảy yếu.
Xứ Bà Bài còn có nhiều cái lạ khác rất hấp dẫn. Giăng câu trời để bắt chim. Theo thói quen có con thích ăn lúa, con thích ăn cá, ăn cào cào châu chấu, hoặc trùn dế. Có loại chim vào mùa lúa ăn vào buổi tối, loài khác ăn vào giữa khuya hay gần sáng. Người ta giăng câu trời khi mùa nước khô, bắt đầu cắt lúa. Mỗi đoạn dây chừng hai mươi lưỡi câu, người ta buộc chặt vào cái sào tầm vông rất chắc, thường giăng chung quanh một khu vực vừa có lúa, vừa có nước, có cá để các loài chim đến ăn và uống nước. Dây câu bủa trên trời xung quanh vũng nước hoặc một phần, theo kinh nghiệm của người nông dân cho là chim sẽ bay đến và bay đi.
Thích hợp nhứt là lúc có trăng non, chim chóc mới thấy đường đi ăn. Còn trăng sáng qua, thấy dây câu và sào cắm, chúng sẽ né tránh. Loài thú, loài chim, loài cá, loài nào cũng có cái khôn của nó để sinh tồn nhưng loài người khôn quá, biết tất nên mới bắt được chúng. Mùa giăng câu trời cũng chỉ kéo dài độ nửa tháng, sau đó không tài nào bắt được chúng. Chim nhiều vô số kể cứ bay đi, bay lại vỗ cánh, lưỡi câu móc vào dãy dụa không sứt, dính ở đó, sáng người ta ra bắt rồi trói gô lại làm thịt, đánh chén. Còn bắt cá thì thôi đủ trăm cách, cá nhiều quá, bắt cách nào cũng được nhiều cá. Xứ Bà Bài là xứ của cá, rắn, lươn, rùa, chuột và đồng lúa mênh mông bát ngát. Dân xứ Bà Bài có tâm hồn phóng khoáng, chịu chơi, sòng phẳng và thành thật không xảo trá bon chen. Một xứ tuyệt diệu để mãi thương nhớ trong lòng.
Sau 1975, nhiều người ở cái xứ Bà Bài quy hồi cố hương sau bao nhiêu năm tản cư xa xứ. Nhưng cái xứ Bà Bài sao mà buồn tênh không còn sinh động nữa. Không ai dám cất lại nhà cửa để định cư lâu dài. Những người dân còn đất ruộng trở lại đây che chòi để cày bừa, cắt gặt lúa xong rồi lại đi.
Cách vài năm, trước năm 93, nhiều bà con ở xa còn nhớ đến quê hương xứ Bà Bài, trở lại viếng cảnh cũ trong đó có Ngọc. Ngôi chùa Bồng Lai tiêu biểu của xứ đã được cất lại với mái lá, nhưng người dân xứ Bà Bài chưa dám về ở hẳn như ông cha đã sinh sống ở đó. Ấp Bà Bài chỉ cách biên giới Miên Việt một cây số rưỡi, gần lắm, tình thế chưa yên nên chẳng ai dám trở lại quê cha đất tổ. Ngày mai thanh bình thật sự, không còn phân biệt chính kiến, dân tộc, xứ Bà Bài sẽ hồi sinh và là vùng đất hứa cho những ai muốn an hưởng tuổi già.
TRẦN VĂN (tác giả giữ bản quyền)
______________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét