Cái nắng Tết phương Nam, cái gió Tết
phương Nam rất đặc trưng, dễ nhận biết, khi nàng xuân nhẹ bước bên thềm nhà.
Lòng bồi hồi, mở những trang sách
viết về mùa xuân đọc lại, tìm về những hình ảnh, không khí rộn ràng ấm áp của Tết,
của mùa xuân dân tộc. Bắt gặp lại hình ảnh hoa đào nở, mưa bụi, hình ảnh ông đồ
già bên phố cổ…trong bài thơ “Ông Đồ” của thi sĩ Vũ Đình Liên, (đăng trên báo
“Tinh Hoa”, năm 1935). Cảnh vật khác với mùa xuân phương Nam,
nhưng sao mà đẹp, sao mà thân thương quá đỗi:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy
ông đồ già
Bày mực
Tàu giấy đỏ
Bên phố
đông người qua.
Bao nhiêu
người thuê viết
Tấm tắt
ngợi khen tài
Hoa tay
thảo những nét
Như phượng
múa rồng bay.
Nhà thơ đã vẽ lại bức tranh mùa xuân rực
rỡ xứ Bắc - thủ đô Hà Nội- một cách điển hình, cụ thể mà sinh động, tươi vui náo
nức. Rực rỡ vì sắc màu hồng thắm của hoa đào đang bừng nở, sắc đỏ tươi của giấy
hồng điều. Tươi vui vì người đi chơi xuân đông đúc, nhộn nhịp, cùng ghé đến xin
chữ ở vuông chiếu của ông đồ già.
Cái đẹp trong thơ được thu giữ qua hình
ảnh hoa đào nở; hình ảnh người viết thư pháp tài hoa, chữ viết bay bổng, đẹp tựa
rồng bay, phượng múa. Hình ảnh biểu tượng của ông đồ cặm cụi bên tờ giấy đỏ bên
vệ đường đông đúc người qua lại những ngày lễ Tết, từ lâu đã trở thành nếp sinh
hoạt văn hóa dân tộc, đã đi vào văn học, thi ca. Và có lẽ, sẽ còn tồn tại lâu
dài, bền bĩ với công chúng, với độc giả yêu thơ, yêu cái đẹp, yêu nét truyền
thống dân tộc.
Nếu như hai khổ thơ trên dừng lại, kết thúc
bài thơ, thì mùa xuân của tạo vật, của đời người sẽ đẹp đẽ, viên mãn biết bao!
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê
viết nay đâu
Giấy đỏ
buồn không thắm
Mực đọng
trong nghiên sầu.
Ông đồ vẫn
ngồi đấy
Khách qua
đường ai hay
Lá vàng
rơi trên giấy
Ngoài giời mưa bụi bay.
Thật ra, mùa xuân có thực sự rực rỡ ấm áp
tươi vui hay không, còn phải lọc qua lăng kính của con tim, tâm trạng của người
cảm nhận.
Bởi vì “Người
buồn cảnh có vui đâu bao giờ”! (Truyện Kiều-Nguyễn Du). Bởi vì, tâm trạng
Vũ Đình Liên, Nhà giáo-Nhà thơ, lúc bấy giờ với tâm trạng hoài cổ, thương tiếc cho
người tài hoa đã sinh nhầm thời, tiếc thương cho một nền Hán học đã lụi tàn;
giữa một xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến và phong trào thơ mới đang phát
triển. Như lời thở than của một ông tú
tài thời ấy:
“Thôi có ra gì cái chữ nho
Ông nghè, ông cống cũng năm co” - (Tú Xương)
Cũng là mùa xuân nhưng mọi vật hình như đã
khác hẵn xuân xưa: không thấy hoa đào nở, chẳng có người khách nào đến thuê
viết. Cảnh buồn tênh, thê lương đến nỗi:
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng
trong nghiên sầu.
Hai câu thơ thật tuyệt bút! Với biện pháp
tu từ nhân hóa, câu thơ đã khắc họa hình ảnh ảm đạm, buồn bã của cảnh chợ
chiều, cảnh tàn đông của nền Nho học. Tuy vậy, cái đẹp, dù là cái đẹp mang vẻ u
sầu vẫn có sức làm rung động lòng người:
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài giời
mưa bụi bay.
Mưa bụi, mưa phùn, thường đi kèm với giá
rét, lại thêm lá vàng rơi. Thật sự là mùa đông rét buốt, ảm đạm chứ đâu còn là
mùa xuân tươi vui, theo nghĩa thông thường.
Hai đoạn thơ trên, mỗi đoạn gồm hai khổ
thơ, dưới ngòi bút tài tình của nhà thơ, đã dựng lên hai cảnh sống tương phản,
hai mảng màu sáng-tối, hai mặt ấm-lạnh của tình đời, của lẽ thịnh-suy, còn-mất.
Nhưng trên tất cả, là ánh nhìn yêu thương, là tấm lòng nhân ái, tình cảm nhân
đạo sâu sắc mới thấu hiểu và cảm thông cho sự biến đổi biển cả-nương dâu. Và đó
mới chính là thông điệp mà nhà thơ tha thiết, muốn gửi đến cho đời.
Khổ thơ cuối cùng thể hiện đầy đủ tình
cảm, tâm trạng, nỗi lòng tác giả. Một tình cảm mênh mông, mang tính nhân văn dành
cho một người tài hoa không quen biết, gửi đến một thế hệ Nho học đã suy tàn,
gửi cho tất cả những người khách xuân của muôn năm cũ…đang còn sống hay hồn đã
trôi dạt phương nao.
Năm nay đào lại nở
Không thấy
ông đồ xưa
Những
người muôn năm cũ
Hồn ở đâu
bâu giờ.
Phải chăng đó cũng là tình cảm nuối tiếc,
thương cảm của những thi sĩ tài hoa nhiều thế hệ gửi lại cho nhân gian. Kim Trọng
khi trở về thăm lại vườn xưa: “Trước sau
nào thấy bóng người/ Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” (Nguyễn Du). Thi
Sĩ đời Đường khi thăm lại vườn đào đã đến chơi năm trước: Khứ niên, kim nhật thử môn
trung/ Nhân diện đào hoa tương ánh hồng/ Nhân diện bất tri hà xứ khứ/ Đào hoa y
cựu tiếu đông phong” (Thôi Hộ).
Những chiếc lá vàng úa cuối cùng của năm cũ
đã rụng dần. Những nụ hoa hàm tiếu của năm mới sắp bừng nở. Hãy cùng lắng lòng,
thả hồn theo gió xuân, đón chờ sắc hồng thắm của hoa đào năm mới. Biết đâu
trong cõi mênh mông của đất trời vào xuân ấy, ta được gặp lại những nhân ảnh
của ngày xưa thơ mộng.
HỮU DU
____________
Bây giờ kiếm những ông đồ như trong bài thơ của Vũ Đình Liên thì rất hiếm. Khai bút chỉ còn là trên màng hình vi tính mà thôi. Cũng hơi tiếc.
Trả lờiXóaCảm ơn ý kiến phản hồi của bạn. Chính vì tiếc cho ông đồ xưa nên mình mới chọn bài thơ "Ông Đồ" của Vũ Đình Liên để viết cảm nhận. Ông Đồ đúng bản ngã như vậy giờ đã mai một. Qua kết quả thi chọn ông đồ để hành nghề ở Quốc Tử Giám, thấy mà buồn. Hữu Du
Trả lờiXóa