Tác giả trẻ Hứa Phát Đại, cộng tác viên của W.BT, hiện là sinh viên Sư phạm Vật lý trường Đại Học Cần Thơ.
“Con nước lên sông sâu à ơi… mù u chưa
chín. Con nước lên sông sâu à ơi… mù u đã rơi!…”. Đó là lần tôi về thăm quê,
tình cờ nghe được câu hát ru mà trước kia nội hay hát khi tôi còn nhỏ dại, tuổi
thơ ngọt ngào bỗng chốc như sống lại sau bao tháng ngày xa cách quê hương. Vẫn
một nét bình dị rất duyên. Bến sông quê vẫn thấp thoáng con đò, thấp thoáng những
rặng mù u xanh rì trước ngõ.
Chẳng biết cây mù u có tự bao giờ mà sao
quá đổi gần gũi với nơi đây. Nội bảo từ thuở tóc nội còn xanh đã thấy những
hàng mù u vươn cao từ bãi đất. Thân mù u chẳng được quý như bao loài cây ăn
trái khác. Bởi lẽ thân cây xù xì, cao vun vút, hoa chẳng thơm nồng, trái thì lại
không ăn được. Nhưng lẫn khuất đâu đó là một chút duyên quê dịu dàng, đơn sơ mà
thân thiết như tiếng gọi “ mù u ”. Hàng năm cứ vào lúc cơn nắng tháng Giêng dần
thêm oi ả cũng là khi ngọn lửa trắng bắt đầu le lói sau vòm lá đung đưa. Bông
mù u trắng muốt, thơm nhẹ thanh khiết và kết thành chùm. Làn gió đầu xuân mát
rượi chợt khẽ khàng mang hương hoa trắng phản phất lan xa.
Cây mù u tuy có đơn sơ nhưng công dụng của
nó thì biết sao mà kể xiết. Hồi trước quê tôi còn nghèo túng, nhà chẳng có điện
để sử dụng. Lúc mù u chín rộ, tôi và lũ bàn thường hay chèo xuồng để vớt trái
mù u. Trái mù u chín được nội và mẹ đem phơi khô, nghe đâu lấy nó dùng làm rọi
để thắp sáng. Tôi nhớ vào mấy buổi ban trưa ngày đó tôi hay có dịp tròn mắt
nhìn mọi người trong nhà làm rọi mù u. Vỏ
trái mang giã nhuyễn rồi nắn chặt với một ít bông gòn vào nan tre khô. Đêm về,
bên ánh lửa chập chờn, có khi tôi ngồi học bài hoặc đôi lúc nằm kề bên để được
nội kể cho nghe câu chuyện về những ngày đầu ông cha đi mở đất. Thoáng đâu đó
là mùi khói thơm len vào mắt mẹ cay nồng, thoảng nhẹ nhàng tiếng tí tách bên
tai chẳng ngớt.
Mù u còn gắn liền với tuổi thơ tôi và
chúng bạn qua mấy trò chơi thuở nhỏ. Nhà đứa nào cũng nghèo nên hiếm có tiền để
mua vài viên đạn đủ màu sắc như trẻ con thành thị. Trò bắn đạn ngày trước đơn
giản chỉ là đạn mù u có hình dáng khá tròn. Gió chướng về làm mù u rụng chín gốc
cây, lũ trẻ chúng tôi thường lượm chúng về cạo sạch vỏ, rút hết ruột rồi vùi một
lổ nhỏ, luồng sợi dây qua cột cùng cái chong chóng, thế là tụi nhỏ chúng tôi lại
tiếp tục có thể thi với nhau cái trò chong chóng mù u vui vui. Ngày đi học, vào
những lúc tan trường, bông mù u trắng ngần, cuốn quay trong đôi mắt trẻ thơ với
ánh chiều buông thả nghiêng vạt nắng. Có đôi lần tụi nhóc chúng tôi rủ nhau đi
tắm sông, chỗ mấy cành mù u cao vút là nơi lý tưởng để thả mình hòa với dòng
sông mát lạnh. Mãi mê lặn ngụp cho tới khi có tiếng kêu của ba mẹ rồi mới chịu
về. Tuổi thơ là những ngày đi phá phách hái trái leo cây nên thường bị nỗi mề
đai, ghẻ lở làm mẹ lo sốt vó. Nhờ có nội chỉ nên ba bèn vội vả tìm hái lá mù u
mang về để mẹ đốt lấy khói trị cho tôi mau khỏi bệnh. Khi ngã xuống bùn, mù u vẫn
còn có ích, bởi người dân vùng này còn dùng thân chúng để làm thớt, đóng xuồng…sản
phẩm làm từ gỗ cây mù u luôn có độ bền cao.
Ngày cô Út đi lấy chồng xa, bông mù u nở
trắng góc trời quê tha thiết, lao xao cơn gió thổi từ vàm sông nghe buồn man
mác. Mặt nước lăn tăn rụng trắng màu hoa. Nhìn theo con bướm vàng đậu nhánh mù
u mà giọt lệ khẽ tràn trên mắt nội. Có lẻ vì như vậy mà mù u được người đời ví
chúng với cái duyên số lỡ làng, trắc trở…Thời gian lại cứ lặng lẽ lướt qua điểm
lại màu hoa trên suối tóc đã dạn dày sương gió.
Cây mù u giờ đây vẫn âm thầm vươn cao,
vươn xanh giữa nhịp sống hối hả, ồn ào. Biết có mấy ai còn nhớ về thân cây cao
tròn, dáng dấp xù xì in bóng mặt sông? Tôi chợt cố tìm lại hình ảnh mù u của một
thời xa tít tắp. Một thời mà đóa mù u nở trắng màu quê.
HỨA PHÁT ĐẠI
_______________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét