Phê bình văn học vốn dĩ không có chỗ đứng cho sự hư ảo và mơ hồ ít nhất là trên phương diện lập luận. Nhưng không phải vì lẽ đó mà lâu nay phê bình văn học được nhận thức rõ ràng ở các bình diện: đội ngũ, phương pháp nghiên cứu và thành tựu…
Phê bình văn học vốn không có một truyền thống dày dặn trên dải đất hình chữ S. Hay nói cách khác, từ khi những “Phê bình và Cảo luận” của Thiếu Sơn, “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh xuất hiện, mới thực sự xác lập chỗ đứng cho phê bình văn học. Để rồi, qua bao năm tháng đã chứng kiến sự đóng góp của nhiều thế hệ phê bình với nền tàng văn hóa, tri thức, phương pháp luận khác nhau, được định danh khác nhau đã mang đến cho văn chương những giá trị mới mẻ.
Nhưng, phê bình văn học là gì? Đúng như lời nhận xét của nhà phê bình văn học tự nói về thể loại của mình: “Phê bình văn học còn chưa là một thể loại theo nghĩa đen của từ này. Nó không có gì giống kịch hoặc tiểu thuyết, hay nói đúng hơn, nó đối lập với các thể loại khác và là tiêu chuẩn nhận thức thẩm mỹ và đánh giá của các thể loại đó. Chính vì thế mà không có một thể loại nào vừa ít rõ ràng, vừa nhiều sai lầm và hay phải chịu những biến đổi sâu sắc hơn nó”- (Đỗ Lai Thúy). Tính “độc lập” và sự “tiêu chuẩn nhận thức thẩm mỹ” để đánh giá các thể loại khác chính là “độ đo”, “khuôn thước”để định giá sáng tạo. Nói như thế, liệu phê bình văn học có xa lạ với lĩnh vực sáng tạo, trở thành thứ lí thuyết khô cứng để phán xét văn chương hay không? Trong khi, ý kiến khác lại cho rằng phê bình văn học cũng là văn học (Phê bình văn học là cảm nhận và đánh giá tác phẩm, thuộc một trong ba bộ phận của đời sống văn học, sáng tác, phê bình và nghiên cứu. Nghĩa là phê bình cũng là văn học- Lê Ngọc Trà). Và, còn có cả mối liên hệ giữa phê bình văn học và khoa học: “Phê bình văn học không phải là một ngành khoa học với những đặc điểm, những yêu cầu phát triển giống như các khoa học khác, nhưng không thể vì thế mà coi thường việc áp dụng lý luận khoa học vào các công trình phê bình” - (Lại Nguyên Ân). Qua đó có thể thấy phê bình văn học là một thành tố của nền văn học. Nếu như việc sáng tác các thể loại là kết quả của sự phản ánh, nhận thức về đời sống bên ngoài, về thế giới nội tâm thì phê bình văn học là sự nhận thức về chính văn học. Trong khi các thể loại khác được xây dựng dựa trên chất liệu ngôn ngữ, biểu tượng đời sống thì chất liệu của phê bình văn học sử dụng chính là tác phẩm văn học thông qua các tiêu chí lí luận khoa học về văn học. Với bản chất này, phê bình văn học có thể giấu đi những tiêu chí lí thuyết khô cứng bên trong lớp vỏ của những ngôn từ mỹ miều, những hình tượng nghệ thuật sống động. Đó là khi Hoài Thanh nói tới thế giới nghệ trong thơ Nguyễn Bính khéo đến mức làm người đọc lầm tưởng đó là một áng văn: “Ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê. Cái nghề làm ruộng và cuộc đời bình dị của người làm ruộng cha truyền con nối từ mấy nghìn năm đã ăn sâu vào tâm trí chúng ta […] Ở Nguyễn Bính thì không thể. Người nhà quê của Nguyễn Bính vẫn ngang nhiên sống như thường. Tôi muốn nói Nguyễn Bính vẫn còn giữ được bản chất nhà quê nhiều lắm. Và thơ Nguyễn Bính đã đánh thức người nhà quê vẫn ẩn náu trong ta. Ta bỗng thấy hàng cau bụi chuối là hoàn toàn tự nhiên của ta và những tính tình đơn giản của dân quê là những tính tình căn bản của ta”. (Hoài Thanh- Thi nhân Việt Nam).
Phê bình văn học là vậy nhưng lực lượng phê bình văn học thực sự lại đang là điều đáng bàn. Ngay chính bản thân khái niệm nhà phê bình chuyên nghiệp hay nghiệp dư, thực sự đạt trình độ phê bình hay chưa vẫn còn khá mờ hồ chứ chưa nói đến sự phân loại đội ngũ.
Phê bình văn học vốn là mảnh đất khá “lành” khi thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Chẳng thế mà trong các lớp tập huấn lí luận phê bình, ta có thể bắt gặp trong đó từ những người làm thơ, viết văn, giáo viên phổ thông, giảng viên, biên tập viên, các nghiên cứu viên của viện nghiên cứu… Phong cách của những bài viết mang tên phê bình văn học cũng đa dạng. Từ các bài bình thơ, bình văn theo cảm tính đến các bài viết áp dụng đơn thuần lí thuyết trường phái, trào lưu… đều được gom chung vào một tên gọi. Suy cho cùng vẫn chưa có nhiều cây bút thực sự sống bằng phê bình, dám xác lập những lý thuyết phê bình như Lại Nguyên Ân, Chu Văn Sơn, Đỗ Lai Thúy… Việc phê bình chỉ dựa trên những lý thuyết sách vở của lí luận văn học mà chưa xác lập thêm những quan niệm sẽ khiến phê bình văn học mãi mãi không thoát ra khỏi một kiểu bài tập ứng dụng khô cứng, máy móc. Chừng nào các nhà văn, bạn đọc chưa tìm thấy những luận điểm mới mẻ, gần gũi với đời sống văn học thì phê bình văn học vẫn còn mãi xa lạ với người đọc như là một thứ mổ xẻ, nội soi những giá trị thẩm mỹ. Có lẽ tới khi đó, phê bình văn học vẫn còn hư vô, hư ảo.
BÙI VIỆT PHƯƠNG
___________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét