Tôi vừa quay về xóm
nghèo của mình sau đúng mười năm ly hương kiếm miếng cơm. Với chừng ấy xa cách,
trở về thấy được những gì trước đây không nhận ra. Cũng hay lắm.
Xóm chỉ có mấy bước
chân đã hết. Chiếc cầu nối sông đào với phố chợ, xuống dốc lưng chừng có một
ngã rẽ như đường chỉ tình duyên trên lòng bàn tay, ngã rẽ này chạy một đỗi (mấy
bước chân) đã đụng cây cầu thứ hai, nhỏ hơn, thế là hết xóm!
Cộng dồn đâu có mấy
chục nóc gia (trước đây), giờ thì nhiều hơn mà người cũng đông hơn, tất nhiên.
Con đường mà cái xóm của tôi tọa lạc hai bên, sau lưng là dãy nhà hướng ra đường
lớn có tên tuổi đàng hoàng, dãy nhà còn lại sát mé con sông nhỏ xíu ngầu đục
phù sa chảy ngày đêm, loe hoe mấy bụi mắm. Người Kinh, người Khmer ở chen với
nhau, làm thuê làm mướn qua ngày. Đầu tiên gần như toàn nhà lá, có hai ba
căn nhà ngói, sau xuất hiện thêm một ít
nhà tường xây đơn giản. Hồi nhỏ, tụi nhóc trong xóm chuyên đi phá vườn tược người
ta ở các xóm bên, vì xóm nhà làm gì có vườn mà phá! Kế đến là “tiết mục” hấp dẫn
nhất: leo lên cầu sắt “nhảy dù” xuống tắm sông, kinh dị! Gì nữa? À, đi câu cua
bắt ốc, hái rau… ở những cánh đồng nước mặn nước ngọt xa xa chừng mấy cây số.
Nhờ ở chung với bà con người Khmer từ nhỏ, tôi đã nhanh biết cả hai thứ tiếng:
Việt và Khmer, trong khi tôi lại là người… gốc Hoa! Nghĩ mà buồn cười, vì tiếng
Hoa tôi không biết tới nửa chữ! Mấy chị người Khmer dạy tôi theo kiểu trực quan
sinh động: mày biết cái này là cái gì không, và giơ cái chén lên: Chal! Và cái
này, một quả trứng vịt… Cứ thế, tôi có một vốn từ Khmer lận lưng.
Xóm này, nói chung là
quá nghèo. Bà con làm theo kiểu tài tử vì thực ra không có vốn liếng gì. Hồi
trước đi củi, tức là đốn củi dưới rừng về chặt ra bán thước. Rừng xa, kiểm lâm
có vũ khí nóng, có người chết vì vượt trạm. Củi đốn về phần nhiều là đước, nhiều
cỡ, chất thành thước (mét) chiều cao để bán, củi lớn có thể chẻ nhỏ để bán lẻ
theo từng bó nhỏ. Củi ngày càng ít, hết nghề, vẫn còn bám được vào vuông láng
nước mặn để câu cua biển, thụt lịt. Có người thả rập dưới sông bắt cua. Nhưng
phần lớn đi làm mướn cho người ta, toàn lao động nặng vì ít chữ: cu li hồ, đào
đất, gánh cát đá cho vựa vật liệu. Cuộc mưu sinh như thế nên gái trai già trẻ đều
đen nhẻm nắng gió, chẳng có ai thanh tú bóng bấy gì. Được cái, bà con hiền hòa,
chất phác. Làm mệt về làm ba xị đế với mồi mọng đơn giản: trái cóc trái ổi, tô
canh, ngủ. Trong khi khắp nơi người ta
tân trang đường xá xôm tụ, ở đây vẫn còn đường đất, mưa lầy lội như ở miệt đồng,
sau làm được cái đường xi măng nhỏ, như trong mơ.
Xa xứ mườinăm, về có
cái lạ, nhiều cái lạ. Đầu tiên là một cung đường mới ½ km đổ từ cầu xuống, cắt
xóm ra mấy mảnh! Xuất hiện một cái ngã ba ở đầu xóm, có cả chốt đèn xanh đèn đỏ
mới ghê chứ. Mấy anh trong xóm vay mượn dành dụm sao đó, mua xe gắn máy ra đậu
ngay cái ngã ba mới toanh kia đón khách! Họ vụng về phơi nắng vì không quen câu
kéo khách như ở thị xã, ai đi thì đi, không thì thôi, nắng gió đen nhẻm, nhưng
cũng là một cái nghề. Đặc biệt là vài chị thôi mò tôm bắt tép ra “chiếm” vị trí
đắc địa ấy “kinh doanh”, cái này mới có tính cách mạng: chị mua xe có tủ kính về
bán bánh mì thịt, chị trải cao su bán trái cây, chị bán đặc sản cho khách phương
xa đi ngang: vọp, chom chép, ốc len… Chỉ có mấy ngoe, mà nhìn vui mắt và xôm tụ
ra phết, thấy hay.
Đấy là “giao diện”,
bên trong xóm dường như vẫn thế. Tôi thả bước trên đường nhìn những ngôi nhà cũ
kỹ dưới bước đi thời gian, người còn người mất. Lặng lẽ, hiu hiu. Duy trước
ngôi nhà mới của ai đó (cũng mới) có một cây mận to kềnh, lá xum xuê trùm hết mặt tiền, trái nhiều vô kể. Mẹ sai đi mua
đồ ngày mấy lượt, đều ngang qua cây mận hấp dẫn ấy, và tôi đều tranh thủ nhón lấy
một hai trái, cắn ngay tại chỗ, ngọt lịm! Như được sống lại thời quậy quạng làm
Tôn Ngộ Không ngày xưa. Sáng cầm ca đi mua trà đường, “chơi” một trái, chút nữa
mua cháo, cũng ngang qua đấy, một trái nữa! Chưa hết, còn bơm gas, mua xà bông,
bột ngọt, nước đá… đều là cơ hội thưởng thức cây trái của... người ta! Nhưng chẳng
có ai la rầy gì một đứa con xa chừng ấy năm, tìm thấy sự bình yên ở góc nhỏ quê
nhà. Mấy cô gái thấy cảnh như thế, chỉ cười. Hay chứ sao…
Đi 10 năm, về quê được
bốn bao sách và… hai chiếc xe đạp, hết. Ngồi đọc sách, nhớ lại chuyện xứ người,
buông sách, pha chút trà, làm người già ở tuổi trung niên! Cũng hay. Đời là thế,
đến một lúc nào đó, không muốn đi nữa, tìm được bình yên ngay bất cứ chốn nào,
tĩnh tại. Đi nhiều, thấy nhiều, về phát hiện ra những cái hay của nơi chôn nhau
cắt rốn mà trước đây không thấy. Có lẽ tâm thức ta trước cứ hướng ra ngoài, ra
xa, đến những chân trời; giờ quay về, nhìn gần lại, thấy những gì trước đây
không thấy vì… không nhìn!
Xóm nhỏ bây giờ có hẳn
một tên đường, xe gắn máy chạy suốt ngày, tới khuya, ầm ì. Và ít ra, có thêm một
cây mận trĩu cành làm thú vui để ngắm và để… nhâm nhi! Thôi, không có cái mình
muốn, thì quý cái mình có. Đấy, xóm nghèo chỉ có bấy nhiêu...
NGUYỄN THÀNH CÔNG
______________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét