Có lẽ đi suốt cuộc
đời này tôi cũng vẫn sẽ ỷ lại vào ba, người mà đã luôn cõng tôi trên lưng đi suốt
cuộc đời này. Từ khi còn bé, ký ức chỉ là những kỷ niệm chắp vá. Hình ảnh người
đàn ông cao lớn với làn da rám nắng, đôi bàn tay ram ráp chai sần mỗi khi ịn
vào má tôi đã in hằn trong tấm trí tôi. Khi bé, thi thoảng tôi rất sợ ba, khi ấy
má vẫn hay cười xòa: “Ba to cao như thế vì ba là trụ cột, ba gánh vác cả gia
đình này”. Giọng ba hào sảng, đôi mắt thậm chí thi thoảng quắc lên trông rất dữ,
ba lại đi làm biền biệt suốt ngày nên đôi khi tôi cảm thấy hơi xa cách. Nhưng mỗi
khi ba ở nhà, lại dành phần đi đón tôi đi học. Có lần khi tôi tan học, thấy ba,
đôi mắt người chăm chăm nhìn tôi lại có vẻ như đang rất giận dữ làm tôi sợ,
nhưng chỉ cần tôi bước lại gần người sẽ cười hiền bế tôi lên xe. Những lúc ấy
tôi hiểu, dù ngoại hình ba tôi có đáng sợ như thế nào thì ông vẫn vô cùng ấm
áp.
Tôi nghe người
ta kể ngày đó ba vì muốn lấy má mà không nghe lời ông bà, má tôi sinh khó sau
khi sinh tôi thì không sinh được nữa, ba lại là con trai duy nhất trong nhà… Ba
má tôi dắt díu vào nam sinh sống, má tôi vốn yếu chỉ ở nhà cơm nước còn ba biền
biệt theo những gánh hàng xa, năm thưở mười thì mới về nhà. Khổ là thế nhưng biết
má yếu ba vẫn không cho má làm gì, gồng mình lên lo toan tất cả. Thi thoảng,
tôi bắt gặp có những buổi đêm người không ngủ, khói thuốc thả dài trong đêm
thâu. Ba khóc! Có lẽ vì nhớ gia đình, nhưng ngay khi có tiếng cựa mình ba lại
giả vờ lặng lẽ chùi đi nước mắt.
Khi tôi lớn lên
một chút ba xin được công việc gần nhà, ba dần dần được lên làm tổ trưởng, mức
lương ngày đó ít ỏi thôi nhưng cũng đủ để ba cất được một căn nhà nhỏ không phải
chịu cảnh thuê nhà rày đây mai đó. Căn nhà nhỏ của tôi mỗi dịp lễ tết lại đầy
những người tới lui, đó là những người chỗ làm ba, cũng đủ để thấy ba được kính
trọng nhường nào. Ba làm gần nhà, những hôm được nghỉ học ba lại cõng tôi đến
chỗ ba làm chơi, ai cũng yêu quý tôi, tôi biết con gái đang được hưởng phúc phần
của cha. Ba có thói quen cõng tôi trên lưng, bờ lưng to bè còn tôi nhỏ thó trên
vai ba. Thế giới sau lưng ba khác lắm, cao hơn nhiều rộng hơn nhiều... Khi tôi
lên cấp hai, tôi vẫn nhỏ bé trên vai ba. Những hôm mưa to, cả thế giới được vẽ
thành một bầu trời trẵng xóa, con hẻm nhỏ nhà tôi nước ngập quá eo, ba vẫn lội
nước cõng tôi đến trường. Khi những đứa bé ngày ấy chây lười muốn kiếm một lý
do để nghỉ học thì ba tôi vẫn ngày ngày lội nước cõng tôi đi, mặc cho căn bệnh
thấp khớp hành hạ ông và cơn đau nhức nơi bắp chân mỗi khi trở trời do viên đạn
thời chiến tranh ngày nào để lại. Bờ vai ba vững chãi lắm
Tôi lên cấp ba,
những năm chuẩn bị vào đại học bồn bề đủ thứ tiền, nhà tôi gặp biến cố. Tính
chân thật thẳn thắn của ba đôi khi lại bị đánh đổi bởi một trò lừa. Những dục vọng
thấp hèn và những tị ganh nhỏ nhen khiến ba mất việc bởi người ba tin tưởng nhất.
Gia đình tôi lâm vào cành khốn đốn. Má nhận hàng làm suốt đêm. Ba cũng mất cả
tuần thất thần nhưng nhanh chóng lấy lại tinh thần làm đủ cách kiếm sống từ chạy
xe ôm cho đến bốc vác. Tôi khi ấy cũng hè vào làm thêm nhưng bị ba cấm tiệt, bắt
phải lo học để thi đại học để có tương lai tốt nhất cho cả gia đình sau này. Ba
tôi khi ấy sức khỏe giảm rõ rệt, những tràng ho cả đêm và những giọt nước mắt
thất vọng ba giấu vào lòng. Tôi đi học rồi đậu đại học, những khi vấp ngã, muốn
an ủi tôi ba vẫn hay cõng tôi đi dạo, nhiều khi, tôi xẩu hổ lại thấy ba yếu đi
nhiều có ý e ngại, ba chỉ cười “Ba cõng con gái mình, đâu có gì là mệt mỏi”.
Tôi chỉ biết ôm mặt khóc trên vai ba.
Tôi lên đại học
cũng là lúc tóc ba bạc màu thời gian, cũng là lúc tôi biết dư vị mối tình đầu.
Người ta nói tình đầu thường đổ vỡ, tôi cũng đau lòng suốt trong một khoảng thời
gian. Ngày mới chia tay chẳng hiểu vì sao khi gục ngã tôi lại gọi cho ba, người
đã tới cạnh tôi, đứa con gái dân văn yếu đuối và cõng tôi về nhà. Hẳn khi ấy ai
cũng nhìn lạ lắm, một đứa con gái to xác khóc tức tưởi trên vai một người đàn
ông… Tôi chợt hiểu dù tôi có trưởng thành đến đâu tôi vẫn chỉ là con gái nhỏ của
ba và ba sẽ cõng tôi mỗi khi tôi cần một bờ vai nào đó…
Tôi làm cô dâu.
Ngày cưới tôi là lần đầu tiên tôi thấy ba khóc một cách công khai. Bóng dáng to
bè xưa kia từ khi nào trở nên còm cõi lưng còng hẳn xuống. Tôi ôm chầm lấy ba
òa khóc nức nở, đôi vai vững chãi ngày nào tôi vẫn hay ngồi trên ấy bỗng trở
nên nhỏ bé vô cùng. Tôi khóc vì có cảm giác cho tới lúc này mình vẫn chẳng làm
gì được cho ba cả, còn ba, như hiểu gì đó trong đôi mắt con gái mình, ba khẽ vuốt
đầu tôi “Con là món quà lớn nhất của ba và ba chẳng cần gì nữa cả”…
Lê Hứa Huyền Trân
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét