Ông Văn đăm chiêu:
- Cũng chưa biết được, còn tùy…
Kín đáo quan sát những người thân xung quanh, ông có chút chạnh lòng.
Cuộc sống lam lũ quanh năm với ruộng đồng, phèn mặn đã in dấu khắc khổ lên từng
khuôn mặt. Các con gái đứa nào cũng có chồng rồi mà kinh tế vẫn chật vật, cuộc
sống tàm tạm mặc dù với trách nhiệm người cha, ông thỉnh thoảng giúp đỡ chút
ít. Nhưng chỉ là chút ít, nhỏ giọt thôi. Bởi ông Văn quá nặng với thành kiến “Nữ
sanh ngoại tộc”, con gái gả chồng rồi tự lo thân, đói nghèo ráng chịu. Riêng
với đứa con trai tên Quan, ông chăm chút rất chu đáo theo câu: “Nhất nam viết
hữu, thập nữ viết vô”!. Trước ngày xuất cảnh, ông đã sang tên căn nhà, 5 công
ruộng và hơn 1 mẫu vườn trồng điều ở Long Thành cho vợ chồng nó. Và hồi năm
rồi, số tiền gần 500 triệu cất lại ngôi nhà đầy đủ tiện nghi cũng do ông gom
góp gởi về. Mong muốn của vợ chồng ông Văn là khi hồi hương sẽ được con trai,
con dâu ân cần phụng dưỡng, lãnh luôn việc cúng kiến ông bà, tổ tiên. Ông hy
vọng mình được thỏa nguyện an nhàn, mà chắc là phải vậy!
… Chuyện thăm viếng, quà cáp, tiệc mừng với bà
con lối xóm để mừng ngày về quê hương đã xong, chỉ lấn cấn mấy đứa con gái.
Chúng có mặt thường xuyên hình như để nghe ngóng, dòm ngó nhau, chờ đợi món
tiền cha cho, tuy biết là ít ỏi. Ông Văn chạy lo thủ tục cho bà vợ hồi hương,
hồi tịch mà nhức cả đầu. Nhàn, cô con dâu thì cứ vòi vĩnh chuyện mua sắm, nào
là bộ salon, tủ ly, tivi, máy giặt, bếp ga… Những lời nói ngọt ngào êm ái của
vợ chồng Quan làm ông mềm lòng, chìu ý tất cả. Một ngày, sau bữa cơm chiều đoàn
tụ gia đình, ông thong thả hỏi con dâu:
- Sức khỏe ba má bây giờ kém nhiều nên không còn làm ra tiền nữa… Ba
tính nhập hộ khẩu cùng vợ chồng con để dưỡng già. Từ rày về sau chắc hai con
phải lo liệu, nhắm được không?
Ánh mắt Nhàn lướt qua các chị em chồng, cô cúi mặt đáp nhỏ:
- Dạ… cha mẹ là cha mẹ chung, chuyện hệ trọng vậy con hổng dám… hứa
trước được, ba hiểu cho!
Mọi người nhìn nhau, cùng vẻ sững sờ trước câu trả lời chẳng chút tình
cảm, gần như vô lễ với cha chồng. Mấy cô con gái dợm phản ứng, ông Văn vội đứng
lên xua tay:
- Thôi, dọn dẹp rồi ai về chỗ nấy cho ba má yên!
Với bản chất phụ nữ luôn mong muốn trong ấm ngoài êm, bà Văn chu tất,
bao biện rộng rãi cho con dâu việc chi tiêu hàng ngày. Thâm tâm bà mong Nhàn
hiểu đúng vị trí của mình mà cư xử đúng mực, giữ phận dâu con. Rồi cũng chính
bà đã thuyết phục chồng chuộc lại phần đất vườn của ông ngoại các con gần 300
triệu bạc. Quyết định sang tên chủ quyền cho Quan vừa xong thì xảy ra mâu thuẫn
giữa cô con gái thứ năm với chị dâu. Chúng hiềm khích nhau từ lâu mà vợ chồng
ông Văn không biết. Sáng sớm, lúc ông đang uống trà thì Nhân vừa lau nhà vừa
càu nhàu:
- Riết rồi tui ở đây chẳng có quyền hạn gì! Kẻ ra người vô, ăn uống,
giặt giữ, hầu hạ toàn một tay con này… Trời có mắt ngó xuống mà coi!
Thấy cha sầm mặt khó chịu, Quan đang săm soi chiếc điện thoại di động
đắt tiền, ngẩng lên nhắc vợ:
- Nhà của mình, mình phải lo, em nói làm chi?
Nhàn mím môi định cãi lại, vừa kịp thấy cô em chồng bước vào liền quay
lưng. Ông Văn lên tiếng:
- Ba tính trồng bắp phần đất ông ngoại con mà mưa chưa thấm đất…
Cô Sáu chẳng để ý lời cha nói mà gợi chuyện mình:
- Nhà con hết nước uống, chút ba cho xin vài đôi nước…
Nhìn cái hồ chứa nước cao quá đầu bên hông nhà, người cha cười dễ dãi:
- Ờ… còn tới hai phần hồ, ai uống cho hết? Cho con năm đôi…
Nỗi ấm ức, ganh tị trong lòng Nhàn trỗi dậy không kiềm chế được. Cô bước
lại đối diện em chồng, lớn tiếng:
- Nhà này ai đứng
chủ quyền? Tại sao cô hỏi ba mà không đếm xỉa mặt tôi?
Cô Sáu trả lời
ngay:
- Ba má không về
đây, một giọt nước tôi cũng không thèm xin chị… Mà ai lớn quyền hơn ai nè?
Tính nhỏ nhen bùng
lên, Nhàn bốp chát lại:
- Cô nói thì tôi mới nói… Về mặt pháp lý, ai đứng tên chủ quyền nhà cửa,
đất đai này mới quyết định được nghen cô!
Thất vọng lẫn buồn bực, ông Văn ngó con trai đứng thờ ơ như người ngoài
cuộc. Nghe rõ tiếng Quan lẩm bẩm:
- Thì hẳn là như vậy, khỏi bàn cải! Nhà ai nấy ở, tới đây xin xỏ hoài,
lộn xộn quá chừng!
Quan sát thái độ nhu nhược của con trai, ông Văn bảo con gái về rồi
nghiêm mặt nói:
- Ba không thiên vị, nhưng vợ chồng con đối xử với ruột thịt quá hẹp
hòi. Ba ngẫm lại đám con gái nào hưởng được gì, chỉ là bèo bọt, lặt vặt thôi.
Vợ chồng bây đừng nên tự ái hay cố chấp…
Nghe tới đó, Nhàn vụt đứng lên bỏ ra sau, vẻ mặt lạnh lùng. Ông Văn nhìn
thẳng mặt Quan:
- Ba má chỉ có con là con trai nối dõi tông đường, lo việc hương khói,
còn tin cậy vào ai đây? Chỉ cần vợ con làm tốt vai trò quán xuyến gia đình, qua
thời gian thì chị em sẽ nể nang, công nhận… cái quyền của mình. Còn bây a tòng
nhau lấn lướt, ăn nói hàm hồ là… trật lất!
Quan còn ấp úng thì Nhàn xách túi quần áo bước ra, giọng vùng vằng:
- Tui qua Long Thành
coi rẫy, ở đây không hợp tánh ai. Làm dâu mà chịu cảnh… một cổ hai ba tròng,
phục vụ như ở đợ khổ lắm!
Ông Văn nóng bừng
mặt, cố giữ bình tỉnh:
- Nói vậy được rồi,
nhớ là ba chưa khi nào mắng nhiếc hay xua đuổi con… Giờ tự ý bỏ đi, sau này
đừng đổ quấy cho ba. Thằng Quan nghĩ sao?
Quan gãi gãi đầu,
lúng túng quay sang vợ:
- Ờ… em đi trước đi…
Tui bán lúa xong rồi theo qua bển liền!
Đợi vợ khuất sau
cổng rào, Quan hằn học:
- Ba hổng dứt khoát
gì hết! vợ tui đi cho vừa bụng… ba với mấy bà cô đáng ghét. Căng thẳng ra, vợ
chồng tui nắm chủ quyền nhà đất hợp pháp, sợ chi ai?
Bất ngờ trước sự
ngang bướng của con trai, người cha giận dữ:
- Vợ chồng mày mà sợ
ai? Lẽ phải, đạo đức đâu rồi? Tao nghỉ việc, má mày bệnh nên mới về đây… Bao
nhiêu sự sản, tiền bạc đã giao hết, giờ mày ra mặt phản trắc hử?
Quan châm điếu
thuốc hút, đầu gật gật với thái độ thách thức. Ông Văn như sôi máu, vỗ bàn:
- Tao… tao sẽ sang tên, truất quyền cho mày biết thân! Con cái bất hiếu
với cha mẹ, có ngày… trời đánh!
Chống hai tay cạnh
sườn, Quan cười khẩy:
- Căn cứ vào luật pháp, khó xoay trở lắm ba ơi! Bất quá tui bán vườn đất
ở Long Thành lấy vài tỉ gởi ngân hàng, còn nhà đây vợ chồng tui ở thì ai ngăn
cản được đây? Còn ba rủa trời đánh tui chết thì quyền thừa kế vẫn là vợ tui,
đúng không? Đâu có bằng chứng hất hủi, ngược đãi ba má? Ba kiện chưa chắc tới
đâu, trước mắt thiên hạ họ sẽ cười chê, đàm tiếu cha Việt kiều hồi hương để tranh
chấp tài sản với con ruột. Thử hỏi lúc đó…
Gạt bình trà rơi xuống nền gạch vỡ nát, ông Văn quát to:
- Đồ khốn nạn! mày câm miệng lại… cút cho khuất mắt tao!
Hai tay ôm đầu, ông miên man nhớ về những năm dài khi chưa rời bỏ quê
hương, ngày ngày cần mẫn, sương nắng với ruộng vườn mà đầy ắp tình cảm gia
đình. Đồng tiền từ xứ người cùng tâm niệm “Nữ sanh ngoại tộc” đã làm rã rời,
chia cắt ruột rà các con ông rồi sao? Có lẽ từ nay trở đi, không bao giờ ông
tìm lại được chút dư vị hạnh phúc ngày xưa. Nhà bên cạnh, cha con người hàng
xóm đang vun đất cho những gốc xoài trỗ lá non mượt mà. Ông Văn bần thần nhìn
người con trai đang cười nói điều gì đó với cha, phải chăng đó là niềm vui
trong lao động, mơ ước về tương lai trên mảnh đất quê nhà…
NGUYỄN KIM (tác giả giữ bản quyền)
__________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét