Đà Lạt ngày 22 tháng 12 năm 1988
Cẩm Nhung thương nhớ !
Từ lâu rồi, khi em còn ở Sài Gòn, chưa theo gia đình đi Paris, đã nhiều lần em nghe anh nói: "Không cách chi anh rời bỏ Việt Nam được”. Lúc đầu, em tưởng anh nói đùa, dần dà em biết anh nói thật, em có vẻ buồn ?
Câu nói của anh càng ngày càng rõ nét trong tâm tư em, và em cảm thức sâu xa hơn về thân phận cuộc tình của chúng ta. Đã nhiều lần em thắc mắc và hỏi anh, lý do tại sao anh lại quyết định như vậy, nhưng anh không thể giải thích cho em hiểu quan điểm của anh khi thời gian bên nhau của chúng ta chỉ còn vài ngày ngắn ngủi. Mãi đến giờ phút cuối trước khi em lên máy bay, anh định nói hết những suy nghĩ của anh về em, về cuộc tình của chúng ta, về ý thức đích thực thân phận con người. Nhưng hỡi ơi, lúc bấy giờ nước mắt em cứ ràn rụa, ôm em vào lòng mà anh chẳng nói lên được lời nào. Anh không muốn phá vỡ giờ phút thiêng liêng ấy, nó thật đẹp, thật tuyệt vời, dù biết đó chỉ là ảo ảnh. Có lẽ ảo ảnh ấy cũng là cái hiện hữu của anh hôm nay và mãi mãi về sau, bởi nó đẹp mà không mất.
Nghĩ cho cùng, nói làm sao để em hiểu hết được khi mỗi đứa trong chúng ta đều có cái "lý” riêng, tiềm tàng và cố hữu. Cái lý của em là cái lý suy luận, còn cái lý của anh là cái lý trực giác. Hơn thế nữa, bên cạnh em còn có Bố, Mẹ em, các anh chị em; cả gia đình ràng buộc vào đó, hỏi em làm sao thoát ra khỏi cái "lý”của gia đình em ?
Hôm nay, trong căn phòng trống vắng và lạnh lẽo nầy, lúc mà ngoài kia lũ trẻ đang nô đùa với tiếng pháo hoa tạch đùng muôn màu muôn sắc; mùa Xuân đang về trên quê hương đất nước chúng ta. Hơn lúc nào hết, anh thấy rất thèm đọc lại những dòng thư em:
“… Anh yêu, anh đã nhận được thư của em chưa ? Nay em viết tiếp thư này gởi đến anh. Em đến Pháp tính ra đã gần một tháng rồi, trông thư anh dễ sợ, ở bên quê nhà anh vẫn bình thường chứ ?
… Khi em mới đến đây, cũng có một số người muốn thân thiện với em mặc dù biết em đã có người yêu. Ở đây họ Tây lắm, vợ chồng lấy nhau, bỏ nhau tùm lum hết. Thường thì đàn bà bỏ đàn ông để lấy Tây cho có nhiều tiền. Nhà ở bên nầy trông giống như một cái hộp, ở sát cạnh cũng không biết nhau, thiếu thốn tình cảm lắm. Đêm nào ngủ em cũng mơ thấy về Việt Nam, nhớ anh và những kỷ niệm, những nơi mà anh và em đã đi qua. Khi giật mình tỉnh dậy, chỉ thấy chung quanh là bốn bức tường, thế là em lại bị mất ngủ. Nhớ Việt Nam quá anh ơi ! Em ước mơ một ngày nào đó được về lại quê hương, ngày ấy chắc còn xa vời quá phải không anh ? Em thấy một ngày ở đây dài ghê vậy đó...” (*)
Đọc lại thư em, không biết nên buồn hay nên vui – buồn vui lẫn lộn. Buồn trong vui và vui trong buồn. Vui là biết em thấy được một phần nào cái chưa thấy. Buồn là sợ em chưa thể hiểu hết sâu xa cái đã thấy.
Như em biết đấy, anh bao giờ cũng sống tự tại. Với anh, lúc nào cũng đủ cả. Bao nhiêu thì đủ và chừng nào là thiếu ? Có thiếu chăng là chỉ thiếu em, nhưng không sao, anh sẽ sống bằng kỷ niệm, kỷ niệm luôn sống trong anh. Dù sao thì em cũng đã trả lời giùm anh phần nào những thắc mắc của em khi em còn ở Việt Nam.
Như em thấy đấy, dù sống ở phương Đông hay phương Tây, con người tư tưởng vẫn là con người muôn thuở. Chỉ khác nhau ở hoàn cảnh địa lý, điều kiện sinh hoạt nên làm cho nếp sống con người khác biệt nhau. Anh thì không quen sự khác biệt đó. Theo anh, đã là con người sống trong xã hội thì phải có một đạo sống - sống cho mình và sống cho người. Người với anh ở đây là quê hương chòm xóm, là con đường làng quanh co, buổi sáng hái hoa buổi chiều đuổi bướm; là những lần trốn học bị đòn roi, là củ kiệu dưa hành câu đối đỏ, là nương dâu bãi mía rợp bóng trời quê.
Anh cũng đồng ý với em, con người sống phải thức thời để bắt kịp đà thăng tiến của nhân loại. Nhưng thăng tiến mà không suy nghĩ, kiềm chế thì đạo đức sẽ bị lãng quên, nhân vị sẽ bị chà đạp; con người sẽ bị mất phương hướng giữa rừng vàng bể bạc. Thói thường thì ai lại không muốn sống theo cái tôi của mình - cái tôi suy tưởng và cái tôi sống thực. Anh thì nhờ nhìn qua cuộc sống của bạn bè tha phương cầu thực ở xứ người, từ đó, anh nhìn sự vật qua bản tâm của mình, vì lẽ ấy, anh rất sợ xa quê hương.
Cuộc sống bao giờ cũng đầy trớ trêu, nghiệt ngã nếu ta sống mà không nhìn sự vật qua bản tâm của mình. Danh lợi sẽ sai khiến chúng ta, làm hỏng chúng ta. Danh lợi là cái gì mà ghê gớm vậy? Đó chẳng qua là sự ước định của con người mà thôi. Đồng tiền cũng chỉ là phương tiện để chúng ta trao đổi sinh sống hàng ngày, nó không phải là cứu cánh. Cứu cánh của chúng ta chính là quê hương Việt Nam bốn ngàn năm văn hiến đó em ! Bây giờ thì em đã hiểu được tâm tư anh rồi chứ gì ?
Cho dù cuộc đời có xoay vần thế nào chăng nữa thì em vẫn là em của anh ngày nào - của suối thác Thiên Thai, của sương mờ Đà Lạt với bao chiều hò hẹn ngóng trông.
Đất nước chúng ta ngày càng đổi mới, tươi vui, rộn ràng theo từng nhịp thở của thời gian. Tiếc thay, bây giờ anh chẳng còn em, còn chăng chỉ là những dư âm ngày cũ với giọng cười vô tư như muốn xé không gian ngày nào của em, cùng bao nỗi niềm hoài cảm:
"Đà Lạt bây chừ thu lạnh đã chớm sang
Nhìn xác lá vàng bay, tiếc ngày xanh của lá
Mỗi sớm mai ngước nhìn khung trời tím
Ôi, nghe sao hun hút dáng hương xưa !
Mỗi chiều tà trầm lặng bóng hoàng hôn
Chạnh thương quá tiếng chim vể lẻ bạn"
(Thu vàng lá đổ)
Và nếu…
"Lỡ một mai em về, anh mồ yên mả đẹp
Giọt lệ tình có đẫm ướt khăn tang
Thì xin em nhặt một chiếc lá vàng
Đặt lên mộ anh thay vòng hoa tưởng niệm
Cũng xin em đừng buồn và đừng khóc
Cho hồn anh thanh thản giấc ngàn thu
Anh vẫn chờ em trên đỉnh dốc sương mù
Nơi chúng mình đã bao lần hò hẹn"
(Đỉnh dốc sương mù)
Còn gì hạnh phúc bằng khi xuôi tay nhắm mắt được nằm trong lòng đất mẹ, phải không em? Sao em lại khóc?
Cầu xin em hưởng một mùa Xuân nơi đất khách quê người đầy nắng, nhưng đừng đầy gió, anh mừng.
TUYỀN LINH
_____________
(*) Nội dung bài viết không hư cấu, tác giả còn lưu giữ thư bút của nhân vật nữ.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét