Cách thức để xuất bản một cuốn sách
Bạn
có một bản thảo cần xuất bản. Đừng lo lắng gì cả! Có rất nhiều hình thức để xuất
bản. Nếu bạn là người dư giả về tiền bạc, chuyện này rất dễ dàng. Nếu bạn có thực
tài mà không có tiền, câu chuyện sẽ vô cùng, vô cùng phức tạp.
Khi
đã hoàn thiện bản thảo, việc đầu tiên phải làm đó là bạn phải gửi đến các nhà
xuất bản hoặc các nhà sách để xin phép xuất bản. Tuy nhiên, các nhà xuất bản hiện
nay vốn không có đủ tài chính với kế hoạch xuất bản dàn trải, họ sống bằng tiền
bán giấy phép. Chỉ có một số các nhà xuất bản đủ sức sống trong thị trường sách
hiện nay, như Nhà xuất bản Giáo dục (hiển nhiên, in sách giáo khoa quá bộn tiền),
Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Tri Thức, Nhà xuất bản Hồng
Đức, Nhà xuất bản Phụ Nữ… (Ở đây tôi nói “đủ sức sống”, có nghĩa là họ in sách
và bán sách được ra thị trường chứ không sống bằng bao cấp hay bán giấy phép.)
Vậy nên, có một “cửa sau” hiệu quả hơn đó là các nhà sách như Nhã Nam, Đông
Tây, Alpha Book, Đinh Tị, Thái Hà Book… Chứng năng chính thống của các bên
này vốn dĩ là phát hành, tức là sau khi nhà xuất bản cho xuất bản một đầu sách,
sẽ phân phối cho các bên nhà sách để bày bán. Tuy nhiên, các Nhà xuất bản với
năng lực kinh doanh yếu kém đã không thể đảm nhiệm đúng chức trách của mình. Một
số nhà sách có năng lực kinh doanh, có mối quan hệ với tác giả và dịch giả, đã
đảm nhiệm vai trò như một nhà xuất bản. Câu hỏi đặt ra là, tại sao họ không
chuyển hẳn mô hình kinh doanh sang Nhà xuất bản để có thể đường đường chính
chính về mặt danh nghĩa. Đây là điều khó, bởi luật xuất bản Việt Nam chưa cho
phép nhà xuất bản tư nhân. Mà các nhà sách lại không có quyền cấp giấy phép xuất
bản, thế nên họ buộc phải bằng mọi cách có giấy phép từ các Nhà xuất bản (vốn vẫn
thuộc hệ thống nhà nước).
Việc
thứ hai bạn phải làm đó là… đợi. Nếu bạn bỏ tiền ra để in sách, quá trình “đợi”
sẽ rút ngắn. Bạn chỉ phải đợi giấy phép từ nhà xuất bản. Nếu sách của bạn không
động chạm quá nhiều đến chính trị và tên tuổi bạn chưa vào danh sách đen thì giấy
phép là việc dễ dàng. Bạn sẽ mất từ 1 triệu rưỡi đến 3 triệu để có một giấy
phép, tùy thuộc vào độ dày và uy tín của Nhà xuất bản. Nếu bạn không có tiền, bạn
sẽ phải đợi biên tập đọc một lượt sách, nếu thấy sách có thể bán được và đạt được
thỏa thuận với bạn, nhà sách mới mang đến nhà xuất bản để xin giấy phép. Qúa
trình mất thời gian nhất đó là đợi biên tập của nhà sách duyệt về khả năng bán
được của cuốn sách. Đây là một quá trình vừa mơ hồ vừa nguy hiểm, bởi đội ngũ
biên tập của các nhà sách khá là kém trong khả năng thẩm định và chỉ dựa vào cảm
tính để đánh giá mà không có quy chuẩn. Nếu bạn chịu mất tiền, bạn sẽ qua được
cửa các nhà biên tập kém chất lượng này một cách dễ dàng.
Đó
là hai bước phức tạp nhất, sau đó mọi thứ trở nên dễ dàng hơn ở các khâu sửa chữa,
biên tập, chế bản. Vẫn là câu cũ, có tiền thì mọi việc sẽ nhanh, không tiền thì
bạn chỉ biết đợi. Tôi đã xuất bản 4 cuốn sách ở diện không có tiền, có cuốn mất
2 năm sau khi nộp bản thảo, có cuốn mất 1 năm. Chờ đợi quả thực là dài đằng đẵng
như chờ người yêu. Tập thơ mới nhất, tôi quyết định tự in và tất cả mọi
khâu từ A đến Z như xin giấy phép, thiết kế, chế bản, in ấn… chỉ mất có 3
tháng, trong đó đã mất 2 tuần vì vướng Tết.
Sau
khi sách đã in xong, vấn đề còn lại là làm thế nào để sách tiếp cận được người
đọc. Nếu sách của bạn được các Nhà xuất bản hay nhà sách chọn để xuất bản thì dễ
rồi. Họ sẽ đảm nhiệm việc phân phối đến tất cả các hệ thống trong mối quan hệ của
họ. Họ sẽ rải thông cáo báo chí trên một số website. Tốt nhất bạn nên có nhiều
mối quan hệ trong giới báo chí và phê bình. Bạn có thể ỏn thót nhờ người viết
bài giới thiệu, bài cảm nghĩ (có thể mất tiền hoặc không). Nếu bạn không có mối
quan hệ, lại không có tiền nữa, thì dù tác phẩm của bạn hay đến đâu cũng chẳng
ai quan tâm. Đó là lý do các bên xuất bản sách thường thích các tác giả có
“thương hiệu”, bởi các bên ấy sẽ tận dụng được danh tiếng và mối quan hệ của
tác giả, dịch giả mà không cần tốn tiền cho truyền thông. Tóm lại, nếu bạn có
tiền và có quan hệ để mua người viết bài trên báo chí, tổ chức sự kiện ra mắt
sách, mua quảng cáo… thì sách của bạn sẽ nhanh chóng nổi tiếng dù dở tệ.
Còn nếu bạn viết hay đến mấy, nhưng không có tiền, không có quan hệ thì kể cả
có ra được sách, bạn vẫn chìm nghỉm giữa mớ hổ lốn của thị trường sách Việt Nam
mà thôi.
Thị trường sách như một mớ hổ lốn
Cơ
chế dễ dãi như đã kể trên đã mang lại sự phong phú cho thị trường sách với các
đầu sách đa đạng, được in dồn dập. Thế nhưng, nó lại tạo ra tình trạng vàng
thau lẫn lộn. Tình trạng vàng thau lẫn lộn này đến từ mấy vấn đề tắc trách sau:
Thứ
nhất là sự cấp phép của các nhà xuất bản. Các nhà xuất bản chỉ dựa trên một
tiêu chí duy nhất: không đề cập đến vấn đề nhạy cảm. Trước đây, cái phổ “nhạy cảm”
rất rộng. Nhưng hiện nay, phổ nhạy cảm chỉ gói gọn trong vấn đề chính trị mà
thôi. Trong khi ấy, nhiệm vụ của các Nhà xuất bản còn phải xem xét các vấn đề về
bản quyền, chuẩn tiếng Việt và chuẩn kiến thức. Hiện có rất ít các Nhà xuất bản
còn quan tâm đến vấn đề này khi cấp giấy phép.
Thứ
hai là đội ngũ biên tập hoặc cố vấn nội dung của nhà sách. Hầu như họ không có
chuyên ngành về xuất bản, biên tập hay đánh giá thị trường cũng như năng lực của
người viết. Tất cả đều dựa trên cảm tính hoặc mối quan hệ trong quá trình chọn
lọc sách, thậm chí tệ hơn, khi tác giả bỏ tiền ra để in thì họ cũng không quan
tâm đến chất lượng sách. Hiện không có nhiều nhà sách có đội ngũ biên tập viên
hoặc cố vấn nội dung tốt, nhưng cái “tốt” ở đây vẫn dựa trên việc cảm tính tốt
chứ không đánh giá được thị trường.
Thứ
ba là giới phê bình sách hiện nay không còn viết bằng sự công tâm hoặc sự yêu
thích với sách, mà chỉ viết khi có đơn đặt hàng hoặc bạn bè nhờ vả. Không có giới
phê bình đúng nghĩa, tất cả chỉ còn là các chiêu bài PR sách. Người đọc chỉ có
thể có niềm tin rằng sách được PR càng nhiều thì càng có chất lượng, bởi không
thì tại sao Nhà xuất bản hoặc nhà sách lại bỏ tiền PR. Nếu bạn đọc lại phần
trên sẽ rõ, câu chuyện PR sách không đơn giản như bạn tưởng.
Thứ
tư là do chính người đọc như bạn và tôi. Nếu chúng ta dễ dàng tin tưởng vào những
gì đập vào mắt chúng ta mà không tự rèn luyện, tìm tòi để xây dựng cho mình một
chuẩn đọc riêng, thì chính thói quen đọc sách dễ dãi của chúng ta cũng là tác
nhân gây ra sự hỗn loạn trong thị trường sách.
Cách
đây 1 năm, Ngôn tình – Ném đá Confession và Book Hunter đã
cùng nhau phanh phui sự việc đạo văn của cuốn tiểu thuyết “Thành Kỳ Ý”. Tôi nhắc
lại sự việc này bởi cuốn tiểu thuyết là một minh chứng điển hình của những gì tệ
hại đang tồn tại trong thị trường sách. Tôi sẽ không chê tổng thể nội dung là
hay hay dở, tôi chỉ nhắc đến cái sai hiển nhiên của nó. Ngay từ chương 1 của cuốn
sách, rất nhiều lỗi ngữ pháp có thể được phát hiện từ những câu văn không đầu
không cuối. Và các bạn hãy tưởng tượng những chương sau của sách! Tệ hại hơn,
đây là một cuốn sách đạo văn, không những đạo từ một cuốn sách khác mà
còn từ cả những bài báo du lịch trên mạng. Chưa kể đến các sai lầm về kiến thức
lịch sử, chỉ cần 2 lỗi trên, bạn có thể tưởng tượng nó được Nhà sách Đông A duyệt
đưa vào kế hoạch xuất bản, được Nhà xuất bản Văn học cấp giấy phép, được các
báo tung hô như một tác phẩm tiểu thuyết lịch sử lừng lẫy? Thậm chí, khi
cộng đồng mạng lên tiếng, các báo đưa tin, đơn kiện cả nghìn chữ ký gửi lên Cục
xuất bản, cuốn sách vẫn được lưu hành trên thị trường và sắp tới đội tác giả
“Thành Kỳ Ý’ sẽ cho ra quyển 2.
Thế
đấy, khi bạn ra nhà sách hoặc lên các trang bán sách trên mạng để tìm sách, rất
dễ để bạn trở thành nạn nhân của một thị trường hỗn loạn. Và nếu ai cho rằng
văn hóa đọc ở Việt Nam đang phát triển vì các đầu sách được xuất bản rất đa dạng
thì kẻ đó thật sự không hiểu gì về sách hoặc đang trục lợi từ thị trường hỗn tạp
này. Vậy nên, hãy cân nhắc khi mua một cuốn sách.
HÀ THỦY NGUYÊN
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét