Thử sức trong sự đa dạng về thể loại, đề tài
Trong trường văn trận bút, với nhiệt huyết và đam mê rất trẻ, có thể nói các cây bút trẻ đã thử nghiệm và trải nghiệm hầu hết các thể loại, thể tài. Nguyễn Đức Phú Thọ có thế mạnh về thơ và luôn cố gắng phá bỏ giới hạn quen thuộc để thử nghiệm với hình thức thơ rất mới. Không dừng lại ở đó, Thọ còn trải lòng mình ở thể tản văn. Tương tự, Lê Quang Trạng được đánh giá cao qua những vần thơ đầy chất suy tư nhưng Trạng lại làm người đọc ngạc nhiên với các giải thưởng cao về truyện ngắn, và sau đó ra mắt một tập truyện đầy sức nặng của những câu chuyện kể và cách kể có chiều sâu. Đa dạng hơn là Vĩnh Thông, bắt đầu đến với văn chương bằng những bài thơ học trò, sau đó Vĩnh Thông mạnh dạn khai phá mảng văn xuôi bằng một tập truyện ngắn đầy chững chạc. Khả năng nghiên cứu và những chuyến đi thực tế còn dẫn dụ Vĩnh Thông vào một thể loại rất già dặn so với lứa tuổi của mình là biên khảo. Mới đây, Vĩnh Thông đầy tự tin giới thiệu một tập tản văn nóng hổi mới phát hành.
Không chỉ thử sức mình ở nhiều thể tài, thể loại, các cây bút trẻ còn thể nghiệm ở nhiều đề tài phong phú đa dạng và mới mẻ. Điều đáng trân trọng là mặc dù thị trường và thị hiếu đọc của đa phần bạn trẻ là loại sách viết về những tâm sự vu vơ, những triết lý tình yêu vụn vặt hoặc giả những đề tài gây sốc, những câu chuyện ngôn tình ướt át… nhưng vượt lên trên những quyến rũ mê hoặc đó (sự nổi tiếng nhanh chóng với lượng sách phát hành lý tưởng), các cây bút trẻ An Giang đã mạnh dạn tìm đến những đề tài mới lạ, hoặc làm mới những đề tài tưởng chừng đã cũ.
Nguyễn Đức Phú Thọ đã từng tâm sự “Xuất phát điểm của bất kỳ người viết nào cũng thường chọn viết về những gì quen thuộc, gần gũi với mình…Nhưng trên cánh đồng mà chúng ta cứ lăm lăm cày ải hết mùa này qua mùa khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác thì dẫu có màu mỡ, phì nhiêu đến đâu, đất ấy rồi cũng sẽ bạc màu, khô kiệt…”. Từ suy nghĩ đó, Thọ và những cây bút như mình đã bình tâm chọn một hướng đi tử tế, giàu ý nghĩa nhân văn, có giá trị lâu bền. Đó cũng là hướng đi của Vĩnh Thông, của Lê Quang Trạng khi đề tài về tình yêu, về quê hương trong trang viết của họ cũng rất khác lạ so với nhiều bạn viết trẻ cùng thời. Cũng những vấn đề muôn thuở là số phận con người, đặc biệt là con người Nam bộ, được phản ảnh qua cái nhìn vừa trẻ trung tươi mới vừa già dặn nhiều trăn trở suy tư, vừa tò mò hiếu kỳ nhưng cũng đầy khát khao khám phá, vừa lý trí phân tích nhưng cũng hết sức đa cảm và nhân hậu.
Bề dày và sâu của tri thức, văn hóa
Cả ba cây bút trẻ nói riêng và hầu hết các gương mặt trẻ của văn học An Giang nói chung đều có một nền tảng học vấn chắc chắn bài bản từ trường lớp (đã và đang là sinh viên sư phạm Ngữ văn, ĐHAG và sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, TPHCM). Chính điều đó đã mang đến cho các cây bút trẻ không chỉ là những thành quả nhất thời mà hứa hẹn đường văn chương của họ sẽ bền bỉ, vững chắc và lâu dài. Điều đó như một sự xác tín chắc chắn khi các cây bút trẻ rất ý thức tự học, tự bồi đắp kiến thức cho mình qua thú vui tao nhã là đọc sách. Sự đam mê đọc sách, nói cách khác, văn hóa đọc rất dày dặn của họ đã làm nên chiều sâu trong trang viết.
Nguyễn Đức Phú Thọ đã từng chia sẻ “để mở rộng tầm nhìn và suy nghĩ, tôi vẫn luôn dành thời gian học hỏi từ các môn nghệ thuật khác, như âm nhạc, hội họa, điện ảnh… Các trào lưu hay phương tiện mới để sáng tác giữa các bộ môn nghệ thuật ít nhiều có sự ảnh hưởng, tác động qua lại…”.Lần giở từng trang tác phẩm biên khảo của Vĩnh Thông, những kiến thức địa lý, lịch sử, văn hóa, con người của không chỉ ở địa phương tác giả sinh ra lớn lên mà còn cả những miền đất khác, những không gian khác. Nếu không đọc nhiều, không say sưa nghiên cứu tìm hiểu để tích trữ cho mình một vốn kiến thức uyên thâm, hẳn Thông sẽ không viết được như thế. Với một cây bút trên dưới 20 tuổi, đó là một minh chứng cần nhân rộng về văn hóa đọc. Lê Quang Trạng lại có một môi trường thuận lợi khi học sư phạm Ngữ văn. Để phục vụ cho các môn học chuyên ngành, đồng thời để dung nạp vốn kiến thức làm hành trang cho nghề nghiệp, Trạng đọc tác phẩm văn hóa, văn học, triết học, lý luận… từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim, nói theo Trạng là đọc nhiều để có thêm động lực viết và để biết mình đang đứng ở đâu?
Sống sâu với đời, trải nghiệm, dấn thân qua những chuyến đi
Không chỉ ngồi trong phòng học, thư viện với những chồng sách vở đậm tính lý thuyết màu xám xịt, các cây viết trẻ vẫn rất trẻ với khát khao ngao du, trải nghiệm thực tế cho trang viết của mình đậm đà hơi thở đời sống, tươi mới không khí cuộc đời. Những chuyến đi thực tế, tự đi tự ngẫm, sống sâu với đời, những cuộc dừng lại bên đường nhâm nhi phiếm đàm trà dư tửu hậu với nhiều đối tượng, tầng lớp khác nhau, đặc biệt là những bậc bô lão, những người từng trải già dặn kinh nghiệm. Họ như những pho từ điển sống đã giúp các cây bút trẻ tích lũy vốn sống, nắm bắt và cất giữ nhiều chi tiết đời thường, khơi gợi và kích hoạt thêm nhiều cảm hứng cho những trang viết mới.
Có thể nói chất trẻ của các cây bút trẻ chính là ở đây. Là một người trẻ, bạn đã rất cần khoác ba lô lên và đi để có những chuyến trải nghiệm quý giá, để có cơ hội áp tai vào cuộc sống, lắng nghe và thấu hiểu cuộc đời cũng là cách để khám phá tìm hiểu chính mình. Là một nhà văn trẻ, thì nhu cầu được đi nhiều, sống nhiều càng phải là một đòi hỏi bức thiết. Những chuyến đi đã và sẽ là động lực cho các cây bút luôn làm mới mình trên trang viết. Những trang đời sống được “chụp” lại, được “thu” lại để nhà văn chưng cất thành những tác phẩm tươi rói chất đời. Cả Phú Thọ, Vĩnh Thông và Quang Trạng đều là những người thích đi, ham đi, mê đi. Đi để sống và đi để viết, họ có đầy đủ tố chất trẻ trung tràn đầy sinh lực của tuổi thanh xuân để làm điều đó và đã làm rất hiệu quả. Những tác phẩm mới hừng hực hơi thở đời sống của họ đã nói lên tất cả.
Ý thức trách nhiệm với ngòi bút, đam mê và tràn đầy cảm hứng trên trang viết
Các cây bút trẻ khi bắt đầu nhận ra tác phẩm của mình được người đọc đón nhận thì cũng là lúc ý thức về ngòi bút của mình càng rõ rệt hơn. Đó không chỉ là ý thức công dân mà còn là ý thức của một người cầm bút, có trách nhiệm với trang viết. Họ muốn làm mới mình, muốn có những trang viết tử tế, muốn mang những thông điệp nhân văn đến cho cuộc sống, muốn tác phẩm của mình có một sức tác động nào đó đến cuộc đời. Đó là những mong muốn nghiêm túc, chính đáng.
Như Lê Quang Trạng sợ ngòi bút của mình sa vào lối viết cũ, hay ảnh hưởng quá nhiều từ lớp người đi trước, vào những nhà văn mà mình ngưỡng mộ thần tượng, hoặc chưa thoát ra được những hình ảnh, câu chữ cũ. Rằng “Văn học cũng như đời sống, luôn vận động đổi mới. Người viết cũng cần phải theo kịp với sự phát triển của xã hội và tìm ra giọng điệu mới, để lại ấn tượng của cá nhân mình. Người viết trẻ cần học hỏi, cầu thị, khó tính với chính mình, kỹ tính với sáng tạo thì tác phẩm mới có thể đọng lại lâu dài trong lòng độc giả”. Suy nghĩ ấy của một người viết trẻ thật đáng trân trọng.
Còn với Vĩnh Thông, quan trọng là mình viết như thế nào, giá trị tác phẩm không chỉ khi ta trực tiếp thưởng thức, mà là sau đó để lại dư vị gì trong tâm trí độc giả, mỗi một sáng tác phải mang thông điệp hay ý nghĩa riêng, phải có sự tác động đến tâm hồn người đọc… Theo tác giả, người viết trẻ cần làm mới trang viết của mình, tìm tòi khai thác những đề tài mới và quan sát những điều quen thuộc với góc nhìn mới. Mỗi trang văn là một trang đời mà qua đó người đọc có thể tìm thấy và trân trọng thêm những giá trị của cuộc sống. Quan niệm nghệ thuật đó của một nhà văn chân chính đã rất đúng đắn, nhưng của một người viết trẻ, rất trẻ thì quan niệm ấy lại càng đáng quý biết bao.
Cái Tôi đầy suy tư, chiêm nghiệm nhưng cũng vô cùng nhạy cảm
Tuy nhiên, những ý thức nêu trên, bao gồm cả trách nhiệm của một nhà văn – công dân không làm cho các cây bút trẻ mất đi bản sắc riêng. Hành trình văn chương của họ cũng là hành trình đi tìm và khẳng định cái Tôi của mình, đặc biệt là trong những thể nghiệm về thơ của Phú Thọ, của Quang Trạng, của Vĩnh Thông.
Thơ Phú Thọ có sự kiêu hãnh, tự do của bao la hình ảnh nhưng cũng đầy chênh vênh trên con đường tìm ra chính mình, nhận diện những gì đặc trưng của thế hệ mình. Ta tìm mãi chiếc hôn đầu gãy vụn/ Giọt môi xưa khát lửa mơ màng/ Ôi, những giấc mơ dài quá đỗi/ Mùa thu vừa xiêm áo sang ngang.../ Ta ở lại phía mây ngàn gió rộng/ Tìm gọi tên quên nhớ bên trời/ Như chiếc lá đứt lìa cuống mỏng/ Vẫn yêu người trong lúc đang rơi...” (Tìm).
Thơ Vĩnh Thông già dặn, sâu sắc với nhiều hình ảnh ấn tượng, nhiều câu thơ dụng công. Không sa đà vào cuộc chơi chữ nghĩa đôi khi tân kỳ mà kiểu cách, sự chọn lọc từ ngữ và chắt lọc chi tiết trong thơ Vĩnh Thông đã cho thấy một cái Tôi đàng hoàng, chững chạc, tự tin. Chiều mưa rót rượu mời sông/ Nghe lông bông nhớ, nghe lòng vòng thương/ Quắt quay cạn chén miên trường/ Mở hai hàng nước khóc thương mắt tròn/ Và mình ta với héo hon/ Và hơn tí nữa/ với con đường gầy/ Tìm mây lại bắt gặp mây/ Trò chơi chỉ thế, nhạt ngày tháng trôi/ Một mình, ta lại mồ côi/ Buồn vui trút hết phai phôi vô thường/ Hoa mù sương, mưa mù sương/ Đừng ai níu kéo nẻo đường ta bay! (Nẻo đường ta bay)
Cũng giọng điệu chững chạc đường hoàng và tự tin như thế nhưng thơ Lê Quang Trạng mang đến những thi ảnh bất ngờ, những suy tư tưởng chừng phi lý mà lại rất có lý, khơi gợi sự liên tưởng, tiệm cận sự đa nghĩa, điều không dễ có ở những cây bút mới (Nhà thơ Hữu Việt). Tôi gửi một lá thư/ không đề tên người gửi/ tên người nhận là tôi/ trên đường về/ chợt nhớ mình vừa bỏ quên cái bóng lại trong thư/quên, có đề đúng tên mình hay không/ quên, con tem hình gì/quên, nỗi buồn màu gì trong dấu chấm đặt cuối dòng địa chỉ/ Nằm nghĩ, nó cũng chỉ là một lá thư/ ba ngày sau thư đến/ đó là một lá thư mới/ của một người lạ gửi/ họ không đề tên người gửi/bóc thư ra/ thấy con chữ nảy mầm/ màu của nỗi buồn hóa phù sa gốc rạ/ dấu chấm cuối dòng địa chỉ là một cánh đồng. (Thư cho mình)
Độc giả đều có thể tìm thấy ở Thọ, ở Trạng và ở Thông những phong cách thơ rất riêng, rất nét. Ở đó, thế giới cái Tôi của các bạn vẫn giữ những bản sắc riêng, dào dạt và sâu sắc, suy tư chiêm nghiệm nhưng rất nhạy cảm và đa cảm. Điều đó hứa hẹn những triển vọng của các cây bút trẻ tiêu biểu của văn học An Giang mà bạn đọc yêu văn chương có quyền chờ đợi, mong mỏi và kỳ vọng.
Trần Tùng Chinh
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét