Đã tối mịt mới
thấy nó mò về, vừa ngớt thấy bóng tôi, cái bộ dạng trông vừa thất thểu lập tức
tỏ ra như hừng hực sức sống khẽ tặc lưỡi:
- Tết
tư nên hàng về nhiều quá chị, chạy không kịp thở - Rồi chưa kịp cởi chiếc áo đầy
mồ hôi bốc mùi, nó vội liếc nhìn đồng hồ - Mười giờ hơn rồi sao chị còn chưa ngủ?
Mai lại đi làm sớm!
Nói đi làm sớm
nhưng kỳ thực tôi vẫn còn đi làm trễ hơn nó cả tiếng đồng hồ, người vất vả là
nó! mà lúc nào cũng xem tôi như người vất vả hơn.
Hôm nay tôi cố gắng
ngủ trễ để đón nó một bận. Tôi bới cho nó một tô cơm rồi định hâm lại cho nó mớ
đồ ăn thì nó vội cản:
- Khỏi
mất công chị, em ăn thế này cũng ngon phải biết. Gớm, hôm nay chị gái mình lại
thức để chuẩn bị cơm cho mình cơ đấy.
Tôi liếc vội bát
cơm trên bàn, tôi có làm gì đâu, đồ ăn cũng là nó tranh thủ trưa được nghỉ một tiếng
ít ỏi đi chợ rồi về nấu, để đó tôi đi làm về ăn. Bửa ăn nấu từ sáng nên giờ cơm
canh nguội hết hẳn. Mỗi ngày nó đều chỉ ăn cơm nguội canh lạnh như vậy. Cho tới
giờ tôi vẫn luôn nợ nó vô vàn lời xin lỗi và cảm ơn dù nó luôn ngăn không cho
tôi nói ra vì nó cảm thấy giữa tình chị em nếu đan xen những sự khách sáo thì sự
yêu thương đùm bọc bỗng trở thành những điều sáo rỗng
Tôi còn nhớ lũ trẻ chúng tôi ngày ấy luôn mong
chờ đến tết, không chỉ được xúng xính trong những bộ quần áo mới mà còn được
nghỉ học được nhận lì xì. Nhà tôi khi ấy cũng không hẳn là khá giả lắm, ba má
chỉ đủ tiền chuẩn bị tết đơn giản. Chỉ vài thứ cho có không khí tết. Một chậu tắc
nhỏ để trước bàn thờ gia tiên, một dĩa ngủ quả… cho có không khí tết. Nhưng tôi khi ấy chỉ là
một đứa trẻ, và đứa trẻ thì hay vòi vĩnh và dễ cảm thấy tủi thân khi không bằng
bạn bè. Dù rằng có thể đó chỉ là những lời ngụy biện vì một đứa trẻ ngoan thì
phải biết nghĩ suy cho hoàn cảnh gia đình lúc ấy nhưng kỳ thực tôi còn nhỏ quá,
lúc nào tết đến cũng phải vòi ba má mua cho bộ quần áo mới. Nếu chắt bóp thì ba
má tôi cũng có thể mua được một bộ nhưng vì vốn công bằng nếu đã mua cho tôi
thì cũng phải mua cho nó để hai chị em khỏi ai so sánh thiệt hơn, nhưng hai bộ
thì quả thật không kham nổi. Tôi nhõng nhẽo khóc váng cả bữa ăn, giở thói trẻ
con bỏ bữa, làm mình làm mẩy, tôi đó tôi thấy nó lại gần má nói nhỏ:
- Hay
má cứ mua cho chị đi, con đâu cần quần áo mới làm gì.
- Nhưng
con chỉ toàn mặc lại đồ cũ của chị.
- Đồ cũ
của chị nhưng là đồ mới của con mà má, cũng là quần áo mới.
Nói xong nó cười
hì hì một cách vô tư. Cái vô tư trẻ con của nó và cái trẻ con ích kỷ của tôi khác
nhau một trời một vực. Tôi nhớ như in lúc ấy tôi đã khóc nức nở, vì cảm động,
vì bất lực, vì cảm thấy khinh thường cảm xúc trẻ con của chính mình.
Nhưng thực ra
quyết định trọng đại nhất lại là khi chúng tôi thi đại học. Ba lâm vào bạo bệnh,
trụ cột chính trong nhà đổ ập vì một cơn tai biến, gánh nặng oằn vai má, khi ấy
tôi chuẩn bị bước vào năm học đầu tiên. Đối với tôi, đại học là cánh cửa ước mơ
mà tôi ấp ủ bấy lâu, tự nhiên tôi cảm thấy đất trời như đổ sụp, nhưng tuyệt
nhiên tôi không hề nghĩ tới việc nghỉ học. Tôi ỷ lại vào gia đình, tôi ích kỷ
nghĩ tại sao mọi khổ sở đổ vào mình và ngang bướng không chịu nghĩ cách. Còn
nó, không do dự nó quyết định nghỉ học bảo lưu kết quả, và tối đó nó chắc nịch
nói với cả gia đình suy nghĩ của mình, nó muốn nghỉ học để kiếm việc làm, trang
trải kinh tế trong nhà và lo cho tôi đi học. Tôi đã trốn tránh không nghĩ tới
nó cũng như tôi, cũng ước mơ tràn trề nhưng gác lại phía sau chỉ vì tôi. Nó đi
làm suốt ngày đêm, mỗi khi thấy tôi học bài khuya và nom thấy nó mệt nó lập tức
cười xòa:
- Em
còn trẻ khỏe chán, chị phải học thật tốt sau này lo lại cho em đấy.
Và cứ thế nhờ
cũng thông minh nhanh nhạy tôi tốt nghiệp dễ dàng với tấm bằng giỏi, nhờ tháo vát
tôi nhanh chóng thăng tiến trở thành một cô nhân viên văn phòng ngồi máy lạnh,
công việc đơn giản, lương rủng rỉnh. Thi thoảng tôi có cho nó tiền thì nó đều cất
để đó chứ không xài hoặc gửi lại ba má để trang trải bữa ăn. Nhưng tôi luôn làm
điều có lỗi với nó, có lẽ vì ỷ lại được nó bảo bọc.
Đó là vào những
ngày tết, chúng tôi có nhiều bạn chung vì tuổi xấp xỉ nhau, tết nghỉ thì bạn bè
cũ hay hẹn hò café rồi nói về năm qua như thế nào. Đám bạn tôi ai cũng thành
công và tôi cũng thế, nhưng khi người ta hỏi về nghề của nó tôi đã chần chừ.
Làm sao tôi có thể nói em gái một trưởng phòng lại làm việc ở một tiệm giày?
Nhìn thấy suy nghĩ vụt qua trong mắt tôi nó cười trừ lãng qua chuyện khác. Chuyện
tưởng như kết thúc đơn giản nhưng tôi ân hận cả những tháng năm sau này. Nếu
năm đó nó không nghỉ học chỉ vì tương lai của tôi thì có lẽ bây giờ nó không phải
vất vả tay chân như vậy. Nếu năm đó không vì gia đình gặp biến cố và với cái xã
hội ngày nay khi không có nổi tấm bằng thì thực lực không là gì cả như thế này
thì người phải làm đầu tắt mặt tối có khi lại là tôi, Nó chưa bao giờ đòi hỏi
tôi bất kỳ điều gì vậy tại sao tôi lại khinh thường nghề nghiệp của nó? Tôi thật
tồi tệ.
Cho tới giờ em
tôi vẫn luôn làm đủ nghề để sống, nó chưa bao giờ mở miệng nhờ tôi xin vào làm
chung vì sợ tôi xấu hổ khi có một người em không bằng cấp. Có lẽ việc năm đó ít
nhiều để lại dấu ấn trong lòng nó và vốn là một đứa biết nghĩ nó không muốn tôi
khó xử. Từ bé đến giờ nó không bao giờ đòi hỏi tôi bất kỳ điều gì, tất cả chỉ
là sự hi sinh. Như cả khi có giai đoạn tôi gặp khó khăn trong việc làm và phải
nghỉ một thời gian, tôi bất lực và tự trách mình, để sống qua những ngày tháng
đó và chạy vạy việc làm mới, nó đã đưa ra cho tôi một cái bọc và thỏ thẻ:
- Tiền
chị cho em với tiền em dành dụm cũng được nhiêu đây, không nhiều nhưng tạm ổn để
chị “chạy” công việc mới, khởi đầu như thế đã, em tin rồi chị sẽ làm tốt thôi.
Và tôi biết dù
giờ tôi đã ổn định với công việc mới nó vẫn luôn cất những khoản tiền tôi cho
như một “khoản để dành” cốt chỉ để tôi và gia đình khi cần thì dùng đến.
Tết lại về, xuân về khiến nó vui hơn hẳn, vẫn
như ngày còn nhỏ, dù tôi chỉ làm chút việc vặt, chạy sắm được cho nhà một chậu
tắc to trong khả năng, nó đã trầm trồ tán thưởng cứ như tôi đã làm việc gì vĩ đại
lắm. Tết năm ấy chúng tôi lại hẹn hò bạn bè, nó chối đi vì lại sợ tôi khó xử
khi ai đó hỏi về nó nhưng tôi vẫn dẫn nó đi. Vẫn không tránh khỏi được câu hỏi
đó, nhưng lần này tôi, đột nhiên dâng lên niềm tự hào không rõ: ”Nó làm ở một
tiệm giày, nếu bữa nào tụi bây rảnh ghé qua ủng hộ”. Nó và cả đám bạn đều nhìn
tôi và khác với suy nghĩ của chúng tôi, cuộc nói chuyện vẫn rôm rả. Kỳ thực, nếu
mình tự hào về nghề nghiệp của mình sao phải giấu, chung quy mặc cảm hay không
cũng ở mình mà ra. Mà tôi quan tâm chi người ta nghĩ gì, quan trọng nó là em
tôi, và dù nó làm gì, tôi luôn tự hào về nó.
Lê Hứa Huyền Trân
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét