Gã lái xe chạy quanh quẹo qua các ngõ phố, ra đến quảng trường
Lâm Viên thì nghe đầu óc choáng váng nên dừng lại, cố dắt xe lên để
bên phần lề đường dành cho người đi bộ rồi ngồi xuống bờ cỏ nghỉ.
Lơ đãng nhìn mặt Hồ Xuân Hương lấp lánh như rắc vạn hạt kim cương trong
cái nắng xế trưa chiếu rọi, gã thấy đẹp thiệt. Gã lại chăm chú ngó
Thủy Tạ và những ngôi biệt thự bên kia hồ xây cất
giống như so le, mái trồi, mái sụt, cái thấp, cái cao soi trong sóng
nước nhẹ chao, cứ như lật ngược, lắc lư giống gã đang say một cách thích thú. Gã nhớ vừa rồi
mình đã bặm chặt môi thật đau để biết còn tỉnh táo. Vậy mà mấy
lần bánh xe máy gã cứ chạy xiên xẹo suýt va vào người đang đi trên
đường.
Đà Lạt bây giờ đang cuối giêng, tiết xuân vẫn còn đầy, vẫn còn
tháng của ăn chơi nên du khách thập phương vẫn đỗ về chật ních tham
quan chốn ngàn hoa thơ mộng. K’ Bé là dân thổ địa ở K’Rèn, cách Đà
Lạt chừng mười mấy cây số nào có xa xôi gì. Sáng nay lên thăm bà con
ở Trại Mát, gặp anh em, bạn bè, nhất là đám bạn thân học chung
trường thời cấp 1, cấp 2 từ Lạc Dương cũng tụ về. Thế
là mừng đầu năm, mừng họp mặt sau thời gian xa, mấy anh em, bè bạn
ngồi lai rai, cưa hết một vò rượu cần to bự chảng. Lúc tiệc tàn,
thấy K'Bé chếnh choáng, đám bạn ân cần mời ở lại chơi, mai tỉnh
rượu hẳn về. Gã biết mình say, nhưng nghĩ thầm ở lại chi cho phiền
phức, vả lại từ đây về tới K'Rèn đâu có xa chi.
Liêu xiêu chạy qua ngã tư Kim Cúc rồi đến ngang bến xe Phương Trang
thì rượu thấm dần. Loáng thoáng thấy đội tuần tra cảnh sát giao
thông đang đứng chốt đầu đèo. K’Bé chột dạ nhưng gã tự trấn an: Mình
lớn tuổi, chắc công an sẽ không để ý chẳng hỏi han làm gì, nên anh ta
kéo lại khẩu trang che kín mặt chỉ để lòi hai con mắt, thản nhiên
chạy. Vừa tới gần anh cảnh sát đứng phía trước đang huơ huơ dùi cui
ra hiệu chặn dừng một cặp thanh niên đang chạy phía sau không đội mũ
bảo hiểm. Tưởng anh công an kiểm tra mình, gã hoảng hốt, quýnh quýu,
thế là bánh xe trước cán lên bàn chân giày anh công an đang làm nhiệm
vụ.
- Anh này mắt mũi ngó đâu? Chạy xe gì kỳ vậy ? - Anh giao thông hơi phàn nàn.
- Dạ ! Xin lỗi cán b..ộ… mình, mình…
Nghe giọng lắp bắp, cà lăm, hơi rượu phả nồng nặc anh công an buộc
gã xuống xe, dắt tấp vô lề để kiểm tra nồng độ. Ban đầu K'Bé cố phân
trần, năn nỉ, nhưng anh cảnh sát giao thông cương quyết đề nghị kiểm
tra, K’Bé hoảng, đưa mắt nhìn chung quanh xem thử có ai quen để cầu
giúp đỡ. Hai thanh niên không đội mũ bảo hiểm, tranh thủ lúc hai người
đôi co rú ga tưởng thoát, cũng bị đội tuần tra chặn lại.
K’Bé lo sợ bị phạt nhiều tiền, nhất là bị giam bằng lái mấy
tháng thì cụt giò. Đang cuống cuồng thì gã thấy Tiến, con trai thím
Năm ở cùng dưới thôn đang làm nhiệm vụ trong đội chốt giao thông. Mừng
như bắt được vàng, K’Bé chạy lại .
-Ủả ? Tiến hả. Nhờ em nói giúp cho, anh bị anh công an kia giữ xe,
em giúp giùm một tiếng . Nhìn K’Bé mặt đỏ như mào gà, giọng nồng
nặc, Tiến biết là khó có thể giúp được gì, sợ mất lòng, Tiến vẫn đến bên người đội trưởng xin
xem xét, giúp đỡ, nhưng người đội trưởng mỉm cười lắc đầu.
Từ bữa vét hết tiền trong ví để nộp phạt vì vượt quá nồng độ
cồn. Các anh công an còn buộc gã vào quán nước bên đường ngồi nghỉ,
đợi giải bớt rượu mới được đi. K’Bé tức anh ách. Tự trách mình,
đám bạn bè và bình rượu cần trưa hôm đó thì ít, mà trách và thậm
chí căm ghét Tiến ra mặt. Anh ta nghĩ Tiến là con người không có trái
tim, vô cảm, không tình làng, nghĩa xóm gì sất, thấy hoạn nạn không cứu, không giúp đỡ.
Mỗi chiều hết ca trực, xong việc tại cơ quan, Tiến về thường ngang
nhà K’Bé. Nhiều lần gặp, Tiến mỉm cười chào nhưng gã giả bộ ngó
lơ. Hôm mẹ Tiến sang nhà mời hai vợ chồng mai sang dự giỗ, ngày kỵ
cơm của cha Tiến. K’Bé bỏ vô phòng không thèm tiếp. Thấy thái độ
khiếm nhã của chồng, vợ gã chạy ra xin lỗi. Khi mẹ Tiến về, chị vợ
gạn hỏi chồng và tỏ mọi việc, bảo chồng sai, trách oan chú Tiến,
làm mất tình nghĩa xóm. Lúc đầu K’Bé còn bảo thủ, cố cãi chày
cãi cối với vợ, nhưng khi đứa con trai đi học về nghe cha mẹ to tiếng,
rõ sự việc, nó ủng hộ ý kiến mẹ, khuyên cha không nên cực đoan, cố
chấp.
Trong bữa tiệc giỗ, Tiến khui chai vang Đà Lạt ân cần rót mời
từng người đến dự, khi bưng ly rượu mời K’Bé thì anh ta hất tay không
cầm. Bà con ngồi trong bàn ai nấy ngạc nhiên. Có người biết sự việc trêu
gã: K’Bé cai rượu lúc nào mà giỏi vậy ta? Và đùa: Chắc dân làng
K'Rèn mình sắp có chuyện lớn rồi bà con ơi! Kha kha kha.
Thấy anh em trong mâm chọc ghẹo mình, K’Bé nói lẫy:
- Thằng Tiến nó mời rượu là ác ý, cố tình gài độ mình ra
đường cho công an giao thông của nó hốt xác mình, chứ tốt lành gì đâu
.
Mọi người lại cười ồ: Ai biểu uống rượu mà lái xe ra đường làm
chi cho công an hốt? Không những gây tai nạn cho mình, mình chết, khổ
cho gia đình, vợ con mà còn gây họa cho người khác. Nhà nước nhắc
nhở: Đã uống rượu bia thì không lái xe là đúng chứ đâu có cấm uống
rượu ở nhà .
Mỗi người một tiếng, tranh cãi chuyện rượu chè. Phe bảo thủ của
K'Bé ít. Nhưng luôn chỉ trích nhà nước làm chưa đúng. Chê công an giao
thông thế này thế nọ. Hỏi chưa đúng chỗ nào, thế này thế nọ là sao
thì chịu, không nói được. Còn phe tiến bộ của dì Ba, em vợ K'Bé thì
đông, điềm tĩnh phân tích tác hại của rượu, bia. Chị Bảy ngồi bên
kể: Nào, thì mới hôm qua tại đèo thác Freen, lái xe bảy chỗ tông
chết hai người khi uống rượu bia, không làm chủ tay lái. Tuần trước cũng
ở ngã ba Phi Nôm, xe tông chết 4 người cũng do quá chén…
Thấy hai phe cứ tranh cãi hoài sẽ mất vui, mất niềm hòa khí,
nhất là trong ngày kỵ cơm của cha Tiến. Nãy giờ gìa làng K’Diêu vẫn
im lặng ngồi nhâm nhi, thưởng thức cốc rượu vang thơm lừng của xứ
ngàn hoa, đành lên tiếng:
- Thôi. Xin mọi người nâng ly, chia sẻ cùng gia chủ, tưởng nhớ ngày
mất của người quá cố. Chuyện rượu thì còn dài, còn nhiều ý kiến,
rượu thì lắm cung, nhiều bậc. Tiên tửu có, thường tửu có, cả tục
tửu và cuồng tửu nữa. Cũng rượu, nhưng Lý Bạch, Lưu Linh khác nhau
một trời một vực. Không rượu thì: Nam vô tửu như kỳ vô phong. Rồi: Vô
tửu bất thành lễ. Có rượu thì: Tửu nhập tâm như hổ nhập lâm. Cả
tửu nhập, ngôn xuất... Rượu còn tác hại đến sức khỏe, ung thư, bệnh tật… còn nhiều
khê lắm. Để góp vui bữa rượu, cho phép tôi được kể câu chuyện.
Mọi người trong nhà đều lặng im.
Xưa, xưa lắm, có một anh dân bản mang gùi vào núi tìm củ, măng
rừng để nuôi sống gia đình khi mùa màng năm đó hạn hán, mất trắng,
cả dân làng đói khát. Khu rừng nơi anh trai bản sống cũng còi cọc,
khô cháy, nên anh ta đi từ hừng mai đến quá trưa vẫn chưa tìm thấy đọt
măng, củ quả gì cả . Bụng đói cồn cào dưới cái nắng như thiêu đốt,
anh ta dè sẻn hớp từng ngụm nước mang theo cho bớt cơn đói khát. Khi
ngó trời đã xế chiều, nắng võ vàng, yếu ớt, rệu rã bu bám trên
ngọn cỏ, cành cây. Biết không có gì để tìm nữa nên đành vác xà gạc
quay về bản. Đang cặm cụi lê từng bước mỏi xuống chân núi thì anh ta
nghe một giọng dữ dằn ngân vang:
- Này gã kia! Ngươi đi đâu mà vội thế. Sao mặt
mày buồn thiu vậy?
Anh ta giật mình đứng lại nhìn dáo dác tìm nơi phát ra tiếng
nói. Khi thấy một sơn nữ xinh đẹp, mặc bộ váy kết bằng lá rừng che
kín thân hình trắng như trăng ngồi trên tảng đá bên kia dốc thì hoang
mang.
-Tui... tui đi kiếm măng và củ rừng về
ăn... ăn đỡ đói, nhưng không có - Anh ta hơi run, gượng trả lời.
- Giữa mùa khô hạn như lửa cháy làm gì còn tre
măng, trái, củ mà tìm kiếm cho tốn công.
Cô gái nói xong cười vang rồi đột nhiên đanh giọng:
- Chưa một ai gặp ta. Chưa ai dám nhìn ta, nói chuyện với ta. Hôm
nay nhà ngươi được thấy ta thì chỉ có hai con đường thôi. Một là chết. Hai là…
Tiếng "chết " vừa dứt thì không biết có phải ngẫu nhiên trùng
hợp mà cả khu rừng bỗng xao xác nỗi cơn gió mạnh như lốc xoáy. Gã
trai bản hoảng sợ vội chạy nấp vào bên tảng đá. Tiếng cô gái lại
vọng sang:
- Ha ha ha. Nhà ngươi trốn nấp làm gì ? Nếu muốn sống thì hãy chọn một trong ba điều kiện:
- Thứ nhất, ngươi phải tự sát - Thứ hai, ngươi phải về giết vợ, con của ngươi-
Thứ Ba…
Tiếng sơn nữ chợt im. Cả khu rừng như chùng xuống chờ đợi.
Thấy bốn bề đột nhiên im lặng. Anh ta cũng nổi da gà, nghe rờn
rợn sống lưng, sốt ruột lên tiếng:
- Thế còn điều kiện thứ ba?
- Ha ha! Đừng nôn nóng. Điều kiện thứ ba ư? Ta sẽ
cho ngươi một thứ nước rất quý và thơm ngon, ngươi đem về uống, nhưng
nhớ lời ta là uống ít, chừng mực, không lạm dụng thái quá! Ngươi
uống vô sẽ thấy tâm hồn hưng phấn. Cơ thể bớt mệt mỏi. Quên những lo
toan, buồn phiền. Nào! Ngươi hãy chọn đi!
Dù hậu đậu, khờ khạo cách mấy chăng nữa gã trai bản cũng không
cần suy nghĩ. Bởi tự nhiên có được thứ nước quý, uống vô hưng phấn,
quên hết mệt mỏi… mắc gì không nhận. Ai dại gì đi giết vợ, con.
Dại gì tự sát kia chứ?
- Tui chọn điều kiện sau cùng.
- Ha ha ha. Tốt. Rất tốt! Ngươi bước lại hốc đá, bên
trái ngươi mươi bước sẽ thấy một hũ nước ta chưng cất để dành dưới
lớp lá. Hãy mang về dùng. Có cả công thức pha chế dành tặng riêng
ngươi. Nhưng hãy nhớ lời ta, không nên lạm dụng nó. Hãy nhớ kỹ điều
đó!
Rừng bỗng ngưng gió như chưa hề có gì xảy ra. Bóng sơn nữ cũng
biến đâu mất tăm. Cả đại ngàn lặng phắc như tờ, chỉ tia nắng cuối
ngày đang hấp hối nghiêng ngã trên ngọn cây, đọt cỏ. Gã trai làng bán
tín, bán nghi đứng dậy, rụt rè rẽ trái mươi bước như lời dặn thì
gặp một hốc đá nhỏ. Gã phân vân cúi nhìn một lát rồi đưa tay bốc
một đống lá khô lâu ngày đang đậy bên trên, chợt mồm há hốc khi nhìn phía dưới thấy một bình sứ, đậy kín
nắp. Hồi hộp, gã sè sẹ ôm bình sứ lên ngắm nghía rồi rung lắc nhẹ,
nghe tiếng nước rột roạt bên trong, gã biết mình không phải nằm mơ,
biết mình hữu duyên được Tiên nữ vừa ban tặng bình nước quý, nên vui mừng,
cẩn thận bỏ vào gùi, quày quả xuống núi.
Gã trai bản nhớ hoài hương vị lần đầu tiên khi uống thử cốc nước
trong veo như nước mắt cô Tiên ấy. Thơm phưng phức, thơm nồng nàn đến
lạ. Những ngày đầu gã rót uống rất chừng mực, không phải gã nhớ
lời sơn nữ dặn đâu mà gã sợ hết. Gã cũng tự thừa nhận là cả ngày
làm mệt mỏi ,chiều về uống một cốc nước ấy trước bữa cơm nghe tâm
hồn sảng khoái, phấn chấn. Dường như mọi ưu phiền, lo toan tan biến.
Có một điều mà gã cảm thấy thích thú xen lẫn nỗi lo là càng
uống càng ghiền không thể bỏ được. Càng uống tâm hồn càng lâng lâng,
bồng bềnh bay bổng như kẻ mộng du, đôi khi không làm chủ được mình.
Hết bình nước quý của tiên nữ tặng, gã thất thểu vô ra thòn thèm
như kẻ không hồn. Sực nhớ tiên nữ có nói tặng công thức pha chế trong
tấm lụa đỏ dán bên bình. Gã đi tìm. Mừng húm. Rồi bỏ chuyện mùa màng, rẫy nương, ở nhà mày
mò, cặm cụi tập cách chế biến. Những hũ nước được chưng cất từ
ngô, lúa ủ lên men, từ những lá cây rừng núi riêng biệt, từ bàn tay
gã lần lượt hiện diện đầy nhà, dù không thể ngon như hũ nước được
tặng ban đầu, nhưng uống vài cốc cũng ngà ngà, chao đảo. Bọn trai
làng buôn bản xa gần nghe tiếng, rủ đến xem thử thứ nước gì. Gã nở
mặt mày đem khoe rồi hào phóng bưng từng hũ ra mời mọc, chiêu đãi…
Thế là từ hôm đó nhà gã chiều nào bọn con trai buôn bản cũng kéo đến
chật ních, chụm đầu thưởng thức loại nước quý do gã nấu mà bây giờ
ta gọi là rượu. Sự yên tĩnh của gia đình bị xáo trộn không còn như
xưa, thay vào đó là ồn ào đến nhức óc. Rồi nhiều đêm nỗi hứng thách thức. đọ sức thi ai uống nhiều hơn?
Cả chủ khách đều say quắc cần câu, nhiều người ói mửa. Sự xích
mích, cãi vã, xô xác bắt đầu nẫy sinh. Vợ gã thấy chồng lúc nào
cũng tụ tập, say xỉn, bỏ cả công việc, rẫy nương. Cô vợ ra sức khuyên
bảo, hết than phiền rồi đến cằn nhằn ,thậm chí vợ chồng xao xác
đánh nhau. Chiều đó cô vợ đi làm về, thấy chồng mình thượng thẳng
tay, hạ thẳng chân với anh bạn cùng bản. Sợ ẩu đả dễ xảy ra án
mạng, vợ chạy đến can ngăn , chồng say quá không còn lý trí , nghĩ
vợ tình ý riêng với tay hàng xóm nên mới xen vào, sẵn cầm dao trên
tay, anh ta đâm thẳng vào ngực vợ.
Nhà hết sạch lúa ngô , chẳng còn gì để nấu nướng, chưng cất. Gã
đói lã người giữa căn nhà tranh nứa xiêu vẹo ,trống vắng như nấm mồ
hoang. Gã xót xa nhớ thằng con trai khóc mẹ cạn khô nước mắt đã bỏ
nhà lang thang vô núi tìm miếng ăn, không may bị hổ vồ mất xác. Tự
dằn vặt, ân hận đã nhẫn tâm giết con, giết vợ, người đã từng đầu
ấp, tay gối, từng chia ngọt xẻ bùi, đồng cam cộng khổ, đã chết oan
ức dưới bàn tay tàn bạo của mình. Có phải nguyên do từ những giọt
nước của quỷ? Từ tham lam quá độ của gã mà gây nên thảm kịch? Nằm
dằn vặt, hối lỗi ăn năn những muộn màng. Gã lại nhớ lời tiên nữ
dặn, biết mình phạm sai lầm nghiêm trọng. Đói quá, gã gượng dậy lê
bước qua nhà hàng xóm định vay mượn bát ngô, lon gạo về nấu, nhưng
gã đến đâu mọi người đều sợ hãi, xa lánh, đóng cửa không dám tiếp.
Gã biết mình thực sự cô độc như con thú hoang, như con ma men hốc hác,
tiều tụy giữa bản làng. Gã đang mang máng nhớ ba điều kiện... bỗng nghe tiếng cười dữ tợn của sơn nữ vang trong tiềm thức như
mỉa mai, như mệnh lệnh hối thúc, đe dọa. Hoảng trí, gã chạy vào bếp
cầm cây củi đang rực đỏ, châm vào mái rạ xác xơ hòng mong dập tắt
tiếng cười ma quái. Và đâu hay tự kết liễu đời mình trong ngọn lửa
ngùn ngụt cháy.
Lâm Đồng, tháng 3/2020
Túy Tâm
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét