Bị xếp vào họ chùm gửi, nhãn lồng sống lang thang ngoài bờ
đìa, mép ruộng, hay trên những bụi cây hoang. Nó chẳng bao giờ được xếp vào dạng
trái cây để trịnh trọng bày bán ngoài chợ. Riêng tôi, nhãn lồng không là loài
thực vật đơn thuần, mà nó là sợi dây ký ức bồi hồi của tuổi thơ tôi kết chặt với
mảnh đất Tiểu Cần nắng gió rát mặt mày.
Thời ấy, khi không có cái gì để ăn vui
miệng, trẻ con chúng tôi xem trái nhãn lồng là loại trái cây không mất tiền
mua, mà bây giờ đôi khi có rủng rỉnh tiền cũng không mua được những loại trái
ngon như vậy.
Bắt gặp trên dọc con sông Te Te, đi theo hướng từ cầu Te Te
1 ngược lên ấp Te Te 2, là những chùm dây nhãn lồng xanh biêng biếc pha lẫn màu
trắng tím của những bông hoa có cánh hoa trắng và nhụy màu tím nền nã. Tôi đã
đi qua biết mấy dòng sông, nhưng con sông quê hương luôn quyến rũ khôn cùng
trong ký ức của tôi. Màu xanh của hàng dừa nước im lìm nằm chìm sâu trong mặt
nước đùng đục màu bùn luôn ẩn hiện màu tím của bông nhãn lồng hòa quyện phối hợp
với màu vàng rộm của những trái chín bói lúc lỉu trên nhành. Trong lòng của
tôi, con kênh nho nhỏ này luôn có màu xanh, tím, vàng, tựa màu hợp hôn của ráng
chiều với cánh đồng xanh ngút mắt. Con kênh ấy chạy vắt ngang qua trước sân nhà
tôi, băng ngang qua cánh đồng xanh bát ngát và những tum thờ thần nước nằm bơ
vơ trên con đường đất sình lầy lụt lội vào cuối tháng mười.
Có mùa nước rong ngập cả lối đi, bọn con nít chúng tôi bơi
xuồng đến trường, miên man băng qua những vạt dừa xanh um và hàng chuối cao nhồng
mà cứ ngỡ là bàn tay ma quỷ chọc ghẹo trên đầu lúc chiều tà. Dù có sợ ma một tẹo,
nhưng chúng tôi vô cùng hồ hởi mỗi lần nín hơi cố sức đẩy cụm lục bình tím ngát
ra một bên để cập xuồng vào bờ, hái những trái nhãn lồng chín vàng hực dòng
kênh. Nỗi sợ ma mơ hồ bỗng nhiên mất biệt, mà vị chua chua ngọt ngọt hấp dẫn từ
trái nhãn lồng khiến cả bọn nô nức, hái thiệt nhiều để nhét vào trong túi ny
lông đựng sách vở đến độ túi căng phồng ra. Đó là món quà vặt lúc ra chơi có
cái nhẩn nha thay vì mua ly xi rô đỏ lựng hay cái bánh quy thơm nức mũi như đám
bạn ngoài chợ huyện. Hoặc lúc chơi đánh trỏng bị thua thì nó trở thành món quà
cầu viện hòa bình với mấy thằng xóm trên thích chơi ăn gian và hay gây lộn.
Nhãn lồng làm nẻo đường tuổi thơ đến trường dường như ngắn lại và êm đẹp quá chừng.
Nhãn lồng có sức sống mãnh liệt từ mùa nắng đến mùa khô.
Nhưng trái chín nhiều và ngọt nhất vào tháng giêng kéo dài đến tháng tư, lúc
lúa vừa được gặt, giờ chỉ còn lại những gốc rạ bị đốt nằm trơ trọi giữa cánh đồng
khô nứt nẻ mênh mông. Cơn mưa đầu mùa lạc lòng đôi khi làm dịu đi bức bối của
tháng ngày khô hạn luôn bị hâm nóng bởi những đám cháy đốt đồng rơm rạ sau vụ
đông xuân. Đấy là khi chùm dây nhãn lồng vươn mình xanh tươi tốt giăng dọc
ngang trên khắp các bụi rậm. Là lúc bọn con nít chúng tôi biết chạy ra ngoài đồng
phụ giúp cha mẹ việc đồng áng cày bừa, khi thì còng lưng vun đất làm thành bờ
liếp trồng cải xanh hay cà chua. Khi thì phụ cha gom cây khô nhành dại để dựng
giàn cho vụ dưa leo xen canh giữa hai mùa lúa.
Chúng tôi náo nức kéo các nhánh cây khô nằm oằn trên bờ ruộng,
bờ kênh. Đứa nào cũng tham lam níu luôn cả đám nhãn lồng xanh um điểm lấm tấm
những trái chín vàng thơm lựng. Mùi thơm của trái nhãn lồng kỳ lạ, tựa như nắng
nóng mùa hè đang chờn vờn đến từ phía bên kia đám sậy mọc um tùm ngoài đồng Trà
Mềm, tựa mát rượi như mùi trái chanh dây chua lè khuấy với đường cát vàng ngọt
lịm, uống tới đâu nghe mát lòng tới đó. Nhưng người Khơ-me vùng này không trồng
chanh dây, mà trồng nhiều cây quách, trái to tròn như trái banh nhựa. Mấy lúc
không có trái quách trộn đường và nước đá để uống giải khát lúc giữa trưa,
chúng tôi hăm hở hái nhãn lồng ăn ngấu nghiến, có đứa ham ăn còn nhét vào trong
cái quần giãn dây thun xệ lút dưới rún.
Xứ nghèo không có cái gì cho đám con nít đến tuổi đang lớn
thèm ăn nên mấy trái nhãn lồng ngon ngọt chua chua cũng tạm no lòng sắp nhỏ. Nằm
khểnh trên bờ ruộng, hoặc trốn mình dưới liếp khổ qua mà nhai hột nhãn lồng sừn
sựt trong miệng, tưởng tượng như mình đang ăn món gì kỳ lạ, như là nhai sụn heo
hầm với củ sen béo béo bùi bùi, hay nghĩ rằng mình đang nhấp từng ngụm nước mía
có vắt chút xíu trái hạnh thơm thơm mà mấy dì hay bán bên kia sông Cầu Quan.
Đám con nít ồn ào giành nhau trái chín nên đánh lộn rần rần. Có đứa lén giấu
vào túi áo vài trái chín vàng ươm để dành cho con chó ki già nhà nó. Con ki này
ở nhà nó từ khi nó còn chập chững biết đi, suốt ngày quấn quýt theo chân thằng
nhỏ đi rông rỗi đầu trên xóm dưới. Nó biết ăn những món mà loài chó không bao
giờ nuốt nổi, ví dụ như cơm dừa, mía hay cả trái nhãn lồng. Chắc là ăn cho vui,
vì tụi nhỏ sao mà vui và ồn ào quá đỗi.
Đó là khi đám con nít ôm trái bưởi rụng trong vườn chạy ào
ra ngoài ruộng khô chơi đá banh. Vờn qua vờn lại mồ hôi nhễ nhại lại thèm ăn
trái nhãn lồng cho đã khát chút đỉnh vậy mà. Chúng tôi chạy túa vào bờ tre, kéo
xuống từng chùm nhãn lồng chín vàng ươm, rồi mặc sức tuốt bừa cả trái lẫn lá. Đứa
nào cao chân thì còn với tay tới những trái chín bói trên đọt cao, thằng nào
lùn tè thì cứ lui cui lượm trái rụng. Có thằng ác ý, kéo quần thằng kia xuống để
nó hết hồn lo níu cái quần, làm rơi cả chùm trái chín xuống đất. Vậy là cả đám
tranh nhau “hôi của”, rượt đánh nhau chạy vòng vòng ỏm tỏi suốt buổi chiều.
Mệt rồi thì tụi nó xúm lại hái dây nhãn lồng kết thành vòng
hoa đội đầu để đóng giả làm cô dâu chú rể. Con nhỏ ốm tong ốm teo hay cười khoe
cái răng sún đen thui lại thích làm cô dâu với tôi, nên nói gì nhỏ cũng nghe hết.
Kêu nhỏ chạy về nhà lượm trái bưởi cho anh chơi đá banh, ngoan thì anh cho làm
cô dâu với anh. Nhỏ cũng nghe, làm gan hái luôn trái bưởi non còn trên cành để
hôm sau được tôi kết cho một vòng hoa làm vương miện, miệng em cười tươi rạng rỡ
như hoa nở tím che khuất mái tóc vàng hoe xác xơ vì nắng gió miệt vườn. Tôi chợt
thấy gió thổi nghiêng đám bắp trổ cờ về một góc hoàng hôn. Hoàng hôn hàm tiếu
như bông nhãn lồng tím ngan ngát muôn nẻo về ấp Te Te. Đám rước dâu rình rang
tiếng cười nắc nẻ khắp chiều dọc chiều ngang con kênh dài hun hút, sính lễ ngày
vui là nụ cười bất tận buổi hoàng hôn. Sau này em đi lấy chồng Hàn Quốc, không
biết còn ai kết vòng hoa nhãn lồng tím để em tặng cho đời nụ cười trọn vẹn tuổi
thơ ngây?
Tôi thương ấp Te Te 2 nho nhỏ êm đềm, luôn thoang thoảng mùi
thơm của mạ non lẻn trong mùi bùn đất chèm nhẹp mùa hè thu và mùi ngòn ngọt
hăng hăng của đồng lúa vụ đông xuân ngậm sữa trổ đòng đòng hai bên lộ. Đi len lỏi
trên khắp cánh đồng trên những con đường đất bề ngang một mét rưỡi, uốn lượn
ngoằn ngoèo, hai bên là cánh đồng lúa xanh mượt. Đấy là nơi tôi sinh ra và lớn
lên cùng với dây nhãn lồng mọc quanh quẩn ngoài bờ đìa, bờ ruộng. Mỗi khi đi học
về là tôi quăng cặp trên giường, chạy ù qua nhà mấy đứa trong xóm, rủ chơi trò
cút bắt năm mười. Tôi hứng chí nhảy đại vào giữa bụi nhãn lồng, trốn cả buổi
không đứa nào tìm thấy. Cả đám hoảng lên vì sợ tôi mất tích, đứa khác tìm không
ra thì nghĩ rằng tôi bị ma giấu đi mất tiêu rồi.
Vậy mà có thằng mếu máo, sợ nếu đến chiều về mà không tìm ra
thằng Sáu Đạt để đền cho cha mẹ tôi thì chắc nó bị đòn cho chết! Thấy đám nó
khóc tức tưởi thấy tội quá nên tôi nhảy ra hù, làm tụi nó hoảng vía la làng. Có
thằng đâm quạu, thề sẽ nghỉ chơi với tôi vì trốn hoài trong xó xỉnh nào không
kiếm được, nên phải dúi cho nó ít trái nhãn lồng tôi vừa bứt được trong bụi để
năn nỉ mày đừng nghỉ chơi với tao nhe. Mai mốt tao chặt ít nhánh nhãn lồng cho
mày về nấu uống trị bệnh tóc bạc của mày. Vậy mày cho tao đi chặt nhãn lồng với
mày nhe, sẵn đó tao học bơi với chị mày luôn. Tôi xụ mặt xuống không chịu khi
nó đòi học bơi với chị hai của tôi. Chị của tao là của tao, mày đi học bơi với
chị mày kìa. Nhưng tao đâu có chị gái như mày. Mày bắt chuồn chuồn cắn rún thì
biết bơi liền chứ gì!
Lúc nào tôi cũng giữ rịt chị hai, không cho đứa nhóc nào
trong xóm lẽo đẽo xin xỏ chị cho đi soi cá cùng. Tôi thích đi với chị, không hiểu
tại sao, có lẽ lúc nào chị cũng ra sức bảo bọc và chìu chuộng em trai nên tôi
ghét tình thương ấy bị chia sẻ cho ai khác. Tôi thường hay nèo chị đi chặt cọng
dây nhãn lồng về phơi khô để sắc thuốc trị bệnh mất ngủ cho cha. Tôi thích đi với
chị để được hái trái nhãn lồng tuốt trong góc con kênh mà đám bạn chưa bao giờ
biết đến. Tôi còn nhớ lúc đó chúng tôi bơi xuồng ba lá nhỏ cũ kỹ, nước xì vào từ
những then bị tróc lớp chai. Chị ngồi sau bơi lái, còn tôi thì cầm cái mo nan cắt
ra làm hai để ngồi tát nước xoành xạch từ trong xuồng ra. Hễ thấy chùm dây nhãn
lồng ló ra ngoài bờ dừa nước thì chị cập vào, rồi lôi từng cọng dây dài ngoằng
và dùng dao cắt ngang. Có lần tham lam tôi chồm lên hái trái chín, mất thăng bằng
vì xuồng tròng trành nên bị té nhào xuống nước. Hụp lên hụp xuống, uống mấy ngụm
nước sông no óc ách, vậy mà trên tay vẫn nắm chặt trái nhãn lồng chứ quyết
không chịu bỏ, cố gắng bơi tới xuồng. Hai con mắt đỏ hoe như bị bệnh mắt hột, cố
cười nhe răng nhưng gương mặt không che giấu được sự sợ hãi vì thoát chết và chợt
nhận ra là mình đã biết bơi.
Có lẽ chị vừa giận vừa thương, nên níu tay của tôi để lôi
lên xuồng, tiện tay chị bứt thêm mươi trái chín vàng ươm đưa cho thằng nhóc
đang ngồi co ro vì sợ. Về đến nhà chị ra sức bênh em, nói tụi con bị mắc mưa giữa
đường, để em không bị mẹ đánh đòn. Tối về chị lén trở mình nhè nhẹ, rờ trán coi
tôi có bị mắc bệnh gì không. Tôi giả đò nằm im nghe bàn tay âm ấm của chị phảng
phất mùi bùn non phơn phớt qua mặt mày, sao thấy bổi hổi bồi hồi. Tôi nhõng nhẽo,
giả bộ rên hừ hừ làm chị phải ngồi sực dậy ôm đầu tôi vào lòng. Tôi nằm im thin
thít trong vòng tay ấm áp, hít cho hết mùi nắng khét tháng tư còn phảng phất
trên cái áo bông vá chằng vá đụp của chị, bỗng chụp tay chị rồi cười hắc hắc
nói ngày mai mình tập bơi nữa nghe hai. Hết hồn à nghe nhỏ! Ừ, vậy hen, nhưng đừng
nói cho mẹ biết nhe. Ngoan đi, để mai chị hai hái thêm nhãn lồng cho ăn. Vậy là
tôi biết bơi mà mẹ vẫn không biết tôi học được từ khi nào. Tôi cứ bơi bùm bùm
như con ki già hay bì bõm bơi ở đằng sau và hay táp táp khơi khơi vào mấy trái
nhãn lồng tôi liệng ra tứ phía khi có thể học được cách đứng nước ngóc đầu oai
vệ.
Mấy lần đi chặt dây nhãn lồng thì mẹ hay kêu tụi tôi luôn tiện
hái đọt của nó về luộc chấm với món mắm kho vào buổi chiều. Mẹ nói ăn đọt nhãn
lồng rất dễ ngủ và có giấc ngủ sâu. Quái lạ, mắm kho ăn mạnh miệng với cù nèo
đăng đắng, lục bình làn lạt, hay beo béo với rau nhút nặng mùi bùn đất. Vậy mà
đọt nhãn lồng vừa đủ mềm, vừa đủ thơm mà hơi hăng hăng mùi rau cỏ, lại thấm đẫm
đồng đều với vị mắm hôi hôi mặn chát. Chị em chúng tôi xúm xít bên mâm cơm
nghèo chỉ có tô mắm kho với cà tím, nằm chỏng chơ trên cái chõng tre nhà sau. Đứa
nào đứa nấy hít hà vừa chấm nhãn lồng vào tô mắm lõng bõng, vừa lùa lấy lùa để
chén cơm vụ lúa mùa dẻo quẹo. Đi suốt cuộc đời tôi vẫn chưa từng ăn được mắm
kho nào ngon như thế.
Chị hai rụt rè gắp từng cọng nhãn lồng nhỏ rị, nhường lại
cho mấy đứa em khoanh cà tím thấm đẫm mùi muối mặn quê nghèo. Chị lại nhường em
miếng cơm cháy vét nồi và cọng nhãn lồng còn lơ thơ sợi dây quắn quéo nằm gọn lỏn
trên cái dĩa sành sứt mẻ. Chị giống mẹ, hay nói rằng chị già rồi, ăn mòn răng
nên chừa lại cho sắp nhỏ. Đám em cứ vô tư ăn húp xì xụp, lại nhì nhằng hôm nào
mình nấu bún mắm ăn thả cửa đi chị hai. Ừ, vậy hen, để mai mốt có mưa thì mình
đi soi cá, chị nấu bún mắm cá rô với đọt nhãn lồng cho mấy đứa ăn. Chị chưa kịp
nấu thì đi lấy chồng bên Vũng Liêm mất biệt. Ban đêm nằm nhớ chị khóc rấm rứt một
mình, thèm hơi chị, muốn đi tiểu sau nhà cũng nhớ những lần chị lò dò nắm tay dắt
ra gốc dừa ngoài hiên, nằm ngọ ngoạy trong mùng mà nước mắt nước mũi tèm lem.
Sáng ra đứng tần ngần ngoài bờ liếp, bứt trái nhãn lồng nhớ chị òa khóc, tủi
thân như trái nhãn lồng bán cũng không ai thèm mua.
Mùi mắm kho tưởng như vẫn còn thoang thoảng đâu đây. Vị the
the của đọt nhãn lồng hãy còn vương vấn trên đầu lưỡi khiến cho mỗi khi đi
ngang quán bún mắm của cô Nga bán ngoài chợ Căn Cứ ở Gò Vấp khiến tôi thèm khôn
tả. Thèm được ngồi khoanh chân chữ ngũ bình yên bên mâm cơm với chị hai, ăn
xong chạy ùa ra ngoài ruộng hái trái nhãn lồng với mấy thằng bạn, rồi chạy chơi
năm mười hay đá banh trái bưởi ngoài đồng xa mút mắt. Hai mươi năm qua rồi,
cánh đồng Trà Mềm hãy còn bát ngát xanh mướt và những dây nhãn lồng vẫn còn
mãnh liệt sức sống với hai mùa mưa nắng. Nhưng chúng tôi mỗi người một ngả vì
hành trình mưu sinh, bỏ lại sau lưng cánh đồng tuổi thơ và dòng kênh đượm màu
xanh, vàng, tím. Tôi biết đám bắp non trổ cờ vẫn chao nghiêng bàng bạc gió.
Nhưng hai mươi năm qua rồi, hoàng hôn dường như luống tuổi, rớt là đà xuống
dòng kênh có chùm dây nhãn lồng buồn hiu hắt vì không còn ai ngó ngàng đến nữa.
Nhãn lồng biết buồn từ độ người đã bỏ đi xa.
Bây giờ lang bạt chốn thị thành đô hội mà lắm khi se lòng buồn
rười rượi không rõ nguồn cơn. Dường như tôi tìm được tôi của hơn hai mươi năm về
trước khi thấy người ta bày bán đọt nhãn lồng ngoài chợ. Chẳng thèm trả giá kỳ
kèo được hơn, tôi sẵn lòng mua về một ít tuổi thơ tôi. Nhưng khi ngồi một mình
ăn ngọn rau luộc mà không biết có ai bán trái nhãn lồng cho đủ đầy ký ức bình
yên. Vào siêu thị Co-op Mart to đùng ngay góc Lê Đức Thọ và Phan Văn Trị, dạo
loanh quanh trong những hàng thực phẩm rồi lướt qua hàng trái cây có nhiều loại
được bày bán với giá đắt đỏ. Lòng tự hỏi sao trái nhãn lồng không có bán ở đây?
Ờ, mà chắc có mấy người thích ăn loại trái hoang dại này? Nếu bán thì giá bao
nhiêu? Không lẽ một ngàn đồng cho một kí lô? Hay không có giá trị đồng tiền nào
quy đổi được trái nhãn lồng thời thơ ấu của tôi?
Trái nhãn lồng ai bán mà mua, làm sao mua được ký ức êm đềm
tuổi thơ?
MAI QUỐC ĐẠT (tác giả giữ bản quyền)
___________________________________
ĐÓN ĐỌC BÔNG TRÀM CHUYÊN ĐỀ ĐẶC BIỆT
BA MÙA NGÁT HƯƠNG (3/1/2011 - 3/1/2014)
>> Vui lòng nhấp chuột vào hình ảnh phía dưới để vào mục lục số đặc biệt <<
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét