Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước
Em
đến tôi một lần
Bao
lũ chim rừng họp đàn trên khắp bến xuân
Mở đầu bài hát là lời tự sự về miền ký ức,
về một chuyện tình, một không gian thiên nhiên tươi đẹp, in đậm dấu ấn tình
yêu: "Bến xuân".
Lục tìm
thông tin ở các địa dư chí, các diễn đàn, dư luận, bài viết về "Bến xuân",
thấy rất mơ hồ! Là bến phà Rừng, nối liền Hải Phòng - Quảng Ninh, qua sông Bạch
Đằng chăng? Hay bến Ngự sông Chanh, bến tàu khách đi Hòn Gai - Hải Phòng, thuộc
địa phận Quảng Yên, Quảng Ninh với cảnh quan tươi đẹp, bên sông Bạch Đằng
chăng? Nơi mà có lần, người trong mộng đã đến thăm ông, ngồi mẫu cho ông vẽ.
Và rồi, chợt nhận ra, đó chỉ là một "Bến xuân" trong tâm tưởng! Là bến xuân vì dưới đôi mắt và con tim của kẻ đang yêu
thì một bến sông bình thường cũng hết sức rộn ràng, tươi thắm, đầy mộng tưởng,
đầy mê đắm:
"Bao
lũ chim rừng họp đàn trên khắp bến xuân
Từng
đôi rung cánh trắng ríu rít ca u ú ù u ú
Cành
đào hoen nắng chan hòa"
Mùa xuân như cũng nở trong lòng với rực rỡ
sắc màu: sắc trắng của cánh chim, sắc hoa đào phớt hồng, sắc của nắng xuân mật
ngọt chan hòa.
Giai điệu ở đoạn nhạc này nhẹ nhàng, chậm
rãi, dặt dìu trong suy tưởng. Sau đó, chuyển đoạn cao trào, âm điệu hòa quyện
bổng trầm, luyến láy, thể hiện đầy đủ tâm trạng yêu thương, khát khao, cháy
bỏng: "Chim ca thương mến / Chim ngân xa u
ú ù u ú / Hồn mùa ngây ngất trầm vương" ; mở lối cho tình cảm nhớ nhung, khoắc
khoải về những thời khắc tươi đẹp của đời người “Dìu nhau theo dốc mới nơi ven đồi / Còn thấy chim ghen lời âu yếm / Tới
đây chân bước cùng ngập ngừng". Để rồi, hoài niệm đắm chìm trong hình bóng
giai nhân ngày ấy:
"Mắt em như dáng thuyền soi nước
Tà
áo em rung nhẹ thẹn thùng ngoài bến xuân"
Khi ấy, năm 1942, chàng trai Văn Cao 19
tuổi, đã là nhạc sĩ thành danh với “Buồn tàn thu” (1939), “Thiên Thai”, Trương
Chi”, “Suối mơ” (1941-1942). Trước đó, năm 1939, ở Hải Phòng, Văn Cao gia nhập
nhóm Đồng Vọng của nhạc sĩ Hoàng Quý. Ở đây, ông đã gặp gỡ và nảy sinh tình yêu
với cô ca sĩ Hoàng Oanh trong nhóm. Nhưng đó lại là một câu chuyện tình mộng tưởng,
một tình yêu cao đẹp, vời vợi xa, tình vừa mới nhen đã tắt; lại đậm dấu ấn cả
một đời người!
Trong CD “Giấc Mơ Một Đời Người”, album kỷ
niệm về Văn Cao do Hãng Phim Trẻ sản xuất năm 1996, Văn Cao đã trả lời phỏng
vấn về bài hát "Bến xuân": “Tôi thầm yêu cô gái ấy mà không dám nói ra. Nhưng
người con gái ấy hiểu lòng tôi và đến với tôi. Nên tôi mới có câu “Em đến tôi
một lần…”. Và, có lẽ cô ấy chỉ đến một lần rồi không đến nữa. Vì, sau đó cô đi lấy
chồng, một nhạc sĩ bạn thân của Văn Cao.
Ông lên Hà Nội năm 1942. Tất cả đều đã trở
thành hoài niệm. Hoài niệm về một tình yêu cao thượng, đắm đuối nhưng chẳng vẹn
toàn! Đành lòng với hiện thực xót xa:
"Sương mênh mông che lấp kín non sông
Ôi
cánh buồm nâu còn trên lớp sóng xuân
Ai
tha hương nghe ríu rít oanh ca
Cánh
nhạn vào mây thiết tha lưu luyến tình vừa qua"
Ở đoạn điệp khúc này, hình ảnh thiên nhiên
cao rộng, cao tít tắp, xa vời vợi, mờ ảo phía chân mây… những sương khói, sóng
nước, cánh buồm, cánh nhạn, mây xa… Tất cả như đang bao phủ, chở che, ôm ấp, sẻ
chia mối tình cao thượng, mộng mị đã qua của Người.
Đặc tính của dòng nhạc Tiền Chiến thường được
thể hiện qua giai điệu trữ tình và lời ca giàu tính văn học. Chính thế, ở lời
một và lời hai của bài hát là những ca từ giàu hình ảnh, giàu tính nhạc hiển
thị sự tiếc nuối, hoài niệm, day dứt khôn nguôi, lồng trong khung cảnh thiên
nhiên thơ mộng.
Từ: "Nhà tôi sao vẫn còn ngơ ngác
Em
vắng tôi một chiều
Bến
nước tiêu điều còn hằn in nét đáng yêu"
Đến thiên nhiên, chim, lá, gió, mây, đồi,
núi, đều vương vấn nỗi buồn; "lệ mùa rơi lá chan hòa hồn mùa ngây ngất về
đâu?". Để ngày về lại chốn xưa, chàng trai ấy chỉ còn trông thấy:
"… Mây núi đồi chập chùng
Liễu
dương tơ vàng trong nắng
… ngại
ngùng nhìn bến xuân"
Những nốt nhạc cuối cùng của bài hát vừa
dứt. Nhắm mắt lại, ta như bị ám ảnh bởi những hình ảnh thiên nhiên được bàn tay
họa sĩ tạo tác, cao rộng, đầy biến động, nhiều sắc thái; hòa trộn trong trạng
thái tình cảm phiêu linh vô hạn bay bổng-trầm lắng của tâm hồn nhạc sĩ. Và,
giai điệu nhẹ nhàng, da diết, trữ tình đã chấp cánh cho lời hát bay cao mãi, vang xa
mãi như tiếng oanh ca… suốt chiều dài thế kỷ.
Kỷ niệm 20 năm ngày mất của nghệ sĩ Văn
Cao (1995-2015), chúng ta bồi hồi tưởng
niệm đến người nhạc sĩ tài hoa, người đã góp phần đặt nền móng cho nền tân nhạc
Việt Nam,
xuất hiện cuối thập niên 1930, thế kỷ XX.
Nhân gian coi trọng tài năng và phẩm cách
của ông: “Trước sau ông vẫn là một nhân cách lớn, không a dua, không chạy theo
thời thế” dù ông cũng đã từng chịu nhiều oan khuất, đau khổ. Nói như nhạc sĩ
Trịnh Công Sơn: “Văn Cao có trên 30 năm cô đơn ngồi trước ly rượu”, hay nhạc sĩ
Phạm Duy ở nước ngoài về ghé viếng phần mộ ông, bày tỏ tình cảm thương xót:
“Văn Cao chết đi như Trương Chi, trái tim chàng có lẽ trở thành viên ngọc đá.
Ai là người nhỏ lệ lên trái tim Văn Cao?” (Trích
Hồi kí Phạm Duy).
Bất chấp thời gian, âm nhạc của nhạc sĩ
Văn Cao vẫn mãi là những vần thơ nhiều cung bậc, những mảng màu hội họa các
trạng thái thiên nhiên đầy màu sắc linh hoạt và của cả suối nguồn âm thanh vút
lên giữa thiên nhiên cao rộng, đầy sức mê hoặc; như tiếng “chim ca thương mến”,
tiếng ríu rít oanh ca.
MỘT NGƯỜI NHẠC SĨ TÀI HOA, NGƯỜI ĐÃ SÁNG TÁC QUỐC CA TỔ QUÔC...
Trả lờiXóa