Ở Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX sau khi phong trào Đông Du và phong trào Duy Tân thất bại cũng như đứng trước việc thực dân Pháp ra sức tiến hành xâm lược, khai thác thuộc địa, đầu độc nhân dân ta bằng rượu cồn, thuốc phiện; thuần phong mỹ tục, giá trị cương thường của dân tộc ta ít nhiều đã bị ảnh hưởng… đã khiến một bộ phận nhà nho có lòng yêu nước về quê mở trường dạy học, lập ra các hội Hướng thiện hoặc dựng Thiện đàn. Các Thiện đàn với những tên gọi khác nhau như: Phổ thiện đường, Lạc đạo đàn, Hội thiện đồng, Khuyến thiện đàn, Thất diệu đàn, Vi thiện đàn… được hình thành hầu khắp các nơi trên cả nước như: Nam Định, Hà Tây, Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hưng Yên v.v...
Nhân những buổi giảng kinh, khuyên răn các thiện nam, tín nữ làm điều thiện, hay các buổi tổ chức cầu cơ, giáng bút bề ngoài mang tính chất tôn giáo, mê tín dị đoan ở các Thiện đàn, các thành viên trong hội đã tranh thủ truyền bá tư tưởng yêu nước, khơi dậy lòng yêu nước, căm thù giặc cho nhân dân thông qua những vần thơ, lời ca giáng bút. Chính sức mạnh của các Thiện đàn này mà thời gian sau đó, thực dân Pháp đã phải ra một thông tư "mật" cho tất cả các tỉnh và đặc biệt là ở Bắc Kỳ. Trong thông tư có nêu rõ là phải lưu ý đến những tổ chức tuyên truyền rất lợi hại bị chiếm lĩnh bởi những người cầm đầu đảng chống Pháp, đồng thời yêu cầu các tỉnh phải cho biết rõ danh sách những nơi có đền miếu tổ chức giảng kinh hướng thiện và số sách được gọi là "thiện thư" do các Thiện đàn ấn loát.
Trở lại thôn Bến, xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) vào những ngày này, chúng tôi được nhiều bậc cao niên kể về Thiện đàn "Phổ Thiện đường" tọa lạc trong khuôn viên nhà ông Đào Văn Cốt (hiện ông Cốt đã mất). Vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nơi đây đã thu hút đông đảo thiện nam, tín nữ ở các vùng xung quanh đến cầu cơ, xin thần tiên giáng bút. Những vần thơ, lời ca giáng bút thấm đượm tinh thần yêu nước, căm phù giặc đã được ra đời ở đây. Theo gia đình ông Đào Văn Cốt, vào thời điểm đầu thế kỷ XX, khi thực dân Pháp cùng tay sai ra sức đàn áp, tìm cách đập phá các Thiện đàn, người dân trong làng (khi đó là miền Xuân Kỳ, huyện Kim Anh - tỉnh Phúc Yên) đã kiên quyết đấu tranh, không để "Phổ Thiện đường" bị phá. Để rồi đến nay, "Phổ Thiện đường" vẫn giữ nguyên những giá trị của nó.
Khi tìm hiểu 191 tác phẩm kinh giáng bút đang lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chúng tôi thấy rằng, dẫu được ra đời trong những thời điểm khác nhau, thế nhưng có một điều dễ nhận thấy, những vần thơ, lời ca viết bằng chữ Hán, Nôm này có được sau các buổi cầu cơ - xin thần tiên giáng bút đều bàn về các vấn đề liên quan đến cuộc vận động ái quốc, chấn hưng văn hóa dân tộc…
Theo PGS.TS Phạm Văn Khoái, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), kinh giáng bút được sáng tác thời đoạn này chính là sự biểu hiện một phần nào đó đời sống văn hóa Hán Nôm những năm giáp lai giữa hai thế kỷ XIX và XX, ở buổi giao thời Âu Á - khi đất nước đang trong thời buổi ngàn cân treo sợi tóc, chế độ thực dân ra sức tiến hành khai thác thuộc địa. Với những giá trị nội dung, tư tưởng sâu sắc đi kèm với nó đã trở thành công cụ truyền tải tinh thần yêu nước, đoàn kết giống nòi.
Trở lại bối cảnh xã hội bấy giờ, giữa lúc các cuộc đàn áp, đầu độc dân tộc ta bằng rượu cồn, thuốc phiện… của thực dân Pháp, đòi hỏi quần chúng nhân dân phải đứng lên đấu tranh, giành lại độc lập dân tộc. Ngay từ đầu, tác phẩm kinh giáng bút Hán Nôm "Hồi xuân Nam âm chân kinh" được ấn hành tại "Phổ Thiện đường" vào năm 1910, hiện đang lưu giữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm (ký hiệu AB.237) đã có những vần thơ giáng bút ám chỉ một xã hội đương thời bị lệ thuộc:
Ba núi đá rêu in dấu ngựa,
Bốn sông cát lở lấp mình voi.
Buồn khi thánh thót chim chào khách,
Ngán nỗi vu vơ cóc đớp ruồi
Quán Âm Phật tổ. Thi (Hồi xuân Nam âm chân kinh)
Hình ảnh "Ba núi đá", "Bốn sông cát" đó chính là hình bóng của non sông dân tộc ta - những hình ảnh gắn liền với một nước nông nghiệp với 3/4 diện tích là đồi núi. "Ba, bốn" là những con số nhiều, nó ngầm định cho ta hiểu rằng vùng in bóng kẻ thù không phải là một vùng hay hai vùng mà nó là rất nhiều. Sự kết hợp hài hòa giữa số từ "ba", "bốn" với danh từ "núi đá", "sông cát" đã làm cho bức tranh "cóc đớp ruồi" - bóng quân xâm lược thêm sống động hơn.
Rồi hình ảnh "người" và "ma" lẫn lộn cũng đã xuất hiện trong tác phẩm này, khiến ai sống vào thời điểm bấy giờ cũng cảm thấy giật mình lo sợ. Chốn yên bình của quê nhà nay còn đâu: "Người ma lẫn lộn đua chen/Bốn phương thanh vắn ôn binh dập dìu" (Vân Hương đệ nhất thánh mẫu. Ca). Bên cạnh đó, nội dung tu đức hướng thiện, khuyên con người ta yêu thương đùm bọc lẫn nhau cũng là một trong những tư tưởng xuyên suốt trong thơ văn giáng bút của phong trào Thiện đàn thời bấy giờ. Lời "phú" trong tác phẩm kinh giáng bút "Tăng Quảng Minh thiện Quốc âm chân kinh" (ký hiệu AB.143) của Hoàng Mai Doãn công chúa (Tăng Quảng Minh thiện Quốc âm chân kinh) cũng nêu rõ về việc không nên ăn gian nói dối, chớ đem lòng gian tham mà hại người. Bởi khi đó gieo nhân nào sẽ gặt quả nấy, ác giả ác báo:
Hậu giả hậu lai
Ở hiền lại gặp lành
Mới biết tre già măng mọc
Ác giả ác báo
Ăn mặn thì khát nước
Khác nào cây yếu gió lay
Rồi đối với họ hàng xa, ta cũng phải trọng, không được khinh. Khi những người xung quanh ta gặp khó khăn, ta cần phải vượt lên, giúp đỡ lẫn nhau. Đây cũng là truyền thống ngàn đời của dân tộc ta.
…Ở sao nhất thể tương thân
Họ xa cũng trọng họ gần chẳng khinh
Họ chồng cho đến họ mình
Tương thân chớ có đem tình tương sơ…
(Tăng quảng Minh thiện Quốc âm chân kinh).
Có thể thấy rằng, những vần thơ, lời ca giáng bút của các tác phẩm kinh giáng bút giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX chứa đựng giá trị nội dung, tư tưởng sâu sắc. Thông qua các thể loại văn học truyền thống như: lời ca, thơ, dụ, từ, ngâm… nội dung tư tưởng về chấn hưng tinh thần yêu nước đã được truyền bá rộng rãi trong xã hội, góp phần không nhỏ vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta sau này.
TRẦN HUY
___________
cảm ơn bạn!
Trả lờiXóa