Thật vĩ đại khi văn chương, ngoài mang tính giải trí, thẩm mỹ cao, nhà
văn còn hướng ngòi bút chủ đạo của mình đến với những giá trị cao đẹp hơn, nhân
văn hơn, thoát ra ngoài quỹ đạo đề tài của những cái đơn điệu, tầm thường, thậm
chí nhạt nhẽo.”
Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh?” Có lẽ nghệ
thuật nói chung và văn chương nói riêng, trước hết phụng sự đời sống con người. Nhà văn biết sống đời sống của cộng đồng, biết
đập hơi thở cùng hơi thở cộng đồng với sự thương yêu trìu mến, cảm thông, lên
tiếng bênh vực, hay còn đau đáu… Đọc tập thơ “Ám ảnh nước” - Văn Triều (NXB
HNV, 2017) tôi thấy toàn bộ tập thơ ám ảnh tôi đến từng con chữ như thế.
Nhà thơ Văn Triều sinh năm 1974, quê quán Tp.Trà Vinh, Hội viên Hội Nhà
văn VN. Không kể tập đầu tiên, thuở bình minh anh đến với thơ, đây là tập thơ
thứ 3 mà anh công bố rộng rãi, sau tập “Tôi về bên sông” - đoạt giải thưởng giải
B của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật VN năm 2014 - và “Người đàn bà đi lạc” NXB HNV năm 2015.
Tên tập thơ là cả một ám ảnh. Anh luôn ám ảnh về những thân phận người
cơ nhỡ, lỡ vận, không nơi nương tựa. Những con người đáng thương bị vùi lấp,
chưa nhấc chân ra khỏi đáy bùn xã hội, nhưng cũng đành bất lực. Anh tự vấn mình
trong quặn thắt: “Tôi vẽ cả thành phố
đêm mưa/ Vẽ cơn ho người già lục khục/ Vẽ những bàn chân lỡ bước bên đời/ Mà
sao,/ Mà sao không vẽ được/ Một mái nhà cho họ/ Em ơi!” (Vẽ). Hay như anh viết về
cảnh chia ly, kết quả của cuộc hôn nhân không mấy hạnh phúc, dẫn đến tan vỡ , để
lại một dấu chấm lửng buồn trong bài thơ “Chia”: “Chén đũa đã chia xong/ Nhà cửa
đã chia xong/ Chị em ta là số bị chia của một phép tính/ Trong bài toán ly hôn/
Thương số là hai đứa trẻ mồ côi khi còn cha lẫn mẹ.” Nhưng người lớn đâu biết
được nỗi đau con trẻ vương mang vết tích, sẽ hằn lên số phận đến suốt cuộc đời: ”Còn thứ này ai cũng biết nhưng suốt đời không chia được/ Nước mắt chị em mình!”.
Có lẽ như Văn Triều làm thơ rất dễ nhưng không phải vì thế mà dễ dãi. Vì
nói như Nam Cao, sự “cẩu thả trong mọi nghề đều khốn nạn, nhưng cẩu thả trong
văn chương là điều khốn nạn nhất.” Tôi thấy anh cần mẫn, lượm lặt những thứ người
ta bỏ đi gom vào túi thơ mình với bao tiếc nuối, rung động. Những hình ảnh tầm
thường qua lăng kính thơ anh cũng toát
lên được trên cái tầm thường, cái đơn điệu vốn có thành màu sắc khác, dáng vẻ
khác, bằng việc thổi vào những vật vô tri thêm linh hồn, đôi khi là sự hóa
thân. Hãy lắng nghe lời tâm tình của “Củi”: “Khúc gỗ mục ai bỏ bên đường/ Đành
thôi! Kiếp này phận củi/ Nhắc chi một thời bóng cả/ Nhớ chi một thời đưa
hương”, đầy trăn trở, ưu tư. Tàn kiếp củi vẫn
tha thiết hiến dâng cả thân xác này, nếu được: “Xin cho tôi được một lần
cháy lên trong bếp lửa người.” Một tấm lòng đáng trân trọng biết bao!
Đọc “Ám ảnh nước” ta rất dễ tìm những câu thơ viết về đề tài người phụ nữ,
những người mẹ quê lam lũ, tảo tần đang vật vã với gánh nặng áo cơm thực tại.
Anh nhìn “Người đàn bà cắt cỏ” với bao trìu mến. Trong hoàng hôn chạng vạng,hiu
quạnh, như thân cò lặn lội, chị cắt :” Như thể gom hết cả buổi chiều chất vào hai đầu đòn gánh”. Hay
như khi gặp “Những người bán chõng tre” lặng lẽ qua những phum sóc, những người
đàn bà, những bé con vất vưởng đời này qua đời khác, đẩy xe trên đường phố, với
tiếng rao đã chạm vào tiếng lòng anh, bật lên những tứ thơ như xát muối: “Trên
xe/ Những lóng gỗ tre như bộ xương khô ghép thành hình dạng/Họ- những thước
phim âm bản/ Lặng lẽ di chuyển bên những cái xác lạc mất hồn quê”. Đó là những
con người đi lạc, lạc trong tiếng ồn ã của loa phóng thanh thành phố xếp loại 2,
lạc lõng giữa dòng đời xuôi ngược. Dường như tiếng gọi của họ không được ai
nghe thấy, chìm lấp trong vòng xoáy vô vàn tất bật. Thương thay “những người đi lạc/lạc con đường, lạc cả thời gian”. Trong “Bà lão bán bánh ít” hình ảnh
người mẹ quê nồng hậu chợt hiện về trong tiềm thức thật đẹp đẽ, nhưng cũng đầy
gian khổ: “Mẹ gánh những ban mai/ Mặt trời đỏ hỏn đã hoàng hôn trên gióng/Vơi
đi của mẹ một ngày/ Những cái bánh hình ngọn núi/ Giá vài ngàn tiền lẻ/ Mang
thương hiệu sinh tồn.” Cuộc đời là bể khổ. Sao ta không vui được khi thấy nhan
nhản giữa cõi đời này những mảnh đời bất hạnh, những con người suốt đời không
tìm được niềm vui cho riêng mình. Đó là “Những người đàn bà/ Không có hoa hồng/
Và kỉ niệm ngày cưới/ Chỉ có kỉ niệm ngày mất nhau- ngày giỗ!/ Và tuổi của những
đứa trẻ tính bằng năm mồ côi/… ôi những người đàn bà không có đàn ông/ mà lòng
không thắp được nén nhang.” (Ôi! Những ngôi nhà)
Số phận người phụ nữ trong thơ
Văn Triều dường như không mấy hạnh phúc là thế. Thật bất hạnh hơn là hình ảnh
người đàn bà suốt đời đi tìm niềm an ủi hiếm hoi duy nhất mà hoàn cảnh lịch sử
trớ trêu, rắp tâm cướp đi phần thưởng thiên chức làm mẹ của họ.” Tiếng gọi” hay
là bản án đanh thép nhất từng diễn ra trong lịch sử xã hội loài người. Chiến
tranh đi qua để lại di chứng tàn khốc, bỏ lại nước mắt niềm đau tột cùng, không
dễ gì gạc đi. Những “Người đàn bà đã qua bao lần sinh nở/ Nhưng chưa bao giờ được
nghe tiếng gọi mẹ/ Họ đổ đioxin vào vại nước ngọn rau/vào bầu sữa ngực chị/ Và
cướp đi linh hồn những đứa trẻ/Từ mấy mươi năm trước.” để rồi “Sau bào thai cuối
cùng/ Chị không hồi sinh nữa!/… Đời còn nợ chị/ Hai tiếng: mẹ ơi!” (Tiếng gọi)
Giữa cuộc đô thị hóa rầm rộ, đã ít nhiều thu hẹp diện tích đất nông nghiệp,
nhường chỗ cho những khu công nghiệp, khu dân cư đông đúc mọc lên. Rất dễ thấy
những hình ảnh làng quê, đồng ruộng thực sự lùi vào lãng quên, để lại bao tiếc
nuối ngẩn ngơ: ”Đâu rồi những bàu sen bông trắng/Những vuông mộ ngủ giấc ngàn
năm giữa đồng?/Đâu rồi cây lúa đơm bông /Rạ rơm đã thành khói, thành tro trong
ký ức./Tôi nhớ những người đàn ông vạm vỡ mình trần gánh lúa/Gánh giấc mơ về bồ,/Những
người đàn bà tát nước nụ cười lấp ló trong trăng/Những con vịt mải mê chạy theo
chân người mót hạt/Đẻ rơi quả trứng.” Còn bây giờ đối mặt với nỗi đau không dễ
chấp nhận. Anh nghe “Những con vịt chạy đồng giẫm lên tiếng kêu đi tìm quả trứng”.
(Nông dân). Hay như đọc trong “Tiếng ếch đêm mưa”: “Tiếng kêu như nêm, như bổ,
ken dày một góc vườn đêm/Kêu như thể mai này không còn nơi kêu nữa/Như thể ngày
mai đất đã đi rồi.” Song hành với cuộc đô thị hóa, hậu họa để lại cho con người
cũng không ít. Sự tàn phá môi sinh, tận diệt chim muông hoang dã phục vụ cho
nhu cầu con người ngày một gia tăng đến cạn kiệt: “Người đầu bếp bày ra chén
cháo quốc thơm lừng/Từng lọn khói u uất bay lên/Phảng phất tiếng kêu bờ bụi” (Tiếng quốc). Hình ảnh con cua đồng thật đáng thương như lời tâm tình của tác giả:
”Tôi cũng đã mười mấy năm lưu lạc xứ người/Mang theo trên mu bàn tay vết xẹo/Có
thù oán chi đâu/Là cuộc sinh tồn./Không ai nghe được tiếng kêu của chúng/Không
ai ngửi được hơi thở của chúng/Đẫm mùi thuốc sâu.(Cua đồng). Đau thương hơn là
hình ảnh con cò trong “MêKông”, là một sự xáo trộn sinh thái khốc liệt khi mà con người đang dựng đập thủy
điện, ngăn dòng chảy tự nhiên, đánh bắt cạn kiệt nguồn tài nguyên thủy sản, hay
là cuộc chiến giành nguồn nước ngọt của những quốc gia trên dòng chảy, vì mưu đồ
chính trị… để lại nhiều hệ lụy: “Con cò ấp nỗi buồn trên ngọn cây thành phố/Em
bỏ tôi đi/Như bỏ lại con đò trên dòng sông cạn nước… Mê Kông! Mê Kông! Mê
Kông!.../Tiếng gọi quẫy đạp nơi cuối nguồn như cá mắc cạn./Bờ môi đất đai nứt nẻ/
Giọt sữa kiệt dần trong bầu vú Mê Kông.” (MêKông). Sự tàn phá môi sinh mà con
người là thủ phạm, nếu không biết tự thức tỉnh sẽ phải gánh chịu kết quả như
hình ảnh nhãn tiền, tiên liệu: ”Người nông dân gặt lúa chạy lũ, hì hụp như lũ
vịt lặn mò thức ăn trong đáy nước/… Mai này /Thêm những thành phố lùi vào lòng
biển/Như người lãng quên người/Nước vẫn nở ra từ nước/ Nước tan chảy từ băng/ Kể
luôn nước mắt con người/ Trái đất đã bao nhiêu là nước.” (Ám ảnh nước). Hai tiếng
quê nhà luôn nằm thường trực trong từng hơi thở, từng tế bào, hồng cầu anh. Sự
đổi thay quá đột ngột hoàn cảnh sống do đô thị hóa, đôi khi làm anh chưa thích ứng
kịp, sẽ trở thành nỗi ám ảnh cả trong giấc mơ: “Lửa ở đây không có khói/không bồ
hóng, tàn tro, lọ bẩn/nhưng làm cay mắt nhớ/gió ở đây làm đau hơi thở /không hào phóng tặng người
hương ổi, hương chanh./ vầng trăng đêm nay lạc lõng/Lặng lẽ đầy vơi như gái
không chồng./ mẹ ơi! Con lại nằm mơ / thấy bầy vịt chạy đồng.” (Thư gởi mẹ từ
Thành phố). Hãy cùng lắng nghe “Tiếng khóc của lá phổi “ – tiếng khóc của con
người trước môi trường bị hủy hoại, không khí ô nhiễm trầm trọng, thời tiết trở
nên khốc liệt hơn, mọi tuần hoàn thiên nhiên bị đảo lộn, cảm thấy ngột ngạt :
“Lồng ngực con người ngày càng chật chội/Không đủ chỗ cho những cơn ho/Bản hợp
đồng mặc nhiên về sự cộng sinh bị phá vỡ/Bầy chim nháo nhác bay lên/Bỏ lại những
quả trứng chưa kịp nở/Những tiếng kêu còn trong cổ họng /Mùa hoa chưa kịp đưa
hương./Lồng ngực con người như cái chảo mong manh trong cơn giận dữ của bếp lửa
thiên nhiên/Hừng hực cháy.”…
Văn Triều “làm thơ như người trồng cây/Hàng cây hắt hiu chạy dọc đời
mình” (Gởi bạn). Hành trình thơ vốn dĩ là hành trình đơn độc, là hình thái lao
động nghệ thuật nhọc nhằn, dấn thân. Nói như Vincent Vangogh “Nghệ thuật
không nước đôi. Nghệ thuật không nửa vời. Nghệ thuật không san sẻ. Hoặc bạn là
nghệ sĩ, hoặc không. Đã làm nghệ thuật thì đừng tham vọng gì khác. Đã có tham vọng
khác thì thôi làm nghệ thuật”. Có lẽ quy chiếu vào nghiệp thơ Văn Triều. Anh
say mê văn chương. Anh đến với văn chương bằng một trái tim trọn vẹn, thủy
chung. Anh vốn là một nhà giáo, chuyển sang viết thơ. Trái tim anh là trái tim
của một người đầy trắc ẩn niềm ưu tư, trăn trở và trách nhiệm.
Với gia đình, anh tự ý thức mình là người quan trọng. Anh là sức mạnh,
là niềm tin để vợ con bám víu vào, không được gục ngã trong bất cứ cảnh ngộ nào.
“Em bảo tôi là trụ cột gia đình/Bão cuộc đời nổi lên từ muôn phía/Đêm đêm/Tôi nằm
nghe con mọt thời gian gặm ruỗng đời mình/Mà không dám ngã…(Cột). Đôi khi nghe
lời tâm sự của anh thấy chất chứa bao thủy chung, nặng nợ với người vợ của
mình. Linh cảm, dự liệu đến trong nước mắt: ”Mai này/ Con thuyền thời gian mang
anh đi/ Nước mắt người thân làm dòng sông đưa tiễn/ Anh gầy khô queo quắt/ Ai
đó hãy cố vắt giùm anh một giọt máu đầy/ Đủ viết tặng đời hai chữ yêu thương”
(Thơ tình tặng vợ). Trong “Cỏ” là một trái tim nhân ái, vị tha: “Ta lấy tuổi
mình đo thời gian vô tận/Cỏ lấy chân ta mà đếm đau thương/…Nếu còn cho nhau được
gì / Em hãy cho đi!/ Lỡ mai không còn nữa…/ Lỡ mai không cần nữa…/ Em ơi!”… Trái
tim nhà thơ như sợi đàn. Nhà thơ dễ rung lên những cung bậc cảm xúc mà người
nông nổi thường ít nhận ra. Chỉ một chút thay đổi cũng làm anh bật ra tiếng
lòng của người cha sắp đón nhận cái cô đơn khi con gái trưởng thành, nên bề gia
thất: “Một hôm/mẹ thay cho con bằng đôi guốc mới/lớn hơn/cha thẩn thờ nhận ra/
một ngày nào đó về nhìn bậu cửa trống không/ cha như lạc giữa nhà mình.” (Viết
tặng con gái). Anh viết về người nông dân thật thà, chân chất, “Anh tôi” là bài
thơ giàu lòng thương yêu con cái: “Đêm làm lễ xuất giá/Cầm ly rựơu con gái dâng
trên tay/Anh giấu giọt nước mắt người cha lăn vội trên gò má rám nắng như miếng
ruộng cằn khô/ Ai cũng thấy / Nhưng đâu phải chàng rể nào cũng hiểu được.”
Và cuối cùng vần thơ viết về gia đình, là hình ảnh người mẹ vụt hiện lên
đầy màu sắc với những cung bậc cảm xúc khác nhau. “Mẹ cứ đánh con đau/ để đời
con bớt những đòn người/… mẹ cứ rơi nước mắt/ Làm chỉ xỏ kim trước thềm xuân
năm cũ/Dẫu có bạc màu nhưng áo vẫn thơm/Và mẹ cứ vào ra quét dọn/ để con được gọn
gàng hơn cả khi mẹ không còn. (Nhớ mẹ). Khi không còn mẹ trên đời: “Từng hồi trống
làm hồn con thất lạc/Lời kinh chầm chậm/Chảy mòn đêm/… Mẹ nằm lại giữa bốn bề
lau trắng/lo toan trả hết về trời/Chiều nay không còn mẹ/ con thành đứa trẻ/lạc
trong cõi người “ (Mẹ)
Hình ảnh người mẹ cao lớn, vững chãi đi vào lịch sử dân tộc. Đó là mẹ Suốt:
”Mẹ chèo đò đưa Tổ quốc sang sông/đò cập bến hòa bình/nhưng mẹ đâu còn nữa/mẹ
đã thành đất nước mênh mông!” (Nhớ mẹ Suốt). Đọc “Mẹ tôi” như một sự tố cáo chiến
tranh, cuộc chiến tàn sát nhân loại vô nhân đạo của các Đế chế, cỗ máy chiến tranh: Mẹ tôi ngồi bên bờ Cổ Chiên/ Tẳn mẳn kỳ cọ từng lóng xương thấm đất/ Như đang
tắm cho em ngày thơ dại/… Chợt thấy mẹ tôi dại khờ như đứa trẻ/ Đứa trẻ xếp
hình bằng que tre/ Nhưng mẹ tôi xếp hình bằng những lóng xương.” Hoặc khi viết
về 64 anh em chiến sĩ hy sinh trận Gạc Ma, hình tượng người lính sáng ngời dưới
lá cờ Tổ quốc, trong bão đạn tựa khi Lê Anh Xuân viết “Dáng đứng Việt Nam”: ”Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng”. Hãy nhìn tượng đài nghệ thuật: ”Những chàng
trai đan thành vòng tròn/Ôm Tổ quốc như quả tim trong lòng ngực/… Những viên đạn
Gạc Ma/ Bay theo thời gian- xuyên qua thời gian- cắm vào chúng tôi/ Bây giờ các
anh mới ngã/Anh nằm lại Gạc Ma/Như nằm trên thềm cửa nhà mình/ Nơi có bài ca cồn
cào của sóng và tiếng ru ngàn đời của gió”. Khi chiến trường đã yên tiếng súng,
các người con của mẹ mãi hóa thân vào sóng biển rì rào, làm nên cột mốc chủ quyền:
” Mẹ xốc chiếc rổ lịch sử/ Rổn rảng máu xương con mình trong đó.” (Viên đạn biển).
Chiến tranh bây giờ thuộc về dĩ vãng. Anh luôn nặng nợ với quê hương. Mỗi
nơi anh qua, đều kịp ghi lại những cảm xúc chân thành. “Anh nhổ giùm tôi cây
đinh trên hộp sọ/ Chúng rỉ sét lâu rồi/ sắp lại ngay ngắn những cây răng vào mảnh
xương hàm đã vỡ”. (Trước nhà lao Cây Dừa). Hay khi “Qua cầu Hiền Lương” là nỗi
đau quặn lòng như ngàn mũi tên găm vào da thịt. Trước nỗi đau dân tộc, con người
dường như “Không còn lệ để rơi hay nắng gió Bình Trị Thiên lau mắt họ khô rồi!”. “Thăm cung đình Huế” anh cũng hoài niệm về một thời vàng son tráng lệ mà cũng
lắm lời oán thán mà dân gian truyền lại trong câu ca dao “ Vạn niên là vạn niên
nào/ Thành xây xương lính hào đào máu dân” . Anh cảm xúc: “Hình như đêm qua có
mưa nên tường rêu ẩm ướt/ Hay giọt mồ hôi trộn vữa xây thành thấm đẫm mấy trăm
năm?”
Đứng “Trước đền thờ Ngô Quyền” là hình ảnh giản dị, hồn cốt dân tộc :”Ông
nằm trong lăng mộ/ Xây bằng tấc lòng dân tộc/ Đầu vận khăn mây, chân mang sóng
Bạch Đằng/Gươm mài lên đá tảng thời gian/… Cọc gỗ người xưa/ Lòng yêu nước ngàn
năm không mọt mối.” Với “Nha Trang”“Ai xếp những viên gạch Tháp Bà thành dung
nhan của ngàn năm trước/…Ponagar phồn thực/ Ngực căng tròn thách thức thời gian”.
Sẽ là thiếu sót rất lớn khi không nhắc đến bài ” Nói với Mỵ Châu”. Theo
tôi, bài thơ này tác giả gửi gắm bao tâm sự vào đây. Trong đó không những có luận
tội:” Cái nhìn đầu tiên của hắn/Con nhện giăng tơ nơi góc nhà rụng rời bỏ chạy/Cây
nỏ thần ướt đẫm mồ hôi/Suy nghĩ đầu tiên của hắn trong đêm động phòng/Lồ lộ mầm
phản bội/…Mỵ Châu ơi!/Giá ngày xưa nàng đừng lấy hắn /Và cha không làm sui
phương Bắc/Quyển sách trên tay ta sẽ bớt đi vài
trang đẫm máu/… mà còn là sự cảnh tỉnh với mọi chúng ta trước những thế
lực thù địch luôn ngày đêm rình rập, tìm cách đảo chính nền độc lập chủ quyền
dân tộc. Thù trong còn đáng sợ hơn giặc ngoài: ” Nàng vẫn còn lang thang trong
truyền thuyết/Và hắn vẫn còn rón rén quanh đây.”
Từng con chữ anh cứ “đẻ” ra như
thế, cứ thủ thỉ vào lòng người đọc. Nó ám ảnh bất kì ai đọc phải tập thơ này với
bút pháp mang đậm dấu ấn riêng, phảng phất phong vị miền Tây Nam Bộ. Thơ anh chạy
đến chân tường của sự chân thành và thổn thức. Thơ Văn Triều không váy xòe váy đụp, mộc mạc như chính con
người đồng bằng của anh! Nhà văn Lê Đạt nói “Chữ bầu nên nhà thơ”. Văn Triều
là nhà thơ có “chữ” như thế. Tôi tin anh sẽ
còn mang lại cho độc giả yêu thơ những thi phẩm hay hơn nữa trong thời
gian gần nhất!
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét